Nhiều đại biểu ủng hộ bỏ điều kiện thường trú ở Hà Nội, TP HCM

Ngày đăng : 09:15, 05/06/2020

(Kiemsat.vn) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng duy trì điều kiện riêng về đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương là "tạo sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử".

Tại dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, Bộ Công an đề xuất "bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ).

Những điều kiện này theo quy định hiện hành gồm: Người dân muốn đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thì từ hai năm trở lên. Ở Hà Nội, nếu đăng ký vào quận nội thành thực hiện theo điều 19 của Luật Thủ đô với quy định tạm trú từ ba năm trở lên...

Ông Đỗ Đức Hồng Hà - Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đồng tình với đề xuất trên vì bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân.

Theo ông Hà, kết quả giám sát việc thực hiện quy định về quản lý dân cư tại thủ đô, do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành năm 2018 cho thấy, quy hoạch chung xây dựng thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2020 dân số Hà Nội tăng từ 7,3 đến 7,9 triệu người. Nhưng đến năm 2017, dân số Hà Nội đã lên đến trên 9,6 triệu người - lớn hơn dân số dự báo đến năm 2030. Trong đó gần 1,8 triệu người tạm trú.

Trong số 9,6 triệu người cư trú tại Hà Nội, trong thời gian 5 năm (2013 - 2017) chỉ có khoảng 120.000 người đăng ký thường trú vào Hà Nội theo các điều kiện quy định tại điều 20 của Luật Cư trú và điều 19 của Luật Thủ đô. Con số này chiếm tỷ lệ không lớn so với số lượng người tạm trú và rất nhỏ so với tỷ lệ tăng dân số cơ học của thành phố.

"Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương chặt chẽ hơn so với địa phương khác, nhằm kiểm soát việc gia tăng dân số cơ học tại đô thị lớn. Tuy nhiên, trong thực tế và số liệu trên cho thấy các quy định đó không đạt hiệu quả như kỳ vọng", ông Hà phân tích.

 
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng nghiên cứu phát triển TP HCM, cũng ủng hộ đề xuất của Bộ Công an. Theo ông, gần đây, Hà Nội và TP HCM đã tuyển dụng công chức, viên chức không phân biệt hộ khẩu thường trú. Bất cứ người tỉnh nào, chỉ cần có năng lực thì sẽ được nhận vào làm.

"Có người lo ngại khi bỏ các điều kiện riêng về đăng ký thường trú vào Hà Nội, TP HCM... thì sẽ có tình trạng ồ ạt nhập hộ khẩu. Tuy nhiên, tôi cho rằng không có chuyện đó, vì người dân khi đăng ký thường trú vào đô thị lớn là căn cứ vào điều kiện sống hiện tại và khả năng hòa nhập", ông Ngân nói.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng cho rằng việc bỏ quy định riêng đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương là xóa bỏ thủ tục rườm rà, làm khó những người đang sinh sống và làm việc tại đây.  

Theo ông, khi người dân tham gia vào thị trường lao động, đóng góp vào sự phát triển của thành phố thì bản thân họ cũng như người thân có quyền được hưởng các dịch vụ công ở khu vực đó. Đơn cử như trẻ con phải được học trường công, người thân ốm đau phải được chữa trị với bảo hiểm y tế. Hơn nữa, bảo hiểm y tế đang tiến tới liên thông tỉnh với tỉnh, người tỉnh này có thể sang khám bệnh ở tỉnh khác vẫn được hưởng bảo hiểm.

"Việc đăng ký thường trú khó khăn khiến người lao động thêm phần vất vả, họ phải mất nhiều thời gian làm thủ tục hành chính; trường hợp không đăng ký thường trú thì con em họ phải học trường tư...", ông Lợi nói.

Mặc dù đồng tình, các vị đại biểu Quốc hội kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu một số vấn đề đặt ra khi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động của việc này và đề xuất các công cụ quản lý thay thế như các giải pháp về quy hoạch, đầu tư xây dựng đô thị vệ tinh, phát triển kinh tế - xã hội...

"Chúng ta cần bảo đảm khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu trong trường hợp số lượng người đến cư trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương tăng nhanh. Bên cạnh đó, phải đảm bảo quản lý, điều tiết được sự gia tăng dân số cơ học, bảo đảm an ninh, trật tự, nhất là khu vực nội thành", ông Hà nhấn mạnh.

 
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Bùi Sỹ Lợi thì cho rằng phải phát triển đô thị ở khu vực tỉnh lẻ để người lao động có thể kiếm sống ngay tại quê nhà, không phải tập trung về Hà Nội, TP HCM... 

Do tính cấp thiết, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Sau khi thảo luận, Thường vụ Quốc hội đồng ý trình dự Luật tại kỳ họp 9, khai mạc cuối tháng 5 và thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.

Vnexpress.net