Vì sao Vimedimex đột ngột dừng chi trả lợi nhuận góp vốn cho các nhà đầu tư tại dự án Citilight Tower?
Ngày đăng : 17:34, 21/09/2020
Pha “lật kèo” ngoạn mục
Phóng viên (PV) nhận được đơn phản ánh và kêu cứu của các Nhà đầu tư (NĐT) tại tòa nhà văn phòng Citylight Tower. Nội dung đơn thư phản ánh việc Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex (Công ty Vimedimex) đang có biểu hiện muốn “hất cẳng” các nhà đầu tư để thực hiện ý đồ chiếm đoạt tòa nhà này.
Được biết, thời điểm năm 2003, Dự án Citilight Tower được chủ đầu tư (CĐT) kêu gọi góp vốn để xây dựng. Cụ thể, chủ đầu tư chỉ có 30% vốn, còn lại là 70% vốn góp của 68 nhà đầu tư cá nhân với 79,750 tỷ đồng. Đến 2007, toà nhà được đưa vào hoạt động khai thác với sự đồng ý bằng hợp đồng ủy quyền khai thác tòa nhà của các nhà đầu tư cho (Công ty Vimedimex).
Tòa nhà Citilight Tower số 45 Võ Thị Sáu, phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh |
Trong vòng 12 năm (từ năm 2007 đến 10/2019), các NĐT đều đặn nhận được lợi ích từ việc cho thuê theo các hợp đồng cho thuê trên diện tích đầu tư khai thác cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền thuê đất, thuế đất phi nông nghiệp, tiền bảo hiểm tòa nhà, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc… theo diện tích được phân chia.
Bất ngờ vào ngày 7/12/2019, bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Vimedimex ra thông báo “Tạm dừng chi trả tiền thuê và các lợi tức phát sinh liên quan đến hoạt động khai thác vận hành tại tòa nhà Citilight Tower số 45 Võ Thị Sáu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh với lý do xem xét lại những bất cập của hợp đồng góp vốn đã ký từ năm 2004”.
“Rất nhiều văn bản, hợp đồng giữa chúng tôi và Vimedimex đều thể hiện, khách hàng có 70% tài sản tại tòa nhà này, 30% còn lại là của Vimedimex. Thế nhưng, trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cấp cho Vimedimex, tất cả đất và tài sản đều thuộc về công ty này. Chính nhờ Giấy chứng nhận này, công ty Vimedimex đã ngang ngược, cho rằng khách hàng chúng tôi chẳng liên quan gì tới CitiLight” - đơn thư phản ánh.
Trước đó, sáng 16/9, hàng chục NĐT đã tập trung căng băng rôn trước toà nhà Citilight Tower, số 45 Võ Thị Sáu, phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Công ty Vimedimex trả lại văn phòng đang thuê và thực hiện đúng hợp đồng thuê văn phòng của tòa nhà Citilight đã ký với các nhà đầu tư...
Các nhà đầu tư tập trung căng băng rôn trước toà nhà Citilight Tower |
Bà Phan Thị Sương – một trong những NĐT cho biết: Năm 2003, khi Công ty Xuất nhập khẩu Y tế II (tiền thân của Công ty Vimedimex) kêu gọi vốn đầu tư cùng góp vốn xây dựng tòa nhà tôi nghĩ nếu bỏ khoản tiền đầu tư, hàng năm có nguồn thu từ văn phòng cho thuê để dưỡng già cũng tạm được vì dù sao lãi suất cũng cao hơn ngân hàng và thời gian thuê kéo dài 46 năm. Nên tôi bỏ tiền đầu tư để mua được 70m2 với giá bán thời điểm đó là 7.857.143đồng/m2.
Trong hợp đồng góp vốn giữa bà Phan Thị Sương và Công ty Xuất nhập khẩu Y tế II trong điều 4 (của phụ lục hợp đồng có bổ sung ở điều 6) : Bên A và bên B cùng xác nhận dự án xây dựng và khai thác Tòa nhà là tài sản chung của các nhà đầu tư góp vốn xây dựng và khai thác. Phải chăng Công ty Vimedimex phủ nhận luôn giá trị của hợp đồng?
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của Sở Tài nguyên TP. Hồ Chí Minh đã ký cho Cty Vimedimex là chủ sở hữu riêng khiến cho công ty này bắt đầu có những hành vi “lật kèo”. Đầu tiên Công ty này ra văn bản dừng chi trả lợi nhuận cho thuê, sau đó có thể phủ nhận tất cả những gì người tiền nhiệm làm, cho rằng con dấu bị lạm dụng, một số cá nhân đang làm sai…
Bà Nguyễn Thúy Hiền, người đầu tư hơn 100m2 tại tòa nhà Citilight, bức xúc: “Với diện tích trên, theo hợp đồng hàng tháng, Vimedimex trả cho tôi 35 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, tôi cũng như các nhà đầu tư đều nộp thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân cho Chi cục thuế Quận 1 và gửi toàn bộ chứng từ về Vimedimex. Việc hợp tác thỏa thuận này được thực hiện hơn 12 năm nay. Tuy nhiên, 9 tháng rồi Vimedimex không hề chuyển tiền cho tôi”.
Còn theo ông Nguyễn Thành Đồng, nếu đúng hợp đồng, ngày 25/1/2020, Vimedimex phải chuyển cho ông hơn 108 triệu đồng tiền thuê quý 1/2020. Tuy nhiên, đến nay ông chưa nhận được tiền quý 1 và cả quý 2/2020.
“Hàng tháng Vimedimex vẫn đều đặn thu tiền của khách đang thuê. Nhưng lại cố tình cướp trắng của nhà đầu tư. Chúng tôi bỏ ra số tiền rất lớn để góp vốn xây dựng toà nhà, nhưng chưa thu về được bao nhiêu thì đã có nguy cơ bị mất trắng. Trong chúng tôi, không ít người là nhân viên cũ của Vimedimex, vì tin lời lãnh đạo công ty, nghĩ rằng sẽ có 1 khoản tiền để khỏi lo lắng lúc tuổi già nên đã mang hết tài sản để đầu tư vào đây. Ai ngờ lại bị “lật kèo” như thế này…" - ông Đồng bức xúc.
Ai đã “bật đèn xanh” cho Vimedimex?
Theo Luật sư Phan Minh (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), việc cấp CNQSDĐ QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất cho Vimedimex của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh (Sở TNMT) đã tạo điều kiện để Công ty Vimedimex đẩy pháp nhân của 68 NĐT góp vốn xây dựng lên tòa nhà ra ngoài. Hiện nay tài sản của họ bị chiếm đoạt thể hiện ở chỗ Sở TNMT cấp trái quy định pháp luật, cụ thể, cấp riêng 15.374m2 là sở hữu riêng của Vimedimex là hành vi chà đạp lên quyền và lợi ích hợp pháp của các NĐT. Và thêm nữa tòa nhà này đã xây dựng sai giấy phép xây dựng, họ xây thêm tầng 14 không có trong thiết kế và giấy phép xây dựng.
Theo Khoản 2, Điều 98, Luật đất đai năm 2013 quy định: “Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một giấy chứng nhận và trao cho người đại diện”.
Khoản 1, Điều 166, Luật Đất đai năm 2013 quy định: Người sử dụng đất có quyền “được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Như vậy Sở TNMT cấp Giấy chứng nhận số CE 136048 đứng tên một mình Vimedimex là đã làm trái quy định của pháp luật. Nếu Vimedimex đem sổ này đi thế chấp ngân hàng và vay tiền trong trường hợp họ bị phá sản, không trả lại tiền cho ngân hàng thì tòa nhà này bị siết nợ và trở thành sở hữu của ngân hàng. Nghiễm nhiên tài sản của các NĐT bị tước đoạt.
Tôi (Luật sư Phan Minh) cho rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật, có mục đích chiếm đoạt chứ không hẳn là rủi ro cho NĐT khi góp vốn mua quyền sử dụng văn phòng. Trong Luật khuyến khích đầu tư trong nước, trong Điều 6 là bảo hộ của nhà nước đối với NĐT, Nhà nước cam kết không quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư. Nhà nước cam kết rằng nếu pháp luật có thay đổi thì vẫn bảo đảm quyền lợi của NĐT đã ký kết cho hết thời kỳ trong hợp đồng.
Luật sư Minh khẳng định, Công ty Vimedimex ngưng không chi trả lợi nhuận từ việc thuê văn phòng cũng như lấy lý do kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở pháp lý trong việc đầu tư, hợp tác đầu tư, tỷ lệ góp vốn… và không nêu thời hạn cụ thể khi nào thì chấm dứt việc rà soát và tiếp tục việc chi trả tiền thuê văn phòng cho các nhà đầu tư là hành vi chiếm đoạt tài sản.
PV sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.