Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông: Các vi phạm pháp luật được xử lý ra sao?
Ngày đăng : 07:58, 23/11/2020
Kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tại trường Cao đẳng Y tế Hà Đông. |
Xử lý với hoạt động tuyển sinh, đào tạo “chui” của Trường cao đẳng Y tế Hà Đông.
Trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra đã phát hiện phát hiện Nhà trường “để ngoài báo cáo” việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo “chui” 245 người học 02 ngành, nghề (Điều dưỡng, Hộ sinh) đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng theo hình thức đào tạo vừa học, vừa làm tại các địa điểm đào tạo ngoài trụ sở chính được cấp phép. Cụ thể:
Tại địa điểm đào tạo Trường trung cấp Y tế Lai Châu tuyển sinh, đào tạo cho 118 sinh viên (ngành, nghề Hộ sinh: 59 sinh viên; ngành, nghề Điều dưỡng: 59 sinh viên); tại địa diểm đào tạo Trường Trung cấp Y tế Hà Giang tuyển sinh, đào tạo ngành, nghề Hộ sinh cho 68 sinh viên; tại địa diểm đào tạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình tuyển sinh, tổ chức đào tạo cho 24 sinh viên học ngành, nghề Hộ sinh; tại địa diểm đào tạo Trường Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác (địa chỉ tại số 282A, đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Nhà trường tuyển sinh, tổ chức đào tạo cho 68 sinh viên học ngành, nghề Điều dưỡng.
Với việc phát hiện trên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ lao động – Thương binh và Xã hội) yêu cầu Hiệu trưởng Nhà trường (ông Nguyễn Đăng Trường) báo cáo, giải trình với UBND thành phố Hà Nội về việc Nhà trường báo cáo không đầy đủ, không chính xác thông tin, số liệu về tuyển sinh, tổ chức đào tạo ngoài trụ sở chính của Nhà trường.
Đồng thời nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc không thực hiện báo cáo đầy đủ, chính xác thông tin, số liệu về tuyển sinh, tổ chức đào tạo, địa điểm đào tạo ngoài trụ sở chính của Nhà trường.
Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông còn bị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi trên với tổng số tiền 80 triệu đồng trong đó có áp dụng tình tiết tăng nặng vì đã có hành vi che dấu vi phạm sau khi vi phạm.
Đình chỉ các hoạt động đào tạo, tuyển sinh và thu hồi, hủy bỏ văn bằng cấp không đúng quy định.
Kết luận thanh tra yêu cầu Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ 767 chứng chỉ nghề không đúng quy định. |
Ngoài ra cũng theo Kết luận thanh tra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đình chỉ hoạt động đào tạo cho 1.266 người học không có đủ hồ sơ tuyển sinh, không có bản sao bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, không có bản sao bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp phù hợp với quy định.
Nhà trưởng chỉ tiếp tục tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cho 1.266 người học khi người học đã nộp đủ hồ sơ tuyển sinh.
Đình chỉ hoạt động và yêu cầu Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông không tuyển sinh mới người học 08 nghề đào tạo trình độ sơ cấp: Điều dưỡng chuyển đổi sang Nha khoa; Y sỹ chuyển đổi sang Điều dưỡng; Hộ sinh chuyển đổi sang Điều dưỡng; Thẩm mỹ; Kỹ thuật viên xét nghiệm; Cấp cứu ban đầu; Thẩm mỹ chăm sóc da, vai, gáy, cổ; Chuyển đổi Điều dưỡng tại trụ sở chính của Nhà trường.
Đình chỉ tuyển sinh mới và tổ chức đào tạo đối với ngành, nghề liên thông thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng theo hình thức vừa làm vừa học tại địa điểm đào tạo ngoài trụ sở chính của Trường Cao đảng Y tế Hà Đông không được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Cũng theo Kết luận thanh tra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu Hiệu trưởng Nhà trường (ông Nguyễn Đăng Trường) ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ 610 chứng chỉ sơ cấp nghề và 157 chứng chỉ sơ cấp cho người học 08 nghề trình độ sơ cấp không đúng quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH. Đồng thời, báo cáo kết quả thu hồi, hủy bỏ chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ sơ cấp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Sở Lao động – Thương bình và Xã hội thành phố Hà Nội.
Theo Kết luận thanh tra, Hiệu trưởng Nhà trường (ông Nguyễn Đăng Trường) phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và người học về việc thu hồi, hủy bỏ chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ sơ cấp của người học; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người học, giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động có liên quan đến việc thu hồi, hủy bỏ 610 chứng chỉ sơ cấp nghề và 157 chứng chỉ sơ cấp; thực hiện nghĩa vụ về tài chính, tài sản đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cấp chứng chỉ sơ cấp nghề của 610 sinh viên theo pháp luật.
Cùng với đó yêu cầu Nhà trường nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến tồn tại, hạn chế trong việc triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp và hướng dẫn của Bộ lao động – Thương binh và Xã hội.
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận thanh tra, Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các kiến nghị nêu trong Kết luận thanh tra và báo cáo kết quả về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội và Tổng cục giáo dục nghề nghiệp.
Theo Luật sư Lê Hiếu, Giám đốc công ty Luật TNHH Hữu Hạn Hiếu Hùng, với những sai phạm của Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông được nêu tại Kết luận thanh tra của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng, chứng chỉ nghề không đúng quy định của pháp luật là hành vi có dấu hiệu “Giả mạo trong công tác” được quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về "Tội giả mạo trong công tác". Để xác định các hành vi vi phạm hay khoogn thì cần được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Đối với việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Y tế hà Đông, cùng ông Nguyễn Đăng Trường - Hiệu trưởng Nhà trường đã thực hiện các kiến nghị nêu trong Kết luận thanh tra ra sao? Kiemsat Online sẽ tiếp tục thông tin.
Mới đây, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can số 447, 448, 449/CSKT-P9, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam số 134, 135, 136/CSKT-P9, Lệnh khám xét số 174, 175, 176/CSKT-P9 đối với 03 bị can: Phan Thị Thùy Trang, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ; Nguyễn Như Việt, nguyên Trưởng khoa Sư phạm Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 3; Nguyễn Đăng Thuần, giáo viên Trung tâm Đào tạo lái xe quận 12 thuộc Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 3 về tội “Giả mạo trong công tác” theo Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trước đó, ngày 01/8/2019, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với 04 bị can Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô; Trần Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên; Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương là nhân viên của trường Đại học Đông Đô về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015.