Bỏ sổ Hộ khẩu giấy: Giấc mơ còn xa vời

Ngày đăng : 14:24, 23/05/2020

(Kiemsat.vn) - Ai cũng rất rõ lợi ích rất lớn khi Bộ Công an đề xuất bỏ Sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý xã hội bằng Mã số định danh cá nhân. Nhưng khi tiến hành mới thấy, đề xuất thì rất dễ dàng, thực thi mới thấy muôn vàn khó khăn.

“Cuốn sổ mỏng” níu chân bao thế hệ

Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền tự do cư trú, đi lại, giao dịch, quyền bầu cử, ứng cử, học tập, làm việc, sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân… là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng và bảo vệ. Việc bỏ Hộ khẩu giấy là góp phần tiến tới công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí; xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân; qua đó, bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.

Cách thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu hiện nay đã có tuổi đời gần 70 năm

Cách thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu hiện nay đã có tuổi đời gần 70 năm, quyển sổ tuy mỏng nhưng gắn liền với rất nhiều thủ tục quản lý hành chính quan trọng đối với công dân như mua bán nhà đất, khám chữa bệnh, học tập, lao động… Cuốn sổ hộ khẩu đã tồn tại gần 70 năm qua với một “quyền năng” không nhỏ đối với nhiều thế hệ các hộ gia đình. Nếu trong thời bao cấp, cuốn sổ hộ khẩu luôn đi kèm với sổ gạo, việc làm… thì này vẫn gắn với không ít thủ tục, giấy tờ, trong đó có cả việc học hành. Việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu như hiện nay cũng đang gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng/ năm, đồng thời gây ra nhiều khó khăn, rườm rà cho công dân khi đi làm các thủ tục hành chính. Trên thực tế, đã có rất nhiều vấn đề nảy sinh từ cuốn sổ hộ khẩu, không ít tiêu cực cũng nảy sinh từ việc “gian lận” để có sổ hộ khẩu.

Với quyết tâm rất lớn, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động quyết liệt để tiến tới xoá bỏ Hộ khẩu giấy, chuyển sang hình thức quản lý xã hội bằng Mã số định danh cá nhân. Mục tiêu là bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ Hộ khẩu, đăng ký tạm trú bằng Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; Bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các thủ tục hành chính có nội dung liên quan đến Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú như: Tách Sổ Hộ khẩu; cấp đổi Sổ Hộ khẩu; cấp lại Sổ Hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu; xóa đăng ký thường trú; xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú; hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi Sổ Tạm trú; cấp lại Sổ Tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Tạm trú; gia hạn tạm trú; hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật.

Những xung đột về luật khó giải quyết

Với sự tồn tại hơn 70 năm, hệ thống quản lý xã hội thông qua “cuốn sổ mỏng” đó chứa đựng những mối quan hệ pháp luật cực kỳ phức tạp. Qua rà soát sơ bộ, Ủy ban Pháp luật nhận thấy có 27 thủ tục hành chính đang được quy định trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Tuy nhiên, theo Bộ Công an, hiện có tới 22 nghị định và 54 thông tư có quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú (Văn bản số 1543/BCA-V03 ngày 07/5/2020 của Bộ Công an).

Cụ thể, nội dung dự thảo Luật còn liên quan đến nhiều luật khác như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam… Một số quy định về nơi cư trú trong dự thảo Luật lại trùng lặp với quy định của Bộ luật Dân sự. Do đó, Uỷ ban Pháp luật Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đối với quy định về Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong các văn bản dưới luật, thì đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất lộ trình sửa đổi để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Cư trú khi được Quốc hội thông qua.

Hiện có tới 22 nghị định và 54 thông tư có quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú

Khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua Mã số định danh cá nhân, bỏ Sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình (trong các lĩnh vực như giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở…) cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân (như về hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng…) vì việc chứng minh hộ gia đình và quan hệ nhân thân hiện đang chủ yếu dựa vào Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Các thủ tục này đang được quy định trong một số văn bản luật và nhiều văn bản dưới luật. Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới, đề nghị cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế các sổ này trong việc chứng minh quan hệ hộ gia đình, xác định quan hệ nhân thân, giải quyết thủ tục hành chính để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.

Cơ sở dữ liệu khổng lồ luôn chậm tiến độ

Khó khăn về luật đã đành, mục tiêu xoá bỏ Hộ khẩu giấy còn đối mặt với những khó khăn khác không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Đầu tiên là vấn đề nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới, đó là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân.

Mã số định danh cá nhân sẽ giúp hàng chục loại giấy tờ cá nhân bị loại bỏ

Theo quy định của Luật Căn cước công dân, số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, do Bộ Công an thống nhất quản lý và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác (Điều 12). Sau hơn 04 năm triển khai thực hiện, theo Tờ trình của Chính phủ, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ Công an thì công tác này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối soát chặt chẽ. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.

Vấn đề khó giải quyết tiếp theo vẫn là vấn đề kinh phí. Theo đó, tổng kinh phí xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được phê duyệt theo Quyết định số 366/QĐ-TTg là 3.085 tỷ, đến nay, mới bố trí được 1.500 tỷ. Để bảo đảm tiến độ hoàn thành việc xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất là bảo đảm việc bố trí đủ vốn cho dự án xây dựng các cơ sở dữ liệu này.

Khó khăn trong chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú

Trong quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân, Sổ hộ khẩu trong nhiều trường hợp cũng là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch dân sự, liên quan đến những vấn đề sống còn hàng ngày của người dân. Ví dụ như mua bán điện, theo hướng dẫn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hồ sơ khách hàng cần cung cấp để mua điện cho mục đích sinh hoạt gồm có bản sao của một trong các giấy tờ có tên của tổ chức/cá nhân tại điểm mua điện, trong đó có Hộ khẩu thường trú hoặc Sổ tạm trú.

Cần làm rõ trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước

Hay như vấn đề nước sinh hoạt, theo hướng dẫn của Công ty VIWACO, hồ sơ khách hàng cần cung cấp để mua nước sinh hoạt gồm văn bản đề nghị cấp nước sạch (theo mẫu) và Hộ khẩu thường trú hoặc Sổ đăng ký tạm trú dài hạn (KT3). Sổ Hộ khẩu giấy là phương thức nhằm xác thực thông tin về nhân thân và nơi cư trú của bên sử dụng dịch vụ. Khi không còn Sổ hộ khẩu thì việc thực hiện các giao dịch này có thể sẽ khó khăn vì các bên không thể tự mình truy cập Cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết; nếu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin thì phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà và tăng thêm chi phí, thời gian.

Do đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị làm rõ và quy định ngay để làm rõ trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước; việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu về cư trú của tổ chức, cá nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú… trong các cơ sở dữ liệu.

Vĩ thanh

Nếu chúng ta thành công thì đây là một bước tiến rất quan trọng vì việc quản lý sẽ dựa vào mã số định danh công dân, làm được sẽ tiết kiệm được rất nhiều từ lập kê khai hộ khẩu, bổ sung nhân khẩu đến quản lý tạm trú. Đây là một quyết định rất đúng đắn, sáng suốt và hợp lòng dân, rất phù hợp trong chủ trương cải cách hành chính, giảm tất cả những giấy tờ không cần thiết cho công dân của Đảng, Chính phủ. Đây cũng là một xu hướng tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0 cũng như việc xây dựng Chính phủ điện tử, để quản lý dân cư một cách đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, giảm bớt các thủ tục rườm ra, phiền hà cho người dân. Bỏ sổ Hộ khẩu giấy cũng giúp ngân sách nhà nước tiết mỗi năm khoảng 1.600 tỷ đồng (theo Bộ Công an).

Lòng dân đã thuận, Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm, chúng ta tin tưởng Việt Nam sẽ một lần nữa khắc phục những khó khăn chồng chất để hoàn thành công việc lợi cho dân, cho nước này.

Minh Tú