Công tác cán bộ nhân tố quyết định thắng lợi
Ngày đăng : 10:11, 18/11/2020
Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của Cách mạng, công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Chính vì vậy mà Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và liên tục nỗ lực đề hoàn thiện chính sách về cán bộ.
Trong những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản rất quan trọng về công tác cán bộ, có ý nghĩa lớn đối với công cuộc cải cách, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như: Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền…. Gần đây nhất là bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng với tiêu đề “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” đã một lần nữa đánh giá, làm sâu sắc thêm vai trò công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính là xây dựng tổ chức, xây dựng con người. Trong đó, một lần nữa khẳng định “công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển bền vững của đất nước”.
Các văn bản được ban hành đã có sự cải tiến về mặt quy định, đạt được sự thống nhất về mặt Đảng và chính quyền, chặt chẽ về lý luận và sát tình hình thực tiễn; đã bao quát được những nội dung chính của công tác cán bộ như: Đánh giá cán bộ; quy hoạch cán bộ; luân chuyển cán bộ; đào tạo bồi dưỡng cán bộ và bố trí sắp xếp, sử dụng cán bộ.
Trong ngành kiểm sát nhân dân, 05 năm gần đây công tác cán bộ được lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đặc biệt quan tâm, được xác định là nhiệm vụ đột phá trong toàn ngành để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; nhiều quy chế, quy định được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; công tác đào tạo bồi dưỡng được tăng cường và có nhiều nét mới; việc điều động,luân chuyển, bố trí cán bộ mang những dấu ấn phục vụ mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ trong toàn ngành. Để thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Ngành, trong thời gian qua VKSND tỉnh Tây Ninh luôn cố gắng đổi mới công tác cán bộ trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu của Đảng về chính sách cán bộ trong thời kỳ mới, nhờ đó bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
Đội ngũ công chức hiện nay có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện, trình độ, năng lực được nâng lên, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đã từng bước được nâng lên cả về trình độ chuyên môn lẫn chất lượng và hiệu quả công tác. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được quan tâm thực hiện tốt theo kế hoạch hằng năm. Công tác tổ chức cán bộ, tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, đề bạt, luân chuyển đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đào tạo và năng lực sở trường công tác cũng được chú trọng .Việc sắp xếp tổ chức bộ máy ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn thông qua việc sát nhập các phòng trực thuộc và thực hiện tinh giản biên chế.
VKSND tỉnh Tây Ninh luôn cập nhật các quy định của Đảng, Nhà nước và VKSND tối cao về quy trình công tác cán bộ, đảm bảo thực hiện đúng, chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới được quan tâm, từng bước gắn với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm thực hiện; kỷ cương, kỷ luật được tăng cường. Từ năm 2016 đến tháng 9 năm 2020 VKSND tỉnh Tây Ninh đã quan tâm tạo điều kiện cho 330 lượt công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; phối hợp với Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát mở 03 lớp tập huấn chuyên đề; tổ chức nhiều hội nghị rút kinh nghiệm để trau dồi thêm về mặt lý luận và học hỏi, rút kinh nghiệm từ thực tiển để mỗi công chức ngày càng vững vàng hơn khi thực hiện nhiệm vụ.
Tạo điều kiện 74 trường hợp dự thi KSV các ngạch để bổ sung vào đội ngũ cán bộ có chức danh pháp lý. Điều động 165 trường hợp do yêu cầu công tác và để đào tạo cán bộ; tinh giản biên chế 23 trường hợp; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ, chức danh 220 trường hợp, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Bên cạnh những mặt đạt được, VKSND tỉnh Tây Ninh vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ trong thời gian qua như:
Năng lực đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; một số cán bộ chưa chịu khó học tập, rèn luyện để năng cao năng lực công tác; một vài cán bộ trẻ mới vào ngành chưa được bồi đắp lòng yêu ngành, yêu nghề, về tư tưởng nên dễ bị dao động trước khó khăn; có cán bộ thiếu bản lĩnh nên dẫn đến vi phạm pháp luật bị xử lý.
Sự hạn chế trong công tác cán bộ nêu trên xuất phát một phần từ nguyên nhân vẫn còn một số cán bộ, đảng viên thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện; công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, công chức có lúc chưa sâu sát, chưa đủ sức nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên.
Từ những kết quả đã đạt được, nhìn nhận những mặt còn hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ, để tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng, xây dựng Ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, VKSND tỉnh Tây Ninh cần triển khai thực hiện những giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của Ngành kiểm sát nhân dân về công tác cán bộ; qua đó làm cho mỗi cán bộ, công chức nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, trách nhiệm của mình để hành động đúng đắn. Mỗi cán bộ phải thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để có ý thức học tập, làm theo Bác từ những việc làm nhỏ nhất, khắc phục cho được những hạn chế, khuyết điểm, phát huy ưu điểm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hai là, nâng cao vai trò gương mẫu trong lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu mỗi đơn vị; phải đoàn kết, quyết tâm; giữ vững kỷ luật, kỷ cương; phải xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ hàng đầu. Trong đánh giá cán bộ phải công tâm, khách quan, thực chất, gắn với hiệu quả, kết quả công tác,tạo động lực phấn đấu cho công chức.
Ba là, thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng với cán bộ, công chức, tạo điều kiện để cán bộ tự tu dưỡng, rèn luyện, qua đó giúp cho cán bộ có thêm bản lĩnh, sự tự tin trong thực thi nhiệm vụ, không dao động trước khó khăn.
Bốn là, bố trí, sắp xếp cán bộ phải phù hợp, qua đó phát huy năng lực, sở trường của cán bộ; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những biểu hiện, thiếu sót, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với Ngành.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của Ngành kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn để xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.