Tạp chí Kiểm sát đã cho tôi một nền tảng lý luận pháp luật vững chắc

Ngày đăng : 14:07, 22/11/2020

(Kiemsat.vn) - "Khi chuyển sang Viện xét xử phúc thẩm, tuy là công việc mới nhưng tôi thấy rất tự tin vì những kiến thức pháp luật, vững vàng trong xét xử do có được những kiến thức đó từ Tạp chí Kiểm sát". Đó là chia sẻ của đồng chí Phạm Huỳnh Công, nguyên Phó TBT Tạp chí Kiểm sát về những kỷ niệm trong những năm đồng chí công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân nhân dịp Tạp chí Kiểm sát kỷ niệm 60 năm Ngày xuất bản số đầu tiên.

Tôi về Tạp chí kiểm sát (lúc đó gọi là Nội san công tác kiểm sát) vào tháng 03/1977. Nội san chỉ có 06 người gồm các anh chị Nguyễn Văn Khuê, Thạch Giản, Phạm Huỳnh Công, Nguyễn Thị Hồng, Thúy Hòa, Hoàng Phương Hồng và Trần Văn Nam. Nội san được in bằng chữ xếp, bìa có chữ Nội san Kiểm sát màu đỏ; in tại nhà in Công Đoàn và một tháng ra một số, phát hành trong nội bộ cơ quan. Thời điểm đó, chúng ta làm báo rất thủ công, viết bài rồi đưa xuống nhà in sắp chữ, sau đó duyệt bản thảo, duyệt bản bông, sửa rồi in chứ không hiện đại như bây giờ. Nội dung của nội san công tác Kiểm sát lúc đó tập trung xoay quanh vấn đề nghiệp vụ kiểm sát.

Chúng tôi là thế hệ thứ hai của tạp chí; thế hệ thứ nhất là các anh Trần Ngọc Mậu, Nguyễn Thạch Giản, Nguyễn Văn Khuê,… Những người vừa tốt nghiệp đại học ra trường như chị Nguyễn Thị Hồng, anh Trần Văn Nam, anh Thạch Giản, chị Hoàng Phương Hồng và tôi (chuyển về từ báo Chiến sĩ giải phóng). Với luồng gió của sức trẻ như vậy, chúng tôi luôn trăn trở viết bài và chủ yếu xoay quanh các vấn đề về nghiệp vụ Kiểm sát.

Về phát hành, Nội san công tác kiểm sát được đóng gói và gửi đi từng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, VKSND huyện. Về tài chính không phải lo, do VKSND tối cao cấp kinh phí toàn bộ, không phải lo thị trường, không có quảng cáo mà chỉ nghĩ cách làm sao cho báo hay. Hồi ấy, hàng tháng chúng tôi nhận được hàng trăm thư từ địa phương gửi về, họ đồng tình, cảm ơn, thắc mắc rồi trao đổi các bài viết trên tạp chí, tiếc rằng không có chuyên mục diễn đàn – trao đổi kinh nghiệm nên chúng tôi cũng chỉ dựng lại những bài viết có tính chuyên môn, khác với quan điểm báo đưa ra. Nắm 1980, chúng tôi muốn thay đổi hình thức trang bìa, tôi bàn với anh Thạch Giản, lúc này là Trường phòng để đổi tên Nội san công tác Kiếm sát, tên tạp chí chuyển từ màu đỏ thành màu xanh.

Năm 1990, khi chuyển sang Viện xét xử phúc thẩm, tuy là công việc mới nhưng tôi thấy rất tự tin vì những kiến thức pháp luật, vững vàng trong xét xử do có được những kiến thức đó từ Nội san công tác Kiểm sát. Bởi vì, tôi được đọc nhiều, thậm chí đọc tỉ mỉ khi biên tập, sửa bản bông của tạp chí nên kiến thức ngấm vào tự nhiên. Vì vậy, tôi có được một nền tảng lý luận luật pháp vững chắc mà đến bây giờ tôi vẫn dùng nó cho toàn bộ quá trình công tác của tôi và Nội san công tác Kiểm sát là nơi đào tạo những con người có đầy đủ kiến thức về luật pháp, đó là điều rất đáng quý.

Khi được trở lại làm Phó Tổng Biên tập, tôi trăn trở rằng phải biến tạp chí thành sản phẩm không đơn thuần chỉ là tờ báo đen trắng để đọc, vì thế việc đầu tiên trên cương vị mới, tôi đã cải tiến tạp chí đẹp về hình thức, hay về nội dung. Về nội dung, có sự lồng ghép giữa trao đổi kinh nghiệm công tác Kiểm sát và đăng kèm thơ; không chỉ đăng vụ án, mà có sự trao đổi, thông tin hai chiều, tranh luận đúng, sai và đưa ra kết luận.

Tôi công tác ở tạp chí 13 năm. Trong tổng số 40 năm công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, hơn 1/3 thời gian làm việc của tôi. Mặc dù không còn làm việc ở Tạp chí Kiểm sát nữa, nhưng tôi vẫn luôn theo dõi, luôn đón đọc Tạp chí suốt mấy chục năm qua và Tạp chí Kiểm sát vẫn cùng đồng hành với cá nhân tôi. 60 năm Tạp chí Kiểm sát thật đáng tự hào. Tuy nhiên, chúng ta phải luôn chăm lo thay đổi về hình thức, cải tiến về nội dung để đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu của tình hình mới. Tôi luôn mong muốn Tạp chí Kiểm sát ngày càng phát triển, phát hành rộng rãi ra công chúng, để nhiều người đọc biết hơn nữa.

Thiên Thanh (st)