Điều luật quy định về công tác kiểm sát giam giữ tuy chỉ có mấy dòng nhưng nó bao hàm cả một sự nhân đạo của chế độ chúng ta…
Ngày đăng : 08:08, 26/05/2020
“… Trong công tác bắt giam, từ trước tới nay Công an làm tốt, nhưng không phải là không mắc chủ quan, có trường hợp còn thiếu sót, do đó kiểm sát cần phải khách quan thận trọng phê chuẩn lệnh bắt giam để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân, đảm bảo truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Công tác kiểm sát việc xét xử của Toà án cũng vậy; chúng ta không quan niệm rằng chúng ta duyệt xem Toà án xử có đúng không, mà đây chúng ta căn cứ vào tội trạng cụ thể của bị can, nhân thân của bị can, tính chất vụ án để kiểm sát xem Toà án định tội và lượng hình như thế đã đúng với chính sách và pháp luật hay chưa. Trong quan hệ công tác với các ngành, trước hết kiểm sát chúng ta phải có thái độ mềm dẻo, khiêm tốn; nếu không có thái độ mềm dẻo, khiêm tốn thì sẽ tạo nên quan hệ căng thẳng với các ngành bạn, do đó sự hợp đồng xã hội chủ nghĩa để hoàn thành nhiệm vụ chung của cách mạng sẽ bị hạn chế.
Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các trại giam có một ý nghĩa chính trị rất lớn, nó chứng tỏ sự nhân đạo của Nhà nước ta. Khi con người đã phạm tội, đã bị tước quyền tự do, vào ở tù, vẫn có cơ quan giám sát để cho các chế độ cải tạo lao động và giáo dục họ được chấp hành nghiêm chỉnh; nhằm mục đích để khi họ hết hạn tù sẽ trở thành người công dân lương thiện, có nghề nghiệp đảm bảo cuộc sống. Điều luật quy định về công tác kiểm sát giam giữ tuy chỉ có mấy dòng nhưng nó bao hàm cả một sự nhân đạo của chế độ chúng ta. Lâu nay, một phần cũng do chưa quán triệt ý nghĩa chính trị của công tác này, nên các Viện kiểm sát địa phương còn coi nhẹ và làm rất ít công tác kiểm sát giam giữ; và có nơi đã xảy ra tình trạng phạm nhân đã hết hạn tù, nhưng chưa được tha về mà kiểm sát không hề biết đến…
Trên kia tôi nói về chức năng và nhiệm vụ của ngành Kiểm sát theo luật định, nếu các đồng chí còn thấy chưa rõ, thì lấy luật pháp ra mà thảo luận để quán triệt tinh thần của luật pháp. Một số đồng chí kiểm sát địa phương còn cho rằng trong các ngành có các đồng chí Tỉnh uỷ viên, Huyện uỷ viên lãnh đạo, các đồng chí đó nắm vững chính sách và pháp luật, tự giám sát lấy việc thực hiện chính sách pháp luật của cơ quan mình, kiểm sát đi vào sẽ gây thêm khó khăn cho công tác của các ngành đó. Nhận thức như thế là không đúng. Ở Hội đồng Chính phủ có rất nhiều đồng chí Trung ương uỷ viên, không phải vì thế mà loại trừ cơ quan Kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ. Ở địa phương cũng vậy, trong Uỷ ban hành chính và các ngành có các đồng chí Tỉnh uỷ viên, Huyện uỷ viên, nhưng các đồng chí không có điều kiện để nắm toàn bộ việc chấp hành pháp luật, mà cần phải có cơ quan kiểm sát làm tham mưu cho cấp uỷ trong việc bảo vệ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đó là một trong những nguyên tắc tổ chức Nhà nước xã hội chủ nghĩa mà Lênin đã vạch ra…”