Ghi nhận từ thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết án dân sự
Ngày đăng : 10:46, 06/11/2020
Tạp chí Kiểm sát khảo sát thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự tại VKSND tỉnh Yên Bái |
Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự là công tác thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân, nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án kịp thời, đúng pháp luật. Theo Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì: Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật; Viện kiểm sát tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này và Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự bắt đầu từ khi Tòa án thông báo trả lại đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc từ khi Tòa án thông báo thụ lý vụ việc dân sự đến khi bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không có kháng nghị, không có yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại theo quy định của BLTTDS năm 2015.
Thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc tiếp cận sớm nội dung, tài liệu có trong hồ sơ vụ án dân sự; khó nắm bắt tiến độ giải quyết vụ án để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND; đòi hỏi cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.Xác định đây là khâu công tác quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, trong Chỉ thị công tác năm 2020, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo: “… chú trọng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho Kiểm tra viên, Kiểm sát viên làm công tác này. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa... Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, đặc biệt là nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát ngang cấp so với năm 2019; chỉ đạo, hướng dẫn kiểm sát chặt chẽ các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện, chú trọng những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm” .
1. Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự
Về kiểm sát việc thụ lý và việc tiếp cận hồ sơ, tài liệu: Thực tế công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự cho thấy thiếu cơ chế cho Viện kiểm sát tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ vụ việc dân sự ngay từ ban đầu. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định việc Toà án gửi Thông báo thụ lý vụ việc (Điều 196, Điều 365), văn bản trả lại đơn khởi kiện cho VKSND (Điều 192), nhưng không quy định Toà án phải gửi các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Viện kiểm sát. Do đó, Viện kiểm sát không có điều kiện và không đủ cơ sở để kiểm sát việc thụ lý, trả lại đơn khởi kiện của Toà án có đúng quy định của pháp luật hay không. Cụ thể: Theo Điều 196 BLTTDS năm 2015 thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. Vì vậy, ngay từ khi Tòa án gửi thông báo và quyết định thụ lý vụ án cho Viện kiểm sát, Tòa án thường chỉ gửi quyết định thụ lý mà không gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ liên quan đến thời hiệu khởi kiện, điều kiện khởi kiện, tư cách pháp lý của người khởi kiện và những nội dung khác nên đã gây khó khăn cho Viện kiểm sát trong kiểm sát việc thụ lý vụ án. Đối với kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, thì chỉ quy định khi thấy cần thiết, Viện kiểm sát mới yêu cầu Tòa án cho sao chụp đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ trong trường hợp trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo Điều 21 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS (Thông tư số 02/2016).
Để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án kịp thời, đúng pháp luật thì Viện kiểm sát phải có hồ sơ vụ án; trực tiếp tham gia kiểm sát hoặc phải có đơn khiếu nại, đề nghị của đương sự thì mới có thể nghiên cứu phát hiện được vi phạm, thiếu sót của Tòa án. Nhưng cơ chế tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ khó khăn như hiện nay đang là nguyên nhân lớn làm hạn chế công tác kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án; nhất là đối với Viện kiểm sát cấp phúc thẩm chỉ kiểm sát trên cơ sở bản án, quyết định sơ thẩm và phiếu kiểm sát của Viện kiểm sát cấp huyện gửi lên mà không trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên tòa như ở Viện kiểm sát cấp sơ thẩm. Mặt khác, pháp luật không quy định việc Tòa án thông báo nên Viện kiểm sát không nắm được quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ; không tiếp cận được việc thẩm định của Tòa án.
Tạp chí Kiểm sát khảo sát thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự tại VKSND tỉnh Lai Châu |
Mặc dù VKSND nhiều địa phương đã ký kết Quy chế phối hợp với Toà án nhân dân trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, tháo gỡ được một số vướng mắc từ quy định của pháp luật về công tác phối hợp giữa hai ngành; nhưng về cơ bản, vẫn chưa giải quyết được tận gốc vấn đề tiếp cận hồ sơ, sao chụp các tài liệu, chứng cứ mà Toà án thu thập được để Viện kiểm sát nắm được tiến độ; lập hồ sơ kiểm sát và nghiên cứu nội dung vụ án... Mặt khác, cũng chưa có cơ chế phù hợp để Thẩm phán chủ động thông tin cho Kiểm sát viên tiếp cận, nghiên cứu các tài liệu mà Thẩm phán thu thập được để Kiểm sát viên chủ động trong công tác kiểm sát giải quyết đối với vụ việc.
Về thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án: Theo khoản 2 Điều 220 BLTTDS năm 2015 thì “… Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Bộ luật này thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp; trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án”.
Trong thời gian này, Kiểm sát viên thực hiện rất nhiều thủ tục như lập, trích cứu hồ sơ; nghiên cứu hồ sơ (kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án và những người tham gia tố tụng; xem xét yêu cầu khởi kiện; thẩm quyền giải quyết của vụ án; kiểm tra đánh giá khách quan, toàn diện tài liệu, chứng cứ; việc xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án...) và ban hành văn bản yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ (nếu xét thấy việc thu thập chứng cứ Tòa án chưa đầy đủ); báo cáo Lãnh đạo đề xuất quan điểm giải quyết vụ án; dự kiến nội dung hỏi tại phiên tòa; dự thảo bài phát biểu tại phiên tòa nên đối với những vụ án phức tạp thì khoảng thời gian 15 ngày (tính cả ngày nghỉ) là rất khó để Kiểm sát viên hoàn thành việc nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách toàn diện và thận trọng. Thậm chí, thực tế khá phổ biến là Toà án thường chuyển hồ sơ nhiều vụ án để tổ chức xét xử theo đợt và chuyển hồ sơ cùng với quyết định đưa vụ án ra xét xử nên áp lực đối với Kiểm sát viên trong một thời điểm lại càng lớn. Do thời hạn nghiên cứu ngắn nên việc nắm bắt nội dung vụ việc, tham mưu giải quyết còn hạn chế, làm giảm vai trò của Viện kiểm sát; khó khăn cho việc phối hợp với Tòa án khi giải quyết các vụ việc.
Riêng đối với việc Kiểm sát viên có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ, mặc dù, đây là quyền hạn của Kiểm sát viên mới được quy định trong BLTTDS năm 2015 nhưng quyền yêu cầu này rất khó được thực hiện vì thời điểm Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát thường gần sát ngày Tòa án mở phiên tòa, nếu Viện kiểm sát có ban hành văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ thì cũng không đủ thời gian để Thẩm phán thực hiện.
Về nội dung này, khoản 2 Điều 22 Thông tư số 02/2016 đã hướng dẫn về trách nhiệm của Tòa án khi thực hiện quyền yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát như sau: “Trường hợp việc xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Kiểm sát viên là không thể thực hiện được hoặc Tòa án xét thấy không cần thiết thì chậm nhất là đến ngày hết thời hạn mở phiên tòa, phiên họp theo quyết định của Tòa án, Tòa án thông báo cho Kiểm sát viên bằng văn bản và nêu rõ lý do”. Tuy nhiên, trong thực tiễn, một số yêu cầu của Viện kiểm sát không được thực hiện hoặc thực hiện không triệt để nhưng Tòa án cũng không có văn bản phản hồi, dẫn đến Kiểm sát viên bị động trong quá trình nghiên cứu hồ sơ để đề xuất hướng giải quyết, báo cáo án với Lãnh đạo Viện, tham gia phiên tòa.
Về sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa: Theo khoản 2 Điều 21 BLTTDS năm 2015 thì: “Viện kiểm sát tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này”. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 232 BLTTDS năm 2015 về việc có mặt của Kiểm sát viên lại quy định: “Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa; nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa”.
Sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa vừa thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, vừa với tư cách của người tiến hành tố tụng. Ở Viện kiểm sát địa phương với khối lượng công việc lớn phải hoàn thành, trong một số trường hợp, một Kiểm sát viên có hai hoặc nhiều vụ án trùng lịch xét xử hoặc do tham gia xét xử vụ án khác còn kéo dài thời gian nghị án nhưng không có Kiểm sát viên dự khuyết, hoặc đến ngày xét xử, vì một lý do bất khả kháng, Kiểm sát viên được phân công không thể tham gia phiên tòa. Do đó, quy định Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm, đặc biệt phiên tòa có việc giao nộp tài liệu, chứng cứ và xem xét việc giao nộp tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa.
2. Một số kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn công tác, qua khảo sát cho thấy, một số VKSND cấp tỉnh đã có những giải pháp, cách làm hay, những sáng kiến để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, đặc biệt là kinh nghiệm để nắm bắt được tiến độ giải quyết, tiếp cận sớm được hồ sơ vụ án để kiểm sát hiệu quả việc thụ lý đơn khởi kiện, việc trả lại đơn khởi kiện và nghiên cứu hồ sơ vụ án chuẩn bị cho tham dự phiên tòa, cụ thể:
Xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát trong giải quyết các vụ án dân sự: Để tiếp cận được với vụ án dân sự sớm, kinh nghiệm của VKSND tỉnh Yên Bái là phối hợp với Tòa án tham gia một số hoạt động như thẩm định tại chỗ, nghe phản ánh của các đương sự; chủ động, thường xuyên liên hệ, trao đổi với Thẩm phán để nắm bắt thông tin, yêu cầu sao chụp các tài liệu, chứng cứ. Tuy nhiên, để tháo gỡ vướng mắc nêu trên một cách căn cơ, VKSND tỉnh Lai Châu đã xây dựng mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với Toà án bằng việc ký Quy chế phối hợp trong việc giải quyết các vụ việc dân sự. Quy chế đã tạo lập cơ chế để Kiểm sát viên và Thẩm phán chủ động phối hợp với nhau trong suốt quá trình thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự. Theo đó, việc phối hợp phải được thực hiện ngay từ đầu.
Sau khi gửi thông báo thụ lý vụ việc cho Viện kiểm sát, Tòa án tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát tiếp cận các tài liệu, chứng cứ do đương sự, cơ quan có thẩm quyền đã cung cấp cho Tòa án để lập hồ sơ kiểm sát và trong suốt quá trình thụ lý giải quyết vụ việc thì Thẩm phán, Thư ký Tòa án và Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công phải phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với nhau. Sau mỗi lần tiếp nhận, thu thập các tài liệu, chứng cứ mới, Thẩm phán sẽ chủ động thông tin cho Kiểm sát viên biết để kịp thời tiếp cận, sao chụp và lập hồ sơ kiểm sát; cùng nghiên cứu, trao đổi về các mâu thuẫn, vi phạm đã phát hiện để có kế hoạch xác minh, làm rõ, thu thập tài liệu, chứng cứ.
Đối với những vụ án phức tạp, Kiểm sát viên chủ động nắm lịch của Thẩm phán để tham gia các hoạt động đối thoại, đối chất, xem xét thẩm định tại chỗ. Qua đó Kiểm sát viên nắm chắc được tiến độ; quan điểm của các bên đương sự và các chứng cứ có tại hồ sơ, để có quan điểm chính xác trong quá trình giải quyết vụ án. Quy chế cũng quy định hoạt động phối hợp trong quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị nghiệp vụ, lãnh đạo Toà án và Viện kiểm sát phải chặt chẽ, kịp thời giải quyết các nội dung phát sinh không thống nhất giữa Kiểm sát viên và Thẩm phán.
Chú trọng công tác theo dõi, quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ: Viện kiểm sát cấp huyện là nơi có số lượng án thụ lý nhiều, nhưng cán bộ, Kiểm sát viên còn mỏng, chưa dày dạn kinh nghiệm thực tiễn nên cần tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ. Trong kháng nghị phúc thẩm, nếu qua kiểm sát bản án, quyết định, qua dư luận nhận thấy có vi phạm, thì VKSND cấp tỉnh đề nghị Viện kiểm sát cấp huyện gửi hồ sơ kiểm sát bản án để xem xét; ngoài ra, còn yêu cầu gửi kèm theo bài phát biểu của Kiểm sát viên. Bởi vì, bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa là một văn bản thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát về toàn bộ quá trình giải quyết vụ án.
Qua bài phát biểu không chỉ nắm được nội dung vụ việc, mà còn cho thấy quan điểm của Viện kiểm sát về đường lối giải quyết vụ án có đúng hướng không để trao đổi, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ; đánh giá được năng lực, trách nhiệm của Kiểm sát viên. Đây cũng là cách làm sáng tạo của VKSND tỉnh Yên Bái trong việc nắm bắt nội dung vụ án để thực hiện việc kháng nghị và phát hiện những sai sót để tập hợp ban hành thông báo rút kinh nghiệm đối với những vụ án của Toà án cấp sơ thẩm có vi phạm bị cấp phúc thẩm huỷ, sửa.
Lập sổ và các phụ lục để theo dõi, quản lý kết quả giải quyết án dân sự: Cán bộ tổng hợp và mỗi Kiểm sát viên cần lập sổ và biểu mẫu phụ lục theo dõi chung và theo dõi riêng việc thụ lý, giải quyết án, nhất là trong quá trình kiểm sát bản án, quyết định dân sự của tòa án từng cấp, án sơ thẩm, phúc thẩm, như xây dựng hệ thống sổ sách, phụ lục biểu mẫu, như: Sổ đăng ký phiếu kiểm sát; Sổ đăng ký bài phát biểu; Sổ theo dõi bản án, quyết định của Toà án nhân dân cấp huyện; Sổ theo dõi vi phạm của Toà án nhân dân hai cấp; phụ lục biểu mẫu theo dõi giải quyết án của từng đơn vị... Nhờ áp dụng biện pháp này, trong thời gian qua, Phòng 9 VKSND tỉnh Yên Bái luôn nắm chắc tổng số vụ án đã thụ lý, tiến độ và số vụ đã giải quyết và chưa giải quyết, số vụ án có vi phạm, nhận diện các dạng vi phạm của Tòa án, từ đó, tổng hợp, ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị, tránh được sai sót trong quá trình giải quyết vụ án.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Một là, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, khẳng định được vị thế của ngành đối với chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định trong tố tụng dân sự, trước hết, cần nhận thức đúng, đầy đủ vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này. Tiếp tục quán triệt, triển khai những văn bản quy phạm pháp luật như BLTTDS năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật tổ chức VKSND năm 2014, đặc biệt quán triệt nội dung Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của VKSND tối cao và Tòa án nhân dân tối cao; Quy chế của VKSND tối cao về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự (ban hành kèm theo quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao)... Đồng thời, thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, trọng tâm là kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nhằm nâng cao trách nhiệm của Viện kiểm sát; đặc biệt là nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát ngang cấp so với năm 2019 theo Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao.
Hai là, trên cơ sở rà soát số lượng và đánh giá chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, cùng với số lượng vụ, việc thụ lý hàng năm, cần bố trí, sắp xếp cán bộ, Kiểm sát viên bảo đảm đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ; nên bố trí Kiểm sát viên làm việc lâu dài, hạn chế tối đa việc luân chuyển, nếu có thì phải đảm bảo những cán bộ luân chuyển phải cùng khâu công tác kiểm sát hoặc đã hướng dẫn, bồi dưỡng cán bộ đủ điều kiện để thay thế, bảo đảm tính kế thừa và ổn định.
Ba là, cần quan tâm việc hệ thống hoá văn bản pháp luật về kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự trong ngành Kiểm sát nhân dân để thuận tiện cho việc tra cứu của Kiểm sát viên; thường xuyên tập hợp thông báo rút kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ đầy đủ, kịp thời để tháo gỡ khó khăn phát sinh trong thực tiễn. Về lâu dài, ngành Kiểm sát nhân dân cần xây dựng kho dữ liệu điện tử để hệ thống hoá văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự theo hướng mở để Kiểm sát viên chia sẻ, cập nhật thường xuyên./.