Giữ gìn và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc dưới góc nhìn của cán bộ, Kiểm sát viên VKS nhân dân huyện Hậu Lộc

Ngày đăng : 10:44, 02/11/2020

(Kiemsat.vn) - Trong những năm qua, bằng sự nỗ lực không ngừng, VKSND huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm liên quan đến biển, mang lại cuộc sống bình yên cho ngư dân, góp phần giữ gìn và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường vụ án Cố ý gây thương tích xảy ra tại đê biển xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Huyện Hậu Lộc là vùng đồng bằng ven biển nằm ở phía đông bắc của tỉnh Thanh Hóa, với diện tích tự nhiên rộng 141,5km2 và chiều dài bờ biển là 12,5km. Đối với những người dân nơi đây, biển là máu thịt và cuộc sống của họ gắn liền với biển. Vì vậy, để ngư dân yên tâm bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo thì vấn đề khai thác, sử dụng, quản lý và bảo vệ biển đảo tại địa phương là nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và người dân địa phương, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân huyện Hậu Lộc với những chiến sỹ mang trên mình màu áo thiên thanh, màu của hòa bình và công lý, màu của niềm tin và hy vọng.

Do đặc điểm ở đây đất chật, người đông, mật độ dân rất cao, đặc biệt làng chài Diêm Phố (Ngư Lộc) có mật độ dân số cao gấp 15 lần thành phố Hà Nội nên đây là nguồn nhân lực dồi dào nhưng cũng là khó khăn, thách thức lớn, bởi lý do lớp trẻ ít mặn mà với biển vì vất vả, vì rủi ro, việc khai thác gặp nhiều khó khăn, ngư trường cạn kiệt, phương tiện xuống cấp, tái đầu tư khó.

Chi Đoàn thanh niên VKS phối hợp cùng Chi đoàn thanh niên xã Ngư Lộc dọn về sinh bờ biển

Để tăng năng suất đánh bắt hải sản, có những ngư dân đã tìm cách khai thác bằng thuốc nổ làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thủy hải sản. Một số người đã lợi dụng điều này để tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ; trộm cắp tài sản, ngư lưới cụ của ngư dân trên biển. Có trường hợp lợi dụng lòng tin của ngư dân để vay tiền rồi bỏ trốn hoặc tuyên bố vỡ nợ, để lại hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình và hệ lụy không hề nhỏ cho xã hội. Chính vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hậu Lộc xác định cuộc chiến giữ gìn và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó Viện kiểm sát cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xảy ra trên biển và liên quan đến biển. 

Mỗi khi tham gia giải quyết một vụ án liên quan đến ngư dân, những người cả đời gom góp rồi vay nợ ngân hàng để đầu tư tàu thuyền và ngư lưới cụ ra khơi nhưng lại bị kẻ gian trộm cắp, bị lừa đảo chiếm đoạt, những cán bộ kiểm sát chúng tôi xót xa và thấy rằng cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền pháp luật đến với người dân và trong cuộc đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm. 

Tuy nhiên, do đặc thù của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hậu Lộc chủ yếu là nữ (04 nam, 11 nữ) nên việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là trực nghiệp vụ và đi khám nghiệm hiện trường ngoài biển xa là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, vất vả, đặc biệt là đối với các nữ Kiểm sát viên. Có những đêm mùa đông, nhận nhiệm vụ tham gia khám nghiệm hiện trường vụ cháy tàu cá đang neo ở đảo Nẹ, quả thật là khó khăn muôn phần nhưng các kiểm sát viên vẫn gửi con cho ông bà, hăng hái lên đường cùng với các cán bộ điều tra leo lên con tàu nhỏ tiến thẳng ra biển, nơi những ngư dân đang ngóng đợi.

Đêm tối đen, gió biển thổi vào mặt mặn và buốt rát. Sóng lớn làm cho con tàu chòng chành, chao đảo như muốn hất tung người xuống biển khơi. Cảm giác nhỏ nhoi, mong manh giữa biển cả bao la, có những kiểm sát viên nữ đã bật khóc. Thế nhưng chỉ cần nghĩ đến ngoài khơi xa kia, ngư dân vẫn đang kiên cường bám biển, nghĩ đến khuôn mặt của người dân bừng sáng khi tìm được lẽ phải và sự công bằng, chúng tôi lại háo hức lên đường  để tìm ra công lý, tạo niềm tin cho ngư dân tiếp tục bám biển.

Tham gia giải quyết án hình sự, tiếp xúc với ngư dân, cán bộ kiểm sát chúng tôi vui mừng khi đấu tranh tìm ra đối tượng gây án nhưng có lúc lại cảm thấy xót xa, trăn trở khi nhìn thấy nhiều ngư dân bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rồi trẻ em bỏ học sớm để theo cha ra biển. Vì vậy, cán bộ, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Hậu Lộc ngoài trách nhiệm đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm, còn có trách nhiệm cùng với cơ quan Biên phòng, Công an, Tòa án huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt là trong việc giữ gìn và bảo vệ biển đảo quê hương.

Riêng chi đoàn thanh niên Viện kiểm sát huyện Hậu Lôc đã phối hợp với chi đoàn thanh niên các xã ven biển tranh thủ những ngày thứ bảy, chủ nhật để tuyên truyền, động viên và cùng với các đoàn viên thanh niên các xã tham gia thu dọn rác trên biển vừa làm sạch cảnh quan vừa bảo vệ môi trường biển.

Viện kiểm sát và Đồn Biên phòng Đa Lộc họp nắm bắt tình hình trước khi tham gia khám nghiệm hiện trường vụ cháy tàu cá

Đối với những người dân vùng biển Hậu Lộc, biển là nơi mang lại nguồn sống cho họ nhưng không phải lúc nào cũng thuận buồm, xuôi gió. Năm 2019, cơn bão số 8 đã nhấn chìm không ít các tàu thuyền đánh cá và nhiều ngư dân đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả, để lại đằng sau là số nợ ngân hàng do vay mượn để đóng tàu ra khơi, để lại những thiếu phụ và những đứa trẻ mồ côi. Khó khăn chồng chất khó khăn, nghề đi biển phải đối mặt với nhiều rủi ro nên nhiều ngư dân đã bỏ nghề đi biển để tìm một công việc khác.

Hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân khi tham gia giải quyết các vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng do vay nợ ngân hàng mà không có khả năng thanh toán, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hậu Lộc đã tham mưu đề xuất với Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện có các chính sách động viên, hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển. Đề xuất, kiến nghị ngân hàng và các tổ chức tín dụng có chính sách giãn nợ cho ngư dân để họ tiếp tục ra khơi bám biển. 

Với tinh thần trách nhiệm cao trong cuộc chiến bảo vệ và giữ gìn biển đảo của Tổ quốc, tập thể Viện kiểm sát nhân dân huyện Hậu Lộc với sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Đa Lộc, Công an và Tòa án huyện Hậu Lộc, tội phạm Mua bán trái phép vật liệu nổ và Trộm cắp tài sản …đã được phát hiện và xử lý, pháp luật được thực thi; nhận thức pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao, góp phần trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản biển và mang lại bình yên cho ngư dân.  

Thời gian trôi, mùa xuân qua đi rồi lại đến mùa hạ, mùa của bão giông. Dẫu có lúc biển nổi giận nhưng qua những phong ba, biển lại hiền hòa, xanh thẳm. Những ngư dân Hậu Lộc lại dong thuyền ra khơi làm giàu cho quê hương và giữ gìn, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Mỗi cán bộ, kiểm sát viên chúng tôi, những chiến sỹ được vinh dự và tự hào khoác trên mình màu áo thiên thanh, sẽ luôn cố gắng, đấu tranh không mệt mỏi để trở thành niểm tin, là điểm tựa công lý của nhân dân trong cuộc sống cũng như trong cuộc chiến giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Mai Thị Hồng