Bản lĩnh Kiểm sát viên VKSND tỉnh Phú Thọ thông qua vụ án đánh bạc nghìn tỷ

Ngày đăng : 09:12, 12/11/2020

(Kiemsat.vn) - Từ ngày 12 đến 30/11 năm 2018, tại TAND tỉnh Phú Thọ, một phiên tòa đặc biệt trong lịch sử tố tụng truy tố 92 bị cáo về các tội Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền, Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, Mua bán trái phép hóa đơn và Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Hơn 200 người tham gia tố tụng. Trong đó có 14 nhân chứng, 3 điều tra viên, hơn 30 luật sư, 73 người, đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên liên quan đến vụ án được triệu tập đến tòa.

Kiểm sát viên Lê Xuân Lộc tranh luận với các luật sư, bị cáo vụ án đánh bạc nghìn tỷ tại phiên tòa sơ  thẩm 

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên 92 bị cáo phạm tội và phải chịu hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội đã gây ra, thu hồi tài sản do phạm tội mà có trên 1.800 tỷ đồng.Trừ Lê Thị Lan Thanh kêu oan (thừa nhận hành vi, xin xét lại tội Tổ chức đánh bạc) 91 người còn lại đều nhận tội. Sau đó, 36 bị cáo chống án nhưng chủ yếu xin giảm nhẹ hình phạt hoặc hưởng án treo. Bốn người đứng đầu vụ án là Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương không ai kháng cáo.

Sau 17 tháng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm chuyên án, mặc dù phải chịu nhiều tác động lôi kéo, mua chuộc, thậm chí đe dọa để làm giảm ý chí tấn công; đối mặt với nhiều đối tượng có nhân thân đặc biệt, có nhiều mối quan hệ, nhưng  bản thân anh và các thành viên trong Tổ công tác đặc biệt luôn giữ vững bản lĩnh, ý chí tấn công tội phạm, không ai bị sa ngã trước mọi cám dỗ; góp phần xây dựng lực lượng ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và lực lượng kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ nói riêng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Việc điều tra, truy tố, xét xử giai đoạn 1 của vụ án đã loại bỏ được những cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất đạo đức ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước; góp phần xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn cả nước; đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện chủ trương “không có vùng cấm” trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay.

Xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội trước pháp luật đã góp phần đem lại sự bình yên cho nhân dân trên phạm vi toàn quốc; củng cố niềm tin của nhân dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật. Phát hiện nhiều sơ hở, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực viễn thông để kiến nghị Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật, không để kẻ xấu lợi dụng hoạt động phạm tội.

Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Công an, Kiểm sát, Tòa án tỉnh Phú Thọ có bản lĩnh, lập trường chính trị tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, giản dị; đặc biệt đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh với tội phạm công nghệ cao trong giai đoạn hiện nay.

Áp dụng khoa học công nghệ “Số hóa hồ sơ án hình sự” đã đáp ứng kịp thời cho việc tranh tụng của Kiểm sát viên bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch và sức thuyết phục cao đối với người tham gia tố tụng (đáp ứng ngay việc: “nói có sách, mách có chứng”).

Thành công của vụ án có một phần đóng góp công sức không hề nhỏ của đồng chí Lê Xuân Lộc, Kiểm sát viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nguyên Phó Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, nguyên Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, án kinh tế, án tham nhũng và chức vụ VKSND tỉnh Phú Thọ; Kiểm sát viên thụ lý chính vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố khác.

Từ khi chưa xác lập Chuyên án, Phòng An ninh điều tra và Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đã chủ động phối hợp và trao đổi thông tin với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Được Lãnh đạo VKSND tỉnh Phú Thọ phân công, anh đã không quản ngày đêm phối hợp với các Điều tra viên, Trinh sát viên Công an tỉnh Phú Thọ tổ chức thu thập, củng cố, nghiên cứu hồ sơ, đánh giá tài liệu chứng cứ. Xác định hình thức, hành vi phạm tội, các yếu tố cấu thành tội phạm tội “Tổ chức đánh bạc” trái phép. Đây là hình thức tổ chức đánh bạc có nhiều điểm mới, khác biệt hoàn so với tổ chức đánh bạc truyền thống.

Hành vi phạm tội xảy trên địa bàn cả nước, có tính chất rất phức tạp, thủ đoạn hoạt động tinh vi, doanh thu từ hoạt động tội phạm đặc biệt lớn. Các đối tượng trước khi thực hiện tội phạm đã nhận thức được việc triển khai xây dựng, tổ chức chức hoạt động đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài RikVip/Tip.Club là vi phạm pháp luật; nhưng vì động cơ vụ lợi về kinh tế, các đối tượng đã cấu kết với nhau, lợi dụng kẽ hở của pháp luật và dựa vào mối quan hệ trong các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật để hoạt động phạm tội.

Nếu không kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường về mặt xã hội, nguồn gốc nảy sinh của nhiều loại tội phạm có tính chất nguy hiểm, đặc biệt là nguy cơ tha hóa một số cán bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật.Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng và thanh toán điện tử còn có nhiều bất cập; công tác phát hiện, đấu tranh, triệt phá đối với các ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế, do các đối tượng phạm tội liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật công nghệ để ngụy trang, xóa dấu viết tội phạm, như: Tạo các địa chỉ Internet, máy chủ ảo; liên hệ giữa các đối tượng bằng nickname ảo.... nên khó xác định được đối tượng điều hành. Mặt khác, game bài này còn hoạt động công khai, tổ chức vàtreo băng rôn, biển hiệu, biển quảng cáo với hệ thống hàng nghìn Đại lý trên toàn quốc, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội mà không bị bất cứ cơ quan chức năng nào xử lý, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân và hệ lụy xấu cho xã hội.

Qua việc phối hợp tham gia nghiên cứu hồ sơ, tài liệu từ những ngày đầu tiên, anh đã đưa ra những ý kiến đóng góp quý báu giúp Lãnh đạo và Cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Phú Thọ thêm vững tin để xác lập chuyên án và đấu tranh thành công chuyên án.

Trước tình hình phức tạp và quy mô rộng lớn của vụ án, đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của VKSND tỉnh Phú Thọ gồm có 4 đồng chí,trong đó anh được phân công là Kiểm sát viên thụ lý chính vụ án.

Trong giai đoạn điều tra vụ án, với lòng yêu nghề, nhiệt huyết, say mê với công việc cùng một quyết tâm cao độ, anh thường xuyên hàng giờ cập nhật và nắm thông tin, trao đổi thống nhất cách thu thập tài liệu, chứng cứ điện tử với Cơ quan An ninh điều tra. Đồng thời, anh thường xuyên cập nhật tình hình và báo cáo và tham mưu Lãnh đạo VKSND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo để ra yêu cầu điều tra đối với cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ, nhằm thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan.

Mặt khác, quá trình điều tra, anh còn tham mưu cho lãnh đạo hai ngành chỉ đạo thu thập, củng cố hồ sơ tài liệu để ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án về các hành vi: “Tổ chức đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để mở rộng điều tra vụ án, không làm oan sai, bỏ lọt tội phạm. 

Quá trình điều tra phát sinh tình huống phức tạp, bất ngờ, sự thay đổi của luật pháp (các bộ luật mới có hiệu lực pháp luật); các bị can, đối tượng có liên quan tìm mọi cách để tiêu hủy chứng cứ, quanh co, chối tội, không hợp tác khai báo trong khi khối lượng công việc khổng lồ với 105 bị can, hàng nghìn người liên quan, khối lượng hồ sơ cực kỳ lớn lên tới hàng triệu bút lục, cùng với sự tham gia của hàng trăm Điều tra viên, cán bộ điều tra và cán bộ kỹ thuật.

Trong khi đó Tổ công tác đặc biệt của VKSND tỉnh Phú Thọ thực hành quyền công tố và kiểm sát vụ án chỉ có 05 đồng chí. Tuy nhiên trong mọi hoạt động điều tra, kiểm sát viên đều có mặt ngay để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ điện tử nhằm đảm bảo chắc chắn về mặt pháp lý bởi đây là vụ án cực kỳ phức tạp, nhạy cảm và nhiều đối tượng phạm tội là các chủ thể đặc biệt, có mối quan hệ rộng, kể cả trong khối cơ quan quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực viễn thông, ngân hàng và cơ quan bảo vệ pháp luật.

Nhiều đối tượng trong đường dây hoạt động có tính chất manh động, liều lĩnh, sử dụng xã hội đen để phục vụ quá trình vận hành đường dây “tổ chức đánh bạc”, “đánh bạc”.

Với vai trò là Trưởng phòng, Kiểm sát viên thụ lý chính vụ án, anh đã chủ động phân công các kiểm sát viên nghiên cứu từng mảng hồ hồ sơ để tham gia thu thập dữ liệu điện tử, khai thác thông tin trên điện thoại, máy tính, máy chủ; trên cơ sở đó để đánh giá chứng cứ và đưa ra các quyết sách về việc phê chuẩn khởi tố, bắt, khám xét đối với 105 bị can, bảo đảm đúng pháp luật, không oan sai và kịp thời phục công tác điều tra vụ án. Để đáp ứng yêu cầu phục vụ tốt nhất, nhanh nhất cho chuyên án, trong khi số lượng kiểm sát viên chỉ có 4 người mà lực lượng điều tra trên 180 người, chúng tôi đã phải căng sức làm ngày, làm đêm. Ngày đi phối hợp khám xét, bắt, khai thác dữ liệu, hỏi cung cùng điều tra viên; chiều tối về cơ quan điều tra sử dụng điện thoại chụp lại các tài liệu mà các điều tra viên khác làm trong ngày để tối về đưa vào máy tính để nghiên cứu nhằm đưa ra những nội dung cần bổ sung và thu thập thêm đối với từng nhóm đối tượng (nhóm kỹ thuật vận hành, nhóm đại lý cấp 1, nhóm đại lý cấp 2, nhóm đánh bạc, nhóm mua bán trái phép hóa đơn, nhóm trung gian thanh toán, nhóm lợi dụng chức vụ quyền hạn...).

Anh đã thống nhất với Cơ quan ANĐT thực hiện “Số hóa hồ sơ vụ án”nhằm phục vụ thuận lợi và tốt nhất cho việc nghiên cứu án có thế bất cứ lúc nào, không phụ thuộc vào việc phải có hồ sơ chính nhưng bảo đảm nguyên tắc bảo mật. Từ hoạt động Số hóa tài liệu đã tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm triệu đồng. Việc số hóa tài liệu giúp cả 04 Kiểm sát viên được phân công luôn chủ động trong nghiên cứu án bất cứ lúc nào mà không cần phải sử dụng đến hồ sơ chính nên hồ sơ chính của vụ án (hàng trăm ngàn bút lục) luôn được đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho gần 40 luật sư tiếp cận sao chụp hồ sơ mà không gặp bất cứ khó khăn, trở ngại gì.

Đồng thời, các biện pháp bảo quản hồ sơ, tài liệu trong giai đoạn truy tố được tuyệt đối an toàn, không bị thất lạc do chỉ phân công cho một người quản lý; tham mưu cho lãnh đạo Viện bố trí lịch tiếp luật sư và lịch thăm gặp bị can một cách công khai, khoa học và hợp lý; giải quyết mọi thắc mắc của người tham gia tố tụng; phân công, phối hợp giữa các kiểm sát viên để hoàn thành cáo trạng dài 236 trang nhưng có bố cục hợp lý, đầy đủ nội dung, bảo đảm đúng thời hạn, truy tố đúng người, đúng tội.

Với khối lượng hồ sơ vô cùng lớn, tuy nhiên, anh vẫn không quản ngày đêm, trực tiếp nghiên cứu hàng trăm nghìn trang hồ sơ, tài liệu, dữ liệu điện tử để đề ra các yêu cầu điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các bị can và các đối tượng có liên quan. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu “chống lưng”, “bảo kê” cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm tổ chức đánh bạc trái phép.

Đặc biệt là trong lúc vụ án tưởng chừng đi vào bế tắc do không thu được dữ liệu máy chủ, anh đã trực tiếp cùng Lãnh đạo Cơ quan ANĐT kịp thời động viên một số bị can chủ chốt hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án và vụ án dần được làm sáng tỏ và đạt được kết quả như trên.Mặt khác, anh thường xuyên phối hợp với điều tra viên trực tiếp tiến hành hỏi cung và động viên các bị can nộp lại hầu hết tài sản do pham tội mà có (trừ bị can Nguyễn Văn Dương chỉ nộp được 17%). 

Trong giai đoạn xét xử, anh chia sẻ với chúng tôi: việc xử lý vụ án có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn hiện nay, không chỉ trừng trị đối tượng phạm tội mà còn củng có niềm tin của nhân dân, bạn bè Quốc tế đối với Đảng, Nhà nước ta, cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật ... với chủ trương nhất quán của Đảng về việc xử lý “ không có vùng cấm” “không có người nào ngoài vòng pháp luật”. Do vậy, anh đã cùng chúng tôi chuẩn bị rất công phu và chu đáo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa. Từ việc đề xuất chuẩn bị màn hình để trình chiếu nguồn chứng cứ phục vụ tranh tụng; dự kiến các tình huống xảy ra khi xét hỏi và tranh tụng; luận tội bảo đảm tính khoa học, đúng pháp luật, có tình, có lý, có tính giáo dục cao nên được mọi người tham dự phiên tòa đồng tình và  ủng hộ.

Điểm nổi bật đặc biệt góp phần thành công của chuyên án trong tranh tụng, đó là: Tại phiên tòa, Kiểm sát viên thực hiện trình chiếu các nguồn tài liệu, chứng cứ như: các trang quảng cáo của các đại lý cấp 1 trong tổ chức đánh bạc; trình chiếu các biên bản đối soát dữ liệu điện tử có sự tham gia của bị cáo, luật sư bào chữa; các văn bản chỉ đạo và có nội dung Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa “chống lưng”, “ bảo kê” cho Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm tổ chức đánh bạc đã có sức thuyết phục trực tiếp và đúng là “ Trăm hay không bằng một thấy’.  

Dứt lời tranh luận của anh thì bị cáo Phan Văn Vĩnh giơ tay xin phát biểu thừa nhận hoàn toàn hành vi phạm tội của mình, không có lời bào chữa nào khác, không cần luật sư tiếp tục bào chữa về hành vi phạm tội của mình nữa vì bị cáo xác định “ chính bị cáo là người trong cuộc mới hiểu hết và biết rõ...” và có lời xin lỗi HĐXX, đại diện VKS, xin lỗi Đảng, Nhà nước, Bộ Công an... Tiếp đến sáng ngày 24/11/2018, khi được nói lời sau cùng Nguyễn Thanh Hóa cũng nhận tội và xin lỗi lỗi HĐXX, đại diện VKS, xin lỗi Đảng, Nhà nước, Bộ Công an... Đây thực sự là cuộc đấu trí lớn giữa bản thân anh -đại diện Viện kiểm sát, buộc tội đối với bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa cùng luật sư bào chữa cho 2 bị cáo này. Kết quả cuối cùng, cả 2 bị cáo đã hoàn toàn nhận tội và công khai xin lỗi Đảng, Nhà nước, ngành Công an, Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát và nhân dân về hành vi phạm tội của mình, chấp nhận chịu hình phạt. 

Các cơ quan thông tấn, báo chí và người tham gia tố tụng tại phiên tòa đều thừa nhận: các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Phú Thọ chuẩn bị rất chu đáo về mọi mặt; chưa từng có phiên tòa nào thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo mà thực hiện được như phiên tòa này; Phiên tòa diễn ra đúng tinh thần cải cách tư pháp, công khai, dân chủ, tranh luận thẳng thắn; đặc biệt là việc trình chiếu nguồn chứng cứ của VKS khi xét hỏi và tranh tụng làm cho không chỉ Hội đồng xét xử mà các bị cáo, người tham gia tố tụng khác và người tham dự phiên tòa dễ dàng nhận thức đúng bản chất cũng như diễn biến hành vi phạm tội của các bị cáo làm cho việc buộc tội đầy sức thuyết phục. Rất nhiều phóng viên, báo chí nói sẽ lên tiếng, đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm, nhân rộng mô hình của phiên tòa này trong thời gian tới.

Bằng sự nỗ lực phấn đấu nhiều năm của bản thân và thành tích trong chuyên án, anh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3; bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, sau đó được điều động, bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ 3 VKSND tối cao, trúng tuyển và được bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp...

Với trí tuệ, lòng nhiệt huyết, bản lĩnh vững vàng, sự tự tin và hơn hết là sự công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm, Kiểm sát viên Lê Xuân Lộc đã  thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ với cán bộ ngành Kiểm sát “Công minh - Chính trực - khách quan - Thận trọng - Khiêm tốn”, thể hiện bản lĩnh của cán bộ Kiểm sát, là tấm gương để các Kiểm sát viên khác học tập và noi theo, góp phần xây dựng ngành kiểm sát ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Phạm Thị Bích Liên