Những mục tiêu cụ thể của Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14
Ngày đăng : 13:45, 06/08/2020
Năm điểm mới quan trọng Luật Doanh nghiệp 2020
Một là, cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường. Luật bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu "số" thay cho dấu "truyền thống”;
Thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.
Hai là, nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến. Luật mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ.
Đồng thời, bổ sung các quy định về quản trị công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế tốt về quản trị doanh nghiệp.
Ba là, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sửa hữu Nhà nước. Cụ thể là sửa đổi khái niệm doanh nghiệp Nhà nước để xác định rõ loại doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu hơn 50% (đến dưới 100%) vốn điều lệ để có cách thức và phương thức quản lý, giám sát phù hợp;
Bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa, công khai hóa thông tin của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước.
Bốn là, thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuấ, đầu tư kinh doanh. Bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu (NVDR) đa dạng hóa thêm sản phẩm giao dịch cho thị trường chứng khoán; đồng thời, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề hạn chế sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, có cơ hội lớn hơn trong thu hút vốn từ nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.
Năm là, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp, bảo đảm tương thích với Luật Cạnh tranh 2018 đối với các quy định về sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp; Bổ sung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần (thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty TNHH như quy định hiện hành).
Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp 2020 tại Kỳ họp thứ 9 |
Bốn mục tiêu cụ thể
Mục tiêu đầu tiên là tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới). Đây chính là một trong bốn mục tiêu cụ thể mà Luật Doanh nghiệp 2020 hướng đến Theo đánh giá của WB năm 2019, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm nay dù được ghi nhận tăng điểm (nhờ giảm một ngày thực hiện thủ tục) nhưng lại tụt tới 11 bậc (từ vị trí 104 năm 2018 xuống vị trí 115 năm 2019). Chỉ số khởi sự kinh doanh theo đánh giá của WB gồm 8 bước. Cụ thể là thủ tục: Đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) và công bố nội dung đăng ký DN trên cổng thông tin đăng ký DN quốc gia; làm dấu DN; thông báo mẫu dấu; mở tài khoản ngân hàng; đăng ký mua hóa đơn/sử dụng hóa đơn điện tử hoặc tự in hóa đơn; khai thuế môn bài; khai báo lao động; đăng ký bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động. Luật Doanh nghiệp 2020 được kỳ vọng sẽ cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, đưa mẫu chuẩn về đăng ký khởi sự kinh doanh, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, DN chỉ cần làm theo mẫu đã ban hành. Cùng với đó, đẩy mạnh hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, đẩy mạnh việc liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành, phấn đấu giảm số thủ tục khởi sự kinh doanh từ 8 thủ tục xuống còn 4 thủ tục, giảm thời gian và chi phí cho DN.
Mục tiêu thứ hai là nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới).
Bảng xếp hạng Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư trên thế giới đã cho thấy, Việt Nam nằm ở thứ bậc thấp trong bảo vệ nhà đầu tư. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 89/190 quốc gia, trong khi năm 2018 ở thứ hạng 81, còn năm 2017 xếp hạng 87. Những con số này cũng phần nào cho thấy việc bảo vệ nhà đầu tư ở Việt Nam dù có cải thiện nhưng còn chậm và thiếu bền vững, chưa đáp ứng được mong đợi của nhà đầu tư.
Mục tiêu thứ ba đó là: Nâng cao hiệu lực quản trị, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối.
Mục tiêu cuối cùng đó là: Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp 2020 gồm 10 chương, 218 điều và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. |
Luật Doanh nghiệp 2020 gồm 10 chương, 218 điều với nhiều điểm đột phá, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.