Hành vi của Triệu Quốc Q cấu thành tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức
Ngày đăng : 17:10, 09/12/2020
Để định tội danh đối với một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, trước hết cần xem xét toàn diện các yếu tố cấu thành tội phạm của hành vi đó có đủ để cấu thành tội phạm hay không? Nếu có thì cấu thành tội gì? Trong vụ án này, các yếu tố cần đưa ra để nghiên cứu, xem xét bao gồm:
Về khách thể của tội phạm: Việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại Điều 1 Pháp lệnh số 09/2014 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Điều 6, Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 136/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Sau đây gọi tắt là Nghị định số 221) quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong việc lập hồ sơ đề nghị và thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là: Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; hồ sơ đề nghị hoãn, miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc...
Từ các quy định của pháp luật có thể thấy, quan điểm cho rằng Triệu Quốc Q phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc theo quy định tại Điều 375 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 là chưa phù hợp. Bởi lẽ tội này là tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, trong khi hoạt động đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, do đó không thuộc khách thể mà Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc quy định.
Về chủ thể của tội phạm: Điều 8, Nghị định số 221 quy định: Khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, Công an cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm lập biên bản về hành vi sử dụng ma túy trái phép của người đó và tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Như vậy, cần xác định rằng Triệu Quốc Q là người có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc lập hồ sơ để đề nghị đưa anh Lò Văn T vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đây là yếu tố quan trọng cho việc xác định tội danh của Q.
Về mặt khách quan: Ở đây cần phân tích kỹ các vấn đề cốt lõi là hành vi khách quan và hậu quả do hành vi khách quan gây ra.
Về hành vi khách quan cần xác định, đầu tiên Q đã có các hành vi gồm: Lập khống, giả mạo tài liệu, giấy tờ, cụ thể như: Quyết định ngày 10/01/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã N thể hiện anh T đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã; Biên bản ngày 23/7/2019 của Trạm y tế xã N, huyện S chứng minh có dương tính với ma túy…
Sau khi giả mạo hồ sơ, tài liệu nêu trên, Triệu Quốc Q chuyển đến Phòng Tư pháp huyện để kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, sau đó hồ sơ được chuyển sang phòng Lao động, Thương binh - Xã hội trước khi chuyển cho Tòa án nhân dân huyện S (trình tự này được thực hiện theo quy định tại Điều 11, 12, 13 của Nghị định số 221).
Hành vi của Triệu Quốc Q đã khiến hậu quả xảy ra là anh T đã bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian 07 tháng (từ 15/1/2020 đến 15/8/2020) trái quy định, gây ảnh hưởng đến quyền nhân thân, thiệt hại về thu nhập thực tế cũng như ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của anh T.
Với hành vi khách quan như vậy, quan điểm cho rằng Q phạm tội vu khống theo quy định tại Điều 156 BLHS năm 2015 cũng chưa hợp lý, bởi lẽ Tội vu khống có hành vi khách quan là: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Trong khi đó, hành vi của Q là bằng nhiệm vụ, quyền hạn của mình trực tiếp lập khống hồ sơ để đưa anh T đi cai nghiện bắt buộc. Do đó, đây không phải là hành vi được mô tả trong cấu thành của Tội vu khống. Ngoài ra, tội danh này yêu cầu chủ thể của tội phạm phải biết rõ thông tin là sai sự thật thì với những thông tin trong vụ án cũng chưa có căn cứ xác định được vấn đề này.
Cần lưu ý thêm rằng, như đã phân tích về chủ thể của tội phạm: Triệu Quốc Q là người có nhiệm vụ, quyền hạn nên cũng có quan điểm cho rằng Q có dấu hiệu của Tội giả mạo trong công tác, bởi quy định tại Điều 359 BLHS năm 2015 thì tội này được quy định là: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây: a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; b) Làm, cấp giấy tờ giả; c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn”. Tuy nhiên, tội danh này lại cần chứng minh động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác là dấu hiệu cấu thành bắt buộc. Quan trọng hơn là nếu đối chiếu lại những giấy tờ, tài liệu mà Q giả mạo đã đề cập ở trên bao gồm: Quyết định ngày 10/01/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã N và tài liệu chứng minh có dương tính với ma túy là biên bản của Trạm y tế xã N, huyện S thì có thể thấy những giấy tờ này lại không thuộc phạm vi công tác của Q. Vì vậy, tác giả cho rằng quan điểm nêu trên cũng chưa thực sự phù hợp.
Tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng hành vi của Triệu Quốc Q đã đủ yếu tố cấu thành Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, quy định tại Điều 341 BLHS năm 2015. Cụ thể, các tài liệu mà Q đã làm giả là Quyết định ngày 10/01/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; tài liệu chứng minh có dương tính với ma túy của Trạm y tế xã N, huyện S về việc kiểm tra nhanh ma túy đối với Lò Văn T. Tuy vậy, đây là tội danh về xâm phạm trật tự quản lý hành chính, nếu chỉ kết tội Triệu Quốc Q về tội danh trên sẽ khó giải quyết được toàn bộ các vấn đề của vụ án, bởi lẽ:
Bên cạnh việc xâm phạm hoạt động quản lý hành chính, hành vi của Q còn trực tiếp xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của anh Lò Văn T. Việc lập hồ sơ, tài liệu giả là nhằm để cho các cơ quan chức năng ra quyết định đưa anh T đi cai nghiện bắt buộc, từ đó gây tổn hại về tinh thần, danh dự, nhân phẩm, quyền nhân thân và có thể là tài sản, là thu nhập thực tế mà anh T bị mất đi do phải đi cai nghiện bắt buộc trái quy định (nếu có). Như vậy cần phải xác định anh T là người bị hại trong vụ án theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 do hành vi của Q gây ra. Với những tổn thất về vật chất, tinh thần nêu trên, anh T hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan nhà nước phải bồi thường thiệt hại theo các quy định của Luật bồi thường nhà nước. Trường hợp các cơ quan chức năng phải bồi thường thì Nhà nước cũng sẽ phải chịu thiệt hại. Như vậy, nếu chỉ xử lý hành vi của Q về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì chưa đúng bản chất của hành vi, chưa giải quyết được triệt để các vấn đề liên quan đến vụ án.
Ngoài ra, tác giả cũng cho rằng, hành vi của Q còn có dấu hiệu của Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 356 BLHS năm 2015, theo đó, hành vi được điều luật mô tả là: Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng… hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Vấn đề khó khăn nhất đặt ra hiện nay là xác định được động cơ, mục đích thuộc mặt chủ quan ở hành vi phạm tội của Q. Đây cũng thường là vấn đề khó chứng minh nhất trong hầu hết các vụ án hình sự. Động cơ, mục đích phạm tội của Q mà tình huống đưa ra là muốn làm trong sạch địa bàn, vì nghi ngờ Lò Văn T là đối tượng nghiện nên đã lập hồ sơ để chuyển cơ quan có thẩm quyền đưa Lò Văn T đi cai nghiện bắt buộc. Chúng tôi cho rằng động cơ, mục đích trên chưa thực sự thuyết phục, chưa phù hợp với hành vi khách quan và các yếu tố khác trong vụ án. Do vậy, cần phải điều tra, xác định rõ được động cơ, mục đích thực sự của Q như: Đấu tranh xác định căn cứ nào để Q cho rằng anh T là đối tượng nghiện? Q đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình nào chưa? Rà soát, điều tra các mối quan hệ giữa Q và anh T để xác định giữa Q và anh T có quen biết nhau không? Xác định có hay không việc mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn lợi ích với nhau. Xác minh các vấn đề về thành tích, thi đua khen thưởng, chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ đối với Q để xác định được động cơ, mục đích thực sự của Q. Từ đó để có căn cứ xác định đúng tội danh của Q.
Tác giả rất mong nhận được sự phản hồi, chia sẻ của bạn đọc để tiếp tục nghiên cứu, phân tích và đưa ra quan điểm phù hợp nhằm xác định đúng tội danh trong trường hợp này./.