Bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế

Ngày đăng : 09:13, 27/10/2020

(Kiemsat.vn) - Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tại Quốc hội chưa nhận được sự đồng thuận cao của các ĐBQH. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc ban hành nhưng cũng có ý kiến đề nghị không ban hành Luật này.

Làm rõ sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã, thị trấn bán chuyên trách (gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở), được thành lập tại địa bàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là địa bàn cơ sở). Trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân và trong điều kiện nước ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị và Luật Công an nhân dân năm 2018 đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Vì vậy, việc đề nghị xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Dự án Luật trước Quốc hội 

Đáng lưu ý, Chương III (Xây dựng lực lượng; bảo đảm điều kiện hoạt động; bồi dưỡng, hỗ trợ; giải quyết một số trường hợp khi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ) gồm 11 điều (tư Điều 16 và Điều 26), quy định lực lượng này có nhiều nét tương đồng với lực lượng Công an nghĩa vụ trong các vấn đề về: Bồi dưỡng, huấn luyện, hưởng chế độ hàng tháng, được chi trả bảo hiểm, trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, trường hợp lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh …

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng quy định về hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp quy định đối với các chức danh Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xem xét, tuyển chọn người đang hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng để tiếp tục tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều khoản của các luật có liên quan.

Còn nhiều ý kiến trái chiều

Thẩm tra về sự cần thiết ban hành Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với những lý do chính như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc xây dựng Luật này đặt trong tổng thể việc triển khai thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy theo Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị và Luật Công an nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt

Một số đại biểu cho rằng việc xây dựng, kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, tác động trực tiếp tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở; có nhiều nội dung liên quan đến công tác tổ chức, vị trí pháp lý của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; kinh phí, ngân sách bảo đảm; một số nội dung của dự thảo Luật chưa thống nhất với quy định của một số luật hiện hành; dự thảo Luật cũng chưa đề cập đến các tổ chức tự nguyện, tự quản, các mô hình khác của quần chúng nhân dân đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; một số nhóm chính sách mới trong Luật chưa được Chính phủ đánh giá một cách chi tiết, toàn diện, sát thực tiễn. Vì vậy, đề nghị Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong một thời gian nhất định, tại một số địa phương để có thời gian tổng kết, đánh giá sự cần thiết cũng như tính khả thi của chính sách trước khi ban hành Luật.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc ban hành Luật này vì cho rằng hiện nay đã thực hiện chính quy Công an xã, đã đảm nhiệm các nhiệm vụ của Công an xã bán chuyên trách khi Luật Công an nhân dân có hiệu lực; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chỉ là một trong nhiều lực lượng, tổ chức quần chúng tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh trật tự và cơ bản chỉ có nhiệm vụ “tham gia” cùng lực lượng Công an chính quy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành nghị định quy định việc sử dụng Công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Một số đại biểu đề nghị không ban hành Luật này vì cho rằng theo quy định của Luật Quốc phòng và Luật Dân quân tự vệ thì đã có lực lượng Dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh nhân dân nên việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ chồng chéo nhiệm vụ.

Có đại biểu cho rằng, các quy định về tuyển chọn, thành lập, công nhận chức danh; nơi làm việc, trang bị, trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận và các chế độ, chính sách khác trong dự thảo Luật có thể được hiểu là “chuyên nghiệp hóa”, “chính quy hóa” lực lượng này. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu đảm bảo sự phù hợp, tính khả thi của Luật.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc sắp xếp lực lượng dân phòng vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, vì lực lượng dân phòng được thành lập theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở, nếu giao thêm nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh trật tự có thể sẽ làm giảm hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy.

Có ý kiến khác đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá chính xác số liệu về lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố và Dân phòng hiện nay; phân tích, đánh giá cụ thể hơn về nguồn kinh phí cần thiết để đảm bảo cho lực lượng này hoạt động làm căn cứ trình Quốc hội cho ý kiến.

Một số ý kiến cho rằng Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối nhiệm kỳ, thời gian rất ngắn, Quốc hội cần dành nhiều thời gian cho hoạt động tổng kết nhiệm kỳ, trong khi dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân và liên quan đến quy định của một số luật khác; một số nội dung cần được khảo sát, nghiên cứu kỹ, nên đề nghị Quốc hội cân nhắc thông qua dự án Luật này vào thời điểm phù hợp.

Để phục vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cũng trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm nghiên cứu, cho ý kiến về một số nội dung: Sự cần thiết ban hành và thời điểm thông qua dự án Luật. Sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến; tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính khả thi của dự thảo Luật. Vị trí, chức năng (Điều 3) và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (Chương II dự thảo Luật); làm rõ nhiệm vụ tham gia, hỗ trợ Công an chính quy và nhiệm vụ độc lập của lực lượng. Tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (Điều 5) và bố trí lực lượng, thành lập, công nhận các chức danh của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (Điều 16). Bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (mục 2 Chương III) và bồi dưỡng, hỗ trợ; giải quyết một số trường hợp khi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ (mục 3 Chương III)...

Minh Tú