Công tác phối hợp giữa của VKSND tỉnh Hà Tĩnh trong những năm qua đạt được nhiều kết quả tích cực

Ngày đăng : 08:58, 13/08/2020

(Kiemsat.vn) - Nhận thức rõ vị trí, chức năng của Ngành trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và yêu cầu của cải cách tư pháp nói chung, trong giải quyết các vụ án về an ninh quốc gia nói riêng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác với Công an tỉnh trong xử lý các vụ án trọng điểm về an ninh quốc gia, chống phá về nhân quyền của các thế lực thù địch.

Đây là mối quan hệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được pháp luật quy định rất chặt chẽ theo một trình tự và thủ tục nghiêm ngặt trong BLTTHS năm 2015, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Luật Tổ chức VKSND, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT ngày 29/12/2017 của Liên ngành tư pháp Trung ương hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; Thông tư số 04/2018/TTLT ngày 19/10/2018 về quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra trong điều tra, truy tố các vụ án hình sự; Quy chế phối hợp liên ngành trong giải quyết án hình sự… Nhờ thực hiện nghiêm các quy định nêu trên, công tác phối hợp giữa Công an và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh những năm vừa qua đạt được nhiều kết quả.

Với ảo tưởng lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội Việt Nam, ngày 19/4/2013, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyền, Trần Đức Thạch đã thành lập “Hội anh em dân chủ ” với tôn chỉ hoạt động là “Liên kết với các tổ chức phản động trong và ngoài nước, tìm kiếm sự hậu thuẫn, hỗ trợ tài chính từ các tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài; xây dựng và phát triển lực lượng đến khi đủ mạnh và thời điểm phù hợp sẽ công khai hoạt động”. Mục đích là hoạt động chống chính quyền, đối đầu với chính quyền tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân, xây dựng chế độ “đa nguyên, đa đảng”, “tam quyền phân lập”, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam”. Trần Thị Xuân, là thành viên đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh tham gia “Hội anh em dân chủ”, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các tài liệu của “Hội anh em dân chủ” đến tầng lớp thanh niên, nhất là thanh niên Tôn giáo trên địa bàn Hà Tĩnh để phát triển lực lượng. Các tài liệu tuyên truyền là Cương lĩnh, điều lệ, giới thiệu về tổ chức Hội, mẫu cung cấp thông tin cá nhân, các kỹ năng kinh nghiệm để tự bảo vệ khi sử dụng các dịch vụ trên mạng Internet, đơn gia nhập Hội, giấy mời luật sư, hướng dẫn cách thức sử dụng các ứng dụng trên mạng xã hội như: Skyper, Gotomeeting để liên lạc với các thành viên trong hội, đảm bảo tính bí mật và an toàn nhằm trốn tránh sự theo dõi kiểm tra của Cơ quan Công an…

Tương tự, cũng với ảo tưởng chống lại đường lối, chính sách của Đảng và  Nhà nước, từ đầu năm 2014 đến cuối tháng 1/2015, tại quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Hóa (trú tại thị xã Kỳ Anh) đã sử dụng mạng Internet, lập các tài khoản facebook, Blog để biên tập, đăng tải, chia sẻ và phát tán các tài liệu có nội dung tiêu cực, xuyên tạc sự thật, vu cáo và phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền những luận điệu phản động, bôi nhọ lãnh tụ Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng, Chính phủ, gieo rắc sự nghi ngờ, bất mãn với chính quyền nhằm tiếp tay cho các tổ chức chống phá nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ tháng 11/2016, Nguyễn Văn Hóa ký hợp đồng với các báo, đài phản động (báo Dân Luận, SBTN, RFA) để gửi tin, bài, phóng sự có nội dung tiêu cực, sai sự thật như trên.

Xác định đây là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm An ninh quốc gia, hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan đến các cá nhân, tổ chức phản động ở nước ngoài, nên việc xử lý, giải quyết phải khéo léo, thận trọng, tránh gây nên điểm nóng, xung đột chính trị. Chính vì vậy, ngay từ khi Cơ quan An ninh điều tra tiếp nhận thông tin của Cục An ninh điều tra Bộ Công an về đối tượng Trần Thị Xuân, Nguyễn Văn Hóa. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã yêu cầu Phòng nghiệp vụ lựa chọn Kiểm sát viên dày dặn kinh nghiệm, có bản lĩnh, phối hợp với Công an tỉnh (Cơ quan An ninh điều tra) tham gia nghiên cứu tài liệu, xác định hướng điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, củng cố chứng cứ để bắt giữ, xử lý đối tượng, đảm bảo yêu cầu đặt ra là: Căn cứ buộc tội phải vững chắc, nhưng đối tượng phải được cảm hóa, nhận rõ hành vi phạm tội của mình là đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân… để phục vụ công tác tuyên truyền, đập lại luận điệu của các tổ chức quốc tế phản động lợi dụng danh nghĩa nhân quyền xâm phạm chủ quyền độc lập, quyền tự quyết của Đảng và nhân dân ta.

Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu, nên chỉ một thời gian ngắn, thực hiện quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân và Công an tỉnh (Cơ quan An ninh điều tra), quyết tâm xóa bỏ tổ chức phản động này ngay từ trong trứng nước, Phòng 1 đề nghị lãnh đạo Viện tổ chức họp liên ngành để nghe báo cáo kết quả xác minh nguồn tin tội phạm. Sau khi nghe Điều tra viên, Kiểm sát viên và lãnh đạo hai phòng nghiệp vụ (Phòng 1 và PA09) báo cáo kết quả xác minh, Lãnh đạo Công an và Lãnh đạo Viện kiểm sát tỉnh thống nhất quyết định phá án. Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Hóa về tội “Tuyên truyền chống nhà nước” (ngày 20/01/2017) và đối với Trần Thị Xuân về tội"Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" (ngày 17/10/2017).

Điều tra viên và Kiểm sát viên chủ động phối hợp chặt chẽ từ khi phá án, bắt đối tượng, thu thập chứng cứ, phối hợp trong hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng... thường xuyên trao đổi kết quả điều tra và dự kiến tình huống phát sinh, giải quyết mâu thuẫn trong quá trình điều tra, đảm bảo thời hạn, đúng quy định. Mặt khác, Kiểm sát viên tích cực nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc tiến độ điều tra, kết quả hoạt động điều tra, thống nhất những vấn đề cần điều tra, xác minh với Điều tra viên, kịp thời phê chuẩn các quyết định tố tụng của Công an tỉnh, không để xảy ra oan, sai, lọt tội phạm hay trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Kiểm sát viên chủ động tiến hành phúc cung, phối hợp với Điều tra viên để đối chất, lấy lời khai người làm chứng. Viện kiểm sát đã truy tố 2 vụ 2 bị can/ 2 vụ 2 bị can phạm các tội về an ninh quốc gia. Các vụ án đều được truy tố đúng người, đúng tội, đúng thời hạn.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh giao ban liên ngành với Cơ quan điều tra tỉnh

Có được những kết quả trên, trước hết là do lãnh đạo Công an, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã nhận thức đúng đắn, đầy đủ tầm quan trọng của quan hệ phối hợp giữa 2 ngành trong giải quyết án hình sự nói chung, các vụ án trọng điểm về an ninh quốc gia chống phá về nhân quyền của các thế lực thù địch; coi đây là nhân tố hàng đầu, không thể thiếu, quyết định chất lượng, hiệu quả của công tác giải quyết vụ án. Từ đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, phát triển quan hệ phối hợp, làm cho quan hệ phối hợp trở nên thực chất, chặt chẽ, gắn bó trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mỗi ngành.

Định kỳ, sáu tháng, một năm, Viện kiểm sát chủ trì sơ kết, tổng kết công tác phối hợp trong giải quyết án hình sự. Thông qua thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, lãnh đạo các phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên thường xuyên trao đổi với Lãnh đạo các phòng thuộc Cơ quan an ninh điều tra và Điều tra viên về những vấn để vướng mắc, thiếu sót trong xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cũng như trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, thủ tục tố tụng trong các vụ án cụ thể.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòngchống tội phạm” và kết luận của của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Hội nghị triển khai công tác năm 2015: “Cần… tăng cường hơn nữa vai trò chủ động trong quá trình điều tra”và “Tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với điều tra…”.

Từ nhận thức đúng đắn về quyền hạn, trách nhiệm của Ngành trong xử lý các vụ án trọng điểm về an ninh quốc gia, chống phá về nhân quyền của các thế lực thù địch, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã xây dựng được cơ chế phối hợp tương đối hoàn thiện, chặt chẽ với Công an tỉnh. Vì vậy, chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết án hình sự được nâng lên, không xảy ra trường hợp nào oan, sai phải đình chỉ điều tra do không phạm tội hoặc Viện kiểm sát truy tố Tòa án tuyên không phạm tội.

Cán bộ, Kiểm sát viên cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của mối quan hệ phối hợp giữa Công an và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trong xử lý các vụ án trọng điểm về an ninh quốc gia, chống phá về nhân quyền của các thế lực thù địch để có biện pháp xây dựng, tăng cường và đổi mới quan hệ phối hợp với nhiều hình thức trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mỗi ngành. Chủ động phối hợp với Cơ quan an ninh điều tra thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Trong thực hiện các công tác cụ thể, như Kiểm sát tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh nắm chắc tình hình tố giác, tin báo về tội phạm, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hơn nữa chất lượng phân loại, xử lý; theo dõi, đôn đốc việc việc xác minh, giải quyết của Cơ quan điều tra.

Hiện nay, lợi dụng những diễn biến phức tạp của thế giới và khu vực, nhất là vấn đề chủ quyền của nước ta ở Biển Đông, lợi dụng sự phát triển nhanh của “không gian mạng”, “thế giới ảo", “quyền tự do ngôn luận”, các thế lực thù địch và một số phần tử chống đối, cơ hội đã ra sức công kích, tung nhiều thông tin sai lệch bóp méo, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng nhân dân... Không ít cá nhân, nhóm cá nhân cố ra vẻ là “người yêu nước”, “tâm huyết” với “vận mệnh quốc gia dân tộc” viết bài phát tán trên internet, mạng xã hội với những giọng điệu xuyên tạc nhằm “kích động”, đẩy nước ta rơi vào sự lệ thuộc, phụ thuộc mới. Tình hình đó đã đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu mới cho Công an và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, vừa đòi hỏi hai ngành chủ động, linh hoạt giải quyết các vấn đề nóng vừa đảm bảo sư phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với nhau và với các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí, tạo thế trận rộng khắp, chặt chẽ trong đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ tác động đến nhận thức để thay đổi hành vi của công chúng trong những vấn đề liên quan đến văn hóa. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh để phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa Công an và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trong xử lý các vụ án trọng điểm về an ninh quốc gia, chống phá về nhân quyền của các thế lực thù địch trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất một số một số giải pháp như sau:

Một là, luôn quan tâm nâng cao nhận thức cho cán bộ, Kiểm sát viên về vị trí, vai trò của công tác phối hợp với các cơ quan, các ngành nói chung và quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Công an tỉnh trong trong xử lý các vụ án trọng điểm về an ninh quốc gia, chống phá về nhân quyền của các thế lực thù địch, để cán bộ, Kiểm sát viên có ý thức phối hợp. Trọng tâm công tác giáo dục nâng cao nhận thức về công tác phối hợp là Chỉ thị số 05/CT-VKSNDTC ngày 27/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Kết luận của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là tư tưởng chỉ đạo, phương hướng và biện pháp tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân với Cơ quan điều tra trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Hai là, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tích cực đổi mới phương thức phối hợp giữa Viện kiểm sát với Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh, xây dựng mối quan hệ thực chất, hiệu quả trên cở sở chức năng nhiệm vụ của mỗi ngành. Viện kiểm sát nhân dân chủ động trao đổi với với Cơ quan điều tra về những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình phối hợp giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố và trong quá trình khởi tố, điều tra vụ án để bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới quy chế phối hợp cho phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi để Điều tra viên, Kiểm sát viên làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình.

Ba là, Viện kiểm sát nhân dân tích cực tổng kết kinh nghiệm, trong đó chú trọng các chuyên đề nghiệp vụ như: Kinh nghiệm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết tố giác, tin báo tội về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kinh nghiệm Thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự; kinh nghiệm phối hợp với Điều tra viên trong giai đoạn chuẩn bị kết thúc điều tra; kinh nghiệm xây dựng bản cáo trạng để tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố cho cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác này.

Bốn là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên có bản lĩnh, trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, có năng lực, trình độ chuyên môn; chú ý lựa chọn cán bộ, Kiểm sát viên thực sự có năng lực để đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, bố trí đảm nhiệm vị trí công tác quan trọng.

Năm là, tích cực tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đảng địa phương trong quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tư pháp nói chung và quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân với Công an tỉnh trong giai đoạn điều tra theo đúng tinh thần Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị “Về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng”. Khi có khó khăn vướng mắc về đường lối xử lý các vụ án hình sự hoặc những vụ án nhạy cảm, phức tạp cần kịp thời báo cáo, đề nghị cấp ủy Đảng cùng cấp chủ trì cuộc họp lãnh đạo liên ngành tư pháp để thống nhất giải quyết./.

Nguyễn Quỳnh Trang, VKSND tỉnh Hà Tĩnh