Dấu hiệu nhận biết hành vi giả mạo Công an nhằm chiếm đoạt tài sản

Ngày đăng : 11:01, 03/09/2020

(Kiemsat.vn) - Khi Cơ quan điều tra thực hiện việc khám xét chỗ ở, Lệnh bắt bị can để tạm giam phải thì phải có Quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp. Trước khi tiến hành khám xét phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian, địa điểm tiến hành khám xét để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám xét (trừ trường hợp khám xét khẩn cấp). Khi khám xét phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.

Mặc cảnh phục, đi ô tô biển xanh giả

Vụ việc đêm 28/8, Sơn và Thái mặc quần áo cảnh sát, mang theo súng ngắn và lái ôtô biển xanh 80B đến nhà bà T (ở đường Nhật Tảo, phường 7, quận 11). Khi chủ nhà mở cửa thì cả 2 xưng là cán bộ thuộc Cục Cảnh sát hình sự của Bộ Công an, yêu cầu khám xét và đọc lệnh bắt bà T. Thấy nghi ngờ, người dân đã báo cảnh sát. Vài phút sau, công an đã đưa 2 người này về trụ sở.

Hai đối tượng tại Cơ quan Công an

Qua điều tra, Sơn khai mua quân phục cảnh sát, biển số xe và súng trên mạng. Riêng chiếc ôtô được anh ta thuê và gắn biển số xanh giả vào sử dụng.

Công an quận 11, TP.HCM, vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Trần Văn Sơn (ngụ quận 7) và Trần Hồng Thái (quê Hưng Yên) để làm rõ hành vi giả cảnh sát đọc lệnh bắt người và khám xét nhà nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Xe biển xanh, súng và các giấy tờ giả

Theo dõi vụ án xảy ra quận 11, Kiểm sát viên Nguyễn Khánh Nam thuộc Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận định: Hành vi của 2 đối tượng quá manh động, liều lĩnh và công khai. Hai đối tượng này chắc chắn đã lên kế hoạch từ trước, thể hiện qua việc họ chuẩn bị công cụ, phương tiện, tìm mua trang phục ngành công an, làm giả các giấy tờ, tài liệu và tìm hiểu người bị hại.

Hành vi xông vào nhà dân, giả công an để đọc lệnh bắt và đòi khám nhà đã có dấu hiệu của các hành vi cưỡng đoạt tài sản; giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Ngoài ra, Kiểm sát viên Nguyễn Khánh Nam cho rằng nếu kết quả giám định khẩu súng bị thu giữ thuộc vũ khí quân dụng hoặc có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng thì 2 người này còn bị truy cứu về hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng.

Về việc các đối tượng khai mua trang phục của lực lượng công an, làm thẻ ngành và công cụ hỗ trợ trên mạng là nhằm hỗ trợ cho các đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội. Trang phục của lực lượng vũ trang mua, bán qua mạng đều là hàng giả và hành vi này vi phạm pháp luật. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra cần làm rõ để xử lý các đối tượng này trong việc giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Dấu hiệu nhận biết hành vi giả mạo Công an nhằm chiếm đoạt tài sản 

Kiểm sát viên Nguyễn Khánh Nam khuyến cáo một số dấu hiệu cơ bản có thể nhận ra bằng mắt thường, như không xuất trình hoặc đeo thẻ ngành; lý do, các lệnh, quyết định của Cơ quan Công an và Viện kiểm sát; trả lời lúng túng về nơi công tác hoặc có thái độ thiếu tự tin khi xưng hô, giao tiếp.

Khi gặp ai đó mặc cảnh phục ngành Công an đòi kiểm tra hành chính hoặc yêu cầu làm việc khác, nếu nghi ngờ người dân có thể hỏi thêm về lý do kiểm tra, hoặc yêu cầu cho xem giấy tờ, thẻ ngành, lý do kiểm tra là gì. Người giả mạo lực lượng Công an hay lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu bình tĩnh của người dân để cưỡng đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ việc trên, nếu hai đối tượng có hành vi giả mạo Công an nhưng không có mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý về tội “Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” theo Điều 339 Bộ luật Hình sự năm 2015.  Điều luật này quy định ba hành vi là “giả mạo chức vụ”, “giả mạo cấp bậc”, “giả mạo vị trí công tác”. Chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong ba hành vi trên đã đủ cấu thành tội phạm. Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Tuy nhiên, nếu hai đối tượng có hành vi giả mạo công an nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự. Có khung hình phạt thấp nhất từ 1 năm đến 5 năm và cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm.

Vai trò của Kiểm sát viên trong thủ tục bắt giữ người phạm tội

Theo quy định tại Chương XIII của Bộ luật Tố tụng hình sự, tại các Điều 194, 195, khi Cơ quan điều tra thực hiện việc khám xét chỗ ở, khám người có hành vi vi phạm pháp luật thì Lệnh khám xét phải có Quyết định phê chuẩn Lệnh khám xét của Viện kiểm sát cùng cấp. Trước khi tiến hành khám xét phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian, địa điểm tiến hành khám xét để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám xét (trừ trường hợp khám xét khẩn cấp). Khi khám xét phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến. Mọi thủ tục tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc phải được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 195 BLTTHS.

Kiểm sát viên Nguyễn Khánh Nam thuộc Vụ 3 Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, lực lượng công an thi hành quy trình tố tụng không đi một mình. Người dân nếu tỉnh táo, ứng xử thông minh như người phụ nữ ở quận 11 thì kẻ giả mạo công an sẽ khó gây án.

Thùy Linh