Tranh chấp trong quản lý vận hành Chung cư Ruby Garden: Chính quyền địa phương có can thiệp vượt thẩm quyền?

Ngày đăng : 19:51, 06/07/2020

(Kiemsat.vn) - Thời gian gần đây những tranh chấp phát sinh trong quản lý vận hành chung cư và cư dân diễn ra ngày càng nhiều. Mặc dù Bộ Xây dựng đã có Thông tư ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (Thông tư 02/2016/TT-BXD và Thông tư 06/2020/TT-BXD sửa đổi bổ sung) nhưng nhiều nơi chính quyền ở cấp cơ sở là UBND phường, xã còn áp dụng một cách tùy tiện. Trường hợp vừa xảy ra tại Chung cư Vườn Hồng Ngọc (Ruby Garden) tại 2A Nguyễn Sỹ Sách, P. 15, Q. Tân Bình, TP. HCM là một ví dụ

Chung cư Vườn Hồng Ngọc - Ruby Garden, địa chỉ: 2A Nguyễn Sỹ Sách, phường 15, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh

Trong đơn gửi đến các cơ quan báo chí vừa qua, người đại diện Pháp luật của Công ty Đầu tư Phát triển Tân Vũ  - đơn vị quản lý vận hành Chung cư Vườn Hồng Ngọc (Ruby Garden) đã bức xúc trình bày: Nhiều tháng gần đây có một số chủ sở hữu căn hộ, chủ sử dụng nhà chung cư đã có hành vi chây ì, cố tình không nộp các khoản phí dịch vụ hàng tháng theo quy định gây bất bình và ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý vận hành nhà chung cư và các chủ sở hữu căn hộ khác đang sinh sống tại chung cư này.

Vì một số cư dân nêu trên đã vi phạm nội quy trong việc không đóng phí dịch vụ cho ban quản lý, mặc dù được nhắc nhở nhưng nhiều tháng qua vẫn cố tình “chây ì” không đóng phí dịch vụ, ngược lại còn lôi kéo thêm những căn hộ khác nhằm tạo một phong trào mất đoàn kết, mất an ninh trật tự…Sau nhiều lần, nhiều tháng nhắc nhở nhưng vẫn không được. Ngày 26/6/2020, Ban quản lý đã gửi văn bản (số 23/TV) về việc thông báo ngừng cung cấp dịch vụ và yêu cầu các nhà cung cấp điện, nước, các dịch vụ tiện ích khác đối với các căn hộ cố tình không nộp phí dịch vụ hàng tháng. Văn bản này đã được gửi trực tiếp đến UBND, Công an phường 15, quận Tân Bình; Ban Điều hành Khu phố 7; Ban điều hành các tổ dân phố 169, 170, 171, 172 và niêm yết công khai (khổ giấy A3) trên các bản thông tin của chung cư.

Sau khi thông tin được niêm yết công khai, ngày 29/6/2020, Ban quản lý chung cư tiến hành tạm thời khóa nước của một số hộ dân vi phạm thời gian dài. Khi nhận được phản ánh từ những người dân vi phạm, ông Lâm Việt Thảo – Chủ tịch UBND phường 15, quận Tân Bình cùng công an phường đã trực tiếp xuống hiện trường. Vào lúc 16 giờ 20’ cùng ngày, ông Lâm Việt Thảo đã yêu cầu lập biên bản làm việc và chỉ đạo: “Đề nghị Ban quản lý chung cư mở lại ngay nước sinh hoạt cho cư dân. Đồng thời, Ban giám đốc Công ty Tân Vũ đến cùng Ban quản trị để giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc”.

Biên bản làm việc (ngày 29/6/2010) của UBND phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM

Ông Vũ Bá Long – Phó Giám đốc - Công ty Đầu tư Phát triển Tân Vũ  - Đơn vị quản lý vận hành chung cư Ruby Garden cho rằng: Việc Chủ tịch UBND phường 15, quận Tân Bình đã xuống yêu cầu ban quản lý ngay lập tức mở nước cho các hộ dân đang vị phạm cố tình không đóng phí dịch vụ là “trái thẩm quyền - lạm quyền” bởi theo Thông tư 02/2016/TT-BXD (phụ lục 02) ở điều 6 (điểm đ), về nghĩa vụ và quyền lợi thì Ban quản lý Được tạm ngừng cung cấp các dịch vụ:….. hoặc đề nghị đơn vị cung cấp điện, nước, năng lượng... cho nhà chung cư tạm ngừng cung cấp các dịch vụ này trong trường hợp chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đã được thông báo bằng văn bản đến lần thứ hai yêu cầu nộp kinh phí quản lý vận hành và kinh phí khác do Bên B thu nhưng vẫn không nộp các kinh phí này; còn tại Điều 43 “giải quyết tranh chấp”, khoản 2 quy định: “Các tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, về việc bàn giao, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư đó giải quyết; trường hợp không đồng ý với quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật.

Khoản 4 Điều 177 Luật nhà ở 2014 cũng quy định: “Tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở đó giải quyết; trường hợp không đồng ý với quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính".

“Pháp luật quy định là thẩm quyền thuộc UBND cấp tỉnh/thành phố là vậy. Nhưng tôi “không hiểu sao” ông Chủ tịch UBND phường 15, lại  “bảo vệ quyền lợi không hợp pháp” của những người dân không tôn trọng nội quy chung cư, không phù hợp quy định pháp luật. Sự can thiệp “nhiệt tình” “ngay và luôn” của ông Chủ tịch không chỉ gây khó khăn cho đơn vị quản lý vận hành tòa nhà mà còn gây bức xúc cho cư dân ở chung cư, những người luôn chấp hành các nội quy và quy định. Đây không phải là lần đầu tiên, ông Chủ tịch phường can thiệp vào việc này. Cuối năm 2019, đã có một lần ông Chủ tịch phường cũng trực tiếp can thiệp, yêu cầu Ban quản lý phải mở nước sinh hoạt cho những hộ dân vi phạm. Từ hành động này, cho đến bây giờ, chúng tôi không thể thu phí được từ những hộ dân đó. Họ ngang nhiên vi phạm và tiếp tục hưởng lợi “bất hợp pháp” từ những tiện ích mà những người dân ở chung cư tôn trọng pháp luật vẫn chi trả hàng tháng...” – Ông Vũ Bá Long bức xúc nói.

Ông Vũ Bá Long – Phó Giám đốc - Công ty Đầu tư Phát triển Tân Vũ  - Đơn vị quản lý vận hành chung cư Ruby Garden

Chúng tôi đến gặp ông Lâm Việt Thảo – Chủ tịch UBND phường 15, quận Tân Bình để tìm câu trả lời đúng hay sai trong sự việc nêu trên, ông Thảo nói: Từ năm 2018 UBND phường đã hỗ trợ cư dân thành lập Ban quản trị chung cư, nhưng chủ đầu tư là công ty Tân Hoàng Thắng chưa bàn giao hồ sơ cho Ban quản trị, và UBND Phường có mời lên nhiều lần nhưng phía chủ Đầu tư không lên. Khi được hỏi việc đơn vị quản lý cho là UBND phường can thiệp “chỉ đạo” mở nước lại như vậy là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và không đúng thẩm quyền không? thì ông Thảo nói: “Tôi chưa tính đến chuyện đúng sai nhưng nhà có mấy đứa con nít nên tôi chỉ đạo mở nước lại thôi(!?).

Được biết, vào ngày 25/5/2018 chung cư Vườn Hồng Ngọc (Ruby Garden) đã được UBND quận Tân Bình ra quyết định thành lập Ban quản trị (quyết định số 85/QĐ-UBND). Tuy nhiên từ khi thành lập đến nay đã liên tục xảy ra các mâu thuẫn về cư dân với Ban quản trị, nguyên nhân là từ “quy chế hoạt động ban quản trị chung cư”. Trong chương 3, điều 9, (điểm số 20) về “trách nhiệm và quyền hạn của Ban quản trị trong công tác quản lý khu căn hộ” có nhiều nội dung mà theo người dân là kiểu “từ trời rơi xuống”, bởi đã đẩy hết trách nhiệm cho cư dân phải chịu thay, ngay cả Ban quản trị có lỗi, sai phạm. Cụ thể như sau: “Các thành viên ban quản trị Khu căn hộ sẽ không chịu trách nhiệm với các chủ căn hộ về “bất kỳ sai lầm về phán đoán hay sơ suất nào”(?) ngoại trừ các trách nhiệm có các hành động hay thiếu sót có cố ý gây hại cho các chủ căn hộ. Các chủ căn hộ theo đây đồng ý rằng các thành viên ban quản trị khu căn hộ không chịu trách nhiệm cá nhân liên quan đến hợp đồng mà họ đã ký thay mặt cho các chủ căn hộ (!?). Các chủ căn hộ sẽ bồi hoàn và miễn trách cho mỗi thành viên ban quản trị  Khu căn hộ đối với bất kỳ nghĩ vụ trách nhiệm nào phát sinh từ các hợp đồng và các hành động hay thiếu sót liên quan đến Khu căn hộ, ngoại trừ các hành động hay thiếu sót có tính cố ý gây hại cho các chủ căn hộ…

Hiện nay, nhiều cư dân ở chung cư này đang yêu cầu tổ chức Hội nghị nhà chung cư bất thường, yêu cầu soạn thảo lại quy chế mới (quy chế này phải được cư dân xem qua), đồng thời phải bầu chọn lại Ban quản trị mới. Bởi theo một số cư dân thì Ban quản trị này hoạt động tùy tiện không tuân thủ đúng quy định pháp luật, tự ý chọn một công ty quản lý vận hành khác thay thế công ty đang quản lý hiện nay mà không thông qua tổ chức lấy phiếu bầu chọn, hay Hội nghị nhà chung cư bất thường để lấy đủ ý kiến trên 50% cư dân theo quy định bắt buộc. Hơn nữa, Trưởng Ban quản trị chung cư này hiện nay theo quy định phải là cư dân đang sinh sống ở chung cư, nhưng thực tế ông này không sinh sống tại đây...

Đình Quân - Đức Hải