Kỳ 1: Bức thư tình oan nghiệt

Ngày đăng : 09:30, 08/12/2020

(Kiemsat.vn) - Sự thật về vụ án "vườn điều" qua lời kể của Tiến sỹ, Nhà văn, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao Dương Thanh Biểu, người trực tiếp chỉ đạo giải quyết vụ án khi các bị cáo kêu oan và sự vào cuộc của báo chí lúc bấy giờ.

Gần 40 năm hoạt động trong ngành kiểm sát, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao Dương Thanh Biểu luôn trăn trở với từng vụ án

Vào khoảng thời gian những năm đầu của thập kỷ 2000, báo chí đưa tin về vụ án giết người tại tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là vụ án vườn điều). Theo đó, vụ án đã được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận tuyên án đối với 10 người trong gia đình bà Lâm về tội giết người. Nhưng sau đó, Bản án phúc thẩm số 404/ HSPT ngày 05 tháng 4 năm 2002 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xử hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại theo thủ tục chung. Tiếp đó, ngày 06 tháng 8 năm 2004, Bản án sơ thẩm (lần hai) số 122/HSST của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận tuyên phạt các bị cáo về phạm các tội giết người, che giấu tội phạm nhưng có giảm so với sơ thẩm lần 1.

Đọc những bài trên các báo lúc đó, tôi thấy đây là vụ án không quả tang, bắt giam theo biện pháp truy xét. Các ý kiến giữa những người bào chữa và cơ quan truy tố cũng rất khác nhau. Luật sư cho rằng không có căn cứ buộc tội và kiến nghị xử lý hình sự đối với người tiến hành tố tụng. Trong lúc đó, cơ quan tố tụng (Bình Thuận) yêu cầu xử lý Luật sư… Nhiều tờ báo đưa tin vụ án nhưng có bình luận khác nhau. Từ kinh nghiệm thực tiễn, tôi có linh cảm đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng nhưng cũng rất phức tạp về quan điểm đánh giá chứng cứ. Rất có thể sắp tới, phiên tòa phúc thẩm lần hai sẽ tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Và như vậy, sẽ diễn ra phiên tòa sơ thẩm lần ba... Trong trường hợp phiên tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm thì sẽ tiếp tục giai đoạn giám đốc hoặc tái thẩm.

Nghĩa là, mười người của một gia đình sẽ tiếp tục trong vòng quay tố tụng… Nghĩ vậy, tôi cầm máy gọi anh Nguyễn Quốc Công, Vụ trưởng và anh Nguyễn Thanh Hạo, Phó Vụ trưởng, Vụ kiểm sát xét xử (Vụ 3) xuống phòng tôi trao đổi. Khi hai anh vào phòng, tôi rót nước mời, tay trái tôi cầm mấy tờ báo chuyển cho hai đồng chí:

Tôi vừa đọc mấy bài báo nói về vụ án vườn điều tại Bình Thuận. Trong đó quan điểm giữa các cơ quan tố tụng (sơ thẩm và phúc thẩm) và giữa luật sư bào chữa và cơ quan truy tố… rất khác nhau về đánh giá chứng cứ. Hiện nay chuẩn bị xét xử phúc thẩm lần hai. Viện trưởng Hà Mạnh Trí có nhắc tôi chỉ đạo sát sao vụ án này. Đây là giai đoạn thuộc trách nhiệm của chúng ta. Đề nghị các đồng chí phân công người vào Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm nghiên cứu, đề xuất giải quyết chính xác. Tôi cũng vừa nhận được điện của đồng chí Đinh Thế Trạc, Viện trưởng Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm đăng ký báo cáo Uỷ ban kiểm sát về vụ án này trước khi xét xử phúc thẩm lần hai Để chuẩn bị cho cuộc họp Uỷ ban Kiểm sát, đề nghị Vụ kiểm sát xét xử (Vụ 3) chuẩn bị báo cáo vụ án trên đây với các nội dung:

Thứ nhất. Phân công người vào Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm đọc kỹ hồ sơ vụ án. Trong đó chú ý hệ thống các chứng cứ buộc tội và gỡ tội đối với từng bị cáo.

Thứ hai. Đọc kỹ các ý kiến trên báo chí phản ảnh về quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án này.

Thứ ba. Gặp gỡ các Luật sư để nắm những ý kiến của họ về vụ án, nhất là lý do đề nghị khởi tố người tiến hành tố tụng về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Thứ tư. Quan điểm của Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án này.

Thứ năm. Quan điểm đề xuất của Vụ kiểm sát xét xử (Vụ 3) về hướng giải quyết vụ án này.

Nghe tôi nêu năm nội dung như vậy, hai đồng chí gật đầu.

Đồng chí Công xoay người sang đồng chí Hạo:

Đề nghị đồng chí Hạo thực hiện nhiệm vụ này nhé. Đồng chí Hạo, nhoẻn cười:

Tôi nhất trí nhưng vì năm công việc trên đây với khối lượng rất nhiều nên tôi đề nghị cử thêm nữ Kiểm sát viên Kim Oanh theo dõi địa bàn cùng tham gia. Thời gian nào thì phải báo cáo lãnh đạo Viện để anh em chuẩn bị? Tôi nhìn đồng chí Hạo, gật đầu:

Theo ý kiến đồng chí Viện trưởng, dự kiến cuối tháng 11 năm 2004, Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ báo cáo xin ý kiến Uỷ ban Kiểm sát. Cho nên Vụ 3 cố gắng báo cáo lãnh đạo Viện vào khoảng từ 20 đến 23 tháng 11 - Tôi nói xong thì chuyển đồng chí Hạo các bài báo và nói tiếp: – Các bài báo này tôi đã xem và có đánh dấu những nội dung cần chú ý. Thời gian không còn nhiều, mong các đồng chí khẩn trương nhé!
Hai đồng chí ra khỏi phòng, tôi khép cửa nghĩ, đoàn công tác do đồng chí Hạo phụ trách là yên tâm. Vì đồng chí Hạo là cán bộ có năng lực, trách nhiệm và tư duy rất mạch lạc. Đồng chí Kim Oanh là nữ Kiểm sát viên cũng rất sắc sảo nên rất yên tâm khi giao các đồng chí nhiệm vụ này. Tuy nhiên, đây là vụ án mà giữa các cấp tố tụng có những đánh giá rất khác nhau về thu thập và đánh giá chứng cứ, nên chắc chắn sẽ phức tạp rất nhiều. Kể từ hôm đó, những thông tin về vụ án vườn điều luôn được tôi chú ý ưu tiên cập nhật. Tôi đang miên man suy nghĩ vụ án vườn điều thì đồng chí Viện trưởng Hà Mạnh Trí vào phòng. Tôi rót nước mời Viện trưởng. Mùi chè Thái thơm ngậy tỏa hương ngan ngát, căn phòng như ấm lên trong những ngày rét cuối năm. Viện trưởng nhấp ngụm nước, nhìn tôi:

Văn phòng đã xây dựng lịch, cuối tháng 11 này, Uỷ ban Kiểm sát sẽ họp cho ý kiến về vụ án vườn điều. Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ báo cáo. Anh chỉ đạo Vụ 3, nghiên cứu kỹ vụ án này và báo cáo cụ thể nhé. Tôi nhìn Viện trưởng, thấy nét mặt không vui lắm, có lẽ một phần, mấy hôm nay báo chí đăng tải nhiều thông tin phức tạp về vụ án này. Tôi nhìn Viện trưởng:

Báo cáo Viện trưởng. Tôi vừa họp với Vụ 3 về vụ án này. Ngày mai, đồng chí Nguyễn Thanh Hạo, Phó Vụ trưởng Vụ 3 và nữ Kiểm sát viên Kim Oanh sẽ vào Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh để trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, gặp gỡ một số người tiến hành tố tụng và một số luật sư… để có cách nhìn toàn diện vụ án này. Tôi mới xem trên các thông tin đại chúng thì thấy đây là vụ án nghiêm trọng và phức tạp. Mặc dù cấp sơ thẩm hai lần tuyên các bị cáo phạm tội như kết luận điều tra nhưng Tòa phúc thẩm đã hủy án để điều tra lại theo chín yêu cầu. Hiện nay, phiên tòa sơ thẩm lần hai đã tuyên các bị cáo có tội nhưng dư luận chưa đồng tình, chưa tâm phục khẩu phục. Trong lúc đó, giữa các cơ quan tố tụng địa phương và các cơ quan tố tụng Trung ương (Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm và Tòa án phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh) chưa thống nhất quan điểm. Giữa Luật sư và các cơ quan tố tụng địa phương có nhiều ý kiến bất đồng về chứng cứ vụ án!... Viện trưởng Hà Mạnh Trí gật đầu. Ông nhìn ra cửa sổ, như đang suy nghĩ gì đó. Đoạn ông quay lại, nói:

Bây giờ nếu xét xử phúc thẩm lần hai mà Tòa tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại như các lần trước đây thì giải quyết thế nào? Tôi rót nước mời Viện trưởng. Chờ Viện trưởng nhấp ngụm nước, tôi nhìn Viện trưởng, đáp:

Báo cáo Viện trưởng. Đây là nội dung mà mấy hôm rồi tôi rất suy nghĩ. Hiện nay, Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm cũng có hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất là có căn cứ buộc tội, đề nghị y án sơ thẩm. Trong trường hợp này, nếu Tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm thì chắc chắn sẽ có khiếu nại quyết liệt, báo chí sẽ tiếp tục vào cuộc, lúc đó rất dễ diễn ra thủ tục giám đốc hoặc tái thẩm! Nhấp ngụm nước lấy giọng, tôi tiếp:

Quan điểm thứ hai là chứng cứ yếu, đề nghị hủy án điều tra, xét xử lại. Trong trường hợp này các cơ quan tố tụng Bình Thuận chắc chắn sẽ giữ quan điểm như hai lần xét xử sơ thẩm trước đây. Như vậy, vòng quay tố tụng của vụ án sẽ lặp lại. Thân phận mười bị cáo tiếp tục bị tạm giam. Theo tôi, cả hai phương án trên đây là không khả thi. Chúng ta nên suy nghĩ sâu hơn để tìm phương án khác, có lợi nhất nhưng vẫn giữ được nguyên tắc tố tụng!… Tôi đang say sưa trình bày thì Viện trưởng cắt ngang:

Nguyên tắc tố tụng cũng không thể thoát ly quy định xét xử hai cấp. Vậy đồng chí có thể nói cụ thể hơn không? Tôi rót nước mời Viện trưởng, nhoẻn cười:

Báo cáo Viện trưởng. Tôi mới nghĩ ra phương án sau đây, nhưng không hiểu có phù hợp với suy nghĩ của Viện trưởng không? Đó là, nếu xét xử phúc thẩm lần 2 này mà Tòa tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại thì không giao hồ sơ cho cho cơ quan tư pháp Bình Thuận nữa!… Tôi nói đến đây thì Viện trưởng khoát tay, đứng dậy, lắc đầu đi xung quang căn phòng:

Không được. Không được. Không giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm thì giao cho ai? Tôi nhìn Viện trưởng:

Viện trưởng nghe tôi trình bày tiếp nhé. Trong trường hợp này, tôi đề xuất với Viện trưởng là giao hồ sơ cho Viện kiểm sát tối cao và Bộ Công an điều tra lại từ đầu. Viện trưởng nghe tôi nói đến đây, liền ngồi xuống nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ:

Phương án của đồng chí khá hay. Trước đây, trong vụ án tại 15 ngõ Yên Thế, Hà Nội, Viện trưởng Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo áp dụng phương án này, nghĩa là giao cho Viện kiểm sát tối cao thực hiện. Tuy nhiên, bây giờ thực hiện phương án này cũng không phải dễ. Phải có sự bàn bạc thống nhất cao trong nội bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an! Nghe Viện trưởng nói, tôi suy nghĩ, Viện trưởng rất tế nhị. Dù Viện trưởng có toàn quyền quyết định theo quy định của pháp luật nhưng để thực hiện được phương án trên đây cần có bàn bạc thống nhất. Gần đây, khi giải quyết công việc quan trọng và phức tạp, Viện trưởng Hà Mạnh Trí thường gặp gỡ các đồng chí Phó Viện trưởng trước để tham vấn. Sau đó đưa ra bàn tập thể sẽ tạo sự thống nhất cao. Nghĩ vậy, tôi gật đầu nhìn Viện trưởng bày tỏ sự nhất tri:

Làm như vậy sẽ vất vả hơn nhưng đó là phương án tốt nhất.

Viện trưởng Hà Mạnh Trí nói ngay:

Việc này trước mắt tạm như vậy đã nhé. Bây giờ, đồng chí chỉ đạo Vụ 3 nghiên cứu, xác minh và nghe kỹ vụ án này. Sau đó họp Uỷ ban Kiểm sát sẽ nghe và cho ý kiến. Trong cuộc họp Uỷ ban Kiểm sát sắp tới, đồng chí đề xuất phương án giải quyết như anh em mình bàn nhé. Viện trưởng đang nói thì Thư ký sang báo cáo có khách.

Viện trưởng ra khỏi phòng, tôi miên man suy nghĩ: Nếu trong cuộc họp Uỷ ban Kiểm sát sắp tới không nhất trí với phương án mình đề xuất với Viện trưởng thì sẽ ra sao? Các cơ quan pháp luật Trung ương không đồng thuận thì giải quyết thế nào? Và lúc đó chắc chắn đưa đến hậu quả, chín người (một người đã chết vì bệnh hiểm nghèo) trong gia đình bà Lâm lại phải tiếp tục bị giam và không có cách nào giải quyết dứt điểm!

Sau đó không lâu, đồng chí Hạo gọi điện báo cáo kết quả công tác tại Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm và đăng ký sáng ngày 22 tháng 11 năm 2004, Vụ 3 xin báo cáo vụ án vườn điều. Tôi rất mừng là đoàn công tác của đồng chí Hạo đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi cũng trả lời với đồng chí Hạo là trước khi báo cáo lãnh đạo Viện, tập thể lãnh đạo Vụ 3 cần thảo luận kỹ và có giải pháp xử lý thuyết phục.

Có mặt tại phòng tôi lúc này có mặt các đồng chí lãnh đạo Vụ 3 và các đồng chí trong đoàn đi công tác về. Nhìn nét mặt đồng chí nào cũng rạng rỡ, tôi cảm thấy yên lòng. Chờ mọi người ngồi vào bàn, tôi có đôi lời:

Trước hết rất hoan nghênh đoàn công tác của Vụ 3 đã khẩn trương hoàn thành những công việc do lãnh đạo Viện giao. Còn về chất lượng thì nhìn nét mặt đồng chí nào cũng tươi thế này chắc là kết quả tốt. Đề nghị các đồng chí báo cáo tóm tắt nội dung vụ án và tập trung làm rõ những nội dung trước đây chúng ta đã bàn. Đồng chí Hạo đưa tôi tập báo cáo dày cộp, nhìn tôi:

Xin phép cho ngồi báo cáo. Đoàn công tác của Vụ 3 vào Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh đọc hồ sơ, trao đổi với lãnh đạo, Kiểm sát viên, gặp gỡ một số luật sư, nghiên cứu dư luận báo chi, hôm nay xin báo cáo như sau:

Vụ án xảy ra từ giữa năm 1993 nhưng sau đó tạm đình chỉ điều tra vì không tìm được thủ phạm. Năm năm sau, Huỳnh Văn Nén, ở Bình Thuận (bị bắt trong vụ án giết bà Lê Thị Bông) khai về thủ phạm giết bà Dương Thị Mỹ là bà Nguyễn Thị Lâm cùng mười người trong gia đình thực hiện. Từ lời khai của Nén, tháng 12 năm 1998, Cơ quan điều tra đã phục hồi điều tra vụ án giết bà Mỹ. Qúa trình điều tra xác định: Đầu năm 1993, Sáng có quan hệ tình ái với Dương Thị Mỹ. 9 giờ sáng ngày 18 tháng 5 năm 1993, Nhung (vợ Sáng) giặt quần cho chồng thì phát hiện trong túi quần có lá thư với nội dung “Mỹ muốn gặp Sáng vào 1 giờ đêm nay tại vườn đào ông Hai Hoàng”. Sau đó, Nhung đã tổ chức cho Lâm, Nhung, Cẩm, Sơn, Tiền, Tiến, An, Vân và Nén đi đánh ghen. Đêm ngày 18 tháng 5 năm 1993, Lâm mang dao bầu, Nén mang dao Thái Lan, Nhung mang kéo, những người còn lại mang gậy đi ra vườn điều đánh ghen. Hậu quả là Mỹ bị chém chết tại vườn điều.
 

Ông Huỳnh Văn Nén tại phiên tòa hơn 20 năm về trước

Những chứng cứ buộc tội:
Lời khai của Huỳnh Văn Nén

Vụ án có ba bị cáo nhận tội, bảy bị cáo không nhận tội. Ba bị cáo nhận tội là Nén, Lâm và Vân. Nén có 25 lời khai, 1 bản đối chất với bà Lâm và 5 bản tự khai. Lời khai nhận tội của Nén thể hiện: Là người sửa nhà cho vợ chồng Nhung và Sáng cho nên thấy nhiều lần bà Mỹ đến nói chuyện to nhỏ với anh Sáng. Ngày 18 tháng 5 năm 1993, Nén thấy chị Nhung giặt quần cho anh Sáng sau giếng nước. Một lúc sau chị Nhung phát hiện trong túi quần anh Sáng có một lá thư viết tay trên tờ giấy học sinh với nội dung: “Mỹ cần gặp anh Sáng lúc 1 giờ đêm nay tại vườn điều nhà ông Hai Hoàng”. Sau đó, chị Nhung gọi mẹ (bà Lâm), vợ tôi (Cẩm), em vợ (Tiến) và tôi có mặt tại nhà Nhung để nghe Nhung đọc thư cho mọi người nghe. Đọc xong thư, chị Nhung nói: “Tối nay phải đánh con Mỹ một trận”. Sau đó chị Nhung hẹn mọi người 12 giờ đêm tập trung tại vườn điều ông Hai Hoàng.

Nén khai mười người đi đánh ghen, có cả Nén. Còn việc đánh bà Mỹ như thế nào thì, có bản cung Nén khai hành vi của từng người: Bà Lâm dùng dao chém, còn mọi người dùng gậy đánh. Khoảng năm phút thì bà Mỹ gục xuống. Vân và An dùng chiếu và sọt đậy lên. Bà Lâm chém mạnh nên tóc Mỹ bị đứt ra, rơi tại hiện trường. Nhưng có bản cung Nén khai không biết ai chém, đánh bà Mỹ.

Về cướp tài sản thì Nén khai nghe mẹ vợ (bà Lâm) nói do Tiến lột nhẫn và hoa tai. Về hung khí gây án là con dao phay và dao Thái Lan, Nén khai sau khi gây án xong, Nén và Tiến đưa đi chôn sau nhà.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất (ngày 05 tháng 4 năm 2002), Nén vẫn xác định có bức thư của bà Mỹ gửi cho Sáng và việc đi đánh ghen bà Mỹ có tất cả mười người: Lâm, Nhung, Sơn, Tiền, Tiến, Vân, An, Cẩm và Nén. Còn chém là do bà Lâm, những người khác đánh bằng gậy, còn Nén có cầm dao Thái Lan đi. Không có ai hướng dẫn khai…

Tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất, Nén phản cung và cho rằng, sở dĩ khai nhận tại sơ thẩm là do bị ép cung.

Sau khi Tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra chín nội dung. Quá trình điều tra, Nén khai sở dĩ tại phiên tòa phúc thẩm phản cung vì do gia đình vợ đe dọa tôi. Và lần này, Nén khai nhận tội như tại sơ thẩm.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai (27 tháng 7 năm 2004) Nén không nhận tội. Nguyên nhân nhận tội trong những lời khai trước đây là do bức cung.

Lời khai Nguyễn Thị Lâm

Bà Lâm có tám bản cung và hai bản tự khai nhận tội. Mười một bản khai không nhận tội. Nhưng lời khai nhận tội của bị can Lâm có nhiều mâu thuẫn. Có bản cung Lâm khai do Sinh chém, Nén đâm bằng dao, có lúc khai do Tiền chém, Nhung cắt tóc. Sau đó lại khai do Lâm chém vào mặt bà Mỹ. Về cướp tài sản thì có lúc Lâm khai do Nén cướp nhưng có lúc lại khai do Tiến cướp.

Biên bản đối chất giữa Nén và Lâm

Lâm khai Nén cầm dao Thái Lan. Tôi cầm dao phay chém bà Mỹ. Sau khi gây án, Nén đưa dao đi chôn. Về dao Thái Lan thì Nén khai không thấy ai cầm dao Thái Lan. Còn người chém bà Mỹ là bà Lâm.

Lời khai của Trần Thanh Vân.

Vân có mười lời khai trong đó có ba lời khai nhận tội, ba bản tự khai nhận tội. Vân khai bà Lâm dùng dao chém bà Mỹ. Mẹ tôi là (Nhung) cầm kéo hớt tóc…Tại phiên tòa sơ thẩm, Vân khai do bị ép cung nên nhận tội.

Một số lá thư thông cung

Lá thư bà Lâm viết gửi Sáng (do phạm nhân Nguyễn Thị Kim Lan viết hộ) với nội dung: Chuyện gia đình má đã khai hết rồi. Bây giờ má tính đổ thừa cho một đứa chịu, chứ không nó bắt hết gia đình mình. Má đổ cho Sinh và Nén về việc giết bà Mỹ.

Thư Vân gửi cho Tiền (Vân nhờ Huỳnh Quang Sáng viết). Cậu ơi khai những gì cho con biết. Công an bắt con phải nhận tội. Gia đình mình bị oan, sao ép phải nhận tội…

Thư của Nén gửi cho Trần Văn Sáng: Vụ bà Mỹ, em mong anh nói với gia đình hãy đầu thú.

Như vậy, đây là những lá thư do các phạm nhân viết cho nhau để thông cung. Có ý kiến cho rằng, người viết hộ những bức thư này là cơ sở của cán bộ điều tra.

Biên bản thu giữ tang vật

Nén có lời khai nơi chôn dao và dẫn cán bộ Công án về tận nơi chôn dao để tìm kiểm. Cơ quan điều tra đã thu được con dao sắt, đã rỉ vỡ thành bốn miếng.

Hành vi bức cung nhục hình
Các bị cáo Nén, Lâm và Vân đều khai nhận tội là do Điều tra viên bức cung, mớm cung. Qua nghiên cứu thấy nhiều bản cung có các Điều tra viên và Kiểm sát viên, thậm chí có cả luật sư tham gia… Các bản cung đều có chữ ký của bị cáo. Chưa có tài liệu nào khẳng định có bức cung nhục hình.

Những chứng cứ gỡ tội

Những lời khai nhận tôi của Nén, Lâm thì lại mâu thuẫn với nhau. Lúc đầu Nén khai có chứng kiến việc Nhung giặt quần cho Sáng thì phát hiện bức thư trong túi quần. Sau khi Tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm điều tra lại thì Nén khai Nhung phát hiện thư lúc nào không biết.

Nén khai nạn nhân là bà Mỹ nằm ngửa nhưng khám nghiệm hiện trường lại ghi nạn nhân nằm nghiêng. Về nhận dạng: Cơ quan điều tra không tiến hành nhận dạng, không lấy vân tay. Không tổ chức cho chồng, con nạn nhân nhận dạng

Bức thư tình là quan trọng nhất nhưng không thu được mà do Nén, Lâm và Vân khai. Trong lúc đó bà Mỹ không biết chữ? Quá trình xác minh thì phát hiện chị Trần Thị Kim Yến viết hộ: “1 giờ đêm nay, anh đến vườn đào ông Hai Hoàng, em cần gặp có chuyện gấp”. Nhưng bà Yến cũng khai không thống nhất về nội dung bức thư. Một câu hỏi đặt ra là: 1 giờ đêm nay là đêm nào? Trong lúc Sáng không cầm lá thư mà sao biết đêm nay…

Trong lúc đó Sáng khai không có quan hệ tình cảm với bà Mỹ, còn Nhung khai quan hệ tình cảm giữa Mỹ và Sáng như thế nào thì Nhung không biết. Về bức thư thì Sáng và Nhung cũng khai không thống nhất và cuối cùng cho rằng do Nén khai. Chứng cứ buộc tội chủ yếu dựa vào lời khai của Nén, Lâm và Vân. Tuy nhiên lời khai của các bị cáo trên đây mâu thuẫn với bản thân và mâu thuẫn với các bị cáo khác. Ví dụ: Có lúc Nén khai buổi sáng đến nhà Nhung và nghe chị Nhung đọc to nội dung bức thư cho mọi người nghe nhưng có lúc lại khai có buổi tối đến nhà Nhung thấy Nhung đọc bức thư cho mọi người nghe…

Về tang vật gồm dao phay, dao Thái Lan, kéo, gậy thì không thu được. Còn dao phay Nén khai có chuôi gỗ, lưỡi dao dài 25 cm, mũi dao bầu hơi nhọn, bề rộng lưỡi dao rộng 7-8 cm… được gói trong giấy xi măng. Còn biên bản thu giữ ghi kim loại hình dao phay, sống dao 28 cm, lưỡi dao 23 cm. Như vậy dao phay mà Nén khai không phù hợp với hình dao phay đã thu. Mặt khác, dao có cán gỗ và mảnh giấy xi măng khi chôn nhưng biên bản không thể hiện. Đồng thời khi thu giữ miếng sắt cũng không có chữ ký của Nén.

Khi khám nghiệm hiện trường mở rộng, biên bản ghi không phát hiện dấu vết gì nhưng tại biên bản thu giữ tang vật (sau một ngày Mỹ chết) tại vườn điều thì phát hiện một con dao tại hiện trường, cách vị trí bà Mỹ bị giết 6m. Con dao dựa không có cán, kích thước dài 35cm, phần mũi cong, sống mũi bị đập toe ra. Vết thương trên mặt bà Mỹ lại có hình cong phù hợp với con dao tại hiện trường.

Biên bản khám nghiệm tử thi ghi: “Thái dương phải có vết thương rách da hình cung 7 x 1,5cm hướng cung quay xuống và tóc bị đứt theo hình cung này”. Như vậy, tóc bà Mỹ bị đứt là do chém chứ không phải do Nhung cắt như Nén, Vân và Lâm khai. Mặt khác, vết thương trên đầu bà Mỹ là hình cung, không phù hợp với dao phay Nén đã khai mà phù hợp với con dao quắm thu tại hiện trường sau một ngày.

Kỳ 2: Những vi phạm trong quá trình điều tra

Trích truyện ký "Nỗi niềm người lính" của Tiến sỹ, Nhà văn DTB