Hội thảo về các biện pháp thu thập, đánh giá dữ liệu điện tử, chứng cứ kỹ thuật số trong các vụ án sử dụng công nghệ cao để phạm tội

Ngày đăng : 11:58, 01/11/2020

(Kiemsat.vn) - Ngày 30/10/2020, VKSND tối cao Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp CHLB Đức đồng tổ chức Hội thảo quốc tế trực tuyến tại 2 điểm cầu Việt Nam và Đức về “Chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và CHLB Đức về các biện pháp phát hiện, thu giữ, bảo quản, đánh giá, sử dụng dữ liệu điện tử, chứng cứ kỹ thuật số trong giải quyết các vụ án sử dụng công nghệ cao để phạm tội”.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Việt Nam

Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Việt Nam có đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, chủ trì Hội thảo; đại biểu đại diện một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo, công chức VKSND cấp cao tại Hà Nội, VKSND thành phố Hà Nội, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; đại diện các đơn vị Cục An ninh chính trị nội bộ A03, Cục An ninh đối ngoại A01, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và Học viện Cảnh sát nhân dân.

Các chuyên gia từ CHLB Đức

Tại điểm cầu CHLB Đức, có sự tham gia của bà Angela Schmeink, Trưởng đại diện Chương trình Quỹ hợp tác quốc tế về pháp luật Đức (IRZ) tại Berlin và khu vực Châu Á (đồng chủ trì Hội thảo); ông Andreas May, Công tố viên cao cấp, Viện Công tố Frankfurt/Main, Cộng hòa Liên bang Đức. 

Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cảm ơn sự phối hợp của Viện hợp tác quốc tế về pháp luật CHLB Đức đã hỗ trợ tích cực VKSND tối cao Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội thảo trực tuyến. Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, Hội thảo là cầu nối để chia sẻ kinh nghiệm giữa các Kiểm sát viên, Điều tra viên Việt Nam và Công tố viên CHLB Đức về các biện pháp phát hiện, thu giữ, bảo quản, đánh giá, sử dụng dữ liệu điện tử, chứng cứ kỹ thuật số trong giải quyết các vụ án sử dụng công nghệ cao để phạm tội, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm công nghệ cao ở cả hai nước.

Đồng chí Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng Vụ 13, VKSND tối cao trình bày Báo cáo Đề dẫn Hội thảo. 

Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, trong những năm gần đây, với sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng Internet đã làm nảy sinh và phát triển nhanh chóng tội phạm công nghệ cao tại Việt Nam. Hoạt động phạm tội của các đối tượng sử dụng công nghệ cao ngày càng phổ biến, gia tăng mạnh về số lượng đối tượng và số vụ phạm tội với thủ đoạn ngày càng tinh vi; mức độ, tính chất ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, mang đậm tính chất của tội phạm có tổ chức và tội phạm xuyên quốc gia.

Tội phạm công nghệ cao đã và đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên toàn thế giới nói chung. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc phát hiện, thu giữ, phục hồi, bảo quản, đánh giá, sử dụng chứng cứ điện tử thường gặp nhiều khó khăn do người phạm tội có thể xóa, sửa nhanh chóng nhằm che giấu hành vi tội phạm; hành vi phạm tội không bị hạn chế về không gian, thời gian…

Đồng chí Cao Anh Đức, Kiểm sát viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ 1, VKSND tối cao phát biểu tại Hội thảo

Do vậy, việc tăng cường hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về thu giữ, bảo quản, đánh giá, sử dụng dữ liệu điện tử, chứng cứ kỹ thuật số với các quốc gia có thế mạnh về phát triển các thành tựu khoa học kỹ thuật hình sự, đặc biệt là kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, trong đó có kinh nghiệm của các đồng nghiệp đến từ Viện công tố Cộng hòa liên bang Đức trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm phát sinh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay là hết sức cần thiết.

TS. Lại Kiên Cường, Phó Trưởng khoa Toán - tin học và Ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân phát biểu tại Hội thảo

Các đại biểu, khách mời đã tập trung thảo luận các nội dung chính, như: Thực trạng tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam; các biện pháp thu thập, chuyển hóa, sử dụng chứng cứ điện tử để chứng minh trong vụ án tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội theo quy định của pháp luật Việt Nam; những khó khăn, vướng mắc trong thu thập dữ liệu điện tử phục vụ công tác điều tra các vụ án sử dụng công nghệ cao; tình hình khai thác dữ liệu điện tử, chứng cứ kỹ thuật số và mối quan hệ với các nguồn chứng cứ khác phục vụ việc buộc tội, tranh tụng tại phiên tòa. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã lắng nghe đại diện chuyên gia CHLB Đức chia sẻ kinh nghiệm của CHLB Đức về các biện pháp phát hiện, thu giữ, bảo quản, đánh giá, sử dụng dữ liệu điện tử, chứng cứ kỹ thuật số trong giải quyết các vụ án sử dụng công nghệ cao để phạm tội.

TS. Nguyễn Đức Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Chia sẻ kinh nghiệm từ phía đại diện CHLB Đức, về việc tiến hành các biện pháp điều tra nghe - nhìn và công tác thẩm định kết quả thu nhận được, ông Andreas May, Công tố viên cao cấp, Viện Công tố Frankfurt/Main nhận định: Ở CHLB Đức, các bản thu âm và thu hình được coi là hiện vật. Khi đưa ra xem xét tại phiên xét xử, các bản thu âm, thu hình này thường được đưa và xem trực tiếp. Thông tin được chuyển thành dạng đọc được, cuộc nói chuyện được ghi thành biên bản và được coi là chứng cử ở dạng văn bản. Các nội dung cơ bản trong giai đoạn điều tra phải được đưa vào hồ sơ ở dạng viết…

Hội thảo cũng đã nghe các ý kiến trao đổi tích cực, đặt câu hỏi từ đại diện các cơ quan, đơn vị của Việt Nam cũng như đại diện CHLB Đức.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao kết quả đạt được sau thời gian tham luận và trao đổi, đã bước đầu hình dung và so sánh những điểm giống và khác nhau giữa quy định của pháp luật Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức về dữ liệu điện tử và chứng cứ kỹ thuật số; khó khăn, vướng mắc của cả Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức trong việc thu giữ, bảo quản, đánh giá, sử dụng dữ liệu điện tử, chứng cứ kỹ thuật số trong đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu kết luận Hội thảo

VKSND tối cao Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với Bộ Tư pháp Cộng hòa Liên bang Đức trong thời gian tới, nhận được sự hỗ trợ của Viện hợp tác quốc tế về pháp luật, Cộng hòa Liên bang Đức trong việc mở các khóa đào tạo bồi dưỡng về các kỹ năng nghiệp vụ nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ, Kiểm sát viên Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cảm ơn sự có mặt tham gia góp ý kiến của các đơn vị, cơ quan trong nước tại điểm cầu Việt Nam và chuyên gia CHLB Đức là bà Angela Schmeink, Trưởng đại diện Chương trình Quỹ hợp tác quốc tế về pháp luật Đức (IRZ) tại Berlin và khu vực Châu Á; ông Andreas May, Công tố viên cao cấp, Viện Công tố Frankfurt/Main, Cộng hòa Liên bang Đức đã dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm của mình với các đồng nghiệp Việt Nam tại Hội thảo.

TH