Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Khẩn trương và Trách nhiệm
Ngày đăng : 18:27, 08/05/2020
Phiên họp ngắn nhưng khối lượng công việc lớn
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 03 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gồm dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số chính sách đặc thù khác (nếu có).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến Bắc-Nam phía Đông (nếu kịp chuẩn bị).
Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngoài các nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có thể xem xét công tác nhân sự của các cơ quan nếu kịp chuẩn bị.
Khẩn trương và trách nhiệm
Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ điều hành Phiên họp |
Trình bày dự thảo Báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã tổng hợp được 2.102 kiến nghị, các kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 2.008 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 95,53%. Trong đó có 59 kiến nghị gửi đến Quốc hội, chiếm 2,8% (23 kiến nghị về xây dựng pháp luật và 36 kiến nghị về hoạt động giám sát).
Thời gian qua, thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid – 19, dưới sự chỉ đạo của sát sao của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã linh hoạt điều chỉnh phương thức hoạt động, tạm hoãn các hoạt động giám sát tại địa phương, hạn chế tập trung đông người. Thay vào đó là, tăng cường làm việc và họp trực tuyến trong nội bộ cơ quan và với các Bộ, ngành, địa phương… bảo đảm đúng chương trình, kế hoạch công tác. Toàn bộ kiến nghị cử tri gửi đến các cơ quan của Quốc hội đã được xem xét trả lời thấu đáo, đầy đủ, đúng thời hạn, đạt 100%, bảo đảm giữ vững mối quan hệ chặt chẽ với cử tri trong mọi hoàn cảnh.
Đối với Chính phủ, có 1.951 kiến nghị, chiếm 92,82% tổng số kiến nghị, đã giải quyết, trả lời 1.858 kiến nghị, đạt 95,23%. Cụ thể, 1.498 kiến nghị, chiếm 80,62% được giải trình, cung cấp thông tin và 136 kiến nghị, chiếm 7,32% đã giải quyết xong. 224 kiến nghị, chiếm 12,06% đang xem xét, giải quyết, trong đó có 135 kiến nghị đã có lộ trình giải quyết, đạt 60,27%.
Theo chương trình, phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục vào sáng ngày 15/5 với hai nội dung lớn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020. Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.