Quyết định phúc thẩm bản án của TAND tỉnh Đồng Nai đối với vụ việc hủy GCNQSD đối với đất sử dụng hợp pháp 34 năm của người dân
Ngày đăng : 16:28, 05/11/2020
02 quyết định của TAND huyện Trảng Bom và TAND tỉnh Đồng Nai về vụ việc |
Sử dụng đất hợp pháp suốt 34 năm
Theo hồ sơ vụ việc, 3 thửa đất số 1060, 1061,1062 tờ bản đồ số 39 xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là 3 thửa đất) được gia đình bà Huỳnh Thị Lệ Thu và ông Ngô Văn Lộc (đã mất) cùng ngụ tại huyện Trảng Bom sử dụng ổn định từ năm 1986 đến nay.
Với 3 thửa đất này, gia đình bà Lệ Thu đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ kê khai, đóng thuế nên đến năm 2003, gia đình bà đã được UBND huyện Trảng Bom cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 3 thửa đất trên và được cấp lại GCN QSDĐ vào năm 2011 với nguồn gốc đất là do Nhà nước giao trồng rừng vào năm 1986.
Mặc dù phần đất của gia đình ông Lộc bà Lệ Thu được giao, cấp sổ, sử dụng suốt 34 năm qua nhưng vẫn bị yêu cầu trả lại cho người khác. Cụ thể, năm 2015 gia đình bà Lệ Thu bị bà Nguyễn Ngọc Thu (ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) khởi kiện với yêu cầu buộc gia đình bà Lệ Thu trả lại cho bà Ngọc Thu 3 thửa đất nêu trên.
Nguyên nhân được bà Ngọc Thu đưa ra, phần đất đó là của bố mẹ chồng bà Ngọc Thu khai hoang từ năm 1977, đến năm 1982 thì cho vợ chồng bà. Bà Ngọc Thu canh tác sử dụng đến năm 1985 thì bị gia đình bà Lệ Thu chiếm đất cho đến tận bây giờ. Lý do là thế, nhưng bà Ngọc Thu lại không cung cấp được bất kỳ tài liệu chứng cứ nào khẳng định được việc bố mẹ chồng bà Ngọc Thu được công nhận là đã khai hoang từ năm 1977 và công nhận việc gia đình bà Ngọc Thu sử dụng từ năm 1982 đến năm 1985 trên 3 thửa đất.
Mặt khác, bà Ngọc Thu cũng không cung cấp được bất kỳ tài liệu chứng cứ nào khẳng định được hành vi chiếm đất của gia đình bà Lệ Thu, không cung cấp được tài liệu chứng cứ nào khẳng định việc bà có trình báo, tố cáo… gì liên quan đến việc gia đình bà Lệ Thu chiếm đất của mình ngay tại thời điểm năm 1986.
Trên cơ sở này, TAND huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai nhận định các chứng cứ mà gia đình bà Ngọc Thu đưa ra là không có cơ sở. Cụ thể, đối với các biên lai đóng thuế nông nghiệp các năm 1983, 1984, 1985 mà bà Ngọc Thu cung cấp, phía Tòa Trảng Bom nhận định là không đủ căn cứ xác định là của 3 phần đất đang tranh chấp nêu trên.
Đối với vị trí các thửa đất, TAND huyện Trảng Bom cũng nhận định rõ trong buổi đo vẽ ngày 1/4/2015 (bút lục số 229), chính bà Ngọc Thu là người trực tiếp đi chỉ ranh giới trên thực địa để đo vẽ nhưng sau khi ra kết quả thì bà Ngọc Thu lại phủ nhận kết quả này mà đề nghị TAND huyện Trảng Bom xác định theo GCNQSDĐ đã cấp cho gia đình bà Lệ Thu.
Tiếp đó, đối chiếu với các quy định trong Luật đất đai 1993, 2003 thì gia đình bà Ngọc Thu không có bất cứ tài liệu nào chứng minh đã được công nhận quyền sử dụng đất nhưng bị người khác lấn chiếm, bị thu hồi trái pháp luật.
Còn đối với hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho gia đình bà Lệ Thu năm 2003 và 2011, đối chiếu với quy định tại Luật đất đai 1993, 2003 thì quá trình giao đất của gia đình bà Lệ Thu từ năm 1986 đến khi được cấp GCNQSDĐ đều đảm bảo đúng quy định.
Về việc giao đất của gia đình bà Lệ Thu, TAND huyện Trảng Bom cũng đã có nhận định rõ: Chính phía bà Ngọc Thu đã nhiều lần và tại phiên tòa thừa nhận rằng “danh sách 8 hộ dân được giao đất rừng từ tháng 7/1986 là danh sách có thật, công nhận hộ bà Lệ Thu có trong danh sách, danh sách này là đúng”, UBND xã lấy đất của bà Ngọc Thu nhưng lại không hoán đổi hoặc giao đất khác cho bà. Theo đó, có thể hiểu là do quyền lợi của bà Ngọc Thu chưa được giải quyết nên bà yêu cầu gia đình bà Lệ Thu trả lại đất.
Như vậy, bà Ngọc Thu đã thừa nhận gia đình bà Lệ Thu không tự chiếm đất mà là được giao đất trồng rừng theo chủ trương của chính quyền từ năm 1986. Còn việc bà Ngọc Thu được đề nghị nhận đất hoán đổi 2 lần ở 2 địa điểm khác nhau nhưng bà không nhận vì lý do đất xấu thì đây không phải là lỗi của gia đình bà Lệ Thu.
Chờ bản án phúc thẩm
Liên quan đến việc bà Ngọc Thu cho rằng UBND huyện Trảng Bom cấp GCNQSDĐ cho gia đình bà Lệ Thu khi đất đang còn tranh chấp, theo TAND huyện Trảng Bom, việc này đã được UBND huyện Trảng Bom giải quyết theo quy định pháp luật.
Cụ thể, qua xem xét chứng cứ của UBND huyện Trảng Bom giải quyết khiếu nại của bà Ngọc Thu (vào năm 2007) cho thấy, kết quả giải quyết của UBND huyện Trảng Bom cũng đã thể hiện bằng văn bản rõ ràng cụ thể như: Kết luận điều tra, thông báo kết quả, công văn trả lời đơn … (theo quy định không cần ban hành hình thức 1 quyết định). Các kết quả này có giao cho bà Ngọc Thu nhưng bà Ngọc Thu không khiếu nại lên cấp trên theo thủ tục hành chính, do đó kết quả giải quyết UBND huyện Trảng Bom đối với bà Ngọc Thu đã có hiệu lực pháp luật, TAND huyện Trảng Bom không có quyền giải quyết lại.
Ngoài ra, theo nhận định của TAND huyện Trảng Bom thì đối với các lời khai làm chứng của ông Hải, bà Mai, ông Sáu Phú (hàng xóm nhà bà Ngọc Thu) đều khẳng định năm 1985, nhà nước đã công bố về việc khu vực đất của tập đoàn 39 và trong đó có 3 thửa đất trên nhà nước không cho trồng màu mà chỉ được trồng rừng. Do vậy chính ông Hải và nhiều hộ dân khác đã bỏ đất, sau đó nhà nước tiếp quản và giao cho nhiều hộ dân khác trồng rừng trong đó có gia đình bà Lệ Thu. Khi đó, bà Huỳnh Thị Mai (nguyên chủ tịch UBND xã Sông Trầu giai đoạn 1986 - 1993) đã 2 lần giao đất khác cho bà Ngọc Thu nhưng bà không nhận. Do vậy, việc UBND huyện Trảng Bom áp dụng điều 10 Luật đất đai 2003 để không giải quyết đơn của bà Ngọc Thu là đúng.
Trước những lý do nêu trên, TAND huyện Trảng Bom đã quyết định bác yêu cầu khởi kiện của bà Ngọc Thu về việc tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với ba thửa đất của gia đình bà Lệ Thu.
Tuy nhiên, TAND tỉnh Đồng Nai đã có bản án quyết định đồng ý các yêu cầu khởi khiện của bà Ngọc Thu, yêu cầu hủy các giấy chứng nhận của gia đình bà Lệ Thu đối với các phần đất đã tranh chấp nêu trên.
Trước quyết định của TAND tỉnh Đồng Nai, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã quyết định phúc thẩm bản án của TAND tỉnh Đồng Nai và hiện đang tiến hành các thủ tục xét xử phúc thẩm theo quy định pháp luật.