Xây dựng sổ tay Kiểm sát viên trong việc giải quyết các vụ án dân sự

Ngày đăng : 15:13, 13/10/2020

(Kiemsat.vn) - Sáng ngày 13/10, tại trụ sở VKSND tối cao đã diến ra Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Sổ tay Kiểm sát viên kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự trong ngành KSND. Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSN tối cao dự và chỉ đạo tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSN tối cao chỉ đạo tại hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có các đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14; đồng chí Vương Văn Bép, Vụ trưởng Vụ 9 VKSND tối cao, cùng đại diện của các đơn vị VKSND cấp cao; VKSND địa phương.

Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14 phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào việc xây dựng, chỉnh lý một số nội dung trong cuốn sổ tay lần này. Trong đó các ý kiến của các đại biểu xoay quanh 1 số vấn đề chính như:

Trường hợp Viện trưởng VKS trực tiếp tham gia phiên tòa thì có cần thiết ra Quyết định phân công Kiểm sát viên nữa hay không hay chỉ cần ra văn bản thông báo với tòa án? Do Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Quyết định số 364/QĐ-VKSTC, trường hợp Viện trưởng VKS trực tiếp tham gia tại phiên tòa thì Viện trưởng trực tiếp hoặc ủy quyền cho một Phó Viện trưởng ký Quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp. Phó Viện trưởng ký quyết định phân công phải ghi rõ là “ký thay Viện trưởng”.

Trong trường hợp VKS cấp dưới và Tòa án cùng cấp đã xét xử sơ thẩm và không có kháng nghị, chuyển hồ sơ báo cáo cho Viện kiểm sát cấp trên mà phát hiện ra vi phạm của Tòa án trong việc giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm thì có được quyền kháng nghị hay không?

Các vụ án liên quan đến việc người yêu cầu được bồi thường do oan sai, nếu trong trường hợp Viện trưởng VKSND cùng cấp là bị đơn trong vụ án dân sự lại phân công Kiểm sát viên thuộc quyền quản lý của mình tham gia tại phiên tòa. Vậy khi phân công Kiểm sát viên tham gia vụ án này thì sẽ phải phân công như thế nào?

Đại diện VKSND tỉnh Hưng Yên tham luận tại Hội nghị

Đại diện VKS tỉnh Hưng Yên đưa ra lập luận về việc Kiểm sát viên tham gia phiên tòa và báo cáo kết quả xét xử trong đó có phần ghi: Tại phiên tòa phúc thẩm nếu Kiểm sát viên không thể tiếp tục tham gia và không có Kiểm sát viên dự khuyết hoặc Kiểm sát viên dự khuyết không có mặt thì có thể đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa căn cứ theo điều 259 BLTTDS thì trong trường hợp này phải đề nghị là tạm dừng phiên tòa chứ không phải tạm hoãn như theo nội dung sổ tay.

Trong nội dung việc lập hồ sơ kiểm sát căn cứ theo hướng dẫn số 28/HD-VKSTC thì chưa thực sự đủ với lý do, hướng dẫn số 28/HD-VKSTC là ra đời để hướng dẫn giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại chứ không dùng cho luật dân sự. Đại diện VKS tỉnh Hưng Yên đề nghị bổ sung thêm hướng dẫn số 27/HD-VKSTC năm 2014 là hướng dẫn duy nhất hiện nay về việc lập hồ sơ kiểm sát án dân sự.

Nội dung Kiểm sát việc hỏi và việc bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa và Kiểm sát viên hỏi, đại diện VKS tỉnh Hưng Yên đề nghị bổ sung thêm nội dung Kiểm sát viên tranh luận tại phiên tòa do trong trường hợp VKS không kháng nghị thì các đương sự sẽ tranh luận với nhau nhưng trong trường hợp VKS có kháng nghị thì VKS là bên khởi kiện, theo đó luật quy định VKS phải tranh luận quy định tại điểm B khoản 3 điều 305 BLTTDS năm 2015.

Đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội tham luận tại Hội nghị

Đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội cũng đã đồng tình với đại diện VKSND tỉnh Hưng Yên trong việc bổ sung nội dung Kiểm sát viên tranh luận tại phiên tòa trong trường hợp VKS có kháng nghị. Cùng với đó đưa ra ý kiến đề xuất dựa trên đặc thù quá trình giải quyết các vụ án dân sự là quá trình giải quyết các vụ việc nhỏ và có tính chất khác nhau liên quan tới hôn nhân gia đình, đất đai…trên cơ sở đó đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị làm rõ từng vấn đề ở từng lĩnh vực trong cuốn sổ tay này.

Về nội dung Kiểm sát việc nghị án, VKSND cấp cao tại Hà Nội đưa ra một số ý kiến cho rằng rất nhiều vụ án kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm xuất phát từ vấn đề biên bản phiên tòa của bị án. Vì vậy việc công khai biên bản phiên tòa là cần thiết thực hiện ngay sau khi kết thúc phiên tòa để kịp thời bổ sung những điểm đúng, chỉnh sửa những điểm sai. Hơn nữa trong quá trình bổ sung thì biên bản sẽ có sự sửa chữa, vì thế sau khi chỉnh sửa hoàn thiện thì Chủ tọa phiên tòa cùng Kiểm sát viên tại phiên tòa phải cùng ký vào biên bản đó để đảm bảo tính công khai minh bạch.

Trong việc Kiểm sát việc nghị án; tuyên án và kiểm tra biên bản phiên tòa, đại diện VKSND cấp cao Hà Nội đề xuất bổ sung nội dung tại phiên tòa, trong quá trình thực hiện thủ tục nghị án thì Hội thẩm nhân dân phải tham gia biểu quyết trước sau đó mới đến Hội đồng Thẩm phán và Thẩm phán đây là một việc cực kỳ quan trọng vì trong nhiều trường hợp Thẩm phán là người biểu quyết trước thì mọi biểu quyết tiếp đó sẽ bị định hướng theo quyết định của Thẩm phán.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao đánh giá cao Vụ 14 trong quá trình thực hiện dự thảo cuốn Sổ tay Kiểm sát viên kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự và tổ chức Hội nghị này đã có sự phối hợp cùng các đơn vị liên quan. Đồng thời đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực nhấn mạnh, các đại biểu tham dự tại hội nghị dựa trên những kinh nghiệm từ thực tiễn công tác của địa phương, đơn vị mình từ đó đưa ra những tình huống, kinh nghiệm, cách làm hay để hội nghị tích lũy, tổng hợp.

Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến yêu cầu, sau khi kết thúc Hội nghị, Vụ 14 chủ trì, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tập hợp các ý kiến, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Sổ tay Kiểm sát viên trở thành một cuốn cẩm nang trong lĩnh vực kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự, đây sẽ là cuốn cẩm nang để toàn Ngành nghiên cứu, học tập, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đáp ứng yêu cầu công việc trong thời gian tới.

Đình Đạt