Dự án Khu dân cư Hòa Lân: Nguy cơ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng do sai phạm trong định giá và bán đấu giá tài sản
Ngày đăng : 22:56, 20/10/2020
Đơn thư tố giác tội phạm về những dấu hiệu sai phạm trong việc bán đấu giá dự án trên địa bàn tỉnh Bình Dương |
Dấu hiệu sai phạm của Ngân hàng cho vay
Theo đơn thư tố giác, Ngân hàng Agribank Chợ Lớn đơn vị cho Công ty Thiên Phú vay thế chấp thực hiện các dự án Khu dân cư Hòa Lân, Khu dân cư Mỹ Phước 4, Khu dân cư Cầu đò… đã để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động cho vay, thế chấp tài sản, kết hợp với Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty đấu giá Nam Sài Gòn), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh (Công ty Kim Oanh) có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi thực hiện đấu giá tài sản (xử lý tài sản thế chấp) gây thất thoát tài sản Nhà nước và gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú).
Dự án Khu dân cư Hòa Lân, một trong những dự án được cho là có nhiều dấu hiệu sai phạm trong bán đấu giá |
Cụ thể, đơn thư tố giác chỉ ra những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của ngân hàng Agribank Chợ Lớn, Agribank Chợ Lớn đã có sai phạm trong hoạt động cho vay, mua vàng, gây thất thoát tài sản Nhà nước, thiệt hại lớn cho Công ty Thiên Phú, khi Agribank Chợ Lớn cho Công ty Thiên Phú vay tổng số 507 tỷ đồng, 2000 lượng vào SJC và 738,2kg vàng hạt (738,2kg vàng hạt tương đương khoảng 18.634 lượng vàng) để thực hiện 03 dự án: Khu Dân cư Mỹ Phước 4 tại Thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát; Dự án Khu Dân cư Cầu Đò tại xã An Điền, huyện Bến Cát và Dự án Khu Dân cư Hòa Lân tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An. tỉnh Bình Dương (huyện Bến Cát nay là thị xã Bến Cát; thị xã Thuận An nay là thành phố Thuận An –pv).
Như vậy, Agribank Chợ Lớn đã vi phạm quy định về cho vay vàng: Vào ngày 25/12/2008, Chủ tịch Hội đồng xử lý rủi ro NHNo cho phép Agribank Chợ Lớn quy đổi khoản vay từ vàng ra tiền VNĐ đối với 03 doanh nghiệp, trong đó có khoản vay của Công ty Thiên Phú nhưng Agribank Chợ Lớn đã “thiếu trách nhiệm khi thực hiện xử lý rủi ro: Ngày 26/12/2008, NHNo đã chuyển cho Agribank Chợ Lớn gần 560.937.000.000 đồng để mua 318.714,597 chỉ vàng cho xử lý rủi ro (theo giá vàng tại thời điểm chuyển là 1,76 triệu đồng/1 chỉ). Tuy nhiên, Agribank Chợ Lớn đã không thực hiện đúng việc mua vàng theo mục đích xử lý rủi ro. Chính vì vậy, đến thời điểm 20/06/2012, Agribank Chợ Lớn chỉ mua được 80.000 chỉ vàng, số còn lại chưa mua là 238.714,597 chỉ vàng, tương đương 363.998.000.000 đồng.
Do không mua vàng ngay tại thời điểm ngày 26/12/2008 dẫn đến hậu quả phải bỏ thêm chi phí hàng trăm tỷ đồng mới có thể mua đủ số vàng theo yêu cầu xử lý rủi ro (Theo Báo cáo của NHNo, thời điểm ngày 20/06/2012, phải mất thêm 614.000.000.000 đồng để mua đủ số 318.714,597 chỉ vàng theo thông báo ngày 25/12/2008 của Chủ tịch Hội đồng xử lý rủi ro”(Căn cứ và trích Kết luận số 3117/KL-TTCP ngày 24/12/2013 của Thanh tra Chính phủ).
Cũng theo đơn thư tố cáo, thực tế Agribank Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú cũng đã ký phụ lục hợp đồng vào ngày 13/01/2009 về việc thống nhất loại tiền cho vay sau sửa đổi là VNĐ và quy đổi 186.342.66 lượng vàng x 1.760.000 đ = 327.963.081.600 đồng. Nhưng do Agribank Chợ Lớn, đặc biệt là lãnh đạo Agribank chợ Lớn đã giữ tiền được NHNo cấp, để chờ giá vàng xuống mới mua vào, mà không mua ngay tại thời điểm theo Quyết định của Chủ tịch Hội đồng xử lý rủi ro của NHNo. Do đó, khi giá vàng thực tế tăng quá cao, gây thiệt hại lớn cho NHNo, gây thất thoát Ngân sách Nhà nước lên đến khoảng 268 tỷ đồng, Agribank Chợ Lớn đã yêu cầu Công ty Thiên Phú ký phụ lục điều chỉnh chuyển đổi số tiền vay từ 327.963.081.600 đồng sang thành vay 186.342,66 lượng vàng. Vì vậy, đến ngày 11/01/2013, khi Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải quy đổi dư nợ vàng sang dự nợ VNĐ với giá quy đổi là 45.320.000 đồng/lượng vàng dẫn đến dư nợ của Công ty Thiên Phú tại Agribank Chợ Lớn bị tăng vọt lên thành hơn 844 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Công ty Thiên Phú lên đến hơn 516 tỷ đồng.
Bên cạnh đó Agribank Chợ Lớn và Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn, Công ty Cổ phần thẩm định giá và Tư vấn Quôc tế và Công ty Kim Oanh sử dụng chứng thư đấu giá không còn giá trị pháp lý, giá trị tài sản theo chứng thư không đúng với giá trị thị trường để làm căn cứ xác định giá khởi điểm là trái với quy định của pháp luật hiện hành. Hành vi có dấu hiệu trái pháp luật này của Agribank Chợ Lớn và Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn dẫn đến việc xác định việc bán đấu giá tài sản thấp hơn với giá trị thật, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp – Công ty Thiên Phú, gây thiệt hại và không thể thu hồi nợ của Ngân hàng Nhà nước lên đến hơn 2.723 tỷ đồng (đối với Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4, thiệt hại lên đến hơn 1.119 tỷ đồng; Thiệt hại hơn 228 tỷ đồng do định giá sai tại Dự án Khu dân cư Cầu Đò và thiệt hại hơn 1.375 tỷ đồng tại Dự án Khu dân cư Hòa Lân.)
Thủ tục thực hiện bán đấu giá trái pháp luật
Một vấn đề có dấu hiệu sai phạm trong việc bán đấu giá tài sản các dự án Khu dân cư Hòa lân, Khu dân cư Cầu Đò, Khu dân cư Mỹ Phước 4.. là việc các bên liên quan thực hiện thủ tục bán đấu giá trái pháp luật. Theo ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Thiên Phú, các thủ tục thực hiện bán đấu giá các dự án nêu trên có dấu hiệu sai phạm như sau:
Thứ 1, căn cứ xác định giá khởi điểm trái pháp luật: VALUCO là đơn vị được Ngân hàng lựa chọn thẩm định giá, Chứng thư thẩm định giá số 403/2015/CT- VALUCO ngày 12/5/2015. Sau đó, ngân hàng chỉ định Công ty Cổ phần thẩm định giá và Tư vấn đầu tư xây dựng Thế Hệ Mới, tại Chứng thư thẩm định số 246/CT-THM ngày 19/4/2016 (chứng thư số 246), thể hiện “Diện tích: 494.047,10m2 x 2.506.457 đồng = 1.238.307.738.147 đồng”. Như vậy, các cơ quan thẩm định giá đều định giá cả phần đất nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất và phần đất chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm là trái pháp luật. Công ty Nam Sài Gòn căn cứ kết quả thẩm định giá trái pháp luật làm căn cứ xác định giá khởi điểm.
Mặt khác, chứng thư thẩm định giá xác định “…kết quả thẩm định giá phải được thẩm định lại sau thời hạn 06 tháng kể từ thời điểm thẩm định giá”, thời điểm chứng thư phát hành ngày 19/4/2016, tới thời điểm đấu giá thành ngày 25/5/2017 (13 tháng 6 ngày) với thị trường bất động sản có biến động năm 2016, 2017 nhưng Ngân hàng và Công ty Nam Sài Gòn đã không thực hiện thẩm định lại giá là vi phạm thỏa thuận với Công ty Thiên Phú. Việc vi phạm của Công ty Nam Sài Gòn và Ngân hàng không những gây thiệt hại cho Công ty Thiên Phú mà còn ảnh hưởng tới việc thu hồi vốn của Nhà nước, cụ thể: căn cứ kết quả chứng thư thẩm định giá của Công ty CP thẩm định giá VTC số 0073.09/20/CT-VTC ngày 14/9/2020 đã thẩm định tài sản tại thời điểm tháng 3/2017 đối với tài sản đấu giá cho thấy giá là 2.764.157.000.000đ đối với đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất là 243.912m2 (218.964,7m2 + 24.947,3m2). Từ đó cho thấy số tiền chênh lệch lớn gây thiệt hại cho Công ty Thiên Phú và Nhà nước (thu hồi nợ).
Thứ 2, lựa chọn đơn vị đấu giá là Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn không đảm bảo khách quan: Vì người thành lập doanh nghiệp là cán bộ nghiệp vụ của ngân hàng đó là ông Nguyễn Việt Hưng (góp 76% vốn pháp định của Công ty Nam Sài Gòn), ông Hưng lại là thành viên của Hội đồng đấu giá, lại là cán bộ nghiệp vụ của Ngân hàng. Dẫn tới việc đấu giá không khách quan, gây thiệt hại cho Công ty Thiên Phú và thiệt hại của Nhà nước.
Thứ 3, không tuân thủ Quy chế bán đấu giá: Căn cứ Hợp đồng bán đấu giá tài sản số 10 và Phụ lục hợp đồng lần 12, Công ty Nam Sài Gòn xây dựng quy chế bán đấu giá, tại Điều 17 của Quy chế bán đấu giá tài sản của Công ty Nam Sài Gòn (Quy chế đấu giá), quy định về thời hạn và phương thức thanh toán tiền mua tài sản, quy định trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày đấu giá thành, người mua phải thanh toán 20% (không bao gồm 10 % đặt trước; trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày đấu giá thành phải trả 70% còn lại (không bao gồm 30% đặt trước và thanh toán trước); nếu khách hàng không thực hiện ...Đồng thời đồng ý hủy kết quả đấu giá vô điều kiện và chấp thuận để bên có tài sản bán đấu giá lấy lại tài sản bán đấu giá để bán tài sản cho người khác mà không có bất kỳ thắc mắc, khiếu nại gì. Tại Biên bản bán đấu giá tài sản ngày 25/5/2017 cũng nhắc lại phương thức thanh toán như Điều 17 của Quy chế bán đấu giá tài sản. Ngân hàng và Công ty Nam Sài Gòn đã không tuân thủ đúng quy chế bán đấu giá và thỏa thuận tại Biên bản bán đấu giá: Cho khánh hàng là Công ty Xây dựng Đông Hải (nay Công ty Kim Oanh) được trả nợ chậm trong khi Công ty Kim Oanh không có văn bản đề nghị được trả nợ chậm.
Thứ 4, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSĐG ngày 01/7/2017 (Hợp đồng số 01) vi phạm pháp luật: Công ty Nam Sài Gòn, Ngân hàng và Công ty Kim Oanh đã thỏa thuận “…đối với phần diện tích đất mà nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì không tiến hành bán đấu giá mà chỉ bàn giao cho người trúng đấu giá quản lý và sử dụng theo quy dịnh của pháp luật”. Đây là phần đất nhà nước giao cho Công ty Thiên Phú không thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án, chỉ có UBND tỉnh Bình Dương mới có quyền thu hồi đất giao cho cá nhân hay tổ chức khác, Ngân hàng, Công ty Nam Sài Gòn không có thẩm quyền thu hồi phần đất của Công ty Thiên Phú để giao phần đất này cho Công ty Kim Oanh.
Công ty Kim Oanh không có văn bản gửi cho Ngân hàng về việc xin thanh toán trả chậm nên thuộc trường hợp phả trả nợ ngay theo quy chế bán đấu giá. Tuy nhiên, tại Hợp đồng số 01, Công ty Nam Sài Gòn và Ngân hàng thỏa thuận với Công ty Kim Oanh về phương thức thanh toán “Nếu quá thời hạn 45 ngày…mà không có phát sinh các trường hợp trở ngại pháp lý về chủ trương đầu tư và đo đạc địa chính…thì xem như vi phạm nghĩa vụ thanh toán…”. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận (45 ngày) thì không có sự kiện bất khả kháng nào.
Như vậy, để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là Công ty Thiên Phú đồng thời bảo vệ quyền lợi cho Nhà nước (thu hồi nợ), Ngân hàng phải đơn phương hủy hợp đồng số 01, nhưng Ngân hàng cùng với Công ty đấu giá đã để cho Công ty Kim Oanh vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận, trực tiếp xâm phạm tới quyền lợi của Công ty Thiên Phú và quyền lợi hợp pháp của Nhà nước.