Cao đẳng Y tế Hà Đông : Đình chỉ hoạt động tuyển sinh mới tại các địa điểm đào tạo ngoài trụ sở chính

Ngày đăng : 08:28, 13/10/2020

(Kiemsat.vn) - Đào tạo trái phép ngoài trụ sở chính của Nhà trường; điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo; tổ chức tuyển sinh, đào tạo trong điều kiện học sinh không có hồ sơ tuyển sinh đảm bảo theo quy định…

Ảnh minh họa.

Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông tiền thân là Trường Cao đẳng Y tế Hà Tây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Hà Nội.

Theo kết luận thanh tra của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp của Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông mới đây đã chỉ ra nhiều vi phạm quy định của pháp luật. 

Tại thời điểm thanh tra, Hội đồng trường của Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông chưa được UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Thông tư số 46/2016/TT-BLĐTBXH. Do đó Quy chế tổ chức, hoạt động của Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông được Hiệu trưởng Nhà trường ban hành tại Quyết định số 58/QĐ-CĐYT ngày 18/01/2019 là chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Tổ chức tuyển sinh, đào tạo trong điều kiện học sinh không có hồ sơ tuyển sinh đảm bảo theo quy định…

Thông tin tuyển sinh đăng tải trên Website của trường Cao đẳng Y tế Hà Đông.

Theo báo cáo của Nhà trường, từ ngày 01/01/2017 đến 30/4/2019, Nhà trường đã tổ chức đào tạo cho 8.522 người học.

Qua kiểm tra đối chiếu 2.984 hồ sơ tuyển sinh của người học với quy định tại Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 27 /2017/TT-BLĐTBXH , cho thấy:

1.588 hồ sơ tuyển sinh của người học không có giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định; 375 người học không có hồ sơ tuyển sinh; 828 hồ sơ tuyển sinh của người học không có bản sao bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương… 

Thời điểm kiểm tra, trong 03 năm từ năm 2017 đến năm 2019, Nhà trường không thực hiện đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hà Nội theo quy định.

Đặc biệt, ngoài số liệu tổ chức tuyển sinh, đào tạo Nhà trường báo cáo, Đoàn thanh tra của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phát hiện Nhà trường tổ chức tuyển sinh, đào tạo cho 245 người học liên đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học tại địa điểm đào tạo ngoài trụ sở chính nhưng Nhà trường không báo cáo với Đoàn thanh tra của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. 

Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ đào tạo không đảm bảo…

Trường Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác một trong ba cơ sở đào tạo ngoài trụ sở chính của Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông .

Qua kiểm tra, tổng diện tích đất sử dụng chung của toàn Trường không bảo đảm diện tích đất sử dụng tối thiểu đối với trường cao đẳng thuôc khu vực đô thị theo quy định; diện tích phòng học lý thuyết, phòng học thực hành, thực tập, thí nghiệm dùng cho học tập, giảng dạy không đảm bảo theo quy định.


Nhà trường không có đủ thiết bị, dụng cụ đào tạo để tổ chức giảng dạy 02 ngành nghề Điều dưỡng và Hộ sinh đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp theo quy định của Bộ Y tế. 

Tại các cơ sở đào tạo ngoài trụ sở chính, tại thời điểm thanh tra, Nhà trường không có bất kỳ hồ sơ, tài liệu nào chứng minh điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ đào tạo để tổ chức đào tạo ngành, nghề Điều dưỡng đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng theo hình thức vừa học vừa làm tại Trường Trung cấp Y tế Hà Giang theo quy định.

Nhà trường không có bất kỳ hồ sơ, tài liệu nào chứng minh điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ đào tạo để tổ chức đào tạo ngành, nghề Hộ sinh đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng theo hình thức vừa học vừa làm tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình theo quy định.

Cùng với đó địa điểm đào tạo tại Trường Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác có địa chỉ tại 282A, đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, Nhà trường cũng không có bất kỳ hồ sơ, tài liệu nào chứng minh điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ đào tạo để tổ chức đào tạo ngành, nghề Điều dưỡng đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng theo hình thức vừa học vừa làm theo quy định.

Điều đặc biệt tại các cơ sở đào tạo ngoài trụ sở chính của Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông nêu trên, Đoàn thanh tra của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã phát hiện tại các địa điểm đào tạo này Nhà trường không được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Tại kết luận thanh tra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đình chỉ hoạt động tuyển sinh mới và tổ chức hoạt động đối với ngành, nghề tại các địa điểm đào tạo ngoài trụ sở chính của Nhà trường nêu trên…

Luật sư Lê Hiếu – Giám đốc công ty Luật TNHH Hữu Hạn Hiếu Hùng

Theo Luật sư Lê Hiếu – Giám đốc công ty Luật TNHH Hữu Hạn Hiếu Hùng thì với những sai phạm mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đình chỉ hoạt động tuyển sinh mới và tổ chức hoạt động đối với ngành, nghề tại các địa điểm đào tạo ngoài trụ sở chính của  trường Cao đẳng Y tế Hà Đông là việc làm mang tính cấp bách và rất kịp thời để chấm dứt các vi phạm tiếp theo của nhà trường. Hậu quả pháp lý đối với việc tuyển sinh và đào tạo trái pháp luật của Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông là rất nặng nề đối với học viên đang theo học và học viên đã hoàn thành khóa học. Mặt khác làm khó cho các cơ quan quản lý giáo dục Nhà nước trong việc công nhận hay không công nhận văn bằng, chứng chỉ do trường đã cấp cho học viên hoàn thành khóa học trong khi đó học viên không hề hay biết sai phạm của nhà trường gây thiệt hại đến quyền, lợi ích tinh thần, lợi ích vật chất của cá nhân họ.

Bất kỳ cơ sở giáo dục, đào tạo ghề nghiệp buộc phải tuân thủ các quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật giáo dục số 43/2019/QH14 năm 2019,  Nghị định: 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016, Thông tư Số: 33/2018/TT-BLĐTBX ngày 26/12/2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành khác.

Với những sai phạm nêu trên của đơn vị giáo dục thì học viên có quyền tố cáo, có quyền khởi kiện đối với cơ sở giáo dục để yêu cầu hoàn trả học phí, lệ phí, các chi phí khác đã nộp và yêu cầu bồi thường thiệt hại chính đáng, công khai xin lỗi học viên. Ngoài ra, được quyền đề nghị các cơ quan có thẩm quyền làm rõ và xử lý sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan đồng thời xem xét việc công nhận văn bằng chứng chỉ đã được cấp đối với học viên đã hoàn thành đào tạo, còn học viên đang theo học được tiếp tục đào tạo tại trụ sở chính theo đúng quy định của pháp luật.

Việc yêu cầu bồi thường thiệt hại cho học viên có thể áp dụng quy định tại Bồi thường thiệt hại theo Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Đối với các vụ việc dân sự thì VKSND sẽ tham gia công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự bắt đầu từ khi Tòa án thông báo trả lại đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc từ khi Tòa án thông báo thụ lý vụ việc dân sự đến khi bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không có kháng nghị, không có yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại theo quy định của BLTTDS.

Kiemsat Online sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Nhóm PV