Nhiều vấn đề nóng về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước được Quốc hội đưa ra thảo luận

Ngày đăng : 17:05, 05/11/2020

(Kiemsat.vn) - Trong hai ngày 04, 05/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường tiếp tục nội dung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Trong quá trình thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Chủ nhiệm các Ủy ban cũng phát biểu giải trình, làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải trách nhiệm về SGK

Vấn đề quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục; về công tác biên soạn, thẩm định sách giáo khoa và tài liệu tham khảo; thực trạng công tác giáo dục hướng nghiệp, giáo dục mầm non, nhiều ĐBQH có ý kiến về công tác biên soạn sách giáo khoa (SGK) chưa tốt, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, nhiều cử tri đã phản ánh tới Đoàn ĐBQH các tỉnh. Giá trị sách giáo khoa khác hoàn toàn sản phẩm hàng hóa thông thường. Nếu tiếp nhận một bộ sách như một lớp chắp vá để tiếp tục vận hành, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) cho rằng, “đó là thỏa hiệp nguy hại, xem nhẹ giá trị nhân văn trong sáng của tiếng Việt mà rất cần truyền dạy một cách thấu hiểu tận tâm với đứa trẻ vừa bước qua mầm non”. Vì vậy, ĐB Phạm Thị Minh Hiền mong các cơ quan, bộ phận có trách nhiệm cần nhìn thẳng sự thật, có thể cân nhắc lùi thời gian sử dụng những bộ sách giáo khoa còn có chất lượng thấp, còn thiếu để hoàn thiện chặt chẽ hơn về mọi mặt. Như Bác Hồ đã dạy: “Giáo dục trẻ em như một cây non và đối với việc trồng người thì dục tốt sẽ bất đạt”.

Giải trình làm rõ những vấn đề ĐBQH nêu về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, tất cả ý kiến đóng góp đều rất tâm huyết, trách nhiệm, với mong muốn góp ý cho ngành giáo dục để có bộ SGK tốt, thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về SGK trong tất cả các khâu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, vấn đề này thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt được quy định rất kỹ trong Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó quy định rất rõ ai chịu trách nhiệm về SGK. Từ việc hướng dẫn quy trình biên soạn, thành lập Hội đồng và quy trình thẩm định ra sao, đến việc phê duyệt sách như thế nào đều quy định bằng luật, chứ không phải bằng văn bản dưới luật. Và trực tiếp ở đây là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về SGK trong tất cả các khâu.

Phó Thủ tướng cho biết: Chính phủ trong các phiên họp gần đây đều đã thảo luận và đều có nói về vấn đề SGK. Thủ tướng nói rất nhiều lần, Phó Thủ tướng trực tiếp 2 lần họp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cùng các chuyên gia để tham gia thẩm định và có rất nhiều cuộc trao đổi riêng”.

Qua các cuộc làm việc đó, Phó Thủ tướng cho rằng: “Bộ SGK đã được biên soạn nhưng vốn tiếng Việt của Nhóm Cánh Diều đã được Bộ thẩm định và phê duyệt là có lỗi, có sai sót, có sạn tùy theo cách dùng từ. Chỗ này cần phải được tiếp thu, giải thích một cách rất khoa học, để tiếp thu”. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận thấy sai sót và trách nhiệm thuộc Bộ, trong đó có trách nhiệm thuộc Bộ trưởng. Bộ trưởng cũng đang có bước chỉ đạo khá cương quyết, ví dụ đã thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

“Việc này, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ trưởng nói riêng, Bộ nói chung phải hết sức lưu ý, vì những sai sót có thể tránh được thì chúng ta phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc”, Phó Thủ tướng chỉ rõ, “và trong các cuộc họp của Bộ, chúng tôi dùng từ là “nghiêm túc” và “nghiêm khắc” để quy trình biên soạn và thẩm định SGK những năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy”.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tận dụng công nghệ thông tin, đưa các bản thảo SGK lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định, để mọi người dân, trong đó có rất nhiều giáo viên - những người có kinh nghiệm dạy trẻ sẽ góp ý. Qua đó, tiếp tục, chắt lọc những ý kiến đúng để tiếp thu, ý kiến nào chưa đúng thì có giải thích lại để toàn xã hội đồng thuận. Tất cả chúng ta, tất cả đều vì tương lai của đất nước, đều vì con cháu, Phó Thủ tướng cho biết.

Rừng – Thuỷ điện – Lũ lụt và trách nhiệm quản lý nhà nước

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bảo vệ rừng, theo ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), thời gian qua vẫn còn điểm nóng về phá rừng; tình trạng tàng trữ, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, chống người thi hành công vụ... vẫn diễn biến phức tạp. Số dự án kinh tế chuyển đổi diện tích rừng từ năm 2019 đã giảm nhưng có đến 90% diện tích rừng chuyển đổi là rừng tự nhiên. Mặc dù diện tích rừng trồng thay thế gấp 3 lần rừng tự nhiên chuyển đổi nhưng do chủng loại cây trồng, ví trí trồng thay thế nên chưa đáp ứng được công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Ít khu bảo tồn được kiểm kê, bổ sung. Tình trạng mua bán động vật hoang dã chưa giảm...

Vì thế, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; cân nhắc kỹ các dự án chuyển đổi rừng phát triển kinh tế, ưu tiên dự án thủy lợi; đánh giá tác động trồng rừng thay thế; giải quyết tình trạng di cư tự phát, đẩy nhanh giao đất gắn với giao rừng; đầu tư ngân sách để cảnh báo thiên tai, phát triển rừng, bảo tồn sinh học, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng...

Nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường về việc trước đây trên địa bàn cả nước có 9 triệu ha rừng, bây giờ có 14 triệu ha rừng, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: Mấy chục năm trước chúng ta có 9 triệu ha rừng thì có bao nhiêu rừng tự nhiên, bao nhiêu rừng trồng? Bây giờ chúng ta có 14 triệu ha rừng, thì có bao nhiêu triệu ha rừng tự nhiên, bao nhiêu phần rừng trồng? Vai trò của hai loại rừng này khác nhau. 

Không phải ngẫu nhiên mà ở các quốc gia cực kỳ rộng lớn về lãnh thổ như Mỹ, Canada người ta vẫn kiên quyết bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng tự nhiên. Có ĐBQH từng nêu và tài liệu cũng cho thấy vai trò, chức năng bảo vệ đất đai, bảo vệ rừng, tích lũy nước ngầm của rừng tự nhiên khác với rừng trồng. Rừng trồng cứ 3 hoặc 5 năm lại cho phép khai thác, lại chặt đi, lại trồng mới nên sẽ khác ngay. “Chúng ta không thể nói chung chung để so sánh đơn giản thế được”, ĐB Nghĩa nhấn mạnh. 

Liên quan đến vấn đề thủy điện, ĐB Nghĩa cũng chỉ rõ, chúng ta không thể đổ thừa cho thủy điện nhưng một dòng sông chịu được bao nhiêu thủy điện? Nếu dòng sông này chịu được 3 thủy điện mà cho làm 8 thủy điện thì sẽ khác. Khi xét duyệt 1, 2, hay 3 thủy điện đầu tiên sẽ khác nhưng xét duyệt đến thủy điện thứ 4, thứ 5, thứ 6  thì tác động của nó đã khác. Theo đại biểu, nếu chúng ta đơn giản hóa vấn đề này thì không thấy được trách nhiệm quản lý nhà nước ở đâu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Lũ lụt, thiên tai không phải lỗi do thủy điện

Phát biểu làm rõ một số nội dung được các ĐBQH đặt ra tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong những ngày qua đã lắng nghe các ý kiến tâm huyết của các ĐBQH trước thiên tai và hậu quả ở miền Trung. Bộ trưởng chia sẻ với những mất mát của miền Trung, những khó khăn, gian khổ của các lực lượng đang khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn do thiên tai. 

Bộ trưởng cũng cho biết, theo các thống kê, xu hướng cực đoan của thời tiết, khí hậu trên toàn cầu đang tăng lên. Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo các chương trình nghiên cứu lũ quét, lũ  lụt ở miền Trung và Tây Nguyên, về sạt lở đất và cảnh báo sạt lở ở miền Trung, Tây Nguyên.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, lũ lụt, thiên tai không phải lỗi do thủy điện. Cũng theo Bộ trưởng, việc điều tiết các hồ chứa trong khu vực nhịp nhàng, chặt chẽ như vừa qua đã làm giảm lũ từ 30 đến 70% cho vùng hạ du. Cùng với đó, các hồ chứa cũng có hiệu quả trong chống hạn.

Cảm ơn các ĐBQH đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chỉ ra những thách thức về tư duy phát triển, về phát triển bền vững, về tăng trrưởng xanh, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Lúc này dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng Bộ trưởng cho rằng, cần sớm thông qua dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đầu tư nguồn lực để thực hiện các mục tiêu môi trường trong thực tế. 

ĐBQH đề nghị giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán dự án hồ chứa nước bản Mồng

Tiếp tục phiên thảo luận, liên quan đến hồ chứa nước bản Mồng, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho biết, đây là câu chuyện đáng ra Quốc hội phải làm từ lâu rồi. Vậy Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư hay là Quốc hội căn cứ Luật Đầu tư công, Chính phủ báo cáo để Quốc hội thông qua việc chuyển đổi đất rừng? Có một nghịch lý ở đây là mỗi lần điều chỉnh dự án thì lại tăng diện tích rừng đầu nguồn phải chuyển đổi mục đích sử dụng lên. “Đây là vấn đề cần có lời giải thích. Việc thu hồi đền bù, giải tỏa tái định cư bản Mồng, cử tri điện cho tôi là hiện nay chưa triển khai mà dự án này chuẩn bị đưa vào khai thác sử dụng”, ĐB Hồng cho biết. Mặt khác, hợp phần thủy điện trên sông Hiếu hơn 200 km để cốt tám dự án thủy điện nhỏ và vừa. Bây giờ có phải do có hợp phần dự án thủy điện mà chúng ta phải tính toán lại, điều chỉnh lại diện tích rừng hay không? Đây cũng là câu chuyện phải có câu trả lời chính thức. ĐB Hồng đề nghị, Quốc hội cần xem xét lại quyết định chủ trương đối với dự án hồ chứa nước bản Mồng; giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán dự án này; nếu muốn khai thác, sử dụng thì phải đền bù, tái định cư cho người dân trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sử dụng quyền tranh luận tại phiên thảo luận 

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã sử dụng quyền tranh luận để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến triển khai các dự án thủy điện, việc xử lý các dự án thủy điện, điện mặt trời đã hết vòng đời dự án đã được ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH Dương Trung Quốc đặt ra trong phiên thảo luận chiều 4.11.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, khi có chủ trương đầu tư một dự án thủy điện, trước hết các dự án này đều phải được bổ sung vào quy hoạch, trong đó có các tiêu chí về sử dụng đất thực hiện dự án. Địa phương quyết định việc bổ sung quy hoạch. Sau khi được thông qua, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xin ý kiến các bộ ngành liên quan để đảm bảo phù hợp với các quy hoạch khác nhau. Các dự án thủy điện phải đăng công khai đánh giá tác động về môi trường … Đối với các dự án thủy điện hết vòng đời dự án, luật và các văn bản dưới luật đã quy định chủ đầu tư phải đánh giá lại an toàn hồ đập, có phương án tháo dỡ cụ thể. Chủ đầu tư dự án điện mặt trời có trách nhiệm xử lý các tấm pin khi đã hết thời gian sử dụng...

Minh Tú