Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đảng, nhất là sinh hoạt chuyên đề gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ

Ngày đăng : 08:17, 06/08/2020

(Kiemsat.vn) - Thực tiễn đã chứng minh, những chi bộ trong sạch vững mạnh là những chi bộ duy trì sinh hoạt chi bộ nề nếp, có nội dung sinh hoạt chi bộ phong phú, thiết thực, có hình thức đa dạng, sinh hoạt có chất lượng tốt.

Đại hội chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Ý thức được tầm quan trọng nói trên, thời gian vừa qua, chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc luôn bám sát các quy định tại Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 02/2/2008, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Chỉ thị số 10 ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư khóa X về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Hướng dẫn số 09 - HD/BTCTW, ngày 02/3/2012, nay là Hướng dẫn số 12- HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Kết luận số 18-KL/TW ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW; sự hướng dẫn, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Huyện ủy Bình Xuyên, tập trung đề ra giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện sinh hoạt chi bộ, nhất là sinh hoạt chuyên đề gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Trong những năm qua, Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, hàng tháng duy trì sinh hoạt nề nếp đúng thời gian qui định; tăng cường sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đảm bảo mỗi quý một lần (Ví dụ: chuyên đề nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ đối với công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự; chuyên đề nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ đối với công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp…).

Chi ủy chi bộ đã chuẩn bị chu đáo; nội dung sinh hoạt có nhiều đổi mới, phong phú; thực hiện lồng ghép việc kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn đảng với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cùng với khắc phục các yếu kém, tồn tại. Đảng viên tham gia thảo luận, thể hiện chính kiến của mình, luôn tạo được không khí cởi mở, chân thành; phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, nâng cao sức chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ. Phương pháp điều hành sinh hoạt, điều hành thảo luận, gợi mở vấn đề khoa học hơn. Vai trò, trách nhiệm người chủ trì, cấp ủy được thể hiện rõ nét hơn.

Chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên đề cũng đã được nâng cao, các đảng viên được phân công chuẩn bị nội dung chuyên đề chu đáo, các chuyên đề đều được Ban chi ủy chi bộ duyệt trước khi gửi cho các đảng viên trong chi bộ thảo luận. Nội dung sinh hoạt chuyên đề của chi bộ cũng hết sức phong phú, trong đó đã có nhiều chuyên đề tập trung vào việc thảo luận, tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao. Điều đó không chỉ góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn của đơn vị mà còn tạo được sự hấp dẫn trong sinh hoạt Đảng, đồng thời đã khuyến khích các đảng viên tích cực tham gia phát biểu, xây dựng Nghị quyết của chi bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với sinh hoạt chuyên đề của chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Xuyên còn có hạn chế như: 

Nội dung sinh hoạt còn dành nhiều thời gian cho thảo luận công tác chuyên môn; thời gian sinh hoạt chi bộ ngắn, có tháng còn sinh hoạt chưa đúng ngày quy định. Vai trò của người chủ trì trong việc gợi mở nội dung để tham gia góp ý còn hạn chế; đa số các ý kiến góp ý là của đảng viên lớn tuổi, lãnh đạo đơn vị. Một số đảng viên chưa thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu, còn thụ động, ít tham gia đóng góp ý kiến hoặc đóng góp ý kiến còn ngại va chạm chưa có nhiều ý kiến hay để đóng góp vào nội dung sinh hoạt của chi bộ.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, là do nhận thức về yêu cầu, nội dung sinh hoạt Chi bộ, sinh hoạt chuyên đề chưa đầy đủ. Đảng viên chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, khối lượng công việc chuyên môn nhiều, trong khi biên chế không được tăng nên đảng viên được giao chuẩn bị nội dung sinh hoạt chuyên đề không có thời gian để đầu tư, để nghiên cứu kỹ lưỡng.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ đảng, nhất là sinh hoạt chuyên đề gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện đề ra một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc đến cán bộ, đảng viên trong chi bộ các Chỉ thị, Nghị quyết, Hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và sinh hoạt chuyên đề.

Hai là, thực hiện nghiêm túc, nề nếp chế độ sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng. Nội dung sinh hoạt phải cụ thể sát với nhiệm vụ của đơn vị; chuẩn bị nội dung chu đáo, hiệu quả, tránh hình thức.

Ba là, Chi ủy phải chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt; phải xác định trách nhiệm “chất lượng sinh hoạt chi bộ thấp, chậm đổi mới là do mình”; mạnh dạn nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho khách quan. Phải suy nghĩ cách thức, phương pháp để dẫn dắt và định hướng chi bộ hoạt động có hiệu quả. Sinh hoạt chi bộ phải gắn với khắc phục các yếu kém, khuyết điểm và kiểm điểm thực hiện Nghị quyết trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa và việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện cuộc vận động của ngành KSND về xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Bốn là, nâng cao ý thức đảng viên trong việc tham gia sinh hoạt chi bộ. Đảng viên có nhận thức, góp ý thảo luận sôi nổi, có trọng tâm trọng điểm thì nơi đó chất lượng hoạt động của chi bộ được nâng lên.

Năm là, nâng cao chất lượng điều hành trong sinh hoạt chi bộ: Bí thư chi bộ (hoặc đồng chí được phân công) chủ trì, điều hành cuộc họp chi bộ phải thực hiện đầy đủ các nội dung trong chương trình đề ra; nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian sinh hoạt. Nội dung báo cáo trước chi bộ phải rõ ràng, ngắn gọn để dành nhiều thời gian cho phần thảo luận. Thực hiện tốt quy chế làm việc của chi bộ; trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng Chi ủy viên, bảo đảm Chi ủy, chi bộ hoạt động có hiệu quả. Phần thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến cần phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của đảng viên và gợi ý những nội dung quan trọng để đảng viên tham gia thảo luận, thể hiện chính kiến của mình.

Sáu là, đối với sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề cần lưu ý

Chi ủy mà trực tiếp là đồng chí Bí thư chi bộ cần nắm chắc năng lực, sở trường của từng đảng viên để phân công, giao nhiệm vụ chuẩn bị nội dung sinh hoạt chuyên đề cho phù hợp. Việc phân công xây dựng chuyên đề được thực hiện ngay từ đầu năm kế hoạch để đảng viên chuẩn bị.

Chi ủy gợi ý đảng viên được phân công lựa chọn những vấn đề thiết thực, phù hợp với công việc chuyên môn để việc thảo luận tại buổi sinh hoạt chuyên đề dễ hiểu và thiết thực. Đồng thời, phải xây dựng dự thảo chuyên đề đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng trọng tâm, bám sát chủ đề theo từng năm mà Huyện ủy định hướng và chi bộ đã chọn; chuyên đề dự thảo phải gửi cho Chi ủy 30 ngày trước khi tổ chức sinh hoạt để Chi ủy có ý kiến.
Phải đa dạng hóa hình thức sinh hoạt chuyên đề: không chỉ có nội dung phổ biến, quán triệt bằng lời nói trong suốt một buổi sinh hoạt dễ dẫn đến sự khô khan, đơn điệu. Mà cần lựa chọn tổ chức nhiều hình thức phù hợp, áp dụng công nghệ để hỗ trở để nội dung sinh hoạt phong phú.

Phát huy tính dân chủ trong sinh hoạt chuyên đề: Người chủ trì cần chú trọng gợi mở và dẫn dắt, tạo điều kiện cho đảng viên đóng góp ý kiến, lắng nghe ý kiến của đảng viên, kể cả các ý kiến đối lập; tổng hợp ngắn gọn, kết luận đúng, đầy đủ nội dung chi bộ đã thảo luận; hướng dẫn và chỉ đạo áp dụng các giải pháp đã được đề ra qua sinh hoạt chuyên đề để giải quyết các vấn đề đặt ra tại Chi bộ. Từ đó, tạo bầu không khí thực sự dân chủ, cởi mở, công tâm, khách quan để mỗi đảng viên mạnh dạn nêu nhận thức của bản thân. Từ đó, liên hệ với chi bộ, đơn vị công tác, địa phương nơi cư trú để trao đổi, đóng góp ý kiến để hoàn thiện chuyên đề.

Trình tự, nội dung sinh hoạt chuyên để phải được thực hiện theo đúng hướng dẫn 12 của Ban tổ chức Trung ương, Huyện ủy về các bước để tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ; các ý kiến thảo luận, ý kiến kết luận buổi sinh hoạt phải được ghi chép vào biên bản sinh hoạt chuyên đề. Đảng viên xây dựng chuyên đề, ý kiến đóng góp khi tham gia sinh hoạt chuyên đề là một trong những cơ sở để Chi bộ đánh giá, nhận xét, phân loại chất lượng đảng viên hăng năm.

Sau buổi sinh hoạt chuyên đề, Chi bộ tổ chức họp để rút ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế để rút kinh nghiệm; đồng thời thống nhất kết luận những vấn đề trong chuyên đề, từ đó Chi bộ ban hành nghị quyết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Có thể khẳng định rằng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đặc biệt sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là một trong những nội dung góp phần xây dựng Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Xuyên trong sạch vững mạnh trong nhiệm kỳ qua. Phát huy những kết quả đã đạt được, Ban chi ủy cùng với tập thể cán bộ, đảng viên chi bộ nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ luôn đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, đổi mới để lãnh đạo Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân Bình Xuyên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Kiều Mai/VKS Bình Xuyên, Vĩnh Phúc