Công việc của mẹ là “Nghề nguy hiểm”

Ngày đăng : 17:50, 18/06/2020

(Kiemsat.vn) - Tôi vẫn hay nói đùa với mẹ rằng ngày kỷ niệm thành lập Ngành của mẹ rơi vào tháng nóng nảy, khô khan như chính công việc của mẹ vậy. 

Đồng chí Trần Thị Hà, nguyên là Kiểm sát viên VKSND tỉnh Hà Tĩnh

Mặc dù đồng cảm và tôn trọng công việc của mẹ nhưng tôi vẫn không đủ can đảm, tự tin để nối bước mẹ trong việc chọn nghề của mình, bởi trong ký ức tuổi thơ, những đặc thù mà nghề Kiểm sát làm tôi lo lắng, áp lực. 

Viện kiểm sát là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Nói thì ngắn gọn thế nhưng để hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ của mình là một quá trình lao động, đấu tranh không mệt mỏi. Ban đầu, từ việc lập hồ sơ kiểm sát đúng quy trình; sau đó nghiên cứu để ban hành yêu cầu điều tra; tham gia đấu tranh trực diện với tội phạm tại các biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung; cẩn trọng ngồi ghe, ghi chép cẩn thận những thắc mắc, khiếu nại, tố cáo của nhân dân trong những buổi tiếp dân...

Công việc thì phức tạp, khô khan nhưng thấy mẹ vẫn tự tin, trách nhiệm và yêu nghề. Bất kể đêm, ngày, lễ, tết, cứ có sự vụ trên địa bàn mình quản lý là đi ngay. Có những lần đi khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường về quần áo còn vương mùi lạ, mẹ bỏ cơm mấy ngày, rồi những khi người nhà bị can (cáo) bị kích động mang vũ khí nóng đến nhà dọa dẫm làm cho cả nhà được phen hú vía... nhưng do hiểu được bản chất của sự việc, bản lĩnh vững vàng, có kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp nên mẹ xử lý hài hòa các sự vụ đó và gia đình tôi dần quen với những đặc thù nghề của mẹ. Chị em tôi đùa nhau rằng công việc của mẹ là “Nghề nguy hiểm”.

Tác giả bài viết chụp ảnh cùng mẹ của mình (đồng chí Trần Thị Hà, nguyên là Kiểm sát viên VKSND tỉnh Hà Tĩnh)

Những lúc rỗi rãi mẹ hay nói với chị em tôi rằng, không phải tất cả bị can, bị cáo đều là người xấu, người khó cải tạo, giáo dục. Đôi khi họ là những người lao động nghèo, chất phác nhưng thiếu hiểu biết về pháp luật, cũng có khi tình yêu và niềm tin quá lớn nhưng đặt nhầm chỗ nên phạm pháp mà không biết. Thêm vào đó chúng ta phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa từ một nước phong kiến với nền nông nghiệp lạc hậu, lại bị thực dân đế quốc đô hộ, kìm kẹp, dùng sắc lệnh để cai trị xã hội trong một thời gian dài nên nhận thức của người dân về pháp luật bị lạc hậu, khuyết thiếu.

Có những khi tham dự phiên tòa về, tôi thấy mẹ cứ trăn trở, xót xa trước những hoàn cảnh oái oăm, cùng cực của người phạm tội. Có những phiên tòa đẫm nước mắt, cả người xử án và người bị án đều xót xa, đau đớn. Dẫu biết rằng người phạm tội bị trừng trị là điều đương nhiên nhưng đằng sau họ là gia đình, người thân, bè bạn - những người vô can nhưng lại đón nhận sự tổn thất to lớn cả về vật chất cũng như tinh thần. Vì vậy, cũng như những người trong ngành, mẹ luôn trăn trở, băn khoăn, làm thế nào để sau mỗi bản án là sự lan tỏa việc nhận thức về pháp luật nói chung, sư hối cải, sự hoàn lương thật sự, để sau khi trả án trở về họ sống có ích hơn, biết trân quý cuộc sống của mình và những người xung quanh.

Nghề Kiểm sát là nghề làm dâu trăm họ, Viện kiểm sát là cơ quan buộc tội nhưng phải đảm bảo việc gỡ tội cho người phạm tội. Không làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm. Đây là hai mặt đối lập nhau. Việc nhìn nhận và hành động như thế nào để thực hiện đúng và phù hợp cả hai mặt đối lập đó sao cho thấu lý, đạt tình là trăn trở của những người trong ngành Kiểm sát.

Để hoàn thành tốt công việc của mình, trong từng vụ án cụ thể, Kiểm sát viên phải “đong” cái lý, “đếm” cái tình, nên việc nảy lửa trong ánh mắt hỏi cung bị can, xét hỏi bị cáo mà thủ đoạn phạm tội rất tinh vi hay gồng mình chiến đấu bảo vệ công lý để không làm oan người vô tội, rồi thận trọng, thông minh, sắc sảo trong những phiên phúc cung... nhưng cũng có khi đồng cảm, chia sẻ, động viên những người phạm tội do thiếu hiểu biết... Thật là khó khăn cho những người làm trong nghề Kiểm sát bởi làm ngành pháp luật ở một đất nước “duy tình”, trong suy nghĩ của người dân “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình” hay “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Một người làm quan cả họ được nhờ”... nên bị chi phối, phân tâm trong quá trình xây dựng hồ sơ, tiến hành tố tụng là điều khó tránh khỏi.

Hiện nay, một loạt các đạo luật về tư pháp đã có hiệu lực, quy định rất chặt chẽ quyền hạn cũng như trách nhiệm của Viện kiểm sát, buộc người cán bộ Kiểm sát phải thực sự nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, bởi chỉ làm thiếu trách nhiệm một chút thôi là có thể dẫn đến oan sai, phải bồi thường, cao hơn, nặng hơn nữa thì có thể phải gánh chịu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm hoạt động tư pháp. 

Khi nghỉ hưu, có tất nhiều văn phòng luật sư đến mời mẹ cộng tác nhưng mẹ đã từ chối bởi mẹ trân trọng đồng nghiệp của mình, không muốn trở thành người đối chọi họ trong những phiên tòa xét xử. 

Hơn 30 năm cống hiến cho nghề, chưa một lần thấy mẹ ca thán hay hối hận trái lại, đó là sự tôn trọng, trách nhiệm, tận tụy với nghề. Biết bao nhiêu người nhờ mẹ mà hiểu được lỗi lầm của mình, thẳng thắn, trung thực để được nhận sự khoan hồng của pháp luật, khi trả án trở về họ tôn quý mẹ, tự tôi rèn mình để trở thành công dân có ích cho xã hội. Có những người giờ lên ông lên bà rồi gặp lại mẹ vui mừng vì khi xưa họ đến nhờ mẹ bày cho viết đơn ly hôn, tranh chấp tài sản, tố cáo nhau... nhưng bằng tình thương, vốn sống, cùng sự am tường về luật pháp mẹ đã phân tích, lý giải giúp họ bỏ qua lỗi lầm, khác biệt... để hàn gắn, hòa đồng và tôn trọng nhau hơn.

Là người trong ngành nên mẹ cũng thấy những kẽ hở của pháp luật, nếu tư túi, chủ nghĩa cá nhân, giúp đỡ bị can “chạy án”, chuyển từ án hình sự sang dân sự, hay ký vào biên bản thay thế các biên bản đã lập tại hiện trường, tư tưởng “gỡ mắm mút tay”... thì bổng lộc chắc không thiếu, nhưng với tâm niệm luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người làm Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” nên mẹ đã không để những “viên đạn bọc đường” làm tha hóa.

Ngày xưa chọn nghề thì nghĩ “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai”, giờ về nghỉ hưu nhưng do có hiểu biết về pháp luật nên bà con, chòm xóm trong vùng có khúc mắc gì về pháp luật lại đến chia sẻ, hỏi han... mẹ cũng sẵn lòng giúp đỡ.

Thật trân trọng những con người yêu nghề như mẹ. Đúng như lời bài hát “vì bình yên cuộc sống, vì công lý cho đời, vì công bằng cán cân pháp luật”(1) là con đường mà mẹ và đồng nghiệp của mẹ đã đi, đang đi, và sẽ vững bước trong tương lai.

Trần Thị Bích Thủy