Kiến nghị từ thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014

Ngày đăng : 13:54, 26/10/2020

(Kiemsat.vn) - Luật Tổ chức VKSND năm 2014 được ban hành đã cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các đạo luật hiện hành; thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng liên quan đến VKSND.

Luật Tổ chức VKSND năm 2014 có nhiều quy định mới trong đó có những quy định đã xác định rõ vị trí, vai trò của VKSND trong mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực Nhà nước, tiếp tục khẳng định VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước CHXHCN Việt Nam. VKSND có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đã quy định rõ phạm vi, nội dung, mục đích của chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước CHXHCN Việt Nam, khẳng định thực hành quyền công tố của VKSND trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó xác định “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra”, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đã xác định vai trò, trách nhiệm của VKSND là cơ quan quyết định, phê chuẩn việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra, truy tố; có quyền trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tiến hành một số hoạt động điều tra để làm rõ căn cứ quyết định việc buộc tội đối với người phạm tội; quyết định truy tố hoặc không truy tố bị can.

Luật cũng đã quy định rõ phạm vi, nội dung, mục đích của chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Theo đó tại khoản 1 Điều 4 quy định “Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của VKSND để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật”. 

Ngay sau khi Luật Tổ chức VKSND năm 2014 được Quốc hội thông qua, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-VKSTC-V9 ngày 12/12/2014 triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/2014/QH13, ngày 24/11/2014 của Quốc hội về thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2014; lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, VKSND cấp dưới tham mưu tổ chức học tập, quán triệt nội dung, tinh thần Luật tổ chức VKSND năm 2014 đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong Ngành biết, thực hiện. Để cán bộ, Kiểm sát viên chủ động, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và các đạo luật về tư pháp, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn Ngành tổ chức thành công 02 kỳ thi "Chúng tôi là Kiểm sát viên”. Thông qua đó, đông đảo cán bộ, Kiểm sát viên tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc về những quan điểm, nguyên tắc, nội dung những quy định mới trong các đạo luật về tư pháp trong đó có Luật Tổ chức VKSND năm 2014. Đến nay, sau 05 năm thực hiện Luật, 100% công chức, viên chức trong toàn ngành nhận thức rõ về Luật Tổ chức VKSND và tổ chức bộ máy, cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi khi thực thi nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật đã bộc lộ một số hạn chế bất công cần phải tiến hành sơ kết để đánh giá, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành...

Riêng về Khoản 1 Điều 95 Luật Tổ chức VKSND quy định: “Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên có thang bậc lương riêng". Tuy nhiên, Nghị quyết số 27 NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp quy định về việc “xây dựng 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức ... áp dụng chung đối với công chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức ... có nhiều bậc lương theo nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức...”. Vì vậy, cần sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 95 để bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

PV