Kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại toà án
Ngày đăng : 15:00, 21/08/2020
Theo đó, đối tượng kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là: Tòa án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án; người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ; cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên; người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị; cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong quá trình Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc.
Theo Quy chế này, phạm vi kiểm sát trong hoạt động xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận thông báo thụ lý hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đến khi có quyết định giải quyết việc xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị theo quy định.
Hoạt động kiểm sát việc xem xét, quyết định hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại không thuộc phạm vi của Quy chế này.
Cùng với đó, Quy chế cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, cụ thể:
Kiểm sát việc thụ lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
Kiểm sát việc Tòa án yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ;
Kiểm sát việc mở phiên họp, hoãn phiên họp;
Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ việc và dự thảo văn bản phát biểu ý kiến tại phiên họp;
Tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án; phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với các quyết định giải quyết của Tòa án; kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên họp và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên họp;
Kiểm sát việc tạm đình chỉ, đình chỉ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
Kiểm sát việc áp dụng, không áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
Thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014;
Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác khi kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong quá trình kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, nếu phát hiện vi phạm pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan khác thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị khắc phục vi phạm và phòng ngừa vi phạm theo quy định. Việc kiến nghị có thể đối với từng vi phạm cụ thể hoặc kiến nghị tổng hợp, thông qua nhiều hình thức khác nhau nhưng phải kịp thời. Đồng thời, Viện kiểm sát đã kiến nghị phải theo dõi việc trả lời kiến nghị theo quy định chung.
Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định trước đây của ngành Kiểm sát nhân dân liên quan đến hoạt động kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân trái với Quy chế này bị bãi bỏ.