Kỳ 2: Bức thư tình oan nghiệt
Ngày đăng : 15:55, 11/12/2020
Dư luận báo chí đưa tin nhiều về vụ án |
Những vi phạm trong quá trình điều tra
Về báo chí. Vụ 3 đã nghiên cứu tổng hợp mười ba tờ báo phản ảnh về vụ án. Sau khi vụ án được xét xử sơ thẩm, nhất là phúc thẩm thì dư luận báo chí đưa tin nhiều về vụ án. Trong đó, có tờ báo thì đồng tình, có tờ báo thì phản đối, có báo thì bình luận không đúng với thực tế.
Về ý kiến luật sư: Vụ 3 đã trực tiếp gặp ba luật sư Trần Vũ Hải và Phạm Hồng Hải. Các luật sư cho rằng, các bị cáo bị bức cung, nhục hình, tạo chứng cứ giả, vi phạm tố tụng nghiêm trọng, làm sai lệch hồ sơ vụ án...
Quan điểm của Vụ 3:
Về chứng cứ buộc tội: Căn cứ lời khai của Nén, Vân, Lâm mặc dù có mâu thuẫn nhưng có sự kiện: Có việc tổ chức đi đánh ghen, có sự kiện bà Mỹ chết, mô tả được hành vi của từng người tương đối phù hợp với thương tích của nạn nhân, có việc Nén vẽ sơ đồ nơi chôn dao sau khi phạm tội. Cơ quan điều tra đã đào và thu được vật là sắt, có hình dáng là dao phay.
Về chứng cứ gỡ tội: Trong quá trình điều tra có những thiếu sót nên có ý kiến vẫn còn phân vân có phải tử thi là bà Mỹ không? Sáng và Mỹ có quan hệ bất chính hay không? Vấn đề này chưa được làm rõ, động cơ là bức thư tình nhưng không thu được. Bởi vậy, động cơ phạm tội chưa rõ ràng.
Trong quá trình điều tra không có biểu hiện bức cung như các bị cáo khiếu nại vì có nhiều người cùng tham gia hỏi.
Do vậy, mặc dù chứng cứ kết tội có yếu nhưng không thể điều tra làm thêm gì được nữa vì vụ án xảy ra đã quá lâu. Với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án thấy việc điều tra, truy tố và xét xử các bị cáo là có căn cứ, đề nghị phúc thẩm y án sơ thẩm.
Sau khi Vụ 3 báo cáo, tôi thấy quan điểm giữa Vụ 3 và Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm 3 tương đối thống nhất. Nếu như vậy, vụ án sẽ kéo dài chưa biết lúc nào chấm dứt. Từ suy nghĩ trên, tôi nhìn mọi người:
Trước hết hoan nghênh Vụ 3 đã hoàn thành khối lượng công việc trong thời gian rất gấp. Về quan điểm của Vụ 3 và Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm tương đối thống nhất: Mặc dù còn một số thiếu sót về thu thập và đánh giá chứng cứ nhưng án sơ thẩm tuyên các bị cáo về tội phạm và hình phạt là không oan nên đề nghị phúc thẩm sắp tới tuyên y án sơ thẩm. Qua nghiên cứu các nguồn thông tin và hôm nay nghe Vụ 3 báo cáo, tôi thấy còn nhiều băn khoăn:
Về chứng cứ: Vụ án này chủ yếu dựa vào ba lời khai của các bị cáo Nén, Lâm và Vân. Tuy nhiên, lời khai nhận tội của từng bị cáo cũng mâu thuẫn với bản thân và mâu thuẫn với hiện trường, hung khí gây án. Các bị cáo lúc đầu không nhận, sau nhận tội và trong mỗi lần xét xử thì lúc nhận lúc không, lúc khai thế này, lúc khai thế khác. Lời khai của các bị cáo cũng mâu thuẫn với nhau như: Về bức thư tình Mỹ gửi Sáng; về hành vi giết chị Mỹ; về hung khí; về hiện trường; về tang vật… Trong lúc đó công tác điều tra không thu được bất cứ tài liệu, chứng cứ vật chất nào để chứng minh như: Hung khí gây án (dao, gậy); lá thư không có; một số vật chứng lại để mất như tóc, dao (thu về sau), nữ trang; vết thương (trên mặt bà Mỹ) không phù hợp với dao mà Nén và Lâm khai. Đó là chưa nói đến những vi phạm trong điều tra, thu thập chứng cứ: Để mất tang vật (tóc, nữ trang, dép), các bị can thông cung với nhau; biên bản thu giữ vật chứng không được lập theo đúng quy định (như thu dao mà không có chữ kỹ của Nén)…
Về chứng cứ: Vụ án này chủ yếu dựa vào ba lời khai của các bị cáo Nén, Lâm và Vân. Tuy nhiên, lời khai nhận tội của từng bị cáo cũng mâu thuẫn với bản thân và mâu thuẫn với hiện trường, hung khí gây án. Các bị cáo lúc đầu không nhận, sau nhận tội và trong mỗi lần xét xử thì lúc nhận lúc không, lúc khai thế này, lúc khai thế khác. Lời khai của các bị cáo cũng mâu thuẫn với nhau như: Về bức thư tình Mỹ gửi Sáng; về hành vi giết chị Mỹ; về hung khí; về hiện trường; về tang vật… Trong lúc đó công tác điều tra không thu được bất cứ tài liệu, chứng cứ vật chất nào để chứng minh như: Hung khí gây án (dao, gậy); lá thư không có; một số vật chứng lại để mất như tóc, dao (thu về sau), nữ trang; vết thương (trên mặt bà Mỹ) không phù hợp với dao mà Nén và Lâm khai. Đó là chưa nói đến những vi phạm trong điều tra, thu thập chứng cứ: Để mất tang vật (tóc, nữ trang, dép), các bị can thông cung với nhau; biên bản thu giữ vật chứng không được lập theo đúng quy định (như thu dao mà không có chữ kỹ của Nén)…
Hiện nay các bị cáo vẫn kêu oan, dư luận báo chí, luật sư không đồng tình với bản án sơ thẩm. Thậm chí Luật sư đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự cán bộ điều tra về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án…Vì vậy, quan điểm của Vụ 3 là đủ căn cứ đề nghị y án sơ thẩm thì tôi không yên tâm. Tôi nhìn mọi người, nhấp ngụm nước, lấy giọng:
Tôi hỏi các đồng chí, nếu tại phiên tòa phúc thẩm sắp tới, Tòa quyết định y án thì chắc chắn vụ án này sẽ bị khiếu nại, báo chí lên tiếng. Như vậy không tránh khỏi việc giám sát, kiểm tra của cấp trên. Do vậy, đề nghị các đồng chí tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn giải pháp phù hợp. Tôi nói đến đây thì đồng chí Hạo xin phát biểu tiếp:
Qua thảo luận, tập thể Vụ 3 thống nhất có căn cứ đề nghị tuyên y án sơ thẩm như vừa báo cáo trên đây. Tuy nhiên, khi thảo luận, riêng cá nhân tôi cho rằng, vì vụ án này chứng cứ rất yếu nên tôi đề nghị tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Ý kiến này chỉ là thiểu số cá nhân tôi. Hôm nay tôi xin báo cáo lãnh đạo Viện về ý kiến này. Nghe đồng chí Hạo phát biểu, tôi nghĩ, đây là ý kiến thiểu số nhưng rất đáng suy ngẫm:
Về ý kiến đồng chí Hạo nêu, chúng ta cần suy nghĩ thêm. Trong phiên tòa phúc thẩm lần trước, mặc dù Viện đề nghị y án sơ thẩm nhưng Tòa vẫn quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Nếu lần này, Viện đề nghị hủy án như đồng chí Hạo nêu và Tòa tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại thì thủ tục tố tụng tiếp tục như thế nào? Nếu tiếp tục giao vụ án cho cấp sơ thẩm Bình Thuận thực hiện thì rất có khả năng lặp lại như trước đây. Vụ án chưa biết lúc nào chấm dứt tố tụng được. Các bị cáo vẫn tiếp tục bị giam theo vòng quay tố tụng. Tôi nghĩ, dù chọn phương án nào cũng luôn nghĩ các bị cáo tạm giam đến bao giờ và nếu cuối cùng họ được tuyên không tội thì trách nhiệm chúng ta sẽ ra sao? Đồng chí Công nhìn tôi:
Ý kiến của lãnh đạo Viện đặt ra anh em chưa nghĩ tới. Chúng tôi tiếp tục suy nghĩ để báo cáo lãnh đạo Viện. Tôi gật đầu:
Đây là vụ án phức tạp và nghiêm trọng đang đặt lên vai Viện kiểm sát. Cho nên đề nghị các đồng chí tiếp tục suy nghĩ sâu hơn nữa để tham mưu giúp lãnh đạo Viện tìm phương án giải quyết dứt điểm. Tôi gợi một số ý để các đồng chí tiếp tục nghiên cứu. Để giải quyết rốt ráo vụ án này, nếu chỉ ngành Kiểm sát thì không thể giải quyết được mà cần phải có sự đồng tâm hiệp lực của các cơ quan tư pháp Trung ương với tinh thần phải giải quyết chính xác, dứt điểm, không được để kéo dài!...
Sáng hôm sau, tôi đang chuẩn bị lên báo cáo Viện trưởng thì Viện trưởng lại chủ động vào phòng tôi. Tôi biết Viện trưởng cũng đang suy nghĩ rất nhiều về vụ án này. Tôi rót nước mời Viện trưởng. Chờ Viện trưởng nhấp ngụm nước, tôi thong thả:
Báo cáo Viện trưởng. Cả ngày hôm qua, tôi đã nghe Vụ 3 báo cáo vụ án vườn điều ở Bình Thuận. Sáng nay định lên báo cáo Viện trưởng… Tôi đang nói thì Viện trưởng nhìn đồng hồ:
Chốc nữa tôi có việc. Bây giờ ta uống nước và có gì trao đổi nhé. Vụ 3 đi về chắc kết quả tốt chứ? Thấy Viện trưởng đang bận nên tôi chỉ báo cáo đoạn kết luận của tôi với Vụ 3. Nghe xong, Viện trưởng gật đầu và dặn tôi:
Như vậy về cơ bản Vụ 3 và Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm đồng quan điểm là đủ chứng cứ kết tội. Như tôi trao đổi với đồng chí, lần này cấp Trung ương giải quyết thì phải quán triệt tinh thần chính xác, dứt điểm, không được để kéo dài! Tuần tới họp Uỷ ban Kiểm sát về vụ án này, đồng chí cứ nêu phương án như anh em mình đã bàn nhé!...
Khi Viện trưởng ra khỏi phòng, tôi cảm thấy khoan khoái và thầm cảm ơn Viện trưởng đã ủng hộ phương án của mình đưa ra.
Sáng ngày 27 tháng 11 năm 2004, Uỷ ban Kiểm sát họp dưới sự chủ trì của đồng chí Viện trưởng Hà Mạnh Trí. Hội nghị đã nghe đồng chí Đinh Thế Trạc, Viện trưởng Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo. Mặc dù còn một số tồn tại nhưng theo Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm, qua xác minh, bổ sung chứng cứ, khẳng định có đủ căn cứ kết tội các bị cáo và bác đơn chống án. Đại diện Vụ 3 nêu hai quan điểm: Thứ nhất đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm; Thứ hai là đề nghị hủy án điều tra lại. Mặc dù có một số thành viên Uỷ ban Kiểm sát còn băn khoăn về chứng cứ kết tội nhưng cơ bản nhất trí với đề xuất của Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm. Trước khi phát biểu, tôi nhớ lại câu nói Viện trưởng khi vào họp: Đồng chí cần phát biểu ý kiến đề xuất như đã bàn. Tôi tập trung đi sâu phân tích các phương án.
Qua thảo luận, đa số ý kiến cho rằng có đủ căn cứ bác đơn kháng cáo và tuyên các bị cáo phạm tội như án sơ thẩm đã tuyên. Tôi có suy nghĩ, nếu vậy thì chắc chắn báo chí, Luật sư sẽ tiếp tục vào cuộc. Vụ án sẽ phải được kiểm tra, giám sát của cấp trên và rất dễ thực hiện theo trình tự giám đốc hoặc tái thẩm như vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát một số vụ án. Mặt khác, trước đây, khi xét xử phúc thẩm, mặc dù Kiểm sát viên đề nghị bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm, nhưng Hội đồng xét xử vẫn tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại theo chín vấn đề.
Vậy câu hỏi đặt ra, nếu Hội đồng xét xử tuyên hủy án thì sao? Trong trường hợp này, thì thủ tục tố tụng lại tiếp tục từ đầu? Nghĩa là các bị cáo lại tiếp tục bị tạm giam và chưa biết khi nào vụ án mới giải quyết được. Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng đối với vụ án này với tinh thần chính xác, dứt điểm, không được để kéo dài, tôi đề nghị, phiên tòa phúc thẩm sắp tới cần hủy án để điều tra lại theo thủ tục chung. Nhưng không giao hồ sơ cho cơ quan sơ thẩm cấp tỉnh mà giao hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an giải quyết. Tôi chưa nói hết câu thì một thành viên Uỷ ban Kiểm sát, là Phó Viện trưởng, đứng dậy lắc đầu:
Tội gì phải ôm rơm nặng bụng. Nếu hủy án cứ để địa phương thực hiện, ta làm nhiệm vụ chỉ đạo mà thôi. Đừng có mà dại ôm của nợ này. Mà thực tế chúng ta chưa làm như thế này bao giờ. Phát biểu xong, đồng chí ấy ngồi xuống nhưng lại được nhiều người gật đầu. Rất may, lúc đó Viện trưởng Hà Mạnh Trí đứng dậy:
Tôi thấy đồng chí Biểu phát biểu chưa hết ý. Đề nghị chúng ta bình tĩnh theo dõi. Đồng chí Biểu tiếp tục:
Về thực tiễn thì chúng ta cũng đã có nhiều vụ án như thế này. Đó là vụ án 15 ngõ Yên Thế, Hà Nội. Đây là quan điểm của đồng chí Viện trưởng Hoàng Quốc Việt được Tòa án nhất trí. Phúc thẩm hủy án không giao cho cấp sơ thẩm Hà Nội mà giao cho Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện. Và kết quả rất tốt. Vụ án N2 Đồng Nai cũng giao cho Cơ quan điều tra Viện kiểm sát điều tra. Kết quả giải quyết đứt điểm. Cho nên, vụ án này, nếu hủy án thì giao cho Viện kiểm sát tối cao và Bộ Công an thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện phương án này, các cơ quan tư pháp Trung ương cần có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất cao. Do vậy tôi đề nghị, Vụ 3 và Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm tiếp tục phối hợp nghiên cứu, trao đổi với Tòa hình sự và Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao để tìm ra phương án tối ưu nhất. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ nghe lại và trao đổi với lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Công an để bàn bạc cho thống nhất về phương pháp tiến hành. Ví dụ, trong trường hợp Tòa phúc thẩm tuyên hủy để điều tra xét xử lại thì cần giao cho Viện kiểm sát tối cao và Bộ Công an điều tra, xử lý.
Tôi vừa nói đến đây, nhìn phòng họp thấy có người gật đầu ủng hộ. Cũng không ít người lắc đầu, phản đối. Tôi cảm thấy hơi lo, liếc nhìn Viện trưởng thấy ông đang cắm cúi ghi. Không hiểu ông sẽ kết luận như thế nào? Khi hội nghị không còn ai tham gia phát biểu ý kiến nữa, Viện trưởng đứng lên nhìn mọi người:
Trước hết thay mặt lãnh đạo Viện, biểu dương Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm và Vụ 3 trong thời gian qua đã tích cực nghiên cứu, thu thập thêm chứng cứ, để hôm nay có báo cáo đầy đủ về vụ án với Uỷ ban Kiểm sát. Qua thảo luận, đa số ý kiến của Ủy ban Kiểm sát cho rằng đủ căn cứ buộc tội và đề nghị bác kháng cáo mà tuyên các bị cáo có tội. Tôi thấy rằng, trong lúc chứng cứ kết tội vẫn còn nhiều mâu thuẫn, chưa đáng tin cậy. Hồ sơ còn nhiều tồn tại như vậy mà Viện đề nghị bác kháng nghị thì chưa chắc Hội đồng xét xử đã chấp nhận. Lần xét xử phúc thẩm vừa rồi là bài học cho chúng ta cần suy ngẫm. Hơn nữa, theo thông tin tôi nắm được, hiện nay Tòa án nhân dân tối cao cũng đang nghiên cứu hồ sơ vụ án. Do vậy, tôi đề nghị Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm và Vụ 3 tiếp tục nghiên cứu, xác minh để kết luận các vấn đề sau: Nạn nhân có phải là bà Mỹ hay không? Thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội như thế nào? Động cơ phạm tội có phải do đánh ghen mà nguyên nhân từ lá thư tình của bà Mỹ? Trong lúc đó bà Mỹ không biết chữ. Vậy ai đã viết thư cho bà Mỹ, viết lúc nào và trong hoàn cảnh nào? Xác minh cô Lan, người giam chung buồng với bà Lâm và dạy bà Lâm cách viết thư thông cung như thế nào. Cô Lan khai có lập công vì dạy chữ cho bà Lâm viết chữ. Nghe ly kỳ lắm. Lời khai nhận tội của Nén, Lâm, Vân vô cùng quan trọng nên phải đánh giá lại lời khai này. Tại sao Nén khai Lâm chém bà Mỹ bằng dao phay mà vết thương hình cung phù hợp với con dao tại hiện trường nhưng tại sao không điều tra xác minh? Trong lúc đó, con dao phay gây án đã chôn năm năm nhưng khi thu được chỉ còn lại các mảnh sắt vụn, không cán, không giấy xin măng… Nếu tại phiên tòa, ba bị cáo này phủ nhận thì căn cứ vào đâu để buộc tội. Có hành vi mớm cung, nhục hình không? Nói đến đây, Viện trưởng dừng lại nhấp ngụm nước, lấy giọng:
Giao cho Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm cùng Viện kiểm sát Bình Thuận, Vụ 3 nghiên cứu, bổ sung chứng cứ, nghiên cứu ý kiến báo chí, Luật sư để có đánh giá thật khách quan toàn diện. Đồng thời phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao để bàn giải quyết chính xác. Bảo đảm: Vụ án được giải quyết chính xác, dứt điểm, không được kéo dài như vừa qua. Tôi rất quan tâm ý kiến của đồng chí Biểu là nếu Tòa tuyên hủy thì không giao cho địa phương thực hiện như trước đây và đề xuất các cơ quan tư pháp Trung ương vào cuộc vụ án này. Tôi đề nghị phân công đồng chí Dương Thanh Biểu, chỉ đạo Vụ 3, Viện kiểm sát phúc thẩm, bàn bạc với Tòa án nhân dân tối cao, đề xuất với lãnh đạo liên ngành giải quyết! Đồng thời, Uỷ ban Kiểm sát ủy quyền cho Viện trưởng và lãnh đạo Viện phối hợp các ngành giải quyết vu án này.
Sau cuộc họp này, anh Trạc, anh Công và anh Hạo có vào phòng tôi uống nước và trao đổi tiếp. Nhìn vẻ mặt các đồng chí tôi thấy hơi căng thẳng sau khi nghe đồng chí Viện trưởng kết luận. Đồng chí Trạc nhìn tôi:
Vậy phương pháp giải quyết tới thế nào, đề nghị lãnh đạo Viện cho biết để anh em thực hiện. Tôi cười, khoát tay, chỉ xuống ghế:
Cứ bình tĩnh. Bây giờ mời các đồng chí làm chén nước cho ấm bụng đã. Công việc sắp tới thì Viện trưởng kết luận rồi. Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm phải cùng Viện kiểm sát Bình Thuận tiếp tục xác minh, thu thập thêm chứng cứ, giải quyết những mâu thuẫn trong hồ sơ để chuẩn bị xét xử phúc thẩm thật tốt. Trước khi xét xử, các anh cho tôi biết kết quả xác minh thế nào. Nói đến đây, đồng chí Trạc gật đầu. Tôi nhìn sang đồng chí Công và đồng chí Hạo:
Vụ 3 tiếp tục cùng Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm xác minh, kết luận những vấn đề mà đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kết luận. Tôi vừa điện cho đồng chí Đặng Quang Phương, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về chuẩn bị cuộc họp bàn giải quyết những tình tiết vướng mắc trước khi vụ án được xét xử phúc thẩm. Đồng chí Phương nhất trí và thống nhất họp vào cuối tháng 12. Cuộc họp do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì và sẽ tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phần, có các đơn vị nghiệp vụ của Tòa và Viện tham dự. Khi nào có giấy mời, đề nghị các đồng chí cùng dự. Ngay bây giờ, Vụ 3 chuẩn bị những ý kiến kết luận của Viện trưởng trong cuộc họp Uỷ ban Kiểm sát vừa rồi. Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm tiếp tục nghiên cứu những nội dung để chuẩn bị xét xử phúc thẩm.
Sáng 28 tháng 3 năm 2004, chúng tôi có mặt tại Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao ở Thành phố Hồ Chí Minh để dự họp với Tòa án nhân dân tối cao. Đại diện Tòa án nhân dân tối cao có đồng chí Đặng Quang Phương. Lãnh đạo Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao có đồng chí Quế và đồng chí Thanh, lãnh đạo Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có đồng chí Hòa và đồng chí Việt. Viện kiểm sát phúc thẩm có đồng chí Trạc. Vụ 3 có đồng chí Hạo, Phó Vụ trưởng và đồng chí Kim Oanh.
Trong báo cáo của mình, đồng chí Việt, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho biết: Sau khi Tòa phúc thẩm hủy án yêu cầu điều tra theo chín nội dung, thì tại phiên tòa sơ thẩm lần hai, Viện kiểm sát xin rút tội cướp, chỉ truy tố tội giết người. Các bị cáo vẫn kêu oan. Tòa tuyên các bị cáo phạm tội giết người nhưng cho giảm nhẹ hình phạt. Chín nội dung Tòa phúc thẩm yêu cầu làm rõ nhưng cấp sơ thẩm chưa làm được, như: Đây có phải xác chị Mỹ không? Tại sao có thu áo, dép, bông tai của nạn nhân nay để mất. Chiếc bông tai thu ở đâu, tại sao chỉ có một bông tai? Sao lại trả cho gia đình? Tại sao giám định không kết luận thời gian nạn nhân chết? Lời khai nhận của Nén, Lâm, Vân lúc nhận lúc không, mâu thuẫn với nhau. Về hiện trường và con dao gây án cũng có nhiều mâu thuẫn chưa được giải đáp. Kết luận giám định hung khí gây án là dao phay nhưng vết thương trên mặt nạn nhân Mỹ là hình cung? Chị Tiến có bầu chín tháng vẫn đi đánh ghen. Có đúng thực tế không? Về bức thư tình có thật không? Ai viết? Cuối cùng đồng chí Việt thấy: Chứng cứ kết tội giết người là rất yếu. Có dấu hiệu mớm cung, bức cung. Điều tra có nhiều sai sót. Đề nghị cho khai quật tử thi bà Mỹ để giám định xem có phải bà Mỹ không? Vết thương gây nạn nhân chết là thuộc loại dao nào? Phải tìm cho được tang vật (dao, hoa tai…).
Sau đó đồng chí Trạc có giải trình thêm một số nội dung và cho rằng kết tội là có căn cứ. Đồng chí Hạo Vụ 3 cũng tham gia một số ý kiến về những tài liệu có trong hồ sơ. Tôi có tham gia một số ý kiến về kết luận của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
Mặc dù có tiến hành xác minh thêm của Vụ 3 và Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm nhưng chứng cứ kết tội vẫn còn yếu. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm và Vụ 3 tập trung làm rõ những chín nội dung mà Tòa phúc đã đặt ra. Nếu kết tội được thì đảm bảo chính xác, thuyết phục. Không được để tình trạng sau khi tuyên có tội, báo chí và những người có liên quan lại khiếu nại, rồi tiếp tục các bước giám sát hoặc theo trình tự giám đốc thẩm thì rất phức tạp. Trong trường hợp nếu Tòa hủy điều tra lại thì tính toán giao cho cấp nào giải quyết bảo đảm chính xác và dứt điểm. Cá nhân tôi thấy, nếu hủy án thì nên giao hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an giải quyết thì mới dứt điểm được. Đây là vấn đề lớn, cần có thống nhất giữa các ngành và cần sự vào cuộc của Ban Nội chính Trung ương. Nghe tôi phát biểu vậy, đồng chí Phương, ưng thuận:
Tôi thấy ý kiến đồng chí Biểu cần suy nghĩ. Nếu lần này tuyên các bị cáo có tội thì chắc chắn các bị cáo, luật sư, báo chí còn lên tiếng mạnh mẽ hơn. Và lúc đó sẽ xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm là tất nhiên. Nhưng nếu hủy án điều tra lại từ đầu mà giao cho các cơ quan Bình Thuận thì lại kéo dài. Tôi nhất trí, trong trường hợp Tòa tuyên hủy án thì giao cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan Bộ Công an tiến hành điều tra. Muốn vậy, đề nghị Ban Nội chính Trung ương phải vào cuộc. Đây là công việc quan trọng, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo Ban Nội chính Trung ương. Về phần trách nhiệm của Thẩm phán và Kiểm sát viên, tiếp tục nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án. Trong chín vấn đề yêu cầu điều tra bổ sung thì đã làm được những gì, còn lại vấn đề nào chưa làm được? Những vấn đề có thể xác minh trước khi xét xử thì đề nghị Viện kiểm sát cho xác minh. Ví dụ, ai là người viết hộ Mỹ bức thư tình gửi Sáng… Trước khi xét xử, lãnh đạo sẽ nghe lần nữa để bảo đảm cẩn trọng.
Vào đầu giờ của ngày cuối năm, trời rét như cắt. Tôi vào phòng Viện trưởng, thoang thoảng mùi hoa lan nhẹ nhàng. Tôi báo cáo với đồng chí Viện trưởng Hà Mạnh Trí về kết quả cuộc họp với đồng chí Đặng Quang Phương. Tôi và Viện trưởng ngồi đối diện trên bộ ghế salông. Viện trưởng rót nước mời. Tôi đỡ ly trà thơm, nhấp ngụm nước và nhìn Viện trưởng:
Báo cáo Viện trưởng, chúng tôi vừa bay ra tối qua. Kết quả hội nghị bàn về vụ án vườn điều, chốc nữa sẽ có văn bản báo cáo Viện trưởng. Xin báo cáo vắn tắt và ý kiến đề xuất của anh em. Viện trưởng nhìn tôi, gật đầu. Nghe tôi báo cáo ý kiến của hội nghị giữa Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Viện trưởng gật đầu, nhìn ra cửa sổ xa xăm. Đoạn Viện trưởng quay lại nhìn tôi:
Tôi thấy tại hội nghị Uỷ ban Kiểm sát vừa qua, ý kiến đồng chí kiến nghị giao cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an là phù hợp. Kết quả hội nghị mà Tòa án nhân dân tối cao cũng nhất trí là điều rất tốt. Bây giờ đồng chí chỉ đạo soạn văn bản gửi đồng chí Trưởng ban Nội chính Trung ương để tôi ký về đề xuất này nhé! Tôi về phòng ngồi suy nghĩ, trình tự giải quyết án hình sự đã được pháp luật quy định rất chặt chẽ giữa quyền và nghĩa vụ của cơ quan và người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, trong thực tiễn, có nhiều vụ án phức tạp, việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng là hết sức quan trọng.
Cách đấy vài hôm, tôi có gặp đồng chí Trần Đại Hưng, Phó Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trong buổi dự hội thảo về cải cách tư pháp. Đồng chí Trần Đại Hưng thông báo là đồng chí Trưởng ban nhất trí với đề xuất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức cuộc họp giữa các cơ quan tư pháp Trung ương và địa phương bàn giải quyết vụ án này. Đề nghị các đồng chí sao gửi các văn bản cần thiết liên quan đến vụ án như các bản cáo trạng, bản án sơ thẩm và phúc thẩm… Địa chỉ họp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Còn thời gian họp cụ thể sẽ thông báo sau.
Kỳ 3: Giải oan cho ông Huỳnh Văn Nén