Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Khung pháp lý quan trọng bảo đảm giữ gìn, bảo vệ môi trường
Ngày đăng : 16:29, 10/11/2020
Xây dựng khung pháp lý bảo vệ môi trường
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 11/11 tới. Trao đổi bên hành lang Kỳ họp thứ X, nhiều đại biểu kỳ vọng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ góp phần thay đổi tư duy, hành động theo hướng vì môi trường. Thực tiễn cho thấy, bảo vệ môi trường cũng chính là vì sức khỏe, tính mạng của mọi người dân. Câu chuyện biến đổi khí hậu, sạt lở, lũ lụt, hạn hán… là hậu quả từ cách ứng xử của chúng ta đối với môi trường. Muốn phát triển bền vững, môi trường phải là ưu tiên số một.
Đợt mưa bão lớn vừa qua đã gây nên những trận sạt lở đất kinh hoàng nhất trong vòng hơn 20 năm qua, gây thiệt hại vô cùng to lớn tại các tỉnh miền Trung. Tại phiên chất vấn, những ý kiến đầy băn khoăn, lo lắng đó của các cử tri đã được các ĐBQH truyền tải tới những người có trách nhiệm, từ Thủ tướng Chính phủ tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và cũng nhận được sự phản hồi nhanh ngay tại nghị trường.
ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) nêu rõ quan điểm: “Môi trường phải là ưu tiên số một”. Ông đồng tình với việc nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ ra thực tế chúng ta bảo vệ, phát triển rừng chưa tốt. Chúng ta có bộ máy hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương để chăm lo cho công tác này, nhưng diện tích rừng tự nhiên vẫn rất thấp. Trong khi, rừng như "đê chắn sóng", giúp điều hòa không khí trong lành, khắc phục xói mòn, làm tăng độ phì nhiêu của đất… “Sự cố đáng tiếc ở thủy điện Rào Trăng 3 vừa qua cho thấy bài học nhãn tiền, khi môi trường bị tác động, dẫn đến lũ quét, sạt lở thì nhà đầu tư cũng mất hết, đâu còn gì. Bảo vệ môi trường là vì sức khỏe người dân. Sức khỏe là vàng, có sức khỏe thì mới cống hiến, làm việc và phát triển kinh tế được”, ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu tại Nghị trường |
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) mong mỏi dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ là khung pháp lý quan trọng để gìn giữ môi trường. Ông cho rằng nhìn tổng thể, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) từ quan điểm, phương châm đến mục tiêu… đều là những nội dung quan trọng và đã được thể hiện khá tốt. Cử tri và nhân dân đa phần rất đồng tình với việc sửa đổi lần này và quan điểm là ban hành càng nhanh càng tốt. Vì chúng ta đang cần khung pháp lý quan trọng để bảo đảm cho việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, không những ở khu vực dân cư mà còn những khu vực sản xuất tập trung và với những dự án, công trình lớn có thể gây ra những hậu quả, nguy cơ lớn và lâu dài về môi trường.
Khu đô thị lấn biển lớn nhất Việt Nam
Dự án lấn biển xây Khu đô thị Cần Giờ cũng thu hút sự quan tâm của các ĐBQH khi lo lắng “lá phổi xanh” của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ảnh hưởng. Trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Cần Giờ thể hiện con người đã phục hồi thiên nhiên với 31.000ha rừng dự trữ sinh quyển Cần Giờ, trong đó 20.000ha do công sức lao động của những thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh phục hồi từ 11.000ha sau chiến tranh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, nếu so với nhiều quận, huyện thì Cần Giờ vẫn là một đô thị mà mức sống, thu nhập cũng chưa được cải thiện nhiều, nên phải đặt mục tiêu trước hết là giữ được biểu tượng, đó là “lá phổi”, giữ được hệ sinh thái sinh quyển hiện nay đã được UNESCO công nhận. Nhưng theo Bộ trưởng, mục tiêu cao nhất vẫn phải là phát triển kinh tế đô thị phải dựa trên sự cân bằng của hệ sinh thái. Bộ trưởng khẳng định, khi lấn biển sẽ xem xét đánh giá tác động đối với môi trường biển cũng như tác động liên quan đến các dòng chảy hải dương học, địa chất của biển và đặc biệt là các hoạt động liên quan đến bồi lấp, xói mòn đối với các vùng khác của các địa phương khác. Bởi đây là một khu vực có nhiều cửa sông lớn, có thể có tác động lớn thì sẽ tạo ra những xói mòn ở nơi khác. Hiện nay, chủ đầu tư đã gần như công khai tất cả tác động sẽ có để các nhà khoa học trong nước và đặc biệt là hai tổ chức, một là tổ chức ở Hà Lan rất có kinh nghiệm trong vấn đề về các công trình biển, và một tổ chức hiện đang đứng thứ ba trên thế giới về đánh giá tác động môi trường, sinh thái xem xét, đánh giá.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: phải giữ cho được “lá phổi xanh” của Thành phố Hồ Chí Minh |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, dự án này đã phê duyệt từ năm 2003 với diện tích lấn biển khoảng 600ha, hiện nay nâng lên cả đô thị là hơn 2.800ha, trong đó có phần diện tích trên bờ. Với điều chỉnh này thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đảng bộ, Nhân dân, đặc biệt là Thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất rất cao mục tiêu này. Khi phê duyệt, đã trao đổi với UNESCO. Tại các khung pháp lý của UNESCO phân ra 3 vùng, gồm vùng lõi, vùng đệm, vùng lân cận và vùng bán lân cận. Phần hiện nay dự án là nằm tiếp giáp, kết nối với phần bán lân cận, tức là theo các quy định của UNESCO và đã có văn bản chính thức của UNESCO khẳng định đây là vùng không nằm trong quản lý mà thực hiện đầu tư dựa trên cân bằng sinh thái do quốc gia quản lý quyết định. Về pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam là phù hợp.
Nhận định về đánh giá tác động của dự án, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết dự án đã được tính toán một cách kỹ lưỡng. Chủ đầu tư đã sử dụng các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước để nghiên cứu xây dựng báo cáo như các tập đoàn của Hà Lan hay tập đoàn đứng thứ ba thế giới về đánh giá tác động môi trường và xã hội để thực hiện đối với dự án này. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã đánh giá được tác động trong khu vực của đô thị, bao gồm nước sạch, không khí, chất thải, tác động của đô thị lên môi trường tự nhiên.