Những lời nói chí tình

Ngày đăng : 15:49, 10/10/2020

(Kiemsat.vn) - Hướng tới kỷ niệm 60 năm Tạp chí Kiểm sát ra số đầu tiên, Tạp chí điện tử Kiểm sát trân trọng giới thiệu bài viết "Những lời nói chí tình" của tác giả Xuân Chiến với nội dung ghi chép lại những ý kiến phát biểu, trao đổi tại cuộc gặp mặt cộng tác viên do Tòa soạn Tập san "Công tác kiểm sát” tổ chức vào ngày 25/11/1989 với sự tham dự của đồng chí Trần Quyết, Viện trưởng VKSND tối cao. Bài viết đã được đăng trên Tập san "Công tác kiểm sát” số 01/1990

Tác giả Xuân Chiến (người đứng ngoài cùng bên phải) trong cuộc phỏng vấn Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An (năm 1995)

Mở đầu cuộc gặp mặt, đồng chí Nguyễn Minh Ngọc,  Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát cảm ơn sự có mặt của các cộng tác viên xa gần đã tới dự buổi gặp mặt.

Tiếp theo, đồng chí Nguyễn Đình Quế trực tiếp phụ trách tập san báo cáo những nét cơ bản hoạt động của tập san Công tác kiểm sát từ trước đến nay.

Đồng chí nhấn mạnh đến phương hướng năm 1990 của tờ báo. Sắp tới tờ báo sẽ cố gắng cải tiến về nội dung cũng như hình thức. Nhưng để thành công, tờ báo phải có sự hỗ trợ đắc lực của các cộng tác viên. Trong năm 1990, tờ báo dự định sẽ ra 7 kỳ, 6 kỳ thường lệ và 1 kỳ để kỷ niệm 30 năm thành lập ngành Kiểm sát.

Mở đầu cho ý kiến của các cộng tác viên, đồng chí Bùi Trọng Đông, Vụ trưởng Vụ Tài vụ nói: Tờ tập san công tác tuyên truyền đối ngoại. Nhất trí là năm 1990 tập san phải chuyển lên thành tạp chí. Theo tôi, tờ báo phải chú tâm tạo sự hấp dẫn bạn đọc nhưng không nên chạy theo thị hiếu tầm thường mà phải tuyên truyền cho được hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị của Ngành. Có một thực tế đặt ra là lâu nay nhiều Viện kiểm sát địa phương mua nhưng không trả tiền, hướng sắp tới địa phương mua bao nhiêu thì Vụ Tài vụ chúng tôi sẽ cắt tiền trả cho Tòa soạn luôn.

Tiếp theo đồng chí Nguyễn Quốc Hồng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu: Việc tờ báo từ Tập san chuyển lên Tạp chí là việc hiển nhiên không cần phải bàn nhiều. Nhưng như vậy phải chuyển cả nội dung và công tác tổ chức và quản lý Tòa soạn của tờ báo. Lên Tạp chí là thay đổi về chất nên đòi hỏi trình tự quản lý tổ chức phải rất tốt nếu không sẽ thất bại. Tạp chí là tiếng nói của ngành Kiểm sát với bên trong và bên ngoài ngành. Chỉ có thể làm được Tờ Tạp chí hay khi xác định rõ tôn chỉ, mục đích của tờ báo.

Vấn đề cần nhấn mạnh là: Nội dung của Tờ báo phải làm đúng pháp luật. Trước hết, sắp tới Luật Báo chí ra đời thì tờ báo của chúng ta phải chấp hành nghiêm chỉnh hơn ai hết. Về những vấn đề tranh luận công khai, chúng ta cần phải tham gia và phải có thông tin kịp thời. Lâu nay phần thông tin trên tờ báo của chúng ta quá ít.

Hiện nay, chúng ta đang trong hành chính bao cấp, tờ báo cần phải đi vào hạch toán kinh doanh. Chúng ta cần phải biết khuyến khích chất xám. Bài hay nhuận bút phải trả cao. Bài kém hơn thì nhuận bút phải khác. Phải biết đánh giá và chú ý đến quyền lợi của các tác giả. Theo tôi, chúng ta cũng cần phải tổ chức lại khâu phát hành. Không thể phát hành báo theo kiểu hành chính được.

Đồng chí Nguyễn Văn Khuê, Phó Viện trưởng của Viện khoa học Viện kiểm sát tối cao đã nghỉ hưu tâm sự: Hôm nay, đồng chí Viện trưởng Trần Quyết mặc dù bận rất nhiều công việc nhưng cũng dành thời giờ đến dự với chúng ta là một niềm vui lớn cho anh em làm báo.

Tôi nghĩ: Tờ báo muốn đi lên được có rất nhiều khó khăn. Muốn tờ báo thu hút được nhiều độc giả thì phải đổi mới nội dung. Nhưng đổi mới như thế nào thì là vấn đề Tòa soạn cần phải nghiên cứu, trao đổi, thực hiện.

Tôi thiết nghĩ: Tờ báo muốn sống được phải có cộng tác viên của mình. Hiện nay, ở các Vụ có bao nhiêu người có tri thức, kinh nghiệm, có các vụ án hay về nghề nghiệp tại sao chúng ta chưa khai thác được? Tất nhiên các cộng tác viên của chúng ta ở các Vụ của Viện tối cao bận nhiều chưa sơ kết hoặc ít sơ kết được những kinh nghiệm đó. Chúng ta cần phải quan tâm hơn đến mảng này. Nhưng nhân đây cũng nhắc đến một điều là: Đôi khi chúng ta hay kêu ca, phàn nàn hay che bai tờ báo mà không bỏ công sức ra đóng góp hoặc xây dựng tờ báo. Chúng ta không chỉ trách anh em làm báo mà phải trách cả chính mình. Các cộng tác viên ở các vụ cần có các sơ kết nhỏ về vụ án, một vấn đề nào đó để qua đấy có thể tạo nên được các bài vở hay, có vấn đề. Tờ báo là một diễn đàn của mình thì các cộng tác viên có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, quan điểm của chính mình. Mọi người phải coi tờ báo là của mình chứ không phải tờ báo là của một số người nào đấy.

Tôi nghĩ lãnh đạo cần chú ý, quan tâm hơn nữa đến tờ báo. Viện trưởng cần có chỉ thị cho toàn ngành thấy tờ báo là của ngành, của chính mình để mọi người có ý thức xây dựng tờ báo.

Đồng chí Trần Phong Thanh, Vụ trưởng Vụ 2b phát biểu: Vấn đề lớn nhất của tờ Tạp chí là vấn đề khoa học. Khoa học không thể coi trọng việc tranh luận. Một số vụ án đã được nêu ra tranh luận trong tờ báo của chúng ta nhưng cuối cùng chúng ta ít tổng kết lại.

Có thể nói lâu nay tiếng nói của ngành Kiểm sát ít quá. Thực tiễn án tù của chúng ta có rất nhiều chuyện để nói về các vấn đề xã hội, nhưng chúng ta vẫn chưa phát huy được. Nhiều vụ chúng ta bị báo chí phê phán, nhưng chúng ta vẫn im lặng. Tôi cũng xin nói thực: Cấp ủy ở nhiều nơi cũng chưa biết được Viện kiểm sát làm gì? đã bao giờ chúng ta thống kê có bao nhiêu bài nói về ngành được đăng lên các báo chí khác nhau? Theo tôi vấn đề bảo vệ pháp chế là một vấn đề quan trọng nhưng vị trí chức năng của chúng ta chưa được tuyên truyền nổi rõ. Tôi nghĩ thực hiện công tác hạch toán kinh doanh rất là khó, nhưng cần phải nhận thức tuyên truyền về ngành Kiểm sát là cần thiết, do vật nếu không giải quyết được vấn đề hạch toán kinh doanh chúng ta vẫn cứ phải làm.

Một vấn đề theo tôi trước mắt phải làm là hình thức của tờ báo phải được cải tiến. Về nội dung cần phải có truyện ngắn, thơ, phóng sự, vai cười thì người ta mới dễ đọc. Nói đến sự cải tiến tờ báo phải nói đến: Hình thức đẹp, nội dung phong phú và hấp dẫn.

Xin được đề nghị với các đồng chí trong tòa soạn: Lực lượng phóng viên của các đồng chí chưa nhiều (3 đến 4 đồng chí) khó có điều kiện đi được nhiều do vậy các đồng chí có thể cử nhiều phóng viên gặp gỡ, trao đổi, phối hợp với cán bộ trong Ngành để cung cấp số liệu, tài liệu để phóng viên viết bài.

Đồng chí Trần Quyết, Viện trưởng VKSND tối cao đến dự cũng cho ý kiến: Báo chí là công cụ tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng. Ngày xưa phong trào cách mạng còn trong thời kỳ bí mật, tỉnh ủy nào ra được một tờ báo thì cỏ vũ phong trào cách mạng tốt lắm. Thời ấy báo làm gì được giấy tốt và in đẹp như bây giờ, mà báo còn in bằng thạch và chỉ ra được vài chục số. Thực tiễn cho thấy rằng, báo chí là công cụ của Nhà nước. Sự công khai dân chủ trên báo chí là rất cần. Ở một số nước, tổng cục thống kê có quyền đưa tất cả số vụ phạm pháp lên báo.

Các đồng chí hỏi rằng chúng ta có “địa cấm” nào không? Ban Bí thư nói là: không có. Nếu xấu, tiêu cực thì  có quyền đưa dù người đó là ai, chức vụ gì. Nhưng vấn đề là không được nói sai sự thật, hoặc tuyên truyền sai đường lối của Đảng, Nhà nước. Chúng ta không cho phép công khai dân chủ mà nói sai, xuyên tạc hoặc kích động. Phải hiểu công khai dân chủ là thế nào và phục vụ mục đích gì? Chỉ nói cái tốt hoặc chỉ nói cái xấu là không đúng đâu. Nói phải để phê phán cái xấu, ủng hộ cái tốt, tích cực. Muốn được như vậy phải xác định rõ vị trí của báo chí trong hệ thống cách mạng.

Nói về báo của chúng ta, chúng ta cần phải tuyên truyền cho dân hiểu về kiểm sát. Lâu nay chúng ta làm ít quá và chưa quan tâm đến vấn đề này, trong đó có phần khuyết điểm của lãnh đạo chúng tôi. Thực tiễn là chúng ta làm được rất nhiều nhưng tuyên truyền trên báo chí ít. Công tác của ngành ta cần phải cho dân hiểu, nhiều ngành bạn (thậm chí đại biểu Quốc hội nữa) hiểu.

Báo chí của chúng ta lâu nay chủ yếu nặng về quan điểm. Nội dung của báo đã  phục vụ cho cán bộ ngành Kiểm sát chưa? Báo của chúng ta chưa phong phú. Thực tiễn có bao nhiêu vụ án chúng ta làm đúng, có bao nhiêu vụ án chúng ta làm sai mà báo của chúng ta chưa đưa được. Có những đồng chí kiểm sát viên của chúng ta ngồi ghế công tố thất bại không? Có chứ. Báo của chúng ta cần phải làm rõ: người ngồi công tố như thế nào thì thành công, như thế nào thì thất bại để các Kiểm sát viên rút ra bài học.

Thế nào là nội dung phong phú và hấp dẫn? Theo tôi, vừa giải thích pháp luật vừa tường thật những vụ án thành công hay những vụ thất bại cũng đủ phong phú và hấp dẫn rồi.

Các đồng chí đã bàn nhiều đến vấn đề chuyển lên Tạp chí. Tiền là một vấn đề, nhưng không quan trọng lắm. Tất nhiên lúc đầu các đồng chí không thể tự lực được, Viện có thể cấp cho các đồng chó 15 triệu hay 20 triệu đồng. Nhưng cái khó là cán bộ, Tạp chí phải mang nhiều nội dung, thể hiện sâu sắc quan điểm, lý luận, giải thích, tuyên truyền pháp luận theo đúng đường lối của Đảng nên vấn đề cán bộ càng cần phải đặt ra. Viện khoa học và Vụ Tổ chức phải bàn với nhau về vấn đề tổ chức, cán bộ. Theo tôi phải có những cây bút vững, chủ lực. Khi các phóng viên là các cây bút vững, chủ lực thì tờ Tạp chí sẽ có chất lượng.

Các vụ nghiệp vụ, 40 Viện kiểm sát tỉnh thành cần phải chọn một cán bộ có trình độ văn hóa, nhiệt tình cử đi học lớp tập huấn về báo chí để sau này trở về sẽ là hạt nhân nòng cốt cho báo. Ngay cán bộ Kiểm sát về hưu có nhiều kinh nghiệm cũng cần phải được huy động, tổ chức viết bài cho báo. Có thể họp cụm, họp khu vực số cán bộ hưu trí này.

Về số lượng cộng tác viên bên ngoài, chúng ta cung cấp cho họ tư liệu để họ viết bài,...

Đồng chí Lê Ngọc Cừ, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát chung nói: Báo của chúng ta là một công cụ để đấu tranh chống vi phạm và tội phạm. Báo của chúng ta thông tin được các quan điểm đúng để đấu tranh chống sai trái, tiêu cực trong Ngành được không? Được. Rất tốt. Báo của chúng ta còn đấu tranh chống vi phạm của các ngành mà chúng ta kiểm sát. Làm được công tác đấu tranh phê bình và tự phê bình trên báo thì báo cũng đủ hấp dẫn rồi.

Phải nói rằng chúng ta có một nguồn tư liệu phong phú và khá chính xác. Sự hấp dẫn là ở đấy. Tôi nghĩ báo ta có một lực lượng cộng tác viên đương nhiên là các báo của các Viện kiểm sát cấp tỉnh gửi lên, các văn bản nghiệp vụ của các vụ cũng rất nhiều. Lâu nay do chúng ta chưa biết sử dụng mà thôi. Tôi đề nghị: Từ giờ trở đi có tài liệu gì các vụ nên gửi cho báo Tập san để các đồng chí nghiên cứu sử dụng và khai thác.

Đồng chí Nguyễn Đức Ngọc, Vụ trưởng Vụ 3 phát biểu: Là một trong những cộng tác viên của tờ báo chúng tôi rất muốn tờ báo mở rộng ra ngoài ngành.

Tôi cũng tâm sự thật: Có những việc do thông tin hoặc hiểu sai lạc, chúng tôi muốn nói lại hoặc thông tin đầy đủ hơn, nhưng rất tiếc có khi gửi đến các báo ngoài họ không đăng hoặc có khi in ra cắt xén làm sai lạc cả ý. Do vậy, nếu mở rộng việc phát hành tờ báo của chúng ta ra ngoài Ngành là một việc làm rất tốt.

Đồng chí Đỗ Minh Cầm, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ nói: Ba mươi năm qua tờ báo của chúng ta cũng đã đáp ứng được một phần nào yêu cầu và nhiệm vụ của Ngành. Nhưng hiện nay số lượng theo tôi quá ít ỏi. Mỗi số mỗi vụ chỉ có một cuốn nằm ở chỗ đồng chí Vụ trưởng hoặc tổng hợp nên số cán bộ được đọc chưa nhiều. Thực ra, bài viết của chúng ta trên tờ báo không đến nỗi tồi lắm. Nhưng tại sao tác dụng trở lại của nó lại ít? Một phần cũng chính là do lãnh đạo chúng tôi. Mặt khác, việc tuyên truyền, động viên cho tờ báo chúng ta chưa làm được nhiều. Cộng tác viên của chúng ta còn ít quá. Cần phải khắc phục điều đó như thế nào – các đồng chí trong tòa soạn cần phải trau dồi, bàn bạc thêm với nhau. Việc tờ Tập san của các đồng chí chuyển lên Tạp chí là một vấn đề tất yếu và là yêu cầu của toàn Ngành.

Vụ Tổ chức cán bộ và Viện khoa học phải bàn thêm với nhau về việc tổ chức. Vấn đề con người ra sao? Lực lượng phóng viên, biên tập viên cần được quan tâm hơn mới đáp ứng được yêu cầu mới của toàn ngành. Đội ngũ này cần phải được đào tạo.

Với tư cách là một cộng tác viên tôi thấy tòa soạn phải chủ động đặt hàng, hợp đồng trước với cộng tác viên. Nhân dân cũng nói thêm: Có những vấn đề gai góc, Tòa soạn các đồng chí khi đưa ra cũng cũng còn nhiều e dè. Đổi mới – đòi hỏi nhiều hơn ở các đồng chí trong Tòa soạn.

Đồng chí Nguyễn Đình Hưng, Kiểm sát viên cao cấp của Viện phúc thẩm I phát biểu: Tôi chỉ xin phép phát biểu ngắn. Cuốn sách khi in ra phải quan tâm đến người đọc. Đối tượng là ai? quan tâm đến cái gì? Tôi đề nghị nên chia làm hai loại:

-    Loại hướng dẫn.

-    Loại tin ngắn, tức thời.

Thể hiện điều đó trên mặt báo như thế nào là tùy theo yêu cầu từng lúc. Theo tôi đối với loại tuyên truyền, giải đáp chúng ra nên thành lập những nhóm cộng tác viên riêng, ví dụ: Về xét xử có thể do Vụ 3, Viện Phúc thẩm phụ trách chẳng hạn.

Báo của chúng ta phải trở thành cẩm nang cho mỗi cán bộ kiểm sát. Báo của chúng ta phải “cứng rắn”, phải có trách nhiệm giải dáp các vụ án lớn báo chí đưa lên, công luận chờ đợi thì báo của ta phải giải thích, hướng đạo ý kiến cho quần chúng.

Còn rất nhiều đại biểu khác muốn phát biểu, nhưng hồi còi 12 giờ trưa của thành phố vang lên. Đồng chí Nguyễn Minh Ngọc phát biểu xin tiếp tục được nghe các ý kiến của đại biểu khác tại trụ sở của Tòa soạn vào các ngày làm việc. Đồng chí cảm ơn sự nhiệt tình của các đại biểu và hứa sẽ thu nhận tất cả ý iến để nghiên cứu, thực hiện.

Tờ báo công tác kiểm sát phải nhanh chóng phát triển lên, phải cải tiến mạnh mẽ về nội dung và hình thức để đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của bạn đọc. trong tiến trình đi lên ấy, ngoài anh em trong Tòa soạn, Tờ báo còn trong đợi ở các cộng tác viên rất nhiều.

Thùy Linh (st)