Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước

Ngày đăng : 19:46, 15/06/2020

(Kiemsat.vn) - Sáng 15/5, theo Nghị trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Phiên thảo luận được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Trước đó, vào thứ 7, 13/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã điều hành cả ngày phiên thảo luận ở Hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Tại phiên thảo luận đã có 40 đại biểu phát biểu, 09 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhất là đánh giá về công tác điều hành, quản lý nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các báo cáo đã phản ánh đầy đủ, nhận định thẳng thắn, khách quan về những kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức và đưa ra các giải pháp, chủ trương phục hồi kinh tế.

Trong tuần làm việc cuối cùng, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự án Luật quan trọng

Trong những ngày làm việc tiếp theo, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; dự án Luật Cư trú (sửa đổi); dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); thảo luận ở tổ và hội trường về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Biểu quyết thông qua các nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.

Theo chương trình, chiều 19.6, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc, biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; Nghị quyết về vấn đề quan trọng (nếu có); Nghị quyết chung của kỳ họp, trong đó có nội dung về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (nếu có), việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam... Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Minh Tú