Nâng cao phẩm chất, đạo đức của cán bộ đảng viên, bảo vệ tài sản của Nhà nước

Ngày đăng : 07:41, 28/05/2020

(Kiemsat.vn) - Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (28/5/1905 - 28/5/2020) - Viện trưởng đầu tiên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tạp chí điện tử Kiểm sát sưu tầm, giới thiệu bài viết của đồng chí Hoàng Quốc Việt về nâng cao phẩm chất, đạo đức của cán bộ đảng viên, bảo vệ tài sản của Nhà nước (bài đăng trên Báo Nhân Dân ngày 17/1/1974 và Nội san Công tác Kiểm sát 2/1974).

“... Giờ đây chúng ta đã bước sang năm mới với những yêu cầu mới của cách mạng. Nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đòi hỏi chúng ta phải có một quyết tâm mới vươn lên về tư tưởng, tình cảm và phẩm chất đạo đức, nâng lên về trình độ và năng lực về mọi mặt.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta cố gắng bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu xã hội chủ nghĩa, là nền tảng của toàn bộ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trước đây J-Sta-lin đã nói: “Cơ sở của chế độ chúng ta là quyền sở hữu xã hội… Chúng ta, những người cộng sản lại càng phải tuyên bố quyền sở hữu xã hội là thiêng liêng và bất khả xâm phạm…”. Hồ Chủ Tịch cũng đã nhiều lần nhắc nhở mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải quý trọng của công, coi đó là một mặt của đạo đức cách mạng. Điều 40 của Hiến pháp đã ghi rõ: “Tài sản công cộng của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là thiêng liêng không thể xâm phạm. Công dân có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản công cộng. Trong hoàn cảnh giai cấp công nhân đã trở thành người làm chủ và người lãnh đạo xã hội, thì bảo vệ của công là: Vấn đề thuộc lập trường giai cấp. Không coi trọng của công, không coi trọng lao động… thì không thể nói anh có lập trường đúng được”.

Trong thời kỳ còn bị đế quốc thực dân đô hộ, chỉ với bàn tay trắng, nhưng giai cấp công nhân đã biết gắn bó nhau vì lý tưởng chung, vì quyền lợi chung, đã từng đổ xương máu, bị tù đày tra tấn để giành giật lại từng đồng xu lương, từng quyền lợi nhỏ về ăn ở, sinh hoạt. Họ hiểu rất rõ cái giá rất đắt của những quyền lợi đã giành lại được, do đó mà rất quý trọng, luôn luôn chăm lo bảo vệ, giữ gìn nó.

Khi cách mạng tháng Tám thành công, giai cấp công nhân ta bắt đầu làm chủ những tài sản tước đoạt từ tay bọn thực dân, đã đem hết nhiệt tình sửa chữa, khôi phục, tạo ra cơ sở vật chất đầu tiên cho chế độ dân chủ nhân dân của chúng ta.

Nhưng, sau đó không bao lâu, thực dân Pháp trở lại gây chiến tranh xâm lược nước ta. Lúc ấy, ở nhiều nơi, những người công nhân đã anh dũng bảo vệ từng cái máy nhỏ, tổ chức chuyển hàng vạn tấn máy móc, dụng cụ, thiết bị ra chiến khu, thành lập các cơ sở quân giới và cơ ở sản xuất một số mặt hàng thiết yếu khác. Họ chăm sóc chu đáo tài sản ấy như đối với con của mình, vì học hiểu rằng đó là kết quả của bao nhiêu năm đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ, là cơ sở vật chất để đánh thắng giặc xâm lược, để xây dựng đời sống cho bản thân giai cấp mình và cho toàn thể nhân dân. Người công dân đã gắn bó với của công không phải chỉ do nhận thức về lý trí, mà còn do tình cảm giai cấp sâu sắc.

Khi miền Bắc nước ta bước sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, giai cấp công nhân chúng ta trở thành người làm chủ và lãnh đạo toàn bộ nền kinh tế, toàn bộ xã hội. Chúng ta biết rằng cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật của ta còn nghèo, kinh nghiệm quản lý còn ít, đồng thời phải khắc phục những tồn tại trong cách thức làm ăn của nền sản xuất nhỏ. Do đó giai cấp công nhân chúng ta tích cực hưởng ứng và tiến hành các cuộc vận động thực hiện cải tiến quản lý, bảo vệ tài sản Nhà nước, tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Được Đảng và Nhà nước thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng về năng lực quản lý kinh tế, kiến thức khoa học kỹ thuật, đường lối chính sách, luật lệ về quản lý kinh tế, quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa, họ nhận thức được rằng có nắm vững và thực hiện đúng những vấn đề trên đây thì mới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mới bảo đảm tương lai đời sống của bản thân giai cấp mình và của toàn bộ xã hội. Điều này đã giải thích vì sao họ rất quan tâm đến việc đấu tranh nhằm chấm dứt tình hình làm ăn sai chính sách, chế độ, thể lệ của một số cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy rằng những việc làm sai trái như thế thường tạo ra những lỗ rò rỉ để tài sản của Nhà nước lọt ra ngoài, và bị lợi dụng để gây rối cho hoạt động bình thường của nền kinh tế của chúng ta.

Đối với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, đối với tài sản của Nhà nước, thái độ và tình cảm của giai cấp công nhân là như vậy, giác ngộ lập trường giai cấp công nhân là như vậy. Song cũng có lúc, có một số cán bộ, đảng viên thiếu đấu tranh giữ vững bản chất và tình cảm tốt đẹp ấy của giai cấp. Sự sa sút ấy đã dẫn đến tình trạng để phung phí vật tư, nguyên vật liệu của Nhà nước, không xót xa trước những vụ mất mát, hư hỏng tài sản, hàng hoá Nhà nước, hoặc có khi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để xâm phạm của công. Một tình trạng như vậy dễ bị những phần tử xấu bên ngoài xã hội lợi dụng để trộm cắp, lừa đảo tài sản của Nhà nước, kinh doanh trái phép, gây rối trật tự trị an xã hội. Giải quyết tình hình ấy đòi hỏi phải thi hành nhiều biện pháp về các mặt quản lý, giáo dục tư tưởng, phát động quần chúng… Song, với trách nhiệm nặng nề trước Đảng và quần chúng, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta đều nhận thấy rằng biện pháp cơ bản hiện nay vẫn là tự mình phải rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, nâng cao giác ngộ giai cấp, mà một nội dung khá quan trọng là thực hiện đúng đường, lối, chính sách của Đảng luật pháp, chế độ, thể lệ của Nhà nước. Mọi đường lối, chính sách của Đảng phải biến thành công việc của Nhà nước, như đồng chí Lê Duẩn đã nói, và Nhà nước quản lý công việc ấy bằng những luật pháp, chế độ, thể lệ của mình và có hiệu bắt buộc với mọi người. Chúng ta có cố gắng khắc phục một bước tình trạng “có đồng chí dường như coi đó (pháp chế) là cả một gánh nặng, một trở lực; họ cố tìm cách thoát “gánh nặng” và kết quả là gì? Một mặt là độc đoán, chuyên quyền, một mặt là vô chính phủ; độc đoán, chuyên quyền cũng là vô chính phủ”. Nhà nước ta đang dần dần bổ sung các luật lệ về quản lý kinh tế, quản lý tài sản Nhà nước. Yêu cầu hiện nay là chấp hành nghiêm túc các luật lệ ấy. Lấy ví dụ trong vấn đề kế hoạch hoá, các nguyên tắc, luật lệ mà được chấp hành nghiêm túc sẽ bảo đảm tính pháp lệnh, cân đối, vững chắc và hiện thực của kế hoạch, sẽ ngăn chặn được tình trạng móc ngoặc, “chạy” vật tư, tài chính một cách ngang tắt và do đó sẽ bịt những sơ hở mà bọn làm ăn bất chính lợi dụng để đục khoét của công, đầu cơ trục lợi, lũng đoạn thị trường.

Trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của Nhà nước, cần sự tính toán đầy đủ và chi li hơn về lỗ lãi, về hậu quả kinh tế; ở các cơ sở cần xây dựng các định mức hợp lý, chặt chẽ và động viên mọi người ra sức phấn đấu thực hiện nghiêm chỉnh các định mức kinh tế kỹ thuật. Chúng ta đã thấy rõ hơn tác hại của cách làm ăn theo lối hành chính cung cấp, dễ dẫn đến tình trạng vô trách nhiệm đối với những việc làm để xẩy ra mất mát, lãng phí, tham ô. Hiện nay Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ và bản qui định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực quản lý kinh tế đã được ban hành. Các chế độ, thể lệ về hạch toán kinh tế cũng đã được bổ sung dần dần. Có thể nói những luật lệ trên đây đáp ứng lòng mong đợi của cán bộ đảng viên chúng ta muốn rằng quyền hạn, nhiệm vụ trách nhiệm của mỗi người được phân định cho rõ ràng, cụ thể. Chúng ta tin rằng thực hiện đúng đắn những qui định pháp lý này sẽ khắc phục được tình trạng không quy được trách nhiệm cụ thể cho ai cả: Trách nhiệm của cấp trên hay cấp dưới, của ngành này hay ngành kia, của cá nhân hay tập thể… Trên cơ sở thực hiện đúng đắn luật lệ, khi thấy có qui định gì cần sửa đổi hoặc xây dựng bổ sung thì chúng ta đề nghị với Nhà nước, chứ đừng lợi dụng những chỗ chưa chặt chẽ của luật lệ để làm những việc sai đường lối chính sách của Đảng.

Trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất tập thể và cá thể, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc những chính sách và luật lề về các vấn đề như: Xét cấp đăng ký, kiểm tra vấn đề đăng ký; vấn đề ký và thực hiện hợp đồng; vấn đề duyệt giá… Chúng ta có thái độ nghiêm túc như vậy cũng chính là để bảo đảm lợi ích của toàn xã hội và lợi ích của bản thân người kinh doanh, sản xuất, hướng dẫn và giúp đỡ họ phát triển đúng hướng, đồng thời cũng ngăn ngừa không để họ đi chệch vào con đường làm ăn phi pháp như: Hoạt động không có đăng ký, đăng ký một đằng nhưng hoạt động một nẻo, hình thức là hợp tác xã nhưng thực tế hoạt động như tổ sản xuất hoặc theo quan hệ chủ thợ, lợi dụng các hình thức hợp đồng để hoạt động đầu cơ, làm giầu phi pháp với những tài sản, thậm chí với cả kỹ thuật và cán bộ công nhân kỹ thuật rút từ cơ quan, xí nghiệp Nhà nước ra…

Như vậy chúng ta thấy rõ ràng là thực hiện đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng và luật pháp của Nhà nước là một yếu tố rất cơ bản bảo đảm cho nền kinh tế xã hội chủ nghĩa chúng ta hoạt động được bình thường và tài sản của Nhà nước được bảo vệ chặt chẽ. Đảng viên chúng ta cần suy nghĩ để thấy rằng đó cũng là một bảo đảm cho hạnh phúc của dân tộc trong đó có lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của bản thân chúng ta. Có hiểu như thế chúng ta mới có nỗ lực phấn đấu  nâng cao phẩm chất đạo đức, như Nghị quyết 195 đã nêu: “Yêu cầu đối với mỗi đảng viên là: Phấn đấu với nhiệt tình cách mạng và ý thức trách nhiệm cao nhất để thực hiện đúng và có hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng và luật pháp của Nhà nước”. Biết gắn mình vào tổ chức chi bộ, đẩy mạnh sinh hoạt chi bộ, nắm vững vũ khí phê bình và tự phê bình để phấn đấu và kiên quyết đấu tranh giúp đỡ người khác phấn đấu, đó là biểu hiện của người đảng viên có phẩm chất đạo đức, có lập trường vững vàng.

Là người đảng viên, chúng ta đã tự nguyện nhận trách nhiệm đi đầu trong mọi công tác, trong đó có việc đấu tranh chống những việc làm có hại đến nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và tài sản Nhà nước. Điều lệ Đảng đã ghi rõ như thế trong điều 2 nói về 10 nhiệm vụ của đảng viên và Nghị quyết 195 cũng nhắc lại trong các yêu cầu thứ 2 và thứ 5 “Kiên quyết và thẳng thắn chống hành động tham ô, ăn cắp của công…”, ‘Không được giấu diếm sai lầm hoặc báo cáo không đúng sự thật”. Nội dung trên đây cũng đã được Nhà nước ta thể hiện trong nhiều loại văn bản pháp quy khác, qui định rõ thế nào là tham ô trộm cắp, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, cách xử lý với từng trường hợp cụ thể, các thủ tục giải quyết… Ví dụ pháp luật đã qui định là bất cứ ai xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa dù ở mức độ nào cũng phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, chứ không được bỏ qua. Đương nhiên, khi xử lý thì có chính sách cụ thể, tuỳ theo tính chất của sự vi phạm mức độ nặng nhẹ, tác hại gây ra và nhân thân người vi phạm. Pháp luật cũng đã qui định thủ tục và cơ quan có thẩm quyền xử lý từng loại vi phạm nhằm bảo đảm cho việc xử lý được đúng chính sách và pháp luật, khắc phục tình trạng các cơ quan giải quyết chồng chéo với nhau hoặc có việc bỏ sót mà không ai giải quyết. Chúng ta cũng rất tán thành qui định của pháp luật về việc xử phạt hành vi của một số người dùng chức vụ, quyền hạn của mình cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý những kẻ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, cốt để che giấu khuyết điểm về quản lý của mình hoặc vì cảm tình, nể nang, thành tích chủ nghĩa… Pháp luật qui định xử phạt nặng hơn những trường hợp báo cáo không đúng sự thật để che giấu hành vi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa cũng là nhằm hỗ trợ đảng viên phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thứ 9 của đảng viên là “thật thà với Đảng, không giấu diếm, xuyên tạc sự thật”.

Đã tự giác đứng vào hàng ngũ của Đảng, cán bộ, đảng viên chúng ta cũng tự nguyện gánh vác những công việc nặng nề, khó khăn, gian khổ hơn quần chúng. Được Đảng dày công rèn luyện, giáo dục nhiều hơn quần chúng, chúng ta đã đi đầu trong việc thực hiện những nhiệm vụ cách mạng và qua đó mà động viên được nhân dân làm những công việc to lớn như đánh giặc, khắc phục hậu quả của chiến tranh, xây dựng đất nước. Cho nên khi có vi phạm pháp luật thì đảng viên chúng ta cũng tự nguyện nhận phần trách nhiệm nặng nề hơn. Chính vì thế mà quần chúng mến phục, tin yêu Đảng và đảng viên…”.

Công Minh (st)