Nhiều tranh luận trái chiều quanh dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Ngày đăng : 10:00, 14/09/2020

(Kiemsat.vn) - Tại Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công an đã trình Ủy ban xem xét và cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Thảo luận sau đó, các đại biểu tham dự phiên họp đã cho những ý kiến rất khác nhau quanh Dự án Luật này.

Sẽ có thêm 1,5 triệu người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 48 có 5 chương và 35 điều. Mục tiêu lớn nhất của dự án Luật là tạo cơ chế pháp lý đầu đủ trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên cơ sở thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Báo cáo làm rõ các vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết thực tế các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách vẫn đang tồn tại và nếu không có quy định để thực hiện thì sẽ rất khó khăn ở cơ sở. Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ trong quá trình xây dựng luật này, những vấn đề từ tuyển chọn, chế độ chính sách, phạm vi hoạt động…Ban soạn thảo đã cơ bản bám sát các Luật được Quốc hội thông qua gần đây để bảo đảm sự tương thích, trong đó có Luật Dân quân tự vệ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo làm rõ các vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm (ảnh: Quang Khánh)

Lý giải về việc dự thảo Luật điều chỉnh đối với 3 lực lượng gồm bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đây là một dự án luật mới điều chỉnh các đối tượng, các lực lượng đã được thành lập trên phạm vi toàn quốc, có lịch sử ra đời từ rất lâu và hiện nay đang được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật và trên thực tế hiện nay đang tồn tại. Các lực lượng này có mối quan hệ chặt chẽ về cơ cấu, tổ chức bộ máy và đều do UBND cấp xã thành lập, được Nhà nước bảo đảm về kinh phí hoạt động và trên thực tế đang phát huy được vai trò tích cực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá và có đủ cơ sở để quy định trong luật này.

Đối với một số lực lượng quần chúng tự quản khác được thành lập, tổ chức hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau, mang tính đơn lẻ, đặc thù ở các địa phương không mang tính bao trùm, phổ biến trong toàn quốc. Điều này cần phải tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá thận trọng, toàn diện cả về lý luận, thực tiễn pháp luật để có cơ sở quy định chung trong luật. Việc ban hành luật này điều chỉnh những vấn đề mang tính bao trùm, có hiệu lực trong phạm vi cả nước. Trong khi đó, các lực lượng quần chúng tự quản được thành lập đơn lẻ với nhiều hình thức khác nhau và mang nhiều tính đặc thù, có hiệu lực trong phạm vi của từng địa phương. Nếu ban hành một văn bản pháp luật để điều chỉnh là chưa phù hợp. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị luật này chưa điều chỉnh đối với các đối tượng quần chúng tự quản khác (như Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm hay Hiệp sĩ đường phố, tổ tự quản an ninh, trật tự, tổ công nhân tự quản…) mà tiếp tục phải đánh giá, trong khi bổ sung hoàn thiện luật này sẽ được tiếp tục bổ sung sau.

Ngân sách từ đâu để chi trả thường xuyên cho 1,5 triệu người

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, về “nhân sự”, Bộ Công an ước tính toàn quốc có khoảng 1,5 triệu người tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở. Ông Tùng băn khoăn, hiện có trên 650.000 người ở các đội dân phòng, tổ bảo vệ dân phố cũng như lực lượng công an xã bán chuyên trách, như vậy sẽ tăng khoảng gần 800.000 người so với thực tế hiện nay.

Tờ trình của Chính phủ đánh giá với việc không tiếp tục duy trì lực lượng công an xã bán chuyên trách, không tiếp tục duy trì đội bảo vệ dân phố, cắt giảm phụ cấp nhưng dự thảo luật cũng quy định các lực lượng này được hưởng chế độ bồi dưỡng hàng tháng. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng băn khoăn về nguồn lực duy trì hoạt động của lực lượng (ảnh: Quang Khánh)

“Chúng tôi thấy đây có thể chỉ là cách gọi khác thôi, về tính chất thì vẫn như phụ cấp. Với số lượng tăng thêm 800.000 người dẫn đến nhu cầu cần bổ sung rất lớn kinh phí về ngân sách. Đây là vấn đề cần hết sức cân nhắc, có tính toán kỹ về điều kiện bảo đảm”- ông Tùng nói thêm.

Theo dự thảo, ngân sách địa phương sẽ bảo đảm cho hoạt động của các lực lượng này, trong khi ông Tùng nêu thực tế nhiều địa phương hiện vẫn chưa tự cân đối được ngân sách. Đó là chưa tính tới các khoản chi hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật sau đó đề nghị “cân nhắc kỹ” để có thể bảo đảm có nguồn lực duy trì hoạt động của lực lượng này, nhất là trong bối cảnh đang thực hiện chủ trương của Đảng về tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế. 

“Qua tổng kết cuối năm 2019 liên quan đến tinh giản biên chế ở các cấp cơ sở theo Nghị quyết 18, sau hai năm mới chỉ tinh giản khoảng 100.000 người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Trong khi nếu theo dự án luật này sẽ tăng thêm 800.000 người hưởng chế độ bồi dưỡng thường xuyên, chưa kể còn chế độ khác BHYT, BHXH tự nguyện”- ông Tùng nhấn mạnh.

“Luật này đưa ra, những anh hết nhiệm vụ lại được đưa vào luật”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu hàng loạt câu hỏi mà theo bà, cần ban soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện thêm. Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội cho rằng ba lực lượng thuộc đối tượng điều chỉnh của dự án luật này gồm bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã, thị trấn bán chuyên trách trước đây. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu hàng loạt câu hỏi với Ban soạn thảo dự án Luật (ảnh Mai Linh)

“Số này hết nhiệm vụ rồi. Công an xã chính quy thì chủ yếu phải tăng cường từ huyện về. Có nghĩa là luật này đưa ra, những anh hết nhiệm vụ lại được đưa vào luật này”- vẫn lời Chủ tịch Quốc hội.

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bà Ngân cho rằng “thực chất đều là nhiệm vụ của công an xã”. Do vậy, ban soạn thảo cần xác định rõ tính chất phối hợp, hỗ trợ của lực lượng này để tránh chồng lấn, làm thay nhiệm vụ của lực lượng công an chính quy tại cơ sở.

Mặt khác, cần xác định rõ hơn phạm vi, mức độ, phương thức mà lực lượng này tham gia, hỗ trợ phối hợp với công an xã trong việc thực hiện bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở (với tính chất là cơ quan tự quản, tự nguyện của quần chúng) để nâng cao hiệu quả.

“Bộ trưởng báo cáo có giảm kinh phí. Tôi không biết ý kiến của Bộ Tài chính thế nào vì đó là điều kiện bảo đảm hoạt động được tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở. Khi thành lập một lực lượng nào để thực hiện nhiệm vụ thì quy định (về kinh phí) là cần thiết. Không thể nói là làm chay được”- bà Ngân nói thêm.

Minh Tú