Từ chuyên khâu sang thông khâu : Bước chuyển biến quan trọng trong giải quyết án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân
Ngày đăng : 16:04, 26/07/2020
Trước thực tế công tác tư pháp còn bộc lộ nhiều hạn chế, cải cách tư pháp tiến hành chậm hơn so với cải cách hành chính và cải cách kinh tế, ngày 02/01/2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đề ra là “Cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của các cơ quan tư pháp”.
Theo đó, Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Hoạt động công tố phải được thực hiện ngày từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình tố tụng nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, xử lý kịp thời những trường hợp sai phạm của những người tiến hành tố tụng khi thi hành nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên toà, bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác…Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm về những oan, sai trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam thuộc phạm vi thẩm quyền phê chuẩn của mình”
Bộ Chính trị cũng yêu cầu: “Tổ chức sắp xếp lại các đơn vị trong Viện kiểm sát các cấp để thực hiện tốt chức năng công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Đó là định hướng quan trọng trong việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát các cấp sau này.
Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, nhất là việc tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp, ngày 24/3/2003, VKSND tối cao có văn bản số 612/2003/VKSTC về việc hướng dẫn thực hiện việc thông khâu kiểm sát điều tra - kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự. Theo đó, kể từ ngày 01/4/2003 thực hiện thống nhất thông khâu kiểm sát điều tra - kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự trong toàn ngành Kiểm sát.
Cụ thể: Các đơn vị nghiệp vụ làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh chuyển sang thực hiện nhiệm vụ giúp Viện trưởng VKSND tỉnh thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự và hướng dẫn Viện kiểm sát cấp dưới về các báo cáo thỉnh thị trong quá trình xét xử sơ thẩm đối với các loại tội do đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm sát điều tra - kiểm sát xét xử sơ thẩm. Các Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra ở VKSND tối cao có trách nhiệm giúp Viện trưởng VKSND tối cao hướng dẫn các Viện kiểm sát địa phương giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong giai đoạn xét xử sơ thẩm đối với các loại tội thuộc thẩm quyền kiểm sát điều tra của Vụ.
Việc phân công Kiểm sát viên thụ lý án được thực hiện theo nguyên tắc: Kiểm sát viên trực tiếp hoặc được giao thụ lý chính kiểm sát điều tra vụ án nào sẽ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án đó, Kiểm sát viên thụ lý vụ án chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình về thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử đối với vụ án được phân công thụ lý.
Việc thực hiện thông khâu kiểm sát điều tra - kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự không chỉ có tác dụng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố mà còn góp phần khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn truy tố và án tồn đọng ở Viện kiểm sát, xác định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát điều tra - kiểm sát xét xử, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm hoặc cắt khúc, khép kín trong từng khâu công tác, tạo điều kiện cho Kiểm sát viên có điều kiện nắm chắc hồ sơ, chủ động hơn trong việc xét hỏi và tranh luận tại phiên toà, từng bước nâng cao chất lượng tranh luận và vai trò của Kiểm sát viên tại phiên toà, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp.
Cùng với việc thực hiện các biện pháp tích cực để đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng tội, chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án hình sự đã có những chuyển biến tích cực. Theo số liệu thống kê của VKSND tối cao từ 2002 – 2009, số án được đưa ra truy tố chiếm tỷ lệ cao so với số án đã giải quyết. Cụ thể năm 2002, Viện kiểm sát truy tố đạt 96%, thì 2006 đã tăng lên 99,1% và 2008 đạt 99,2%. Các vụ án tồn đọng những năm trước được tập trung giải quyết; các trường hợp quá hạn tố tụng, đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội ngày càng giảm. Số án xét xử theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm đều tăng so với trước: án sơ thẩm cấp huyện tăng 15%, án phúc thẩm cấp tỉnh tăng 20%, hầu hết Kiểm sát viên đều nâng cao chất lượng xét hỏi, luận tội, tranh luận tại phiên tòa góp phần cùng Tòa án đảm bảo việc xét xử dân chủ, khách quan, hạn chế xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm...