Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ
Ngày đăng : 09:46, 09/07/2020
Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam (1981-1987) đồng thời trên cương vị là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1989-1994), cho tới những năm cuối đời, với kiến thức luật học uyên bác, với tinh thần trách nhiệm cao đối với Tổ quốc và nhân dân, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã hoạt động không mệt mỏi; đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó và có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với các chiến sĩ Quân giải phóng |
Là Chủ tịch Quốc hội, điều đồng chí Nguyễn Hữu Thọ lo lắng trước tiên là làm sao cho nhân dân “được ăn no, mặc ấm, được học hành” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Đồng chí đã nhận thấy rõ một thực tế là nhân dân ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ, lại vừa buộc phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở biên giới của Tổ quốc và vẫn đang đứng trước những nguy cơ, thách thức mới; Trong khi tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đều giảm sút, lạm phát gia tăng, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, đồng chí đã trực tiếp đi thực tế khảo sát ở cơ sở và nhận thấy rằng cung cách điều hành, quản lý trì trệ, cơ chế làm việc quan liêu, bảo thủ kéo dài, chậm được cải tiến, đổi mới cũng là một trong những nguyên nhân gây nên khó khăn về kinh tế - xã hội của đất nước cũng như ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Ông đã có những quan điểm, những đề xuất quan trọng về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý đất nước bằng pháp luật.
Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đặc biệt quan tâm đến vấn đề đổi mới hoạt động của Quốc hội. Điều làm ông suy nghĩ nhiều nhât là làm thế nào để Quốc hội thực sự là cơ quan lập phát duy nhất, đồng thời là cơ quan giám sát tối cao đối với việc quản lý điều hành các mặt hoạt động đời sống xã hội của Hội đồng Bộ trưởng. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ dành nhiều thời gian, công sức vào việc chỉ đạo hoạt động của các ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là ủy ban Pháp luật. Đồng chí cho rằng ủy ban Pháp luật phải được kiện toàn một cách nhanh chóng, phải thêm một số tiểu ban để soạn thảo các bộ luật cần thiết chưa có hoặc không còn phù hợp; Việc quản lý điều hành các lĩnh vực đời sống xã hội bằng các luật là phương thức bảo đảm dân chủ cao nhất.
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ rất quan tâm đến vấn đề dân chủ, thực hiện dân chủ và xây dựng pháp luật. Ngay từ những năm 1980-1981, đồng chí đã đề cập đến vấn đề soạn thảo và ban hành Bộ luật dân sự vì theo đồng chí đây là bộ luật lớn, quan trọng nhất sau Hiến pháp. Với Bộ luật dân sự, những quy định dân chủ về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân sẽ được thể chế hóa theo cơ chế dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ bàn nhiều đến việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đồng chí cho rằng hệ thống pháp luật, các bộ luật cũng như nền dân chủ của một quốc gia phải được xây dựng, phải qua thực tiễn kiểm nghiệm, sàng lọc và bổ sung dần tới chỗ hoàn chỉnh; Nền dân chủ của một đất nước phải gắn với thể chế chính trị, gắn với quyền lợi đất nước, đặc điểm riêng của dân tộc đó.
Lý luận về vai trò, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng cũng luôn được đồng chí Nguyễn Hữu Thọ phân tích, làm rõ trong các bài viết của mình. Đồng chí khẳng định Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo Nhà nước cũng phải nằm trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Quan điểm lý luận về Đảng lãnh đạo mà đồng chí Nguyễn Hữu Thọ phân tích vừa khẳng định tính dân chủ, khoa học trong khoa học lãnh đạo, đồng thời thể hiện tính Đảng, tính giai cấp đúng đắn.
Là người có tri thức về luật học, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ rất chú trọng tới những vấn đề thực hiện quyền dân chủ của nhân dân thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông đã nhìn thấy những yếu kém trong hoạt động của bộ máy nhà nước để từ đó đưa ra những vấn đề có tính chỉ đạo để hội đồng nhân dân các cấp, từ cấp tỉnh đến cấp xã phải tập trung giải quyết, thực hiện nhằm xây dựng, tổ chức để Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực của nhân dân ở cấp cơ sở, thực sự là công cụ làm chủ của nhân dân lao động.
Phấn khởi, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đại hội VI của Đảng, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ càng trăn trở với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Trong thời gian chuẩn bị cho việc bầu cử Quốc hội khóa VIII, đồng chí đã tập trung phân tích những mặt yếu kém, tồn tại của Quốc hội khóa VII và đưa ra một số phương hướng khắc phục. Để Quốc hội thực sự đảm đương vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất, đồng chí đã làm rõ quan niệm đúng đắn về Đảng lãnh đạo Quốc hội và Nhà nước như thế nào, Quốc hội khác Mặt trận như thế nào... Ngay cả những hoạt động của các đại biểu Quốc hội, nội dung và phương thức điều hành của một kỳ họp Quốc hội cũng được đồng chí quan tâm.
Cho đến những năm cuối đời, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn suy nghĩ về việc thực hiện dân chủ, xây dựng luật pháp và vẫn đặt kỳ vọng Quốc hội nước nhà sẽ thực sự giữ vai trò cơ quan quyền lực tối cao. Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đối với lĩnh vực xây dựng Hiến pháp, pháp luật, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân không chỉ có giá trị về mặt lý luận, mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc và mang tính thời sự trong bối cảnh tình hình hiện nay./.