Người Kiểm sát viên thực hiện tốt 10 chữ vàng Bác Hồ tặng cán bộ Kiểm sát

Ngày đăng : 10:44, 30/10/2020

(Kiemsat.vn) - Trong suốt 19 năm thực hiện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự tại VKSND huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) - một trong 62 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước; trực tiếp thực hiện tới 70% tổng số án thụ lý của đơn vị nhưng Kiểm sát viên Phạm Văn Đồng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm... từ đó nâng cao uy tín và vị thế của ngành Kiểm sát, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, Người nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Từ ý nghĩa to lớn của việc nêu gương, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ, trong số nhiều giải pháp, Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã quan tâm lãnh đạo, phát huy vai trò vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó đã tạo thành phong trào thi đua: “Nói đi đôi với làm theo gương Bác”, có sức lan toả mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Yên Bái. Đã có nhiều tập thể, cá nhân điển hình nêu gương, trong đó có tấm gương đảng viên, Kiểm sát viên Phạm Văn Đồng – nguyên cán bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Anh để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, là tấm gương tôi luôn noi theo trong mỗi bước đường công tác.

Nguyên Kiểm sát viên VKSND huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) - anh Phạm Văn Đồng

Chúng tôi tìm về xã Đan Thượng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, miền Trung du đất Tổ một ngày tháng 5 yên ả, nắng vàng như rót mật. Vợ chồng anh tiếp tôi trong căn nhà nhỏ nằm giữa những đồi chè xanh bạt ngàn, ngút ngát tầm mắt. Đã 65 tuổi nhưng anh Phạm Văn Đồng vẫn giữ được tác phong nghiêm ngắn của một cựu chiến binh, một kiểm sát viên cả đời gắn bó với ngành. Rót chén trà thơm nồng, anh hồi tưởng về hành trình đã qua của mình…

Sự vất vả của Kiểm sát viên vùng cao

Anh sinh năm 1958, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Bố là cựu quân nhân có gần 25 năm phục vụ trong quân ngũ trải theo hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mẹ anh làm nghề nông, từng là dân công tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ từ năm 1953 đến năm 1954. Năm 1978, vừa tròn 20 tuổi, tình hình biên giới Việt - Trung có diễn biến phức tạp, anh Đồng xung phong lên đường nhập ngũ. “Lớp cha trước, lớp con sau/ Cũng là đồng chí chung câu quân hành”, bố anh – một cựu chiến binh cả đời đánh giặc chỉ dặn con phải nỗ lực vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính khi đất nước lâm nguy.

Sau mấy tháng huấn luyện, anh được điều về làm lính trinh sát thuộc Trung đoàn 118, Sư đoàn 345 đóng quân tại Phong Hải, Bảo Thắng, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Tháng 2 năm 1979, tiếng súng vang lên khắp 6 tỉnh biên giới, anh và đồng đội đã trực tiếp tham gia chiến đấu ở tuyến đầu và lập công xuất sắc, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen... Chính những năm tháng trong quân ngũ đã tôi rèn cho Phạm Văn Đồng phẩm chất vững vàng, không ngại khó, không ngại khổ, hết lòng vì sự nghiệp chung.

Tháng 10/1982, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Phạm Văn Đồng xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Bàn, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai). Tại đây, tháng 5/1984, anh được cử đi học lớp nghiệp vụ kiểm sát do Viện kiểm sát nhân dân tối cao mở tại thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn cho Viện kiểm sát 6 tỉnh phía Bắc.

Kiểm sát viên Phạm Văn Đồng cùng anh em cán bộ xuống bản tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân

Với phẩm chất của người đảng viên, sự dũng cảm, cương trực của anh bộ đội Cụ Hồ, anh luôn đề cao chữ “liêm” trong công tác. Mặc dù mới vào ngành nhưng anh đã nỗ lực, chủ động tham mưu cho lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện nhiều chủ trương, giải pháp trong công tác nghiệp vụ. Đặc biệt, anh đã trực tiếp thụ lý, xử lý nhiều vụ án đảm bảo chính xác, khách quan, đúng pháp luật, được liên ngành Công an – Tòa án nhân dân đánh giá cao.

Hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm, nghiệp vụ cho cán bộ trẻ

Anh nhớ lại, năm 1983 khi đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Bàn, được phân công tham gia Kiểm sát chung kiểm sát trực tiếp tại Cửa hàng Dược huyện Văn Bàn, đã phát hiện Nguyễn Thị Lịch là thủ quỹ có hành vi tẩy xóa chứng từ khi nộp tiền vào Ngân hàng để tham ô số tiền 346.737 đồng. Vụ án được khởi tố, Tòa án nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn xét xử tuyên phạt Nguyễn Thị Lịch 16 năm tù.

Tháng 3/1985, anh được điều động về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Yên (nay thuộc tỉnh Yên Bái). Ngày 13/9/1985 nhà nước tiến hành đổi tiền, với vai trò tham gia công tác giám sát việc đổi tiền, Phạm Văn Đồng đã phát hiện Lương Thị Vụ, cán bộ thu mua lương thực của Công ty Lương thực huyện Lục Yên gửi số tiền lớn vào Quỹ tín dụng huyện, có dấu hiệu phân tán tiền (theo quy định của Pháp lệnh đổi tiền số 01 ngày 13/9/1985). Thông qua đó, phát hiện hành vi tham ô của nhóm người công tác tại Công ty lương thực huyện với số tiền trên 39 triệu đồng. Để chạy án, Nguyễn Đăng Khoa đã tìm cách đưa cho anh Phạm Văn Đồng 50 ngàn đồng. Đó là một số tiền khá lớn, gấp 20 tháng lương của anh thời điểm đó. Song anh Đồng đã kiên quyết từ chối, báo cáo lãnh đạo, lập biên bản thu giữ số tiền trên. Nguyễn Đăng Khoa đã bị khởi tố thêm tội đưa hối lộ. Tòa án nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo, trong đó, Lương Thị Vụ bị tuyên phạt 7 năm tù về tội tham ô, Nguyễn Đăng Khoa 18 năm tù về 2 tội tham ô và tội đưa hối lộ.

Sau khi tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai, năm 1991, anh được điều động về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Tại đây, tháng 8/1992 anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được bổ nhiệm Kiểm sát viên.

Do Viện kiểm sát nhân dân huyện Mù Cang Chải lúc bấy giờ đang gặp khó khăn về nhân sự, chỉ có 2 cán bộ và Viện trưởng Giàng A Say, tháng 12/1999, anh được lãnh đạo Viện gọi lên trao đổi, muốn đưa anh lên công tác nơi đây. Đây là huyện khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái, là một trong 62 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, giao thông đi lại rất hiểm trở. Hơn 90% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, văn hóa còn hủ tục, lạc hậu, thường bị các đối tượng xấu lợi dụng, dụ dỗ vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, phá rừng phòng hộ, trồng cây thuốc phiện, và cả nạn tảo hôn…. Với 230 km thì đoạn đường từ cơ quan về nhà lại càng xa hơn, nhưng với cái chất của người lính, tinh thần, trách nhiệm của người đảng viên, của người Kiểm sát viên, cùng với sự động viên của chị Nguyễn Thị Liên- người vợ thảo hiền, anh vui vẻ nhận nhiệm vụ và gắn bó với nơi đây cho đến khi nghỉ hưu. Chặng đường ấy tròn 19 năm.

Mặc dù không được đào tạo thuận lợi như nhiều đồng nghiệp khác, tuổi đã lớn, song anh Phạm Văn Đồng vẫn miệt mài theo học các khóa chuyên tu, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Qua nhiều cương vị công tác khác nhau, ở nhiều đơn vị khác nhau, song trong bất kỳ nhiệm vụ nào được giao anh Phạm Văn Đồng cũng cẩn trọng.

Anh nói, việc “chống oan, chống lọt” luôn là mục tiêu của một nền tư pháp văn minh, vì con người, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kiểm sát. Ý thức được điều đó mà trong suốt 19 năm làm Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, có đến 70% số vụ án trên tổng số án thụ lý của đơn vị đều do anh giải quyết, nhưng chưa để xảy ra vụ án nào bị oan, sai, bỏ lọt tội phạm, chưa có vụ án nào bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay cấp trên kháng nghị, kiến nghị, chưa có vụ án nào bị Toà án tuyên bị cáo không phạm tội dẫn đến hậu quả phải bồi thường thiệt hại cho người bị oan, gây ảnh hưởng đến uy tín của Ngành, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Tôi hỏi anh về vụ án Sầm Văn Thủ, như được khơi mạch nguồn say mê, nhiệt huyết, anh tự hào kể trong cuộc đời đánh án của mình. Anh nhớ nhất là 3 vụ án có sự góp sức của anh mà tránh được oan sai, bỏ lọt tội phạm. Trong đó, vụ án liên quan đến ma túy khiến anh trăn trở nhất. Vụ án xảy ra vào ngày 30/5/2012 tại huyện Mù Cang Chải, do có mẫu thuẫn trong làm ăn, muốn trả thù, Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Thanh đã bàn bạc với lái xe của công ty là Nguyễn Minh Long đưa Sầm Văn Thủ ở Công ty Duyên Thuận đi khảo sát đoạn đường sắp tới để thuê vận chuyển vật liệu xây dựng. Đến đoạn đường vắng Long lừa Thủ đi xa nơi dựng chiếc xe máy để Huy lén bỏ gói heroin có trọng lượng là 7, 72 gam chuẩn bị trước vào trong cốp xe của Thủ, sau đó đi báo Công an. Sầm Văn Thủ bị Công an bắt quả tang cùng tang vật, bị tạm giữ hình sự. Sau đó, Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với bị can Sầm Văn Thủ và đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn các quyết định trên. Trong quá trình nghiên cứu tài liệu, trong các lời khai và những lần phúc cung, Sầm Văn Thủ đều một mực kêu oan. Xem xét thái độ của Sầm Văn Thủ và bằng kinh nghiệm của mình, Kiểm sát viên Phạm Văn Đồng đã linh cảm Thủ có dấu hiệu bị oan, rất có thể do người khác tìm cách hãm hại. Anh đã kiên trì tìm chứng cứ chứng minh sự thật khách quan vụ án. Sau 9 ngày tạm giữ hình sự, xác định Sầm Văn Thủ không phạm tội, anh báo cáo, đề xuất lãnh đạo Viện ra quyết định không phê chuẩn khởi tố bị can, không phê chuẩn lệnh giam bị can theo đề nghị của Cơ quan điều tra và yêu cầu trả tự do ngay cho Sầm Văn Thủ. Nhờ sự công tâm, thận trọng, trách nhiệm nghề nghiệp và lương tâm trước sinh mệnh con người của anh mà Sầm Văn Thủ đã được minh oan. Những người chủ mưu hãm hại anh Thủ đã được Cơ quan điều tra làm sáng tỏ. Đến ngày 12/8/2012, Nguyễn Quang Huy ra đầu thú, khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Ngày 20/12/2012, Tòa án đưa vụ án xét xử lưu động tại xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tuyên phạt Huy 7 năm 6 tháng tù giam về 2 tội vu khống và tàng trữ trái phép chất ma túy. (Vụ án đã được nhiều báo chí nói đến, Truyền hình Kiểm sát dựng thành phóng sự “Lật tẩy thủ đoạn gắp lửa bỏ bàn tay người của gã Giám đốc”).

Thực hiện theo lời dạy của Bác, cùng với việc chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước, trong những năm qua, ngoài công tác chuyên môn của ngành, anh còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, tham gia nhiều công tác của xã, của huyện. Mỗi khi có cháy rừng anh cùng lực lượng cứu hộ và nhân dân đi dập giặc lửa suốt nhiều ngày đêm trên rừng sâu; khi xảy ra lũ cuốn, lũ quét… những lúc gian nan đó anh luôn có mặt. Anh gắn bó với bà con, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật cho nhân dân, để hạn chế bị kẻ xấu kích động hay lợi dụng vi phạm pháp luật; hạn chế nạn tảo hôn, không phá rừng trồng cây thuốc phiện. Anh thường xuyên đến tận bản làng giúp đỡ, hướng dẫn bà con trồng cây, chăn nuôi gia súc để nâng cao đời sống. Anh luôn được nhân dân nơi đây quý trọng, gọi bằng cái tên trìu mến “Chú Đồng đen”.

Trong 36 năm gắn bó với ngành, anh có 19 năm công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Mù Cang Chải, trực tiếp dìu dắt 5 cán bộ Kiểm sát viên đứng vào hàng ngũ của Đảng. Là một đảng viên, anh luôn xác định phải gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Anh thường tâm sự, động viên cán bộ, đảng viên trong Chi bộ rằng: “ Mỗi chúng ta là một viên gạch hồng của Đảng, viên gạch có hồng thì Đảng mới hồng, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng chi bộ cơ sở là bức tường hồng vững chắc của Đảng”. Các thế hệ cán bộ, đảng viên luôn noi gương anh, cùng nhau xây dựng Chi bộ VKSND huyện Mù Cảng Chải nhiều năm đạt chi bộ trong sạch, vững mạnh. Tuy không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; song, đảng viên, Kiểm sát viên Phạm Văn Đồng luôn tận tâm, tận lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và của ngành giao. Không có nhiều thành tích, nhiều bằng khen, nhưng phần thưởng lớn nhất đối với cựu đảng viên, Kiểm sát viên Phạm Văn Đồng là sự tin tưởng của Chi bộ, đơn vị, đồng chí, đồng nghiệp và những người dân lam lũ ở vùng núi cao Yên Bái.

Khi biết tôi có ý định viết về anh, là điển hình về gương một đảng viên, Kiểm sát viên gương mẫu, anh khiêm tốn nói: “Mình có gì để viết đâu. Những suy nghĩ và hành động của mình với vai trò là Kiểm sát viên chỉ đơn giản xuất phát từ nhận thức, làm sao cho xứng đáng với 10 chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu đã căn dặn cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Và trong suốt cuộc đời mình, cựu Kiểm sát viên Phạm Văn Đồng đã thực hiện tốt lời dạy đó của Bác. Tấm gương của anh thật bình dị mà cao quý, xứng đáng để các thế hệ cán bộ Kiểm sát noi gương, học tập.

Hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và ngành giao cho, anh về quê an nhiên hưởng chế độ hưu trí bên người vợ hiền, suốt đời tần tảo. Giờ mới là lúc anh bù đắp tình yêu với quê hương, gia đình sau 40 năm xa nhà, xa quê, để hoàn thành trọng trách của một chiến sỹ bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ pháp luật.

Vợ chồng anh tiễn tôi ra về. Ngoài sân, nắng hè vàng rực, chói chang. Tôi viết những dòng này bằng tất cả sự ngưỡng mộ và biết ơn anh, một đời tâm huyết phấn đấu thực hiện tròn lời Bác Hồ dạy./.

Phạm Thị Nguyệt