Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An
Ngày đăng : 11:19, 01/12/2020
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Dự lễ về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nông Đức Mạnh - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Nguyễn Sinh Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh; Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.
Cùng dự có các đồng chí: Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Hạnh Phúc - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; Thượng tướng Võ Trọng Việt - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội; Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước; Lê Minh Khái - Tổng Thanh tra Chính phủ; Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam; Nguyễn Đắc Vinh - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện các ban, bộ ngành, MTTQ, các đoàn thể Trung ương. Về phía Quân khu 4 có Trung tướng Nguyễn Doãn Anh - Tư lệnh Quân khu 4.
Về phía các tỉnh có các đồng chí: Lê Đình Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh; Vũ Đại Thắng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình; Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa; đại diện lãnh đạo các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bình Phước, Đồng Nai.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, lãnh đạo các ban, ngành, địa phương và đông đảo nhân dân tỉnh nhà;…
Vùng đất không thể tách rời của một dải non sông Việt Nam thống nhất
Danh xưng Nghệ An xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1030 dưới triều Vua Lý Thái Tông khi nhà vua cho đổi tên gọi Hoan Châu thành châu Nghệ An. Từ đó, danh xưng Nghệ An trở thành tên gọi gần gũi, thân thương gắn liền vào lịch sử hào hùng của dân tộc và tồn tại sâu thẳm trong tâm thức các thế hệ người dân Nghệ An cho tới ngày nay.
Trình bày diễn văn tại buổi lễ, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Trong tiến trình phát triển của dân tộc, Nghệ An là vùng đất không thể tách rời của một dải non sông Việt Nam thống nhất.
Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Cường
Mảnh đất địa linh này thời nào cũng có những anh hùng, hào kiệt, danh tướng, danh nhân đóng góp công trạng vẻ vang cho đất nước và quê hương. Đồng thời, có sự gắn kết hữu cơ trong tiến trình mở mang bờ cõi, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trong hầu hết các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc ta, luôn có sự hiện hữu nổi trội, quan trọng, tích cực của người dân xứ Nghệ.
Nghệ An không chỉ là "thành đồng ao nóng" của nước nhà mà còn tự hào là một vùng đất học. Thế hệ nối tiếp thế hệ, tạo nên một dòng chảy, bồi đắp nên một truyền thống hiếu học, khổ học và quyết học thành tài của đất và người nơi đây. Những truyền thống tốt đẹp đó, vẫn được tiếp tục phát huy và tỏa sáng cho đến mãi ngày nay, trở thành nguồn lực nội sinh to lớn trên mảnh đất này.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Quá trình khai cơ lập nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo, không ngừng đấu tranh để tồn tại và phát triển đi lên, cùng với sự tiếp nhận, giao thoa văn hóa của các vùng, miền trong và ngoài tỉnh đã bồi lắng một trầm tích văn hóa xứ Nghệ đậm đà bản sắc, kết tinh nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo, có sức sống lâu bền. Nghệ An là quê hương của nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, lễ hội truyền thống đặc sắc, gắn với đời sống văn hóa tâm linh phong phú, những huyền tích, nhân vật lịch sử của dân tộc và quê hương.
Tỉnh Nghệ An ngày nay, có diện tích lớn nhất cả nước với gần 16.500 km2 và dân số đứng thứ 4 với hơn 3,3 triệu người. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã tích cực khơi dậy các nguồn lực, nỗ lực khắc phục khó khăn, giành được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trong quá trình phát triển.
“Kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An, khẳng định một dấu mốc quan trọng, một chặng đường lịch sử vẻ vang mà biết bao thế hệ đã đổ công sức, xương máu đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù xâm lược để xây dựng, bảo vệ vùng đất Nghệ An tươi đẹp hôm nay. Là dịp để chúng ta ôn lại, hiểu hơn, trân quý hơn truyền thống lịch sử của quê hương; vững tin, quyết tâm chung sức, chung lòng hơn để xây dựng tỉnh Nghệ An ngày càng giàu đẹp, văn minh, viết tiếp trang sử hào hùng của vùng đất "địa linh nhân kiệt", của quê hương Bác Hồ kính yêu!”.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Tin tưởng một "kỳ tích Sông Lam"
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn mà Nghệ An đã đạt được trong những năm qua. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để tỉnh có bước phát triển nhanh và vững chắc hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội chúc mừng nhân dân tỉnh nhà nhân dịp đình Hoành Sơn, huyện Nam Đàn - nơi chứng kiến biết bao đổi thay của vùng quê xứ Nghệ được trao Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Là một tỉnh có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên phong phú, diện tích rộng lớn, trải dài từ Đông sang Tây, có biển, có rừng, có đồng bằng và đang có những bước chuyển mình ấn tượng trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Nghệ An cần tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ hơn, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh”.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị,Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Theo đó, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: Tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh phải tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí để lãnh đạo, chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp, đại đoàn kết toàn dân; phát huy hơn nữa tinh thần tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo, khắc phục hạn chế, yếu kém, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực tại chỗ và tranh thủ ngoại lực để góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Tỉnh cũng cần chú trọng chuyển đổi mô hình phát triển tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu với tầm nhìn dài hạn; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đông đảo người dân đã đến dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Cường
Mặt khác, Nghệ An cần không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng; giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của con người Nghệ An với những phẩm chất quý báu là hiếu học, trí tuệ, năng động, đoàn kết, tình nghĩa và thủy chung.
“Tôi tin tưởng rằng, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và quê hương xứ Nghệ nói riêng sẽ là nguồn sức mạnh và động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An biến “khát vọng sông Lam thành kỳ tích sông Lam” - Chủ tịch Quốc hội gửi gắm.
Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Mỹ Hạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Nguyễn Hồng Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đình Hoành Sơn, huyện Nam Đàn. Ảnh: Thành Cường
Tại Lễ kỷ niệm, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đình Hoành Sơn, huyện Nam Đàn.
Đình Hoành Sơn, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn được biết đến với hệ thống điêu khắc kiến trúc tinh xảo giàu tính nghệ thuật. Đình thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - người có nhiều đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ mảnh đất xứ Nghệ và quốc gia Đại Việt. Ngoài ra, đình còn thờ Phật Thích ca Mâu Ni và Tứ vị Thánh nương. Đình được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1980.
Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Cường
Ảnh: Thành Cường
Ngày 25/12/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho 10 di tích, trong đó, vinh dự có Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Hoành Sơn, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Điều này một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đình được mệnh danh là công trình kiến trúc lịch sử có quy mô đồ sộ bậc nhất miền Trung.
Ảnh: Thành Cường
Tiếp đó, các đại biểu và đông đảo người dân được thưởng thức chương trình nghệ thuật “Nghệ An 990 năm hành trình cùng đất nước” với những nội dung đặc sắc về đất và người Nghệ An./.