Ninh Bình: Báo động tình trạng ly hôn tăng mạnh

Ngày đăng : 09:18, 14/11/2020

(Kiemsat.vn) - Chưa đầy 03 năm, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có hơn 4,7 nghìn vụ án ly hôn. Tình trạng này là rất đáng lo ngại. Khi gia đình tan vỡ, không chỉ để lại ảnh hưởng tâm lý cho người trong cuộc, đặc biệt là trẻ nhỏ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội.

Theo số liệu thống kê án thụ lý kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp trong 3 năm gần đây: Năm 2018, thụ lý 1.587 vụ án tranh chấp hôn nhân gia đình trong tổng số 1.814 vụ án dân sự do Tòa án thụ lý (tăng 35 vụ so với năm 2017, chiếm 87,4% tổng số án thụ lý). Năm 2019, thụ lý kiểm sát 1.687 vụ án hôn nhân gia đình trong tổng số 1.927 vụ dân sự (tăng 100 vụ, chiếm 87,5% tổng số án thụ lý). Sáu tháng đầu năm 2020 thụ lý kiểm sát 865 vụ án hôn nhân gia đình trong tổng số 989 vụ dân sự (chiếm 87,66%).

Phòng 9, VKSND tỉnh Ninh Bình họp đề nghị lãnh đạo Viện kiến nghị đối với UBND tỉnh các biện pháp phòng ngừa trong lĩnh vực Hôn nhân và gia đình

Đáng chú ý là trong tổng số vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình Tòa án đã thụ lý, giải quyết thì các cặp vợ chồng trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 35 tuổi ly hôn chiếm gần 77% và hầu hết đều đã có con (chiếm 97%).

Qua trực tiếp nghiên cứu các hồ sơ giải quyết các vụ án ly hôn nhận thấy: Tính chất của các vụ ly hôn ngày càng phức tạp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn, nhưng tập trung vào các nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, do các cặp vợ chồng bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn quá trẻ, cá biệt có trường hợp kết hôn từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, tâm sinh lý chưa thực sự ổn định, thiếu kỹ năng sống, bước vào cuộc sống hôn nhân khi chưa có sự chuẩn bị về kinh tế, sức khỏe và những hiểu biết cần thiết về cuộc sống gia đình. Đặc biệt, nhiều cặp vợ chồng do thiếu hiểu biết về pháp luật như: Luật Hôn nhân và gia đình; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật bình đẳng giới…Việc phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật của các cơ quan chức năng chưa được sâu rộng và thường xuyên.

Thứ hai, một số cặp vợ chồng, trước khi kết hôn chưa có đủ thời gian tìm hiểu, sau khi kết hôn đề cao cái tôi của bản thân, thiếu sự quan tâm, chia sẻ, không tôn trọng lẫn nhau, dẫn tới bất đồng quan điểm sống, phát sinh mâu thuẫn vợ chồng, nhưng không có đủ bản lĩnh và kỹ năng để giải quyết dẫn đến mâu thuẫn ngày càng trầm trọng, kéo dài. Mặt khác, khi phát sinh mâu thuẫn trong hôn nhân, đa số các cặp vợ chồng chưa nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hòa giải từ gia đình, các tổ chức đoàn thể và xã hội mà thường khởi kiện đến Tòa án yêu cầu giải quyết cho ly hôn.

Thứ ba, do áp lực trong đời sống vợ chồng khi kinh tế khó khăn, nhiều cặp vợ chồng trước khi kết hôn chưa có việc làm và thu nhập không ổn định. Sau khi kết hôn phải tự lo cho cuộc sống riêng, sinh con sớm trong khi điều kiện kinh tế chưa đảm bảo nên phát sinh mâu thuẫn, không đồng thuận để xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái.

Thứ tư, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường đã làm cho một bộ phận thanh niên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, một số giá trị thuần phong mỹ tục truyền thống gia đình có chiều hướng xuống cấp dẫn tới việc ngoại tình, bạo lực gia đình, cá biệt có trường hợp do một bên (thường là người chồng) mắc tệ nạn ma túy, cờ bạc, rượu chè hoặc phạm tội, đang phải chấp hành hình phạt tù...

Ly hôn là sự lựa chọn của vợ chồng, nhưng hậu quả là hết sức trầm trọng: Nó có tác động xấu đến tâm lý, tình cảm của những đứa trẻ khi thiếu đi sự chăm sóc của người cha hoặc người mẹ, thậm chí cả hai khi họ chia tay; để lại gánh nặng cho xã hội nếu như con cái của họ bị bỏ rơi, không được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục chu đáo. Từ đó, sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển nhân cách của trẻ, dẫn đến dễ sa ngã vào những tệ nạn xã hội... Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng.

Tình trạng ly hôn gia tăng đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội nói chung và gia đình nói riêng.

Trên cơ sở thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết các vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình (HNGĐ), Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình nhận thấy tình trạng ly hôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình đã kiến nghị đối với Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình các biện pháp phòng ngừa trong lĩnh vực Hôn nhân và gia đình.

Chỉ đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam theo chủ đề nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội đối với giới trẻ, chú trọng việc giáo dục truyền thống đạo đức gia đình, giáo dục lối sống nhân cách để họ nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật hôn nhân và gia đình; cung cấp kiến thức, tập huấn kỹ năng sống theo từng giới, giúp họ chuẩn bị tốt về mọi mặt trước khi bước vào cuộc sống vợ chồng, nhất là các kỹ năng làm cha, làm mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và với cộng đồng, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, để hạn chế thấp nhất việc để xảy ra mâu thuẫn dẫn đến ly hôn ngay từ những năm đầu chung sống.

Chỉ đạo chính quyền cơ sở và các đoàn thể vận động các gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh, hương ước, quy ước nơi cư trú, quy chế dân chủ cơ sở. Tăng cường hoạt động của các tổ hoà giải ở cơ sở để kịp thời hòa giải những mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong các gia đình để không trở thành mâu thuẫn trầm trọng; giữ gìn và phát huy văn hoá gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.

Chỉ đạo đẩy mạnh và tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Hòa giải ở cơ sở bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam bền vững./.

Phương Huệ