Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí: Chúng tôi đủ căn cứ kháng nghị vụ Hồ Duy Hải
Ngày đăng : 13:51, 18/05/2020
"Trong vụ án Hồ Duy Hải, báo chí đăng rất nhiều rồi, với tư cách Viện trưởng VKSND Tối cao tôi cũng không nói nhiều về việc này nữa. Chỉ xin ngắn gọn thế này, cho tới giờ Viện trưởng vẫn tin đang làm đúng trách nhiệm của mình", ông Lê Minh Trí nói tại buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với cử tri quận 5, 10, 11 - khi có 7/9 ý kiến đề cập đến quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, sáng 18/5.
Ông Trí cho biết, quá trình VKSND Tối cao xem xét vụ việc thấy có nhiều chứng cứ còn mâu thuẫn, chưa được làm rõ. Vì vậy, căn cứ quy định của tố tụng hình sự, khi có những dấu hiệu như thế thì đó là căn cứ để kiến nghị xem xét lại vụ án.
"Viện trưởng không nói Hồ Duy Hải có tội hay không. Nhưng thấy còn nhiều cái sai sót và nhiều chứng cứ chưa chặt chẽ, thậm chí còn mâu thuẫn giữa hiện trường, mâu thuẫn giữa lời khai, thực nghiệm điều tra... Viện trưởng thấy cần thiết phải kháng nghị yêu cầu hủy bản án phúc thẩm, sơ thẩm để điều tra lại một cách thận trọng, khách quan", ông Trí nói và cho biết việc này cũng là để đảm bảo tính mạng của người dân tốt hơn, khi chưa có chứng cứ thuyết phục khẳng định có hay không giết người.
Một lần nữa, ông Lê Minh Trí cho rằng VKSND Tối cao kháng nghị có căn cứ và đúng thẩm quyền. Bản thân ông làm theo trách nhiệm với nhân dân, trách nhiệm thực thi pháp luật. "Còn cử tri hỏi TAND Tối cao đúng hay VKSND Tối cao đúng, hãy để cấp có thẩm quyền quyết định", ông Trí nói.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng nay. Ảnh: Hữu Công.
Trước đó, đề cập đến phiên giám đốc thẩm, cử tri Nguyễn Lâm Sanh (ngụ quận 5) nói, không bàn đến việc bị cáo có oan hay không, chỉ đề cập việc VKSND Tối cao kháng nghị là rất đúng đắn và phù hợp với hiến pháp trong bối cảnh vụ án có nhiều vấn đề chưa rõ ràng.
"Nhưng tại sao 17 thẩm phán lại bác và cho rằng kháng nghị sai luật pháp? Tôi thấy dư luận đang không thoả đáng với kết luận của phiên toà giám đốc thẩm vừa qua. Trình độ người dân giờ khác rồi, không phải cán bộ muốn làm gì làm. Tôi nghĩ Quốc hội phải có vai trò giám sát và nên đưa vấn đề Viện kháng nghị đúng hay tòa án bác kháng nghị đúng cho rõ ràng", ông Sanh nói.
Cử tri Mai Thanh Hà nói "không thể chấp nhận" quan điểm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao khi cho rằng "quá trình điều tra vụ án Hồ Duy Hải có một số sai phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án". "Việc này sẽ tạo ra tiền lệ rất nguy hiểm, để các cơ quan điều tra làm những việc trái pháp luật, miễn là không làm sai lệch bản chất vụ án", ông Hà nói.
Trong khi đó, cử tri Trần Lương Lai đề cập đến quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội. "Nếu được hỏi có tin vào phát biểu của các đại biểu này không, tôi trả lời rằng hoàn toàn tin tưởng", ông Lai nói. Bởi họ đã nói lên nỗi lòng của dân, dám nói những điều mà người khác không dám. "Mong Quốc hội sẽ vào cuộc để xem xét thấu đáo vụ án này. Nếu sai thì phải sửa, trả lại cho đất nước nền công lý trong sáng".
Cử tri Nguyễn Lâm Sanh nói về pháp lý liên quan kháng nghị của VKSND Tối cao. Ảnh: Hữu Công.
Theo nội dung vụ án, tối 13/1/2008 Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi (Long An) chơi - nơi chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và em họ tên Vân (21 tuổi) làm việc. Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng nhưng không thực hiện được nên sát hại cô và người em.
TAND tỉnh Long An và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên phạt bị cáo mức án tử hình. Sau nhiều năm Hải không được chấp nhận đơn xin giảm án và ân xá, gia đình anh này đi kêu oan. Đến ngày 22/11/2019, VKSND Tối cao kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao giám đốc thẩm vụ án theo hướng huỷ cả hai bản án.
Hôm 8/5, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao bác kháng nghị này, đồng thời xác định kháng nghị đề nghị hủy án của VKSND Tối cao là "không phù hợp với pháp luật" bởi luật không cho phép Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao kháng nghị xem xét lại vụ án khi quyết định bác ân giảm của Chủ tịch nước đang có hiệu lực pháp luật.
Theo Điều 404 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao chỉ được xem xét lại khi có căn cứ xác định vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoặc phát hiện tình tiết quan trọng làm thay đổi cơ bản nội dung. Lúc đó, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu; Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị, Chánh án TAND Tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao mở phiên họp để xem xét lại.