Công ty Kim Oanh TP. HCM: Nguy cơ phá sản vì đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng mua tài sản đấu giá?

Ngày đăng : 10:48, 30/05/2020

(Kiemsat.vn) - Công ty Kim Oanh TP. HCM đã bỏ ra hơn 1.300 tỷ đồng để mua tài sản bán đấu giá từ Công ty cổ phần đấu giá Nam Sài Gòn - “giải cứu” món nợ xấu hơn 1.117 tỷ đồng của Công ty Thiên Phú tại Agribank chi nhánh Chợ Lớn. Khi mọi thủ tục liên quan đến việc đấu giá tài sản đã hoàn tất thì bất ngờ Công ty Thiên Phú lại khởi kiện ra Tòa án đòi tuyên hủy hợp đồng trúng đấu giá. Sự việc kéo dài nhiều năm trời đã khiến cho Công ty Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh đứng trước nguy cơ bị phá sản

Theo tài liệu phóng viên thu thập được, từ năm 2001, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiên Phú (gọi tắt là Công ty Thiên Phú) đã có quan hệ tín dụng với Agribank chi nhánh Chợ Lớn. Trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến 2007, Công ty Thiên Phú đã vay của Agribank chi nhánh Chợ Lớn 305 tỷ đồng và 18.643,3 lượng vàng để thực hiện Dự án Khu dân cư Hòa Lân thuộc xã Thuận Giao, huyện Thuận An (nay là phường Thuận Giao, thành phố Thuận An), tỉnh Bình Dương có tổng diện tích là 490.765,1m2.

Công trường Dự án Khu dân cư Hòa Lân

Để đảm bảo cho khoản vay trên, Công ty Thiên Phú đã dùng chính Dự án Khu dân cư Hòa Lân làm tài sản thế chấp. Tuy nhiên, sau một thời gian dài dự án không triển khai được, Công ty Thiên Phú đã vi phạm hợp đồng tín dụng với Agribank chi nhánh Chợ Lớn. Công ty Thiên Phú không trả được nợ và phát sinh nợ xấu vào năm 2008. Mặc dù trong suốt thời gian 7 năm (từ 2008 đến 2015), Agribank chi nhánh Chợ Lớn đã liên tục đôn đốc, tạo điều kiện cho Công ty Thiên Phú tìm mọi phương án trả nợ, nhưng cuối cùng thì Công ty Thiên Phú vẫn không thể trả được nợ. Vì vậy, ngày 17/4/2015, Công ty Thiên Phú đã chủ động ký biên bản bàn giao Dự án Khu dân cư Hòa Lân cho Agribank chi nhánh Chợ Lớn được toàn quyền tiến hành bán đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Việc thẩm định giá tài sản được Công ty Thiên Phú và Agribank chi nhánh Chợ Lớn thống nhất chọn Công ty cổ phần thẩm định giá và tư vấn Quốc tế tham gia. Công ty cổ phần Đấu giá Nam Sài Gòn được chọn là đơn vị tổ chức bán đấu giá.

Tuy nhiên, sau 12 lần thông báo bán đấu giá tài sản và giảm giá (có sự đồng ý bằng văn bản của Công ty Thiên Phú), nhưng vẫn không có cơ quan, doanh nghiệp nào quan tâm. Lần đấu giá thứ 13 được tổ chức vào ngày 25/5/2017, tại phiên đấu giá lần này có sự tham gia của 3 khách hàng, trong đó có Công ty xây dựng A Đông Hải (sau đổi tên là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh, gọi tắt là Công ty Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh). Kết thúc phiên đấu giá lần thứ 13, Công ty Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh đã trúng đấu giá với giá mua là 1.353 tỷ đồng (cao hơn 390 tỷ đồng so với giá khởi điểm). Sau khi trúng đấu giá tài sản là Dự án Khu dân cư Hòa Lân, Công ty Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư thêm hàng trăm tỷ đồng vào dự án, nâng tổng giá trị của Dự án Khu dân cư Hòa Lân là trên 1.600 tỷ đồng.

Sự việc tưởng như sẽ không có vấn đề gì, bởi quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản đối với Dự án Khu dân cư Hòa Lân hoàn toàn diễn ra theo đúng quy định pháp luật. Cả bên mua và bên bán đều nhất trí ký vào biên bản, phía Công ty Thiên Phú và Agribank chi nhánh Chợ Lớn còn “thở phào” nhẹ nhõm vì món nợ xấu khổng lồ trên 1.000 tỷ đồng đã được các bên thanh toán xong xuôi.

Bà Kim Oanh, đại diện phía Công ty Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh tâm sự: “Vì tôi là người đứng đầu một doanh nghiệp, tôi muốn đóng góp phần nhỏ bé nhằm tháo gỡ, giải quyết vấn đề nợ xấu cho Agribank nói riêng, cho nền kinh tế và xã hội nói chung. Tôi coi Bình Dương như quê hương thứ hai của mình, nên tôi muốn đầu tư vào đây để góp phần xây dựng phát triển đô thị, phát triển kinh tế xã hội địa phương”.

Tuy nhiên, biên bản ký còn chưa ráo mực thì một thời gian sau, Công ty Thiên Phú đã gửi đơn đến TAND quận 7, TP. Hồ Chí Minh để kiện đơn vị tổ chức bán đấu giá là Công ty cổ phần Đấu giá Nam Sài Gòn, đòi tuyên hủy toàn bộ hợp đồng bán đấu giá tài sản đối với Dự án Khu dân cư Hòa Lân.

Qua tìm hiểu, được biết, mục đích của Công ty Thiên Phú khởi kiện ra Tòa là để lôi kéo các bên liên quan vào “vòng xoáy” tố tụng, thời gian càng kéo dài bao nhiêu thì càng gây bất lợi, tổn thất cho Công ty Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh bấy nhiêu vì dự án không thể triển khai được. Số tiền trên 1.300 tỷ đồng đã bỏ ra mua trúng đấu giá vốn dĩ là của Công ty Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh giờ thuộc về phía tổ chức tín dụng thì Công ty Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh có muốn đòi lại cũng không được.   

Sau khi nhận được đơn khởi kiện của Công ty Thiên Phú, TAND quận 7 đã ban hành văn bản Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không cho Công ty Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh được quyền thế chấp, hay chuyển dịch đối với toàn bộ Dự án Khu dân cư Hòa Lân. Theo bà Oanh, công ty Kim Oanh đã trúng đấu giá theo đúng trình tự pháp lý thì đương nhiên có quyền sở hữu hợp pháp tài sản đấu giá theo luật định. Việc Công ty Kim Oanh TP HCM chưa hoàn thành thanh toán là do yếu tố khách quan và Agribank Chợ Lớn đã đồng ý cho Công ty Kim Oanh TP HCM thanh toán chậm để hoàn tất hồ sơ còn vướng mắc. Ngoài ra, khối tài sản liên quan là toàn bộ Dự án Khu dân cư Hòa Lân có tổng trị giá trên 1.300 tỷ đồng, tuy nhiên, TAND quận 7 chỉ yêu cầu bên khởi kiện nộp bảo lãnh cho Tòa chỉ vỏn vẹn có 1 tỷ đồng?

Theo bà Kim Oanh: “Để mua được tài sản bán đấu giá là Dự án Khu dân cư Hòa Lân thì doanh nghiệp chúng tôi đã phải bỏ ra trên 1.300 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền đó doanh nghiệp phải huy động từ các nhà đầu tư, tiền vốn góp của cán bộ, nhân viên công ty và phần lớn là phải vay lãi xuất cao của các tổ chức tín dụng. Bây giờ toàn bộ dự án đang bị Tòa án quận 7 phong tỏa, không thể triển khai được bất cứ hoạt động gì khiến doanh nghiệp chúng tôi lao đao, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản. Chỉ tính riêng tiền lãi phải trả cho các tổ chức tín dụng đã lên tới cả chục tỷ đồng mỗi tháng, giờ doanh nghiệp chúng tôi không biết kêu ai ?”.

Được biết, TAND quận 7 đã thụ lý vụ án này từ ngày 27/02/2019, thêm 02 lần thông báo thụ lý bổ sung đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử./.

Như Ý