Bình Dương: Đề nghị xử phạt 1,2 tỷ đồng đối với Chi nhánh Công ty Cổ phần bột giặt LIX để xảy ra vi phạm môi trường
Ngày đăng : 16:42, 06/06/2020
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị này đã gửi tờ trình đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt gần 1,2 tỷ đồng đối với Chi nhánh Công ty Cổ phần bột giặt LIX tại khu công nghiệp Đại Đăng (Bình Dương) vì vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường (xả thải hóa chất ra môi trường gây nên hiện tượng nổi bọt trắng bất thường tại suối Chợ ở Bình Dương).
Xuất hiện hiện tượng bột trắng bất thường ở suối Chợ (Bình Dương ) |
Trước đó, vào tối ngày 8/4, nhiều người dân phát hiện suối Chợ ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có hiện tượng nổi bọt trắng bất thường, khiến nhiều người hoang mang. Người dân sau đó đã trình báo cơ quan chức năng. Sau đó Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã lấy mẫu nước phân tích. Kết quả, đoạn kênh qua khu công nghiệp Đại Đăng nằm đầu nguồn suối Chợ có hàm lượng chất hoạt động bề mặt 30,3mg/l- vượt quy chuẩn 75 lần, hàm lượng chất hữu cơ là 84m/l- vượt quy chuẩn 2,8 lần. Đoạn khu vực suối Chợ có hàm lượng chất hoạt động về mặt 3,3mg/l, vượt quy chuẩn 8,23 lần. Qua đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương xác định suối Chợ bị ô nhiễm chất hoạt động bề mặt…
Ngoài ra, quá trình khảo sát một số nguồn thải, Sở này cũng xác định, nguyên nhân chính gây bọt trắng là do Chi nhánh Công ty Cổ phần bột giặt LIX để hóa chất thoát ra cống thoát nước mưa. Tổng lượng nước mưa cuốn theo nguyên liệu sản xuất của Công ty là 500m³ với thành phần ô nhiễm chính là các chất hữu cơ và chất hoạt động bề mặt. Phía Công ty Cổ phần bột giặt LIX cũng đã có giải trình, cho rằng do sơ sót để nguyên liệu ngoài trời không che chắn, không đậy nắp nên bị mưa cuốn trôi vào cống thoát nước mưa, rồi thải ra kênh, đổ ra suối Chợ,…
Văn bản đề nghị xử phạt vi phạm môi trường đối với Chi nhánh Công ty Cổ phần bột giặt LIX |
Liên quan đến hoạt động vi phạm về môi trường, Nghị định số 155/2016 /NĐ-CP ngày 18/11/2016 đã quy định rõ về hình thức xử phạm đối với các trường hợp vi phạm bảo vệ môi trường. Cụ thể theo Khoản 1 Điều 4 nghị đinh này thiw mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức. Khoản 2 Điều 4 nghị định này cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng có thời hạn đối với giấy phép hoạt động để xảy ra vi phạm môi trường.