Bổ sung đối tượng có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án
Ngày đăng : 17:28, 03/05/2020
Đó là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 17/3/2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2020.
Nghị định số 33/2020/NĐ-CP quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Tại Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP, Chính phủ đã sửa đổi quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành án dân sự. Theo đó, bổ sung cơ quan đại diện chủ sở hữu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án. Trước đây tại Điều 3 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chỉ cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án.
Ngoài ra, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP còn quy định thêm trường hợp trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ.
Quy định về áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án có bổ sung thêm trường hợp đương sự, người đang quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản không thực hiện theo yêu cầu của Chấp hành viên thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Chấp hành viên tổ chức cưỡng chế mở khóa, mở gói; buộc ra khỏi nhà, công trình xây dựng, tài sản gắn liền với đất hoặc các biện pháp cần thiết khác để kiểm tra hiện trạng, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản hoặc giao tài sản cho cá nhân, tổ chức khác bảo quản theo quy định của pháp luật; trường hợp sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế mà không thực hiện được việc giao bảo quản đối với tài sản theo quy định tại Điều 58 Luật Thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp, hỗ trợ bảo quản trong thời gian chưa xử lý được tài sản.”
Bên cạnh đó, điều kiện chuyển tiếp cũng được Nghị định này quy định cụ thể. Đối với việc thi hành án đã thi hành một phần hoặc chưa thi hành xong trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng đã thực hiện các thủ tục về thi hành án theo đúng quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành thì kết quả thi hành án được công nhận; các thủ tục thi hành án tiếp theo được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định này.
Xem thêm các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP tại đây.