Vụ án có đến 11 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung ở Bình Phước: tuyên phạt bị cáo 13 năm tù

Ngày đăng : 17:26, 24/11/2020

(Kiemsat.vn) - Sau một thời gian nghị án tại phiên xét xử sơ thẩm, vừa qua TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên phạt bị cáo Ngô Minh Chiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phòng khám đa khoa Tâm Đức (P.Tân Xuân, Tp. Đồng Xoài, Tỉnh Bình Phước) 13 năm tù giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Hội đồng xét xử tuyên án

Vụ án có đến 11 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung

Đây là vụ án phức tạp kéo dài từ năm 2014, vốn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương và quan điểm giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều thời điểm chưa thống nhất với nhau.

Theo đó vào năm 2010, bị cáo Ngô Minh Chiến do cần tiền đáo hạn các hợp đồng tín dụng ký với ngân hàng Công thương Chi nhánh Bình Phước nên thoả thuận cùng chồng là Tạ Văn Biết ký hợp đồng công chứng vay của ông Nguyễn Văn Tuệ, ngụ TP Hồ Chí Minh số tiền 9.000.000.000đ với lãi suất 2%/tháng. Do trục trặc các thủ tục và ngân hàng không cho đáo hạn các khoản vay nên Chiến và chồng thống nhất giao 09 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các tài sản đảm bảo cho ông Tuệ nắm giữ với cam kết sẽ trả nợ đúng hạn. Về sau hai bên phát sinh tranh chấp lên quan đến số tiền còn nợ, ông Tuệ làm đơn gởi cơ quan công an tố cáo Chiến về hành vi lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.

Qua điều tra Cơ quan CQĐT Công an tỉnh Bình Phước xác định, do không có tiền trả nợ Chiến đã lấy dùng thủ đoạn gian dối bằng cách cung cấp giấy tờ trả nợ có nội dung không chính xác tại buổi làm việc với cơ quan công an vào ngày 10/01/2014 để làm chứng từ chứng minh đã trả hết nợ cho ông Tuệ. Cụ thể Chiến tự ý ghi thêm vào giấy tờ giao dịch với ông Tuệ các nội dung đã trả hết tiền cho ông Tuệ để giao nộp cho Công an tỉnh Bình Phước và chiếm đoạt của ông Tuệ số tiền tổng cộng là 2.261.777.800đ. Hành vi này của bị cáo Ngô Minh Chiến theo VKSND tỉnh Bình Phước đã cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và bị truy tố theo quy định tại điểm a khoản 4  Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án có rất nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về việc xác định bị cáo có tội hay không, hay đây chỉ là tranh chấp dân sự thông thường giữa các bên liên quan với nhau. Cho đến thời điểm tuyên án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đã ban hành 01 kết luận điều tra và 11 kết luận điều tra bổ sung; VKSND tỉnh Bình Phước có đến 11 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung; TAND cùng cấp 5 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung để yêu cầu làm rõ các vấn đề liên quan.

Bị cáo nghe tuyên án

Kiểm sát viên tranh luận với 7 luật sư bào chữa đối với 31 vấn đề liên quan

Trong vụ án này, điều đáng lưu ý là có không ít dư luận tại địa phương cho rằng thực chất các bên chỉ tranh chấp quan hệ vay mượn tài sản. Và trong suốt quá trình tham gia phiên toà, 07 luật sư của bị cáo đều bào chữa theo hướng đây là tranh chấp dân sự thông thường, việc các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước hình sự hoá quan hệ dân sự đã gây bất lợi cho tình trạng pháp lý của bị cáo.

Đối đáp với luật sư về vấn đề này, đại diện VKS khẳng định bản chất vụ án xuất phát từ quan hệ vay mượn tài sản thông qua hợp đồng dân sự nhưng chính bị cáo nảy sinh ý thức chiếm đoạt thông qua việc dùng thủ đoạn gian dối bằng cách tạo dựng chứng cứ bất hợp pháp để chứng minh bản thân không còn nợ tiền người bị hại, từ đó chiếm đoạt số tiền gốc 2.261.777.800đ, tức đã vi phạm pháp luật hình sự đối với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; thời điểm hoàn thành hành vi phạm tội chính là thời điểm bị cáo xuất trình chứng cứ gian dối để chứng minh, chối bỏ trách nhiệm trả nợ và chiếm đoạt số tiền gốc 2.261.777.800đ.

Về yêu cầu của bị cáo được giải quyết tranh chấp với tại một phiên tòa dân sự, đại diện VKS nhấn mạnh bị cáo xác định còn nợ tiền lãi thỏa thuận ngoài hợp đồng là quyền của bị cáo; nhưng khi có hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền nợ gốc của bị hại, tức bị cáo đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của BLHS và nếu có gửi đơn yêu cầu đến Toà án để giải quyết tranh chấp thì Toà án cũng phải chuyển đơn đến CQĐT để xem xét giải quyết về nguồn tin về tội phạm mà không thể thụ lý giải quyết vụ án dân sự. Điều này hoàn toàn không phụ thuộc vào ý chí của bị cáo muốn giải quyết vụ án tại toà dân sự hay không nên yêu cầu của bị cáo không được VKS chấp nhận.

Đây cũng chỉ là 2 trong số 31 vấn đề mà Kiểm sát viên trực tiếp tranh luận với các luật sư bào chữa để bảo vệ cáo trạng. Liên quan đến ý kiến cho rằng VKS chỉ căn cứ vào lời nhận tội duy nhất của bị cáo để buộc tội của là không chính xác, Kiểm sát viên khẳng định đây là vụ án mà bị cáo Chiến chối tội, trong quá trình điều tra chỉ có 01 bản tự khai ngày 11/12/2014 thừa nhận hành vi phạm tội; tuy nhiên cùng với các chứng cứ khác đã được thu thập, làm rõ trong quá trình điều tra cùng những lời khai tại phiên toà đã chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo và phù hợp với quan điểm truy tố của Viện kiểm sát.

Trong suốt phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên đưa ra được nhiều lập luận có căn cứ và thuyết phục phản bác lại hầu hết quan điểm bào chữa của luật sư, qua đó nhận được sự đồng tình của HĐXX. Kết thúc phiên tòa, bị cáo Ngô Minh Chiến bị tuyên phạt 13 năm tù giam về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Có thể khẳng định với việc tranh luận công khai về 31 vấn đề cần làm rõ, Kiểm sát VKSND tỉnh Bình Phước tham gia thực hành quyền công tố cho thấy sự chuẩn bị nghiêm túc và hiệu quả, qua đó góp phần tích cực vào việc giải quyết thành công vụ án./.

Việt An