Nghĩa tình của người làm báo trong ngành Kiểm sát nhân dân

Ngày đăng : 13:43, 12/11/2020

(Kiemsat.vn) - Nhân dịp Tạp chí Kiểm sát kỷ niệm 60 năm Ngày xuất bản số đầu tiên, Tạp chí điện tử Kiểm sát trân trọng giới thiệu bài viết "Nghĩa tình của người làm báo trong ngành Kiểm sát nhân dân" của đồng chí Lại Hợp Việt, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát (từ năm 1998 đến năm 2008).

Đồng chí Lại Hợp Việt, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát làm việc với đồng chí Nguyễn Thành Quang, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên (năm 2000)

Tôi có một may mắn là được lãnh đạo VKSND tối cao giao làm Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát 10 năm (từ năm 1998 đến năm 2008), 10 năm đó với tôi có rất nhiều kỷ niệm, có lẽ đây là những kỷ niệm sâu sắc nhất trong những năm tôi làm việc ở VKSND tối cao, kỷ niệm về ngành, về nghề báo.

Là một người làm công tác tổng hợp sang làm việc tại một tạp chí khoa học chuyên ngành thì đây vừa là thử thách, nhưng cũng là cơ hội để mình biết thêm, học thêm, hiểu thêm, cho nên tôi rất tha thiết với Tòa soạn. Trong thời gian tôi làm Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát, có lẽ điều làm tôi nhớ mãi đó là tình cảm của cán bộ, Biên tập viên, nhân viên Tạp chí Kiểm sát coi nhau như anh em trong một nhà, cộng tác với nhau, đoàn kết gắn bó, tập trung tìm ra mọi biện pháp để đưa Tạp chí Kiểm sát xứng đáng là một cơ quan diễn đàn thông tin khoa học nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.

Có mấy vẫn đề mà chúng tôi trăn trở cùng nhau làm, thực hiện và đã thành công, điểm lại chúng tôi thấy:

Thứ nhất, tìm mọi cách để bứt phá về nội dung của Tạp chí Kiểm sát, không chỉ là tạp chí của VKSND tối cao, nó phải trở thành tờ tạp chí của những người yêu mến pháp luật, hoạt động pháp luật để thông qua đó bồi bổ thêm những kiến thức, trao đổi kinh nghiệm.

Đồng chí Lại Hợp Việt, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát tổng lược tọa đàm về nâng cao chất lượng bài viết trên Tạp chí Kiểm sát (tháng 6/2003)

Do vậy, chúng tôi đã tìm cách nâng cao chất lượng nội dung của Tạp chí Kiểm sát để làm sao nội dung vừa là tính nghiệp vụ, nhưng phải mang tính khoa học, thời sự. Tính khoa học, tính nghiệp vụ, tính thực tiễn, thời sự của Tạp chí Kiểm sát là được chúng tôi quan tâm đầu tiên.

Những người trong Tòa soạn không thể tự mình làm được, mà phải có cộng sự đắc lực trước hết trong ngành Kiểm sát nhân dân. Tôi rất cảm ơn các đồng chí lãnh đạo VKSND tối cao, các đồng chí Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố đã cộng tác với Tạp chí Kiểm sát, cho nên lượng bài của Tạp chí Kiểm sát đăng trên các số thường kỳ và các số chuyên đề ngày một nhiều hơn, sâu sắc hơn và được anh em trong ngành đón đọc nhiều hơn, lúc đó chúng tôi bàn với nhau phải đem đến cho người đọc những gì mà họ cần, chứ không phải đem đến cho người đọc những gì mà mình có, chính vì vậy mà chế độ cộng tác viên thường xuyên đã được đặt ra trong thời kỳ này và anh em cũng trăn trở với nội dung các số chuyên đề.

Có lẽ đây là thời kỳ mà anh em Biên tập viên, Phóng viên liên hệ với Cộng tác viên tương đối tốt, nhiều đồng chí Cộng tác viên gắn bó với tòa soạn mà các đồng chí Biên tập viên lúc đó như Hoàng Thế Anh, Nguyễn Như Hùng, Phạm Xuân Chiến cũng phải thay mặt Tổng biên tập gặp cộng tác viên và các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Cho đến bây giờ Tạp chí Kiểm sát vẫn duy trì được đội ngũ cộng tác viên ấy, đó là điều đáng phấn khởi. 

Thứ hai, để nâng cao chất lượng nội dung, Tạp chí Kiểm sát có chủ trương nghiên cứu và tổng kết thực tiễn, nhiều cuộc tổng kết: 1 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự, tổng kết 01 năm thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự... Cái hay của Tạp chí Kiểm sát là từ những đợt tổng kết đó thì Tạp chí Kiểm sát có các báo cáo chuyên đề về những khó khăn trong thực tiễn khi áp dụng những quy định của pháp luật.

Từ đó, gửi những văn bản tới Ban soạn thảo sửa đổi các đạo luật đó, cho nên Tạp chí Kiểm sát sâu và được nhiều người biết đến ở khía cạnh này. Số chuyên đề chuyên sâu về các đạo luật đến nay nhiều đồng chí trong Ngành vẫn còn lưu giữ và từng nói với chúng tôi rằng thỉnh thoảng vẫn lấy ra đọc.

Tôi nhớ khi đồng chí Nguyễn Như Hùng từ VKSND địa phương về Tòa soạn, thì được giao nhiệm vụ chắp nối, liên kết giữa nhà khoa học, nhà báo và nhà giáo. Chúng tôi có mối quan hệ phối hợp giữa Trường Cao đẳng Kiểm sát, Tạp chí Kiểm sát và Viện khoa học Kiểm sát thì tất cả những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn mà anh em gửi về Tòa soạn thì thông qua những mối quan hệ này để giải đáp trên Tạp chí Kiểm sát.

Một vấn đề nữa chúng tôi cho rằng Tạp chí Kiểm sát từ năm 1998-2000 là thời kỳ định hình rõ nhất về nội dung của từng số tạp chí, các chuyên mục rất là rõ ràng, tính tuyên truyền của nó là ở mục Chính trị - xã hội, tính chuyên sâu nghiên cứu ở mục Nghiên cứu - trao đổi, nhưng mục rất quan trọng, chủ yếu là mục Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Đến bây giờ Tạp chí Kiểm sát có nhiều chuyên mục mở rộng hơn, nhưng tôi nghĩ rằng những chuyên mục này cũng định hướng viết bài cho Cộng tác viên. Nếu như bây giờ tổng kết lại các số Tạp chí Kiểm sát đã làm, thì riêng các chuyên mục đó có một hệ thống bài tương đối chuẩn mực, theo tiến trình phát triển của lịch sử xây dựng pháp luật của Việt Nam và theo tiến trình phát triển của tổ chức và hoạt động của VKSND, tôi nghĩ theo kịp và thực hiện tốt cho nhiệm vụ chính trị đấy là thành công của Tạp chí Kiểm sát. 

Tạp chí Kiểm sát trong thời kỳ đó còn có bứt phá là đổi mới và nâng cao chất lượng về mặt hình thức của tạp chí. Tạp chí Kiểm sát đã mạnh dạn xây dựng bìa mẫu, logo, bố trí trang bìa ổn định hơn một chục năm qua. Tạp chí Kiểm sát cơ quan của VKSND tối cao nhưng lúc nào cũng trên một cái nền hồng, bởi theo lời dạy của Bác Hồ, cán bộ Kiểm sát vừa hồng vừa chuyên; đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng nói là Tạp chí Kiểm sát phải hồng, phải chuyên và ngay mỗi số tạp chí thì nhấn mạnh những bài trọng điểm, đã được các đồng chí rút ngắn gọn ở ngay trang bìa. Ảnh của Tạp chí Kiểm sát đăng trên bìa thì càng ngày càng đẹp, và nó là những ảnh rất quan trọng trong tổ chức và hoạt động của VKSND.

Tạp chí Kiểm sát làm công tác thông tin tuyên truyền quá tốt, đặc biệt là từ 2013 đến nay. Nhưng tôi nghĩ, ngay từ những năm 1988, 1999, 2000, trong Tòa soạn chúng tôi cũng trăn trở về công tác thông tin tuyên truyền. Tạp chí Kiểm sát trước đây là phát hành nội bộ, sau đó phát hành sang các cơ quan tư pháp, chỉ phát hành một ít ra bên ngoài.

Lúc đó làm thế nào để làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, anh em trong Tòa soạn đã tính toán, nhiệt tình và hăng hái ủng hộ. Thứ nhất là kênh tuyên truyền, chúng tôi quyết tâm mở rộng bằng cách làm Bản tin Kiểm sát, phát hành được hơn một năm thì thấy hiệu quả rất nhanh, thông tin kịp thời đến với mọi người trong Ngành, mà đặc biệt là những thông tin về tổ chức và hoạt động của VKS các cấp, những vấn đề thời sự, những vấn đề mới ở trong Ngành.

Trên cơ sở của bản tin Kiểm sát thì lãnh đạo VKSND tối cao mới chấp thuận để Tạp chí kiểm sát tiếp tục làm Đề án tờ báo tuần của ngành Kiểm sát nhân dân. Lúc đó nhân sự của Tòa soạn chỉ trên dưới 10 người, vừa làm 02 số tạp chí 1 tháng, vừa làm Đề án, có lẽ cùng với sự nhiệt tình, cùng sự hỗ trợ của cơ quan báo chí khác, đặc biệt là Cục báo chí, lãnh đạo VKSND tối cao, Văn phòng và tài vụ VKSND tối cao, cho nên chúng tôi đã bảo vệ thành công đề án làm tờ báo tuần của ngành Kiểm sát nhân dân.

Chính tờ báo Bảo vệ pháp luật hiện nay là sản phẩm đầu tiên do Tạp chí Kiểm sát đề xuất với lãnh đạo Viện, và những nhân sự chủ chốt đầu tiên của báo Bảo vệ pháp luật khi thành lập cũng là từ Tạp chí Kiểm sát.

Những năm tôi làm Tổng biên tập thì đã có có sự chủ động, như chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, chủ động phối hợp với các ngành để tổ chức các cuộc hội thảo, các cuộc tọa đàm để tuyên truyền về ngành Kiểm sát nhân dân. Gần đây các đồng chí đã phối hợp với nhiều kênh khác nhau, trong đó có phối hợp với ANTV làm truyền hình Kiểm sát, điều đó rất quý, anh em trong ngành phấn khởi, được lãnh đạo VKSND tối cao đánh giá Tạp chí Kiểm sát luôn luôn chủ động đề xuất, tham mưu. Tôi thấy sự đánh giá đó rất đúng, ghi nhận của toàn ngành đối với tạp chí của chúng ta.

Trong những năm 1998 đến năm 2000 là những năm rất khó khăn về mặt kinh phí, thì lãnh đạo VKSND tối cao cũng vận động các đơn vị trong ngành tiết kiệm chi tiêu theo chủ trương chung của nhà nước, nhưng trong điều kiện nhiệm vụ của chúng ta nhiều hơn, đi lại nhiều hơn, mà tiết kiệm chi tiêu thì quả là bài toán khó khăn, nhưng chúng tôi nghĩ những khó khăn đó chỉ là trước mắt.

Có mấy việc tôi cho rằng đó là bứt phá, mà đó cũng là những kỷ niệm sâu sắc như dừng quảng cáo trên tạp chí 3 tháng để làm mọi thủ tục về mặt quản lý nhà nước, đăng ký mã số thuế giá trị gia tăng, vì vậy, lượng quảng cáo về Tòa soạn tăng, từ đó có thêm khoản thu để làm mọi việc, bản tin kiểm sát cũng làm từ nguồn kinh phí quảng cáo; đề xuất tổ chức cho công đoàn đóng gói, gửi tạp chí đến các đơn vị để có thêm thu nhập; đổi mới hoạt động phát hành quảng cáo; xuất bản sách hướng dẫn áp dụng pháp luật đến nay có đến gần 30 đầu sách do tạp chí xuất bản, được các cán bộ trong ngành rất hoan nghênh.

Bên cạnh đó, có mấy việc chúng tôi đã làm và đã thành công, thứ nhất là phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước lãnh đạo VKSND tối cao, điều này không chỉ là Tổng biên tập, mà các Phó Tổng biên tập, các trưởng phòng, các biên tập viên của Tòa soạn thì mọi việc mới trôi chảy và mới có hiệu quả; thứ hai là phải xây dựng các tổ chức chính trị trong tòa soạn luôn luôn mạnh từ chi bộ, hội luật gia, công đoàn, chi hội nhà báo, chi hội cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên trong tòa soạn là phải đồng đều, và luôn luôn giới thiệu một đồng chí trong lãnh đạo tòa soạn tham gia chi bộ, có trách nhiệm về những vấn đề chủ chốt trong hoạt động chính trị - xã hội của đơn vị.

Một yếu tố nữa chúng tôi cho rằng đó là vấn đề đoàn kết, chúng tôi sống với nhau như một gia đình có trên có dưới, nhưng lấy quy định, lấy chức trách nhiệm vụ, quy chế của Tòa soạn làm chuẩn mực để xử sự với nhau.

Một yếu tố nữa mà tôi thấy là sự phối hợp, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị rất quan trọng, nếu không có các VKSND các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao thì chúng ta không hoàn thành nhiệm vụ được. Tôi thấy những năm gần đây, tạp chí đã đề cao vai trò của người đứng đầu, phải là người chỉ huy trưởng trên tất cả các lĩnh vực, không cần sâu về mặt nào, nhưng mặt nào cũng phải biết, phải điều hành được và phải là người mẫu mực.

Qua 10 năm công tác tại Tạp chí Kiểm sát, điều tôi muốn nói với các đồng chí mà cũng là điều tôi rất tâm đắc đó là cái tình của những người làm báo trong ngành Kiểm sát nhân dân. Trước hết, đó là cái tình đối với ngành Kiểm sát nhân dân, thứ hai là tình cảm với tòa soạn, không yêu nghề báo thì không làm tạp chí được, vì nghề báo đơn độc lắm, có yêu ngành, yêu nghề mới làm được và cái tình của những người làm báo trong Tòa soạn với nhau, chia ngọt, xẻ bùi, cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức.

Năm 2016, nhân Kỷ niệm 55 năm kỷ niệm, tôi chúc mừng các đồng chí lãnh đạo Tòa soạn, cán bộ, nhân viên trong tòa soạn, vì các đồng chí đã làm tốt, viết tiếp những trang sử vẻ vang của Tạp chí Kiểm sát trong 55 năm; tôi mong muốn Tạp chí kiểm sát ngày càng mạnh hơn, tốt hơn cả về nội dung, hình thức, cả về tuyên truyền, về phương pháp công tác và nâng tầm cán bộ, phóng viên lên một bước nữa để theo kịp yêu cầu của đổi mới và cải cách tư pháp.

Đúng như mong muốn của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND tối cao là Tạp chí Kiểm sát xứng đáng là diễn đàn thông tin khoa học nghiệp vụ tin cậy của ngành Kiểm sát nhân dân./.

Thiên Thanh (st)