Kinh nghiệm của VKSND tỉnh Ninh Bình trong việc nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm dân sự ngang cấp

Ngày đăng : 14:24, 13/12/2020

(Kiemsat.vn) - Kháng nghị phúc thẩm dân sự ngang cấp được xác định là khâu công tác đột phá của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Ninh Bình năm 2020. Từ thực tiễn kiểm sát bản án, quyết định, đơn vị đã rút ra những kinh nghiệm trong phát hiện vi phạm, từ đó đề xuất giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm dân sự ngang cấp.

Nguyên nhân bản án, quyết định sơ thẩm bị cấp phúc thẩm sửa, hủy

Năm 2020, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Ninh Bình đã quan tâm, chỉ đạo xác định các nội dung trọng tâm của công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Chất lượng kháng nghị phúc thẩm của một số Viện kiểm sát đã được nâng lên rõ rệt, tổng số kháng nghị của hai cấp hàng năm trong lĩnh vực này được tăng lên (năm 2018 kháng nghị 03 vụ; năm 2019 kháng nghị 09 vụ; 6 tháng đầu năm 2020 kháng nghị 09 vụ, được Tòa chấp nhận 9/9 vụ đạt tỉ lệ 100%).

Từ thực tiễn kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, đặc biệt từ kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, VKSND tỉnh Ninh Bình đã tổng hợp những vi phạm về tố tụng của Tòa án sơ thẩm bị kháng nghị chủ yếu là: Tòa án thụ lý vụ án không đúng thẩm quyền (không phân định rõ thẩm quyền giữa Tòa cấp tỉnh và cấp huyện hoặc tranh chấp đã yêu cầu Ủy ban nhân dân giải quyết nhưng Tòa án vẫn thụ lý); không đưa đầy đủ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng; xác định thiếu quan hệ pháp luật tranh chấp; thu thập, đánh giá tài liệu, chứng cứ không đầy đủ, không khách quan; giải quyết không hết yêu cầu khởi kiện của đương sự; thụ lý khi đương sự chưa có đủ điều kiện khởi kiện; chỉ căn cứ vào tài liệu photo mà không đối chiếu với tài liệu gốc để giải quyết vụ án; tính sai án phí...

Bên cạnh những vi phạm về tố tụng, nhiều bản án, quyết định sơ thẩm bị hủy, sửa do vi phạm về nội dung. Đối với loại án hôn nhân - gia đình, một số Tòa án sơ thẩm tính toán sai về công sức đóng góp của các bên khi chia tài sản ly hôn, xác định tài sản chung không đúng hoặc phần quyết định trong bản án không rõ ràng nên không thi hành án được. Trong vụ án chia thừa kế, việc xác định sai di sản, tính hợp pháp của di chúc hoặc xác minh sai nguồn gốc di sản; xác định không đúng ranh giới tứ cận thửa đất di sản là những nguyên nhân làm cho bản án bị kháng nghị; trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng vay tài sản, quyền sử dụng đất, thường sai sót trong áp dụng pháp luật về tuyên hợp đồng vô hiệu, giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu, công nhận hợp đồng chuyển nhượng khi việc giao kết hợp đồng có vi phạm...

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những sai sót trên, trong đó phần lớn là do hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác này có rất nhiều và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung; một số quy định chưa có văn bản hướng dẫn, dẫn tới nhận thức và vận dụng chưa thống nhất. Trong khi đó, pháp luật tố tụng dân sự chưa có cơ chế bảo đảm cho Viện kiểm sát phát huy tối đa các quyền năng hiến định, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Viện kiểm sát không được tiếp cận tài liệu, hồ sơ vụ án ngay từ giai đoạn chuẩn bị xét xử; việc kháng nghị chủ yếu dựa vào công tác kiểm sát bản án, quyết định. Có trường hợp, Tòa án vi phạm thời hạn gửi bản án, quyết định, nên khi Viện kiểm sát nhận được thì đã hết thời hạn kháng nghị phúc thẩm; có trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có dấu hiệu vi phạm, yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án nhưng Tòa án không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ. Ngoài ra, công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự chưa thực sự được coi trọng và đầu tư các nguồn lực, nhất là đối với các đơn vị cấp huyện. Một số Kiểm sát viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, thiếu sự chủ động, chậm đổi mới trong tích lũy kinh nghiệm, chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ để tham mưu cho lãnh đạo.    

Kinh nghiệm phát hiện vi phạm trong bản án, quyết định dân sự

Kháng nghị phúc thẩm là quyền năng pháp lý được nhà nước giao cho VKSND để yêu cầu xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm đối với những bản án, quyết định dân sự sơ thẩm chưa có hiệu lực nhằm bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời. Do đó, nâng cao chất lượng kháng nghị cũng chính là góp phần quan trọng khẳng định vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân trong hệ thống các cơ quan tư pháp nói chung và tăng cường vai trò của Viện kiểm sát trong giải quyết các vụ việc dân sự nói riêng.

Để nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm nhằm giảm tỷ lệ bản án, quyết định do Tòa án cấp trên hủy có trách nhiệm của Viện kiểm sát. Lãnh đạo VKSND tỉnh Ninh Bình luôn tạo điều kiện thuận lợi cho Kiểm sát viên trong công tác chuyên môn, chú trọng, quan tâm và chỉ đạo công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự. Đồng thời, các Kiểm sát viên thường xuyên kịp thời nắm bắt và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Qua đó, công tác kháng nghị theo trình tự phúc thẩm của VKSND tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực và rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, quán triệt các chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao kết hợp với các chỉ đạo cụ thể của Viện trưởng VKSND tỉnh đến từng VKSND cấp huyện. Cụ thể là: Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm án dân sự, hành chính; Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 22/3/2018 về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự và hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản và những việc khác theo quy định của pháp luật...

Thứ hai, VKSND tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu Kiểm sát viên đọc kỹ các mẫu biểu, xem xét hình thức, nội dung các bản án, quyết định, đối chiếu với các quy định của pháp luật để phát hiện sai sót, vi phạm. Khi Tòa án nhân dân cấp huyện chuyển bản án, quyết định thì Kiểm sát viên, lãnh đạo VKSND cấp huyện kiểm sát trước và phải có ý kiến đề xuất về bản án, quyết định đó có đúng quy định của pháp luật không. Viện kiểm sát nhân dân cấp trên yêu cầu VKSND cấp dưới gửi hồ sơ kiểm sát bản photo, bao gồm cả bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, để VKSND cấp trên xem xét, hướng dẫn VKSND cấp dưới kháng nghị trong thời hạn 15 ngày theo luật định. Nếu phát hiện có vi phạm, còn thời hạn kháng nghị thì chuyển lại cho VKSND cấp huyện để kháng nghị ngang cấp; nếu hết thời hạn kháng nghị thì VKSND cấp tỉnh trực tiếp kháng nghị.

Đối với những vụ án phức tạp thì VKSND cấp huyện tranh thủ ý kiến của VKSND cấp tỉnh trong giải quyết vụ án trước khi xét xử. Trong quá trình xét xử nếu quan điểm của Tòa án khác với quan điểm của Viện kiểm sát và có vi phạm thì VKSND cấp huyện thông báo, chuyển hồ sơ kiểm sát cho VKSND tỉnh xem xét. Nếu đủ căn cứ thì VKSND tỉnh hướng dẫn và yêu cầu VKSND cấp huyện kháng nghị.

Thứ ba, tăng cường trao đổi giữa VKSND hai cấp để nắm bắt thông tin về vụ án ngay từ đầu và VKSND cấp trên thường xuyên ban hành thông báo rút kinh nghiệm, xây dựng chuyên đề hướng dẫn VKSND cấp dưới đối với từng quan hệ pháp luật dân sự cụ thể. Đặc biệt là những quan hệ liên quan đến đất đai như tranh chấp quyền sử dụng đất, đòi nhà đất, tranh chấp hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất, thừa kế quyền sử dụng đất…, hoặc các tranh chấp về hôn nhân - gia đình như chia tài sản khi ly hôn, giành quyền nuôi con, tranh chấp về nghĩa vụ cấp dưỡng (năm 2019 ban hành 08 thông báo rút kinh nghiệm; 8 tháng đầu năm 2020 ban hành 09 thông báo rút kinh nghiệm). Qua đó, VKSND hai cấp nhận diện vi phạm để kháng nghị kịp thời, bởi các loại tranh chấp này chiếm tỉ lệ cao trên tổng số vụ việc dân sự trong địa bàn tỉnh và thường bị sửa, hủy.

Thứ tư, VKSND cấp tỉnh gửi các bản án bị hủy, sửa các thông báo rút kinh nghiệm của cấp trên hoặc các vụ việc bị kháng nghị cho VKSND cấp huyện để Kiểm sát viên hai cấp thường xuyên nghiên cứu các dạng vi phạm.

Thứ năm, VKSND tỉnh đã bước đầu xây dựng hệ thống phần mềm số hóa hồ sơ kiểm sát. Đây là việc làm thiết thực, phù hợp với nhu cầu quản lý, khai thác, sử dụng hồ sơ và chứng cứ trong tình hình mới. Từ đó, việc lưu trữ, truy xuất, tìm kiếm dữ liệu trở nên rất dễ dàng, rút ngắn thời gian, việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giữa cấp dưới và cấp trên khi thỉnh thị nghiệp vụ hoặc cung cấp cho đương sự thuận tiện hơn. Công tác báo cáo, phối hợp và chỉ đạo đường lối kháng nghị phúc thẩm cũng vì vậy được nâng cao về chất lượng.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kháng nghị phúc thẩm ngang cấp

Kháng nghị của Viện kiểm sát cần sự tập trung nghiên cứu của bộ phận tham mưu và sự quyết đoán chỉ đạo của tập thể Lãnh đạo Viện. Kháng nghị sẽ không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận nếu không có tính thuyết phục. Vì vậy, để nâng cao chất lượng kháng nghị ngang cấp, Viện kiểm sát cần tiếp tục triển khai các giải pháp sau:

Một là, khi kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, Kiểm sát viên cần nghiên cứu cả luật nội dung và luật hình thức, luật chung và luật chuyên ngành để áp dụng nhằm phát hiện vi phạm trong bản án, quyết định. Kiểm sát viên cần nắm vững quy định liên quan đến tình tiết vụ việc, tìm các quy định điều chỉnh trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật đất đai, Luật hôn nhân và gia đình, Luật các tổ chức tín dụng, Luật tương trợ tư pháp, các hiệp định và công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, các thông tư liên tịch, các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, các án lệ… Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến các văn bản của Quốc hội, của Chính phủ về chính sách cải tạo đất đai qua các thời kỳ, các điều luật chuyển tiếp của các bộ luật, luật; hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước, của Hội đồng Thẩm phán về lãi suất... để phát hiện vi phạm trong bản án, quyết định dân sự.

Hai là, tích cực, chủ động phối hợp với Tòa án để tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Thông qua công tác xét xử phúc thẩm, VKSND tỉnh kịp thời thông báo rút kinh nghiệm và hướng dẫn nghiệp vụ cho Viện kiểm sát các huyện.

Ba là, tham gia 100% các phiên tòa, phiên họp thuộc trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia theo quy định của pháp luật và nâng cao chất lượng bài phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp để hiểu sâu, nắm chắc toàn bộ quá trình giải quyết vụ án của Tòa án trước khi ra bản án; có ý nghĩa nhiều mặt trong việc xác định và làm rõ những vấn đề cơ bản của một vụ án dân sự.

Bốn là, cần sớm triển khai phần mềm quản lý văn bản hoặc phần mềm chuyên dùng khác trong toàn ngành để thực hiện việc chuyển bản án, quyết định giữa VKSND cấp huyện, VKSND cấp tỉnh qua internet, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời. Cụ thể, cần cài đặt, triển khai việc gửi bản án, quyết định và phiếu kiểm sát từ Viện kiểm sát cấp huyện lên Viện kiểm sát tỉnh qua phần mềm quản lý văn bản; đảm bảo sau khi lập phiếu kiểm sát, bản án, quyết định từ Viện kiểm sát cấp huyện được quét, chuyển lên Viện kiểm sát cấp tỉnh. Như vậy, Viện kiểm sát cấp trên có nhiều thời gian kiểm sát, thực hiện quyền yêu cầu chuyển hồ sơ, xem xét việc kháng nghị.

Năm là, chú trọng kiểm sát hoạt động tố tụng tại phiên tòa. Thực tế xét xử thời gian qua cho thấy, tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên thường chú trọng tham gia hỏi về nội dung mà không hỏi về tố tụng, trong khi phần lớn các vụ án bị cấp phúc thẩm hủy là về tố tụng. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần chủ động xử lý những tình huống mới phát sinh để đưa ra quan điểm cho phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án và quy định của pháp luật; bổ sung những tình huống phát sinh tại phiên tòa vào dự thảo bài phát biểu; chú ý lắng nghe, kiểm sát chặt chẽ việc tuyên án của Hội đồng xét xử, qua đó nhận định, đánh giá có đối chiếu với quan điểm của Viện kiểm sát về giải quyết vụ án

Hồng Hải - Hạnh Thảo (TCKS số 20-2020)