Kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước xử lý, khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm
Ngày đăng : 17:21, 04/06/2020
Vụ án xảy ra tại Bộ Thương mại năm 2004
Vụ án Lê Văn Thắng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại đã cùng một số người trong cơ quan móc nối với các đối tượng bên ngoài tạo thành "đường dây" đưa và nhận hối lộ có quy mô lớn trong quá trình phân bổ hạn ngạch (quota) xuất khẩu hàng dệt may. Số tiền đưa và nhận hối lộ lên tới hàng trăm nghìn USD.
Với quyền hạn được giao, liên quan đến các phi vụ xin quota dệt may của doanh nghiệp, “ông trùm” quota này giải quyết “công vụ” tại nhà riêng. Từ tháng 6/2003 đến tháng 8/2004, Lê Văn Thắng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, tiếp nhận hồ sơ xin hạn ngạch trái nguyên tắc. Lê Văn Thắng đã nhận của Trần Thu Lan 11 lần, với tổng số tiền là 15.000USD, để xét cấp 98.842 tá sản phẩm dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ cho Công ty Á Châu. Cùng thời gian trên, Thắng cũng đã nhận 5 lần tiền tổng cộng 3.000USD của Trần Kim Dung, Giám đốc Công ty Á Châu để xét cấp hạn ngạch trái nguyên tắc cho Cty TNHH Industrial VN (Công ty QMI)… nhận hối lộ tổng số 18 ngàn USD từ Trần Thu Lan và Trần Kim Dung, sau đó mới đưa thông báo xét cấp hạn ngạch cho các doanh nghiệp.
Các bị cáo tại tòa (ảnh: Báo Tiền phong) |
Ông Mai Văn Dâu (nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại – là người có thẩm quyền chỉ đạo xét, cấp hạn ngạch) đã nhận 6 ngàn USD của các doanh nghiệp từ Nguyễn Cương để xét cấp hạn ngạch trái quy định. Hậu quả gây hoang mang cho các doanh nghiệp dệt may có hàng xuất khẩu đi Hoa Kỳ, không phát huy được hiệu lực chỉ đạo của Chính phủ đối với việc phân bổ hạn ngạch vào thị trường Hoa Kỳ. Ông Dâu thông qua Nguyễn Cương nhiều lần tiếp các doanh nghiệp tại nhà riêng và tại các nơi khác để hưởng lợi.
Tháng 5/2006, VKSND tối cao đã hoàn tất Cáo trạng truy tố 14 bị can trong vụ án. Theo cáo trạng, các bị can: Mai Văn Dâu - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại; Lê Văn Thắng - Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Thương mại) cùng bị truy tố về tội "nhận hối lộ". Bị can Mai Thanh Hải (con ông Mai Văn Dâu) - chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu cũng bị truy tố về hành vi nhận 560 triệu đồng từ Đặng Vũ Quang để chạy xin hạn ngạch cho Công ty Qualitex. Ngoài ra, Mai Thanh Hải còn có hành vi sử dụng bằng đại học Ngoại thương giả.
Ngày 3/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến yêu cầu Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp tiến hành kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân có liên quan trong vụ án mua bán hạn ngạch (quota) hàng dệt - may xảy ra tại Bộ Thương mại; yêu cầu lãnh đạo Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp có hình thức xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền các tập thể và cá nhân sai phạm, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Vụ án xảy ra tại Tổng công ty Dầu khí Việt Nam năm 2004
Vụ án Nguyễn Quang Thường, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam cùng các bị can khác (gồm 8 bị can) phạm tội tham ô tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với thủ đoạn lập hợp đồng, chứng từ giả về mua bán vật tư, thiết bị để thanh quyết toán rồi rút tiền chia nhau, số tiền Nguyễn Quang Thường và các bị can trong vụ án chiếm đoạt lên tới trên 3 triệu USD.
Đây là vụ án liên quan đến việc xây dựng đường ống và kho cảng Thị Vải, đã gây thất thoát lớn tiền vốn đầu tư của Nhà nước. Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã buông lỏng quản lý, không giám sát chặt chẽ tổng thầu và các thầu phụ, để xảy ra nhiều vi phạm, từ khâu thiết kế đến thi công xây dựng nên đã gây sự cố lún móng. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã phải chi 6,5 tỷ đồng cho việc khắc phục sự cố lún các gối đỡ đường ống công nghệ nhưng không khắc phục được, đã phải lập dự án chi tới 60 tỷ đồng để khắc phục sự cố cho toàn bộ công trình, làm thời gian thi công kéo dài thêm 24 tháng, tăng chi phí giám sát lên 3,8 triệu USD, tăng chi phí thuê đường ống tạm và tàu chứa sản phẩm hết 11,2 triệu USD.
Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với hai vụ án xảy ra trong lĩnh vực đầu tư – xây dựng cơ bản của ngành Dầu khí, VKSND tối cao đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát lại hoạt động của các công ty nước ngoài tại Việt Nam, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu ngành Dầu khí theo Pháp lệnh Công chức và Pháp lệnh Chống tham nhũng.
Kiến nghị này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận và Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam thực hiện kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Vụ án xảy ra tại Thanh tra Chính phủ
Cáo trạng số 09 ngày 11/7/2007 của VKSND tối cao truy tố Lương Cao Khải cùng đồng bọn Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Nhận hối lộ; các bị can Dương Văn Lực và Bùi Xuân Bảy về tội Nhận hối lộ.
Ðoàn thanh tra Chính phủ do Lương Cao Khải (nguyên Phó vụ trưởng Vụ 2, Thanh tra Chính phủ, Trưởng đoàn và Dương Văn Lực, Phó đoàn, khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra tại 4 dự án thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, lợi dụng nhiệm vụ được giao đã ra những kết luận không đúng thực tế; cố tình quy kết nặng thêm, cố tình bỏ qua sai phạm cho các cá nhân, đơn vị bị thanh tra để buộc họ phải gặp gỡ, giải trình và đưa tiền hối lộ. Lương Cao Khải nhận hối lộ của các đối tượng bị thanh tra (Nguyễn Trọng Nhưng, Giám đốc và Huỳnh Kim Quy, kế toán trưởng Công ty thiết kế xây dựng dầu khí) 187.430.000 đ và 200 triệu đồng tiền vay của ông Nhưng để mua 6.507 m2 đất tại thị xã Bà Rịa - Vũng Tàu.
Khi bị phát hiện và xem xét xử lý, Lương Cao Khải đã đưa cho Tổng thanh tra Quách Lê Thanh 3 lần số tiền 110 triệu đồng với mục đích nhờ ông Thanh giảm nhẹ trách nhiệm cho mình. Phó trưởng đoàn Thanh tra Dương Văn Lực nhận hối lộ 3.000 USD và 10 triệu đồng; Bùi Xuân Bảy nhận hối lộ 11 triệu đồng.
Dương Văn Lực khi thanh tra dự án sợi bazan siêu mảnh; 2 triệu mét khối khí ngày đêm thuộc Tổng công ty Dầu khí đã nhận tiền của Nguyễn Trọng Nhưng, Huỳnh Kim Quý 86.140.000 đ.
Bùi Xuân Bảy khi thanh tra dự án xây dựng nhà 154 Nguyễn Thái Học, Hà Nội và dự án LPG Thị Vải thuộc Tổng công ty Dầu khí, nhận tiền của Đặng Hữu Quý, Đậu Hồng Lạc và Nguyễn Xin (đối tượng bị thanh tra) 11 triệu đồng.
Ông Trần Quốc Trượng, Phó Tổng Thanh tra, đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong việc lãnh đạo, chỉ đạo Ðoàn thanh tra, không kiểm tra, kiểm soát được để cho lãnh đạo Ðoàn thanh tra lợi dụng nhiệm vụ được giao mưu lợi cá nhân, vi phạm pháp luật. Hành vi vi phạm của ông Trượng là do chủ quan, tin vào cấp dưới, không cố ý. Tuy Nguyễn Trọng Nhưng khai đưa 3.000 USD và 5 triệu đồng cho ông Trượng nhưng không đủ chứng cứ kết luận ông Trượng có nhận tiền.
Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, đã chỉ đạo xử lý các cán bộ sai phạm không đúng, nên để lãnh đạo Ðoàn thanh tra lợi dụng nhận tiền của đối tượng thanh tra. Sai phạm của ông Quách Lê Thanh là không cố ý, việc Lương Cao Khải đưa tiền ông Quách Lê Thanh đã kịp thời báo cáo Ban Nội chính Trung ương và nộp lại tiền. Sai phạm của ông Quách Lê Thanh và ông Trần Quốc Trượng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thông qua giải quyết vụ án, VKSND tối cao đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Xem xét xử lý hành chính đối với sai phạm của ông Quách Lê Thanh nguyên Tổng Thanh tra và ông Trần Quốc Trượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Chỉ đạo Tổng Thanh tra Chính phủ rà soát, bổ sung và tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của viên chức thanh tra và có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của các đoàn thanh tra.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ kiểm điểm làm rõ vụ việc trên nguyên tắc vi phạm hành chính thì xử lý hành chính, vi phạm pháp luật hình sự thì xử lý hình sự. /.