Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 07 Luật vừa được Quốc hội thông qua
Ngày đăng : 17:51, 11/12/2020
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước |
07 Luật gồm: Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật biên phòng Việt Nam; Luật bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý, vi phạm hành chính (cùng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật thỏa thuận quốc tế; Luật cư trú 2020 (cùng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021).
Toàn cảnh buổi họp báo |
Trước đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính được các đại biểu Quốc hội và đông đảo nhân dân rất quan tâm, do lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước khác nhau và có sự tác động lớn đến các quan hệ xã hội.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính được ban hành nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều, sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 04 điều, bãi bỏ 03 điều của Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) hiện hành với những điểm mới cơ bản sau đây:
Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng: Quy định tăng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như: Giao thông đường bộ, phòng, chống tệ nạn xã hội, cơ yếu, giáo dục, báo chí, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như: Tín ngưỡng, đối ngoại, an ninh mạng, kiểm toán nhà nước…và sửa đổi tên của một số lĩnh vực.
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Luật đã sửa đổi, bổ sung tên gọi, bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xuất phát từ việc một số cơ quan, đơn vị được sắp xếp lại tổ chức bộ máy; bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc các cơ quan như: Kiểm ngư (Điều 43a); Ủy ban cạnh tranh quốc gia (Điều 45a); Kiểm toán nhà nước (Điều 48a)…; đồng thời, chỉnh lý quy định về thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thủ tục xử phạt để đảm bảo tính cụ thể, rõ ràng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật thời gian qua như: Tăng thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; mở rộng lĩnh vực được sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung các quy định về lập biên bản vi phạm hành chính theo hướng nguyên tắc “phải kịp thời lập biên bản”; bổ sung quy định tổ chức cũng được hoãn, giảm, miễn tiền phạt để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp khi gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.
Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại các điều 90, 92, 94 và 96, các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng tại các điều 98, 99, 101,103 Luật XLVPHC đã được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Hình sự; quy định về độ tuổi, số lần vi phạm bị xử phạt hành chính… bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính khả thi. Trong đó, quy định cụ thể các hành vi vi phạm là điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương; bổ sung quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương đối với người sử dụng trái phép chất ma túy; bỏ quy định về việc đối tượng phải “02 lần trong 06 tháng” thực hiện hành vi vi phạm là điều kiện áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc…
Ngoài những nội dung nêu trên, Luật cũng đã bổ sung quy định về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; bổ sung biện pháp thay thể xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính; bãi bỏ quy định về báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 06 tháng nhằm giảm bớt thủ tục và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện việc thống kê, tổng hợp báo cáo./.