Bàn về việc nhận thức và áp dụng khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Ngày đăng : 11:43, 10/06/2020
So với Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 thì BLTTHS năm 2015 có những quy định mới về việc thu thập chứng cứ. Một trong những điểm mới đó là bổ sung thêm trình tự mới để Viện kiểm sát thực hiện việc kiểm sát toàn bộ các tài liệu thu thập được, tránh những sai sót trong việc thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự. Trình tự đó được quy định tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015.
Tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015 quy định như sau: “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này”.
Từ quy định trên, hiện có hai ý kiến khác nhau như sau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, hoạt động điều tra bắt đầu từ giai đoạn xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, do vậy, các biên bản về hoạt động xác minh trong giai đoạn này phải chuyển theo đúng thời hạn (05 ngày hoặc 15 ngày sau khi thu thập) cho Viện kiểm sát để nghiên cứu.
Ý kiến thứ hai cho rằng, hoạt động điều tra bắt đầu từ khi có quyết định khởi tố, do vậy, các biên bản trong giai đoạn xác minh không nhất thiết phải chuyển cho Viện kiểm sát theo thời hạn nêu trên (ngoại trừ các tài liệu để xem xét phê chuẩn).
Như vậy, sự mâu thuẫn của hai ý kiến trên xuất phát từ cách hiểu khác nhau của nội hàm “hoạt động điều tra”. Xoay quanh nội hàm này, trong hệ thống lý luận cũng còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.
Trong khoa học pháp lý Việt Nam, tồn tại các nhận thức khác nhau về hoạt động điều tra: Từ điển Luật học giải thích rằng: “Điều tra là công tác trong tố tụng hình sự được tiến hành nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ”.
Cách hiểu phổ biến hiện nay cho rằng: Điều tra là hoạt động của Cơ quan điều tra trong điều tra vụ án hình sự. Theo cách hiểu này, điều tra là tổng hợp tất cả các hành vi thực hiện trong giai đoạn điều tra và do một Cơ quan điều tra thực hiện. Ví dụ: Trong cuốn “Tìm hiểu luật tố tụng hình sự”, một nhóm tác giả cùng thống nhất giải thích rằng: “Điều tra là một giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự, trong đó Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, Viện kiểm sát kiểm sát hoạt động điều tra, quyết định truy tố bị can làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án”; hoặc “Điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng hình sự, trong giai đoạn này, Cơ quan điều tra áp dụng mọi biện pháp do BLTTHS quy định để xác định tội phạm và người phạm tội”.
Cách hiểu này thể hiện ranh giới không rõ ràng giữa chức năng của Cơ quan điều tra với hoạt động điều tra, đồng nhất giai đoạn điều tra với hoạt động điều tra, coi hoạt động điều tra gồm mọi hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra; nhìn nhận về hoạt động điều tra mang tính cục bộ, phiến diện, bó hẹp phạm vi hoạt động điều tra chỉ được tiến hành trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Trên thực tế, hoạt động điều tra được tiến hành trong tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự, điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự với những mục đích khác nhau để xác định sự thật khách quan của vụ án.
Hai ví dụ trên cũng chưa phải là định nghĩa hoạt động điều tra mà là định nghĩa của giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Hay nói đúng hơn đó là định nghĩa về hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra nên nó thiếu tính toàn diện, chưa nói lên được tính bản chất và nội hàm của loại hoạt động này. Cách hiểu này chỉ thừa nhận Cơ quan điều tra là một chủ thể duy nhất có thẩm quyền được phép thực hiện các hoạt động điều tra. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với quy định của BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền thực hiện các hoạt động điều tra. Khoản 1 Điều 65 BLTTHS năm 2003 khi quy định thẩm quyền thu thập chứng cứ đã chỉ rõ: “Để thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án”.
Cũng trong nhóm ý kiến này, có cách nhìn nhận hoạt động điều tra là tổng hợp từ một số hành vi điều tra như: Khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giữ ngay người có dấu hiệu phạm tội, khám xét…, chưa phân biệt hoạt động điều tra với các hoạt động tố tụng hình sự khác.
Cách hiểu thứ hai cho rằng, hoạt động điều tra là hoạt động của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Điểm khác biệt lớn nhất của cách hiểu này so với cách hiểu thứ nhất là đã nhìn nhận chủ thể của hoạt động điều tra rộng hơn. Tuy nhiên, cách hiểu thứ hai lại nhầm lẫn giữa các hoạt động của Cơ quan điều tra với hoạt động điều tra; giữa chức năng của từng hoạt động điều tra với chức năng của các Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.
Trên đây, tác giả nêu và phân tích một số luận điểm để thấy rằng về mặt luật thực định, ở Việt Nam hiện nay chưa có một khái niệm pháp lý về “hoạt động điều tra” và cũng chưa được giải thích chính thức bởi các cơ quan có thẩm quyền. Trong quy định của BLTTHS năm 2015, chưa có điều luật nào giải thích hoặc định nghĩa về hoạt động điều tra. Một số giải thích không chính thức như đã nói trên đây chưa đủ để có một nhận thức đúng về hoạt động điều tra.
Mặc dù, hoạt động điều tra đã được các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thực hiện thường xuyên trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhưng khoa học pháp lý và thực tiễn hiện nay có những nhận thức khác nhau, chưa thống nhất về hoạt động điều tra, vẫn có sự nhầm lẫn giữa các khái niệm điều tra, thẩm quyền điều tra vụ án và hoạt động điều tra; giữa giai đoạn điều tra với hoạt động điều tra. Chính vì vậy mà vô tình đồng nhất hoạt động điều tra với các hoạt động khác của Cơ quan điều tra, bó hẹp phạm vi chủ thể, phạm vi thời gian của hoạt động điều tra.
Từ những phân tích trên cho thấy, trong quá trình chứng minh tội phạm, điều đầu tiên cần phải xác định được là sự việc có hay không có dấu hiệu tội phạm, có tội hay không có tội, điều đó phải được xác định trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Vì vậy, hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là vô cùng quan trọng để đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, nên Viện kiểm sát phải kịp thời tiếp cận các tài liệu do Cơ quan điều tra thực hiện thu thập ngay từ giai đoạn xác minh tố giác, tin báo về tội phạm; đó cũng là mục đích mà nhà làm luật hướng tới khi xây dựng khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015.