Trường Cao đẳng Y- Dược ASEAN đào tạo ngoài trụ sở chính trái quy định?
Ngày đăng : 08:09, 09/09/2020
Theo Kết luận thanh tra, trường Cao đẳng Y – Dược ASEAN được Tổng cục nghề nghiệp cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp số 352/2017/GCNĐKHĐ-TCGDNN ngày 19/9/2017 và được cấp Giấy chứng nhận bổ sung ngày 22/7/2019 để tuyển sinh và tổ chức đào tạo đối với 02 ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng (Dược; Điều dưỡng) và ngành, nghề Dược đào tạo trình độ trung cấp.
Trường Cao đẳng Y – Dược ASE N có địa điểm đào tạo tại trụ sở chính ở địa chỉ thôn Trai Túc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên |
Trao đổi với Phóng viên về công tác khắc phục một số nội dung trong Kết luận thanh tra của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Lãnh đạo trường Cao đẳng Y – Dược ASEAN cho biết, do trường được chuyển từ Bộ Giáo dục Đào tạo quản lý sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, khi Thanh tra Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có kết luận về một số vi phạm, nhà trường đã nghiêm túc thực hiện và đã có công văn gửi Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội đăng ký cho Hiệu trưởng theo học lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo đúng quy định để được cấp chính chỉ.
Về công tác đào tạo ngoài trụ sở chính của Nhà trường, trường Cao đẳng Y – Dược ASEAN cho biết, Nhà trường đã chuyển toàn bộ công tác đào tạo về trụ sở chính tại xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Trường cũng báo cáo với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và xin phép duy trì địa điểm để thực hiện nhiệm vụ giao dịch và nhận hồ sơ tuyển sinh.
Trụ sở Trường Cao đẳng Y- Dược ASEAN tại Phạm Văn Đồng, khu đô thị Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội |
Đối với những sinh viên không có nhu cầu học, Trường Cao đẳng Y – Dược Asean đã giải quyết hết toàn bộ quyền lợi cho sinh viên.
Những kiến nghị của Thanh tra Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhà trường đã khắc phục cơ bản, một số nội dung chờ hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để trường tiếp tục thực hiện.
Công tác tuyển sinh và đào tạo ngành, nghề trình độ cao đẳng (Dược, Điều dưỡng) buộc phải tuân thủ các quy định pháp luật của Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật giáo dục số 43/2019/QH14 năm 2019, Nghị định: 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành khác.
Trong trường hợp Cơ sở giáo dục không công khai xin lỗi, không thực hiện nghĩa vụ tài chính, tài sản đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đình chỉ tổ chức hoạt động nghề nghiệp của ngành, nghề “Dược, Điều dưỡng” tại địa điểm ngoài địa chỉ chính của trường theo kết luận của “Thanh tra” thì sinh viên có quyền tố cáo, có quyền khởi kiện đối với cơ sở giáo dục để yêu cầu hoàn trả học phí, lệ phí, các chi phí khác đã nộp và yêu cầu bồi thường thiệt hại chính đáng. Ngoài ra, được quyền đề nghị các cơ quan có thẩm quyền làm rõ và xử lý sai phạm của các cá nhân liên quan.
Bồi thường thiệt hại được áp dụng theo Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Đối với các vụ việc dân sự thì VKSND sẽ tham gia công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự bắt đầu từ khi Tòa án thông báo trả lại đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc từ khi Tòa án thông báo thụ lý vụ việc dân sự đến khi bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không có kháng nghị, không có yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại theo quy định của BLTTDS.